Kiệt sức về tinh thần: Định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng
Với tốc độ phát triển cực đại của công nghiệp 4.0 cùng guồng quay công việc nhanh chóng như hiện nay, tình trạng kiệt sức về tinh thần hay tinh thần bất ổn đang xuất hiện nhiều hơn trên nhiều nhóm người với độ tuổi và địa vị khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thật sự đã hiểu hết về mối nguy hại đến sức khỏe thầm lặng này?
Mục Lục
1. Kiệt sức về tinh thần là gì?
Căng thẳng là điều mà mọi người đều trải qua theo thời gian. Đây được xem là phản ứng tự nhiên của cơ thể chúng ta trước những tình huống tích cực và tiêu cực mới, thú vị hoặc đáng sợ. Phản ứng sinh học này dẫn đến sự gia tăng của các hormone căng thẳng, bao gồm adrenaline và cortisol. Việc tăng cường hormone này giúp chúng ta phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa được nhận thức và các tình huống áp lực cao đòi hỏi suy nghĩ nhanh chóng. Khi tác nhân gây căng thẳng đã được loại bỏ, cơ thể của bạn sẽ trở lại bình thường.
Tuy nhiên, sự kiệt sức về tinh thần thường là kết quả của sự căng thẳng trong thời gian dài. Nó có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp và cạn kiệt cảm xúc, đồng thời khiến cho những trách nhiệm và vấn đề của bạn dường như không thể vượt qua được. Tinh thần bất ổn, cảm giác xa cách và thờ ơ với cuộc sống có thể tàn phá mọi khía cạnh cả cá nhân và công việc của bạn. Bạn có thể cảm thấy bị mắc kẹt trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và không còn đủ sức lực để vượt qua bất kỳ thử thách hay vấn đề gì.
2. Nhận biết kiệt sức về tinh thần như thế nào?
Tinh thần kiệt quệ thường gây ra các triệu chứng về thể chất cũng như cảm xúc. Bên cạnh đó, trạng thái này cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của bạn, mà những người khác có thể nhận thấy ngay cả trước khi bạn thực hiện một việc gì đó.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ các tác động tiêu cực mà triệu chứng tinh thần bất ổn có thể khác nhau ở mỗi người và thường bắt đầu biểu hiện dần dần trong giai đoạn bị căng thẳng tột độ. Nếu căng thẳng tiếp tục đè nặng, bạn sẽ cảm tưởng như mình đang ở trong một cái hố tối tăm và không thể nhìn thấy lối thoát của mình.Nhiều người gọi điều này là “kiệt sức“, mặc dù đây không phải là một thuật ngữ y tế được công nhận chính thức.
Các dấu hiệu cảm xúc của sự kiệt sức về tinh thần có thể bao gồm:
- Phiền muộn
- Sự lo ngại
- Hoài nghi hoặc bi quan
- Thờ ơ (cảm giác không được quan tâm)
- Lựa chọn không gian một mình
- Dễ phẫn nộ
- Cảm giác tuyệt vọng
- Cảm giác sợ hãi
- Thiếu động lực
- Giảm năng suất
- Khó tập trung
Các dấu hiệu kiệt quệ về thể chất của tinh thần có thể bao gồm:
- Đau đầu, đau bụng
- Nhức mỏi cơ thể, mệt mỏi kéo dài
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Mất ngủ
- Rối loạn cân nặng, tăng cân hoặc giảm cân bất thường
- Gia tăng bệnh tật, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm do hệ miễn dịch bị suy giảm
Tình trạng tinh thần kiệt quệ có thể khiến bạn cư xử theo những cách không phù hợp với bản thân. Các dấu hiệu hành vi có thể bao gồm:
- Hiệu suất kém trong công việc
- Rút lui hoặc tự cô lập mình với xã hội
- Không có khả năng giữ và chịu trách nhiệm trong cuộc sống cá nhân hoặc công việc
- Nghỉ phép hoặc nghỉ học thường xuyên hơn
Ngoài ra, bạn có thể bị kiệt sức về tinh thần và cả thể chất. Kiệt sức về thể chất, là trạng thái mệt mỏi tột độ không ngừng khiến bạn kiệt quệ về thể chất, là một tác dụng phụ có thể gây ra khi kiệt sức về tinh thần. Một đánh giá năm 2017 về 11 nghiên cứu đã ghi nhận rằng tình trạng kiệt sức về tinh thần làm suy yếu hiệu suất thể chất và có thể khiến những công việc đơn giản hoặc bài tập thể dục cảm thấy đòi hỏi và đánh thuế thể chất nhiều hơn đáng kể.
3. Nguyên nhân kiệt quệ về tinh thần
Thuật ngữ kiệt sức và kiệt quệ về tinh thần thường được dùng để chỉ việc làm việc quá sức hoặc liên quan đến căng thẳng ở nơi làm việc. Ngoài ra, tình trạng kiệt sức về tinh thần có thể gây ra bởi một thời gian dài căng thẳng dai dẳng trong bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống của bạn.
Mặc dù các tác nhân gây kiệt sức về tinh thần không giống nhau ở tất cả mọi người, nhưng một số nguyên nhân phổ biến như:
- Công việc áp lực cao, chẳng hạn như nhân viên ứng cứu khẩn cấp và giáo viên
- Làm việc nhiều giờ
- Căng thẳng tài chính và nghèo đói
- Bất mãn với công việc
- Là người chăm sóc cho người thân ốm yếu hoặc già yếu
- Sống chung với bệnh mãn tính
- Sự ra đi của một người thân yêu
- Sinh con và nuôi dạy con cái
- Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống kém
- Thiếu hỗ trợ xã hội
4. Hướng dẫn phục hồi sức khỏe sau kiệt sức về tinh thần
Có những biện pháp làm thay đổi lối sống mà bạn có thể sử dụng tại nhà để giúp đối phó với căng thẳng và giảm bớt các triệu chứng kiệt sức về tinh thần.
4.1. Loại bỏ tác nhân gây căng thẳng
Không phải lúc nào bạn cũng có thể loại bỏ được nguồn gốc gây ra căng thẳng, nhưng đó là cách tốt nhất để điều trị tình trạng này.
Nếu bạn bị choáng ngợp bởi trách nhiệm ở nhà hoặc cơ quan, hãy cân nhắc yêu cầu giúp đỡ hoặc giao một số công việc của bạn cho người khác.
Tranh thủ sự trợ giúp của các dịch vụ chuyên nghiệp là một cách khác để giúp bạn giảm bớt gánh nặng, chẳng hạn như dịch vụ chăm sóc hoặc người giúp việc tại nhà nếu bạn có người thân cần chăm sóc. Các trách nhiệm khác mà bạn có thể thuê ngoài là trông trẻ, dọn dẹp và làm việc vặt.
4.2. Dành thời gian nghỉ ngơi
Thời gian để nghỉ ngơi và nạp năng lượng là một phần quan trọng trong việc điều trị chứng kiệt sức về tinh thần. Có thể là một kỳ nghỉ kéo dài, dừng lịch trình công việc của bạn trong vài ngày hoặc thậm chí chỉ dành một chút thời gian cho bản thân mỗi ngày.
Đi dạo vào giờ nghỉ trưa hoặc xem phim với bạn bè mỗi tuần một lần có thể làm nên điều kỳ diệu đối với mức độ căng thẳng của bạn.
4.3. Vận động thể chất
Thật không dễ dàng để tìm thấy động lực để tập thể dục ngay cả vào một ngày đẹp trời, nhưng tập thể dục mang lại nhiều lợi ích mà đã được chứng minh cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Bạn không cần phải tham gia vào một hoạt động phức tạp hoặc cường độ cao để gặt hái những lợi ích tức thì. Thay vào đó, tập thể dục vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh cũng nên được cân nhắc.
Các lợi ích khác đã được chứng minh của việc tập thể dục bao gồm:
giảm mức độ căng thẳng, giảm lo lắng, cải thiện tâm trạng, tăng cường hệ thống miễn dịch.
4.4. Ngủ nhiều hơn
Giấc ngủ là cần thiết cho sức khỏe tinh thần của bạn. Theo khuyến cáo từ các nhà khoa học, bạn nên cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm.
Một trong những cách tốt nhất để đảm bảo bạn có một giấc ngủ ngon là tránh dành quá nhiều thời gian trên giường suốt cả ngày. Xây dựng thói quen trước khi đi ngủ và tuân thủ nó, chẳng hạn như đọc sách nhẹ trong vài phút vào cùng một thời điểm mỗi đêm.
4.5. Viết nhật ký
Những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực có thể tác động xấu hơn đến tinh thần của bạn, và là một phần gây nên sự kiệt sức. Viết nhật ký để viết ra những điều bạn biết ơn mỗi ngày có thể giúp bạn tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
4.6. Điều trị y tế
Tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia đối với tình trạng kiệt sức về tinh thần cũng là một điều quan trọng. Một chuyên gia sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như bác sĩ tâm lý, có thể cung cấp cho bạn những công cụ cần thiết, phù hợp nhất với bản thân để bạn đối phó với căng thẳng và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ngoài ra, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng của bạn. Khi đó, bác sĩ có thể cân nhắc các loại thuốc để giúp kiểm soát các triệu chứng, vượt qua sự kiệt quệ về tinh thần bằng các kỹ thuật và liệu pháp khác. Các loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị suy kiệt tinh thần bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu và thuốc hỗ trợ giấc ngủ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline, verywellmind