Kiểm soát an toàn thực phẩm học đường
Quản lý bữa ăn học đường
Vào năm 2013, một trong những vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra ở Ấn Độ khiến 22 học sinh thiệt mạng và hàng chục em khác phải nhập viện sau khi ăn trưa tại một trường học ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ. Vụ ngộ độc xảy ra ở làng Dharmasati Gandaman, có 47 học sinh của trường tiểu học bị ngộ độc sau bữa trưa và hậu quả nghiêm trọng khiến 22 em thiệt mạng. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy thực phẩm dùng trong bữa ăn đã bị nhiễm một loại hóa chất thường được tìm thấy trong thuốc trừ sâu. Báo cáo pháp y của cảnh sát sau đó cho biết, dầu ăn dùng để nấu bữa trưa có chứa hàm lượng monocrotophos (một loại thuốc trừ sâu hữu cơ, rất độc đối với chim và người, vì vậy nó đã bị cấm ở Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác) ở mức “rất độc hại”.
Sau vụ hàng loạt học sinh bị ngộ độc, các phụ huynh đã phản ứng mạnh mẽ đến mức hình thành làn sóng yêu cầu giới chức Ấn Độ xem xét lại chính sách vệ sinh thực phẩm học đường. Do đây còn là bữa ăn miễn phí nằm trong chương trình hỗ trợ của nhà trường để giải quyết nạn đói và khuyến khích học sinh đi học, nên vụ việc đã gây xôn xao dư luận trong suốt một thời gian dài. Phụ huynh tại các trường học ở Ấn Độ đã yêu cầu kiểm soát chặt nguồn thực phẩm nhằm bảo vệ bữa ăn cho các học sinh được an toàn.
Bộ Giáo dục Ấn Độ cũng đã tạm dừng chương trình bữa trưa miễn phí để xem xét lại sau vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng ở Bihar. Theo đó, cơ quan này cùng với các tổ chức vệ sinh dịch tễ đã siết chặt các quy định kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm… Chẳng hạn, người quản lý bếp ăn trường học phải tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực phẩm ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Cơ quan chức năng nước này cũng nỗ lực rà soát và các quy định về an toàn thực phẩm ở những đơn vị cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho trường học.
Dù vậy, vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến nay vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Ấn Độ. Báo Economic Times của Ấn Độ đưa tin, gần đây, có tới 120 học sinh một trường trung học nữ ở Siddipet, bang Telangana của nước này bị ngộ độc sau khi ăn trưa. Trước đó, hơn 95 trẻ em bị đau bụng, nôn mửa khi ăn một món truyền thống ở Madla, bang Madhya Pradesh…
An toàn thực phẩm không chỉ là mối quan tâm của một quốc gia như Ấn Độ, mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề tương tự. Theo báo cáo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, hơn 500 nghìn ca tử vong xảy ra hằng năm trên toàn cầu do thực phẩm không an toàn, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo Yonhap, năm 2018, hơn 1.000 học sinh tại 22 trường học tại sáu thành phố của Hàn Quốc đã bị ngộ độc thực phẩm do ăn một loại bánh chocolate tại trường. Trước đó, năm 2006, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Kim Jin-pyo đã phải từ chức sau vụ hàng loạt học sinh bị ngộ độc thực phẩm khi ăn tại các căn-tin nhà trường ở 36 trường học tại Thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi. Vụ việc đã khiến 3.043 học sinh bị nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng và sốt.
Trong khi đó, China Daily đưa tin, năm 2020, học sinh tại bốn trường thuộc quận Hulan (thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang) đã phải nhập viện vì nghi bị ngộ độc thực phẩm. Tất cả học sinh đều gặp các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy sau bữa trưa tại trường.
Xây dựng “văn hóa” an toàn vệ sinh thực phẩm
Trước mối quan tâm toàn cầu, hiện nay mỗi quốc gia đều giám sát các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của mình để bảo đảm sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe học đường. Ở Ấn Độ, ngành công nghiệp thực phẩm chịu sự giám sát của nhiều cơ quan và hàng loạt quy định về giấy phép, cấp phép và vệ sinh. Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn thực phẩm của Ấn Độ (FSSAI) chịu trách nhiệm chính giám sát và điều chỉnh quá trình chế biến, sản xuất, bảo quản và phân phối trong thị trường thực phẩm, bao gồm cả bữa ăn trong trường học.
Mặc dù vậy theo Economic Times, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng phải được ưu tiên hàng đầu trong vấn đề này. Luôn có nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm giữa các công đoạn xử lý thực phẩm tại trường học. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng còn có một số bất cập nhất định, trong đó có nhận thức của những người chế biến hoặc cung cấp thực phẩm đối với sức khỏe của học sinh. Khảo sát cũng cho thấy thực hiện an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục lại phụ thuộc phần lớn vào sự tự giác thực hiện của những người liên quan trong quá trình chuẩn bị bữa ăn.
Đối với bữa ăn học đường, các nghiên cứu đã cho rằng cần tăng cường đào tạo cho những người tham gia trong quy trình cung cấp và xử lý thực phẩm, nâng cao nhận thức cộng đồng và nhà trường. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần hiểu rõ họ chịu trách nhiệm đến đâu cũng như bảo đảm đạo đức kinh doanh khi cung cấp thực phẩm, bữa ăn cho trường học, hay nói cách khác là xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm nghiêm ngặt và nhất quán.
Tại Mỹ, Cục Dinh dưỡng và Thực phẩm (FNS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) khuyến cáo các nhà quản lý giáo dục tăng cường bảo vệ học sinh trước những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời xây dựng “văn hóa an toàn thực phẩm” trong học đường. Ủy ban An toàn thực phẩm, một cơ quan thuộc FNS đã phát triển văn bản hướng dẫn hành động về an toàn thực phẩm học đường. Văn bản hướng dẫn các bước hình thành văn hóa an toàn thực phẩm dựa trên xây dựng các hành vi và thói quen vệ sinh trong cộng đồng và trường học.
Ngoài ra, FNS phối hợp với Viện Dinh dưỡng trẻ em xây dựng Chương trình hỗ trợ nhân viên dinh dưỡng học đường và nhân rộng văn hóa an toàn thực phẩm trong cộng đồng. Hướng dẫn được trình bày đơn giản và dễ tiếp thu, bao gồm các thông tin cơ bản, các bước cụ thể cần thực hiện để giúp mỗi nhân viên hiểu tại sao họ là một phần quan trọng trong nỗ lực an toàn thực phẩm của trường học và họ có thể làm gì để giúp tạo ra văn hóa an toàn thực phẩm. Một khi nhà cung cấp và người xử lý thực phẩm có kiến thức và thực hiện đúng quy định, những công việc họ làm hằng ngày có tính quyết định đối với sự an toàn của bữa ăn học đường.
Một thí dụ khác về xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm, theo Bộ Y tế Australia, văn hóa an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong thực hành kinh doanh cũng như quản lý và đặc biệt càng quan trọng đối với bữa ăn học đường. Theo đó, văn hóa an toàn thực phẩm trong cơ sở kinh doanh thực phẩm là cách mọi người (chủ sở hữu, người quản lý, nhân viên) suy nghĩ và hành động trong công việc hằng ngày của họ để bảo đảm thực phẩm mà họ chế biến hoặc phục vụ là an toàn. Đó là niềm tự hào về việc sản xuất thực phẩm an toàn mọi lúc, nhận ra rằng một sản phẩm chất lượng tốt là sản phẩm an toàn với mọi người. Một nền văn hóa an toàn thực phẩm mạnh mẽ đến từ việc mọi người hiểu được tầm quan trọng của việc tạo ra thực phẩm an toàn và cam kết bảo đảm các quy định cần thiết vào mọi lúc, mọi nơi.