Khu CNC Hòa Lạc: Kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thăm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – Ảnh: VGP
Thiết lập các thành tố quan trọng, có tính chất nền móng
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc (Bộ KH&CN) cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, các khó khăn, vướng mắc của Khu CNC Hòa Lạc liên quan đến cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng và phát triển cơ sở hạ tầng đã cơ bản được tháo gỡ. Đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã có hơn 700 ha đất sạch với hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ.
“Điều này đã mở ra thời kỳ mới cho Khu CNC Hòa Lạc để đón sóng đầu tư”, ông Trần Đắc Trung cho hay.
Tính đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư, trong đó có 86 dự án trong nước (chiếm tỉ lệ 86%) và 14 dự án đầu tư nước ngoài (chiếm tỉ lệ 14%) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376 ha. Riêng năm 2021, thu hút được 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.590 tỷ đồng).
Trong số 100 dự án đã được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 60 dự án đang hoạt động, chiếm 60% số lượng các dự án; các dự án còn lại đang trong quá trình đầu tư/chuẩn bị triển khai. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động có xu hướng tăng theo thời gian.
Các doanh nghiệp triển khai đưa vào hoạt động góp phần tạo việc làm cho 14.500 người lao động, tỉ lệ lao động nước ngoài chiếm chưa đến 1% tổng số lao động trong khu (khoảng 94 người nước ngoài). Nhiều người Việt Nam trong các doanh nghiệp đã có thể tiếp nhận chuyển giao để thực hiện những công việc trước đây thường do người nước ngoài làm.
Mặc dù còn chưa phát triển được như kỳ vọng nhưng Khu CNC Hòa Lạc đã cơ bản thiết lập được các thành tố quan trọng, có tính chất nền móng, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trong đó, phải kể đến sự có mặt của Đại học FPT (đã đi vào hoạt động), Đại học Việt-Pháp, Đại học Văn Lang (đang triển khai xây dựng) sẽ hứa hẹn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội nói chung và trực tiếp cho Khu CNC Hòa Lạc nói riêng. Các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu ứng dụng gắn trực tiếp với sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp như Viện V-KIST, Trung tâm Vũ trụ, Viện Đo lường, các trung tâm kiểm thử… sẽ là nền tảng cho việc phát triển năng lực nội sinh nghiên cứu và phát triển, gắn kết nghiên cứu phát triển với sản xuất.
Các nhà đầu tư nước ngoài (Hanwha, Nidec, Nissan Techno…), các doanh nghiệp lớn trong nước (Viettel, FPT, VNPT, Vinsmart…) đã lựa chọn Khu CNC Hòa Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm của mình mặc dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng và về cơ chế, chính sách. Đây sẽ là cơ sở để hình thành nên các ngành công nghiệp, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực từ Khu CNC này.
Đặc biệt, tại Khu CNC Hòa Lạc đã hình thành chuỗi liên kết, đó là sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư để hình thành chuỗi sản xuất sản phẩm công nghệ cao (như giữa Công ty Cổ phần DT&C Vina và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, Tập đoàn Viettel, Công ty Vinsmart… trong lĩnh vực thử nghiệm tương tích điện từ, an toàn điện, độ tin cậy cho các sản phẩm điện, điện tử, thiết bị ICT…).
Bên cạnh đó, còn có sự kết nối hoạt động nghiên cứu và sản xuất, chia sẻ phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất giữa các đơn vị nghiên cứu và sản xuất ở trong và ngoài khu (như hợp tác giữa Viện Thực phẩm chức năng với các đơn vị sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng để chuyển giao các kết quả nghiên cứu…).
Khu CNC Hòa Lạc cũng đã triển khai các hoạt động thu hút đầu tư để hình thành hệ sinh thái ươm tạo, đổi mới sáng tạo, có được các kết quả bước đầu qua trọng, làm nền tảng để hình thành và phát triển các công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và lan tỏa ra nền kinh tế.
Điển hình như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang được xây dựng, sẽ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực về KH&CN, đào tạo, tài chính, tư vấn, không gian làm việc,..; hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành, phát triển Mạng lưới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển KH&CN.
Nhiều DN tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã nghiên cứu phát triển và làm chủ được các công nghệ sản xuất hiện đại – Ảnh: HG
Không vì mục tiêu thu hút nhanh để lấp đầy
Ngoài việc giữ quy mô, kể cả khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, Khu CNC Hòa Lạc còn giữ vững phương châm hoạt động là không vì mục tiêu thu hút nhanh để lấp đầy, hay không xây dựng các khu nhà ở thành đô thị mà mọi chặng đường, giai đoạn phát triển phải đi từng bước. Hoạt động nghiên cứu, sản xuất đến đâu thì các dịch vụ, hậu cần sẽ đi theo tới đó, bảo đảm sự phát triển giữa các lĩnh vực, ngành nghề.
“Các dự án, doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc phải cam kết có yếu tố về phát triển công nghệ cũng như có kế hoạch đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển. Đây là một triết lý để thực hiện mục tiêu Khu CNC Hòa Lạc phải là nơi sản sinh ra công nghệ, đổi mới, cải tạo công nghệ nhưng đây cũng là điểm khó đối với một số DN, kể cả các tập đoàn lớn khi mà họ chỉ muốn tập trung đầu tư vào sản xuất”, ông Trần Đắc Trung lý giải một trong những nguyên nhân của việc thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc chưa như kỳ vọng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án trên khu đất liền khoảnh thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu CNC Hòa Lạc đã được phân chia thành các khu vực theo các chức năng cụ thể nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.
Hơn nữa, cơ chế chính sách cho phát triển Khu CNC Hòa Lạc chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu CNC phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, các quy định về dự án công nghệ cao và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian (theo quy định).
“Mô hình xây dựng và phát triển Khu CNC là rất mới, chưa có tiền lệ đối với Việt Nam. Khu CNC Hòa Lạc là khu CNC đầu tiên, đa chức năng nên quá trình xây dựng và phát triển còn ở trạng thái vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa bổ sung cơ chế, chính sách và nguồn lực”, ông Trần Đắc Trung cho hay.
Định hướng đến năm 2020, Khu CNC Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh, góp phần xây dựng thành phố đổi mới, sáng tạo Hòa Lạc, là phần lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Thời gian tới đây, Khu CNC Hòa Lạc sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế, do đây là các lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng, điều kiện phát triển cũng như cầu của thị trường lớn và là những lĩnh vực hiện nay Khu CNC Hòa Lạc có thế mạnh với các hệ sinh thái đang dần hình thành.
Đồng thời, tập trung thu hút các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Việc này vừa bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành, lĩnh vực, vừa tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu CNC Hòa Lạc.
Vì vậy, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc mong muốn cấp có thẩm quyền cho phép Khu CNC Hòa Lạc áp dụng một số cơ chế chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hoá…; ban hành chương trình KH&CN phát triển sản phẩm trọng điểm công nghiệp tại Khu CNC Hòa Lạc; đồng thời có chủ trương tập trung đầu tư các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước…
Hoàng Giang