Kiện quyết định hành chính hay kiện hành vi hành chính?

Tòa án cho rằng đối tượng bị kiện là quyết định hành chính, nhưng Viện kiểm sát nó phải xem lại, các chuyên gia thì khẳng định là hành vi hành chính.

Tháng 6/2013, ông Bùi Văn T. gửi hồ sơ lên UBND xã Sông Phan để UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận) cấp giấy đỏ 96.000 m2 đất (thuộc năm thửa khác nhau) cho ông. Sau đó UBND xã trả lời là hồ sơ của ông không đủ điều kiện cấp giấy đỏ theo Luật đất đai.

Tòa án xác định kiện quyết định hành chính, Viện kiểm sát cho rằng kiện hành vi hành chính

Ông T khiếu nại đến UBND huyện Hàm Tân. Hai tháng sau, UBND huyện ra công văn trả lời khẳng định việc từ chối của UBND xã là đúng. Phần cuối cùng của công văn nêu rõ nội dung trả lời là thông báo cho ông T biết. Người ký ban hành công văn này là phó chủ tịch UBND huyện (ký thay chủ tịch) chứ không phải chủ tịch UBND huyện thay mặt UBND (ký, đóng dấu).
Đầu năm 2014, ông T đã khởi kiện “hành vi hành chính không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của UBND huyện ra TAND huyện này. Nhưng sau khi thụ lý, tòa đã mời ông lên để điều chỉnh lại đối tượng khởi kiện thành “yêu cầu hủy bỏ quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai”.
Tại phiên xử sơ thẩm ngày đầu 9/2014, tòa án vẫn xác định đây là vụ kiện quyết định hành chính. Đại diện Viện kiểm sát thì có quan điểm khác. Theo đại diện Viện kiểm sát, công văn trả lời khiếu nại của ông T là văn bản hành chính cá biệt của chủ tịch huyện (phó chủ tịch huyện ký thay) nên phải kiện hành vi hành chính mới đúng. Nếu xác định văn bản này là quyết định hành chính của UBND huyện thì phải xem lại thẩm quyền ban hành. Trong trường hợp này người ký phải là chủ tịch huyện thay mặt UBND huyện mới chính xác.
Hội đồng xét xử xác định đối tượng khởi kiện là công văn trả lời khiếu nại của UBND huyện. Bởi công văn này chứa nội dung của quyết định hành chính, do đó việc tòa án xác định đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính là đúng (căn cứ Điều 1 Nghị quyết 02/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính).
Ngoài ra, Hội đồng xét xử nhận định theo các quy định hiện hành, việc phó chủ tịch huyện ký thay chủ tịch huyện trong công văn của UBND là không đúng thẩm quyền. Nhưng thực chất công văn này là ý kiến của UBND huyện, nên dù phó chủ tịch có ký thay chủ tịch thì cũng không ảnh hưởng đến nội dung của quyết định.

Đối tượng bị kiện là hành vi không cấp đất
Các chuyên gia nhận xét trong vụ án này, tòa án phải xác định đối tượng khởi kiện là hành vi hành chính mới chính xác. Các chuyên gia cho rằng: Theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 02/2011, việc kiện những văn bản thể hiện dưới hình thức thông báo, kết luận, công văn chứa đựng nội dung của quyết định hành chính thì được coi là kiện quyết định hành chính. Tuy nhiên, cụm từ “chứa đựng nội dung của quyết định hành chính” phải được hiểu là văn bản đó có nội dung buộc hoặc không buộc người được thông báo thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Ví dụ, ngoài việc trả lời bác khiếu nại, công văn còn buộc đương sự phải chấp hành việc đóng phạt một khoản tiền… Lúc đó mới có thể coi công văn này là văn bản chứa đựng nội dung của quyết định hành chính vì quyết định hành chính về bản chất là buộc đối tượng phải thực hiện một vấn đề cụ thể. Trong khi đó, công văn trả lời của UBND huyện Hàm Tân cho ông T chỉ hàm chứa một nội dung thông báo không cấp giấy đỏ chứ không buộc hay buộc ông T phải làm gì.
Công văn trả lời khiếu nại của UBND huyện Hàm Tân có ý nghĩa và nội dung như một thông báo về kết quả xử lý yêu cầu của ông T chứ không chứa đựng nội dung của quyết định hành chính (nội dung công văn cũng có chữ “thông báo cho ông T biết”). Công văn này đơn thuần chỉ mang tính thông báo chứ không mang dáng dấp của quyết định hành chínhtheo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2011.
Trong trường hợp trên, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đỏ là UBND huyện Hàm Tân, nên tòa án phải xác định đối tượng bị kiện là hành vi không cấp giấy, gắn với chủ thể UBND huyện. Như vậy tòa án phải xác định người bị kiện là UBND huyện, mà người đại diện là chủ tịch UBND huyện. Do vụ án đã được xử sơ thẩm (tòa bác yêu cầu khởi kiện của ông T) nên Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị, ông T có quyền kháng cáo để cấp phúc thẩm xác định lại đối tượng bị kiện.

—–

Trích Điều 1 Nghị quyết 02/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao
1. Quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó) bao gồm:

a) Quyết định hành chính được cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính;

b) Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính được hướng dẫn tại điểm a khoản này.

2. Hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật…

Theo Pháp luật TP