Kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn
Nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ và con, vấn đề nuôi con chung của vợ chồng khi ly hôn được đặt ra về việc ai có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung, vấn đề thăm nom, giáo dục con chung chưa thành niên, bên cạnh đó là sự đóng góp, cấp dưỡng nuôi con chung của hai vợ chồng
Mục Lục
Một số khái niệm.
Khái niệm ly hôn và hậu quả pháp lý của ly hôn.
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”[1]. Ly hôn tất yếu sẽ kéo theo hậu quả pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt những quan hệ HN&GĐ, cụ thể[2]:
Quan hệ nhân thân của vợ chồng chấm dứt, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm các quyền và nghĩa vụ như: Nghĩa vụ sống, nghĩa vụ yêu thương và chung thuỷ, nghĩa vụ chăm sóc và giúp đỡ nhau,… Nhưng một khi hai vợ chồng ly hôn các quyền và nghĩa vụ trên sẽ không phải ràng buộc thực hiện nữa.
Quan hệ tài sản của vợ chồng, khi ly hôn chế độ tài sản chung của vợ chồng được chấm dứt và tài sản chung được chia cho mỗi bên vợ chồng sẽ thuộc sở hữu riêng của mỗi người.
Nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ và con, vấn đề nuôi con chung của vợ chồng khi ly hôn được đặt ra về việc ai có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung, vấn đề thăm nom, giáo dục con chung chưa thành niên, bên cạnh đó là sự đóng góp, cấp dưỡng nuôi con chung của hai vợ chồng.
Nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn, việc cấp dưỡng giữa vợ chồng sau khi ly hôn được đặt ra nếu một bên vợ hoặc chồng túng thiếu. yêu cầu cấp dưỡng và có lý do chính đáng.
Khái niệm con chung và căn cứ xác định con chung.
Việc ly hôn chỉ làm chấm dứt quan hệ hôn nhân vợ chồng chứ không làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con giữa vợ chồng và con chung. Do đó, khi cha, mẹ ly hôn thì vấn đề con chung là một trong những vấn đề quan trọng cần xem xét giải quyết. Với Luật HN&GĐ, khái niệm “con chung của vợ chồng” được đặt ra đối với vợ chồng có quan hệ hôn nhận hợp pháp – tức là có giấy đăng ký kết hôn theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Vậy, con chung của vợ chồng là con mà vợ chồng được xác định là cha, mẹ của người đó, bao gồm cả con đẻ và con nuôi[3].
Điều 88 Luật HN&GĐ 2014 đã quy định rõ ràng về căn cứ xác định con chung của vợ, chồng. Cụ thể, trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, hoặc người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân hoặc sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân thì đứa trẻ sinh ra sẽ được xác định là con chung của người vợ với chồng. Trong trường hợp con được sinh ra trước khi vợ chồng đăng ký kết hôn, nhưng được vợ chồng thừa nhận là con chung, thì đứa trẻ vẫn được xác định là con chung của vợ chồng.
Trong các trường hợp trên, toà án sẽ dựa vào giấy khai sinh của con để xác định bố, mẹ. Trong trường hợp trong quá trình ly hôn, người vợ hoặc người chồng không đồng ý rằng đứa trẻ là con chung của cả hai thì cần phải tự cung cấp chứng cứ chứng minh trước Toà án[4]. Mặt khác, con chung của vợ chồng khi đã thành niên và có khả năng lao động thì không thuộc đối tượng con chung phải giải quyết khi vợ chồng ly hôn.
Giải quyết con chung khi cha, mẹ ly hôn.
Vậy, đối tượng con chung là trọng tâm trong quan hệ con chung của vợ chồng khi ly hôn bao gồm con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự mình nuôi, là đối tượng cần được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích mọi mặt. Do đó, giải quyết vấn đề con chung của vợ chồng khi ly hôn là toàn bộ quy định của pháp luật về xác định quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng khi ly hôn nhằm bảo vệ quyền lợi mọi mặt của con chung. Hoạt động giải quyết vấn đề con chung khi cha, mẹ ly hôn được tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.
Vấn đề ai là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có thể được hai bên đương sự (vợ, chồng) tự thoả thuận với nhau và được Toà án ghi nhận trong quyết định, bản án. Trong trường hợp hai bên không thể tự thoả thuận được với nhau, Toà án sẽ xem xét, giao quyền nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng (căn cứ khoản 2 Điều 81 Luật HN&GĐ 2014). Cụ thể:
Với việc toà án tôn trọng thoả thuận của hai bên đương sự, xuất phát từ thực tiễn bố, mẹ là người gần gũi với con cái, đồng thời là một trong những người hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện, tính cách, con người đối phương. Do đó mà các bên biết được rằng lựa chọn ai là người trực tiếp nuôi con thì sẽ có lợi cho những đứa con của họ.
[1] Khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014.
[2] Nguyễn Xuân Tùng (2018), “Áp dụng pháp luật giải quyết vấn đề nuôi con chung của vợ chồng khi ly hôn”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr. 8 – 9.
[3] Nông Thị Trang (2019), “Giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Kạn”, Luật văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr. 7.
[4] Khoản 2 Điều 88 Luật HN&GĐ 2014.
Một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn
Vấn đề hoàn thiện pháp luật.
Thứ nhất, hoàn thiện một số thuận ngữ liên quan đến giải quyết vấn đề con chung khi vợ chồng ly hôn. Theo đó, một số thuật ngữ cần được quy định cụ thể bao gồm: “không có khả năng lao động” và “không có tài sản để tự nuôi mình”. Những cụm từ phải được hiểu một cách chính xác hơn có nghĩa là “không có khả năng lao động” là việc một người bị hạn chế về sức khoẻ và độ tuổi làm hạn chế hoặc mất khả năng lao động, gây ảnh hưởng đến thu nhập của bản thân hoặc là người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm tạo thu nhập. “Không có tài sản để tự nuôi mình” là việc một người không có tài sản hoặc nếu có tài sản nhưng tài sản đó không thể khai thác để sinh lợi hoặc có thể khai thác nhưng giá trị rất nhỏ không đảm bảo nhu cầu sống thiết yếu của người đó.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về vấn đề tạm ngừng cấp dưỡng. Cụ thể, nên quy định điều kiện được tạm ngừng cấp dưỡng là người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải lâm vào “tình trạng khó khăn về kinh tế”. Một người được coi là khó khăn về kinh tế là người không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng mức thu nhập thấp và với mức thu nhập đó người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thể lo cho cuộc sống của mình. Đồng thời, họ cũng không có tài sản giá trị hoặc có tài sản nhưng không thể sinh lời, hoặc có thể sinh lời nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu sống thiết yếu của họ. Thậm chí họ có tài sản nhưng sau khi bán đi cũng không thể có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Ngoài ra, Luật HN&GĐ 2014 cần bổ sung thêm về thời điểm kết thúc tạm ngưng cấp dưỡng. Trường hợp đối tượng được cấp dưỡng là người chưa thành niên thì thời điểm kết thúc tạm ngừng cấp dưỡng phải trước thời điểm người được cấp dưỡng tròn 18 tuổi.
Thứ ba, quy định rõ những loại hành vi nào được cho là “cản trở” hoặc “gây ảnh hưởng xấu” đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con để áp dụng thống nhất trong thực tiễn giải quyết[1]. Có thể quy định thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều luật hoặc ban hành văn bản hướng dẫn kèm theo.
Vấn đề nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Về phía Nhà nước, cần:
Một, các cơ quan lập pháp cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện và hướng dẫn những bất cập trong các quy định của pháp luật về HN&GĐ nói chung và các quy định về giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn để tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý cho các cán bộ Toà án trong quá trình áp dụng pháp luật[2].
Hai, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về HN&GĐ cho người dân để họ có ý thức riêng về việc xây dưng một đời sống gia đình văn hoá, tuân thủ pháp luật, tuyên truyền, xoá bỏ những hủ tục, những phong tục, tập quán lạc hậu về vấn đề ly hôn nói chung và giải quyết vấn đề con chung khi vợ chồng ly hôn nói riêng ở một số vùng đồng bào dân tộc ít người. Từ đó hạn chế những tranh chấp nảy sinh liên quan tới vấn đề con chung khi ly hôn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là của người vợ và con chưa thành niên.
Ba, TAND các cấp quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức giữ chức danh tư pháp bằng cách tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Toà án, Hội thẩm nhân dân của tỉnh[3].
Bốn, cơ quan có thẩm quyền tăng cường kiểm tra các bản án, quyết định của TAND tỉnh, đồng thời chú trọng công tác kiểm tra định kỳ và công tác tự kiểm tra của từng đơn vị để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những sai sót nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án.
Năm, TAND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của TAND tối cao theo quy định và hướng dẫn đã có của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bởi, việc công khai bản án là biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Toà án, đặc biệt là Thẩm phán, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Hơn thế, mã hoá bản án đăng trên cổng thông tinlà một hình thức tiếp cận hiệu quả tới người dân.
Sáu, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cần tích cực phối hợp chặt chẽ với Toà án trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, xác minh,… để góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử của cơ quan Toà án nói chung và giải quyết vấn đề con chung khi vợ chồng ly hôn nói riêng.
Về phía người dân, mỗi người dân đều cần chủ động trau dồi kiến thức pháp luật, kịp thời cập nhập những thay đổi trong quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật. Đồng thời, mỗi công dân cần tự ý thức rõ được vai trò, quyền lợi, cũng như nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ với gia đình, anh em họ hàng. Trong trường hợp sinh sống tại địa phương nơi còn tồn tại những phong tục cổ hủ, lạc hậu, mỗi người dân cần tự ý thức được quan niệm nào là đúng/sai, đồng thời vận động người thân từ bỏ những hủ tục lạc hậu đó, góp phần nâng cao đời sống trong cộng đồng.
[1] Nông Thị Trang (2019), “Giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Kạn”, Luật văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr.67 – 68.
[2] Nông Thị Trang (2019), “Giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bắc Kạn”, Luật văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr.69 – 70.
[3] Lý Thị Luân (2019), “Hậu quả pháp lý về tài sản và con chung khi ly hôn theo Luật HN&GĐ năm 2014 và thực tiễn giải quyết tại Toà án nhân dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr. 66.