Khủng hoảng môi trường và những hậu quả

Ô nhiễm không khí: Không khí ở dạng cân bằng với tỷ lệ các chất nitơ (78,1% theo thể tích) và ôxy (20,9%), với một lượng nhỏ agon (0,9%), cacbon điôxít (dao động, khoảng 0,035%), hơi nước và một số chất khí khác, tuy nhiên, với sự bành trướng của các ngành sản xuất đã thải vào không khí một lượng lớn bụi, SO2, CO2, Oxit nitơ (NOx), Carbon monoxit (CO), các hạt mịn (PM), các kim loại độc như chì và thủy ngân, Chlorofluorocarbons (CFCs) – có hại cho tầng ozon, Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), Amoniac (NH3), mùi – chẳng hạn như rác thải, nước thải và quy trình công nghiệp, chất phóng xạ – được tạo ra bởi các vụ nổ hạt nhân, chiến tranh, và các quá trình tự nhiên như phân rã phóng xạ của radon. Ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với một số bệnh liên quan đến ô nhiễm và tình trạng sức khoẻ bao gồm nhiễm trùng hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Ô nhiễm không khí gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính và tầng ô-dôn bị phá hủy. Khi khí quyển bị ô nhiễm dẫn đến làm biến đổi chu trình của nó gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu, nóng lên của Trái đất di vật đất đai bị hoang mạc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí khiến hơn 3 triệu người chết sớm mỗi năm, nó đe dọa gần như toàn bộ cư dân thành phố lớn tại những nước đang phát triển, không chỉ loài người các sinh vật sống cũng đang bị đe dọa.

Con người là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí (Ảnh: Internet)

Ô nhiễm nguồn nước: Như ta biết nước trong tự nhiên chứa chủ yếu ở các sông, hồ, biển và tồn tại ở thể hơi trong không khí. Nước bị ô nhiễm khi thành phần của nó nó tồn tại các chất khác, mà các chất này có thể gây hại các sinh vật trong tự nhiên. Nước bị bành trướng bởi hoạt động sản xuất phát thải ra tự nhiên, với các chất độc hại, trong nước thải đô thị luôn chứa một lượng lớn các ion Cl-, SO42-, PO43, Na+, K+. Còn trong nước thải công nghiệp, ngoài các ion kể trên còn có các chất vô cơ có độc tính rất cao như các hợp chất của Hg, Pb, Cd, As, Sb, Cr, F… Nước thải từ sản xuất nông nghiệp gồm P, N và các hoá chất thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật. Việc phát thải kim loại nặng có tính độc cao như chì (pb), thủy ngân (hg), asen (as)… là nguyên nhân gây độc cho con người, gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột biến. Như ở Nhật, nhà máy hoá học của Tập đoàn Chisso đã cho xả thải ra môi trường nước chất methyl thuỷ ngân  suốt từ năm 1932 đến 1968. Chất hoá học cực độc này đã tích tụ sinh học lại trong nhuyễn thể và cá ở vịnh Minamata và biển Shiranui, mà sau khi những người dân ăn phải sẽ dẫn tới ngộ độc thuỷ ngân. Trong khi những cái chết của chó, mèo, lợn và người diễn ra liên tục suốt 36 năm, có 2.265 nạn nhân đã chính thức được xác nhận là mắc bệnh Minamata (trong đó 1.784 người đã chết).

Rừng suy thoái: Việc bành trướng bằng hoạt động thay đổi sử dụng đất tự nhiên, khai thác mạnh dẫn đến rừng đang suy giảm về số lượng và suy thoái về chất lượng, làm cho đến hệ sinh thái rừng mất đi chức năng tự nhiên của nó. Hơn một nửa số khu rừng nhiệt đới trên toàn thế giới đã bị phá hủy kể từ năm 1960, và cứ mỗi giây, hơn 1 ha rừng nhiệt đới bị phá hủy hoặc bị suy thoái nghiêm trọng.

Số chủng loài động thực vật bị tiêu diệt đang gia tăng: Thế giới đang đối mặt với sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài. Theo báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đã có 953 loài biến mất trong tự nhiên kể từ năm 1500. Nhiều loài sinh vật khác cũng đã bị đẩy đến bờ vực, với số lượng cá thể trong loài suy giảm nghiêm trọng. Đáng ngại hơn, khoảng 33% và 20% động vật lưỡng cư và động vật có vú đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong những thập niên tới. Thông thường, mỗi năm Trái đất sẽ chứng kiến từ 1 đến 5 loài tuyệt chủng. Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính rằng chúng ta đang mất các loài với tốc độ gấp 1.000 đến 10.000 lần so với tốc độ bình thường này, và các vụ tuyệt chủng diễn ra ở cấp độ hằng ngày.

Linh trưởng, loài động vật có họ gần nhất của con người, đang đứng trước hiểm họa chưa từng có. Gần 60% của 504 loài linh trưởng toàn cầu đang bị đe doạ tuyệt chủng và 75% các loài linh trưởng đang bị suy giảm số lượng nghiêm trọng. Hơn 650.000 động vật biển có vú trên toàn thế giới bị bắt hoặc bị thương hằng năm bởi hoạt động đánh bắt trên biển. 40% các loài chim trên thế giới đang suy giảm và cứ 8 con chim lại có 1 con bị đe dọa tuyệt chủng. Những loài mèo lớn, bao gồm hổ và báo, đang trong tình trạng suy giảm số lượng nghiêm trọng, và nhiều loài bị cảnh báo sẽ tuyệt chủng trong thập niên tới.

Hổ là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất (Ảnh wwf.panda.org)

 

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên sự tuyệt chủng của các loài động thực vật, trong đó phải kể đến các nguyên nhân như: Do mất môi trường sống; do con người khai thác quá mức các loài sinh vật,do biến đổi khí hậu (chẳng hạn như những con gấu Bắc Cực không còn băng để săn mồi, trước thực tế nước biển đang ngày một ấm lên, các đại dương đã không thể giữ được nhiều oxy phục vụ cho hoạt động duy trì sự sống); ngoài ra, còn phải kể đến các nguyên nhân khác như do thiên địch, cạnh tranh với các loài mới; do loài ngoại lai xâm lấn; do thiên tai, thảm họa,ô nhiễm môi trường…  Thời tiền sử, chủ yếu là các thảm họa từ thiên nhiên gây ra sự tuyệt chủng; ngày nay, các nhà nghiên cứu cho rằng hơn 99% những sự tuyệt chủng là do sự bành trướng của loài người.

Khi có quá nhiều loài sinh vật biến mất, các chức năng của hệ sinh thái sẽ bị mất hoặc giảm đáng kể mà các chức năng này bảo đảm sự sống của con người. Điều này có nghĩa là với sự tuyệt chủng của một số loài nói riêng, có thể kích hoạt sự tuyệt chủng của nhiều loài khác, bao gồm cả con người. Sự tuyệt chủng của một số loài làm mất các nguồn gen, nguồn dược liệu quý hiếm, vì nhiều chất dược lý chỉ có nguồn gốc tự nhiên ở cả động vật và thực vật. Mặt khác, sự mất cân bằng sinh thái khi một số loài bị tiêu diệt có thể gây ra sự xuất hiện của sâu bệnh.Đất, nước và không khí cũng phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học của hành tinh;thảm thực vật đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì tất cả chúng,nó sử dụng CO2 trong số những thứ khác, để sản xuất thực phẩm của mình. Khi thảm thực vật bị phá hủy, lượng CO2 trong khí quyển sẽ tăng lên, góp phần thay đổi khí hậu và tăng nhiệt độ.

Rác thải, chất thải đang gia tăng về số lượng và mức độ độc hại: Cùng với sự gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, chất thải trên thế giới và ở Việt Nam đang gia tăng mạnh về khối lượng, chủng loại và mức độ độc hại. Mối đe doạ do quản lý chất thải kém đặc biệt thể hiện rõ ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi tỷ lệ thu gom rác thường dưới 50%. Trong báo cáo “Đánh giá toàn cầu về quản lý chất thải rắn” năm 2012, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, khối lượng rác thải ngày càng lớn của cư dân đô thị đang là một thách thức lớn không kém gì tình trạng biến đổi khí hậu, và chi phí xử lý rác thải sẽ là gánh nặng đối với các quốc gia nghèo khó. Các chuyên gia WB cũng cảnh báo, lượng chất thải rắn toàn cầu đang tăng lên 70% vào năm 2025, tăng từ hơn 3,5 triệu tấn mỗi ngày trong năm 2010, lên hơn 6 triệu tấn mỗi ngày vào năm 2025.

Rác thải gây ra rất nhiều vấn đề, như: Gây mùi khó chịu, vi trùng gây bệnh, điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh. Rác thải không được thu gom, tồn đọng, lâu ngày sẽ sinh ra các tác nhân tác động đến sức khoẻ con người. Nghiêm trọng hơn nó thải vào nước, đất và không khí những hóa chất rất độc hại dù được xử lý bằng cách chôn lấp hay đốt, gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và WB ước tính hơn 2 triệu người tử vong mỗi năm do hít phải không khí bị ô nhiễm trong nhà và ngoài trời, đồng thời có khoảng 40 triệu trẻ em mắc các bệnh liên quan đến rác thải. 23% số ca tử vong ở các nước đang phát triển có nguyên nhân từ các yếu tố môi trường. Rác thải nhựa trên các đại dương hiện nay cũng đã ở mức báo động. Theo công bố của Liên Hợp quốc, số lượng rác thải nhựa tồn tại trong các đại dương ước tính khoảng 150 triệu tấn – nặng gần bằng 1/5 khối lượng cá, và khối lượng rác thải chắc chắn sẽ nặng hơn cả khối lượng cá vào năm 2050. Trung bình một năm có khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển, chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh vật biển: Thiếu dưỡng khí, phá hủy hệ sinh thái, tàn phá môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người khi sử dụng các nguồn tài nguyên từ biển.

Biến đổi khí hậu: Tình hình biến đổi khí hậu trên Trái đất đang diễn biến ngày một phức tạp. Biểu hiện rõ nhất về biến đổi khí hậu là sự nóng lên của Trái đất làm băng tan chảy nhiều hơn, nước biển dâng cao, thường xuyên xuất hiện các hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán, giá rét kéo dài…Việt Nam là một trong những quốc gia phải chịu ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ngoài các hiện tượng thời tiết bất thường ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ tác động thì trạng xâm nhập mặndo nước biển dâng đang diễn ra mạnh ở những vùng ven biển như ở ĐBSCL.

Tác động tiêu cực do Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt (Ảnh: Internet)

Ngoài các nguyên nhân khách quan như sự biến đổi các hoạt động của mặt trời, Trái đất thay đổi quỹ đạo, quá trình kiến tạo núi và kiến tạo các thềm lục địa, sự biến đổi của nhiều dòng hải lưu và sự lưu chuyển bên trong của hệ thống khí quyển; thì việc bành trướng của con người như phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên trên Trái đất, thay đổi mục đích sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, sự gia tăng lượng khí thải và một số loại khí nhà kính khác từ các hoạt động kinh tế đang là nguyên nhân chủ yếu là gây nên sự biến đổi khí hậu hiện nay.

Biến đổi khí hậu không chỉ có tác động xấu tới đời sống của con người mà còn đe dọa tới môi trường sống của con người và hệ sinh thái trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến nhiều thành phần và khả năng tự phục hồi hoặc sinh sản của nhiều hệ sinh thái trên Trái đất.Điển hình hậu quả của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái như làm cho san hô bị tẩy trắng do nước biển ấm lên.Khi nhiệt độ tăng nên sẽ khiến cho các con sông băng, biển băng hay một số lục địa băng trên thế giới bị tan chảy và khiến cho lượng nước đổ ra biển và đại dương cũng tăng lên, làm cho các bờ biển dần bị biến mất, nguồn nước ngọt bị thiếu hụt, môi trường không khí bị ô nhiễm, các nguồn năng lượng tự nhiên dần bị cạn kiệtdẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc…

Sa mạc hóa đất đai: Sa mạc hóa, hoang mạc hóa là một trong những vấn đề đáng lo ngại mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt. Sa mạc hóa là một vấn đề rộng lớn liên quan đến cả ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo công bố của Liên Hợp Quốc, đến năm 2030, ngành công nghiệp thời trang dự kiến sẽ sử dụng thêm 35% đất đai, phần lớn là để trồng nguyên liệu cho thời trang giá rẻ. Số thực phẩm mà chúng ta làm mất hoặc lãng phí hằng năm tương đương sức sản xuất từ 1,4 tỷ ha đất sản xuất. Và với sức tiêu thụ hiện nay, vào năm 2030, chúng ta sẽ cần thêm 300 triệu ha đất để sản xuất lương thực mới có thể đảm bảo an ninh lương thực cho cư dân toàn cầu.Thế nhưng trong một diễn tiến ngược, tài nguyên hữu hạn là đất đai lại đang bị đe dọa sụt giảm nghiêm trọng. Mỗi năm, hơn 12 triệu ha đất bị mất do suy thoái đất, sa mạc hóa và hạn hán tái diễn. Tại Việt Nam,hiện có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thực trạng này.Và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có ít đất nông nghiệp nhất trên thế giới – đứng thứ 159 thế giới từ năm 2002.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất đai ngày càng sa mạc hóa chủ yếu là do mất rừng tự nhiên. Ngoài phá rừng, đốt cây cỏ làm nương rẫy, khai thác bừa bãi các mỏ quặng, mỏ than cũng gây ra sa mạc hóa cục bộ. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế thiếu quy hoạch, không đồng bộ ở nhiều vùng, việc di dân khó kiểm soát, dân số tăng nhanh,quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm cho sa mạc hóa, hoang mạc hóa ngày càng nhanh, đe dọa sự phát triển bền vững.

Quá trình sa mạc hóa tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế – xã hội, cuộc sống của người dân, là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp hiện nay. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống, môi trường sống ngày càng xấu đi. Sản xuất trên diện tích đất thoái hóa cây trồng khó phát triển, chi phí đầu tư cao tác động và gây thiệt hại trực tiếp đến nông dân. Phần lớn những người sống gần rừng có cuộc sống thiếu thốn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, phương thức canh tác lạc hậu nên đất đai dễ bị bạc màu, thoái hóa.

PNKB