Khơi nguồn sức mạnh nội sinh: Lan tỏa ánh sáng soi đường

(HNMCT) – Năm 1946, tình thế cách mạng Việt Nam như “ngàn cân treo sợi tóc” khi quân Pháp tăng cường gây hấn ở Hải Phòng, Lạng Sơn… Không khí chiến sự bao trùm Hà Nội. Nhưng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vẫn được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong ngày 24-11-1946, trước thời điểm đất nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Các văn nghệ sĩ dự Hội nghị Chấp hành mở rộng Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc (tháng 3-1951). Từ phải sang, hàng trước: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi. Hàng sau: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung. Ảnh: Trần Văn Lưu

1. Hơn 200 đại biểu là các nhà hoạt động văn hóa trên toàn quốc và đại diện Chính phủ, Quốc hội đã tham dự hội nghị và đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Người chỉ rõ, để tạo ra nền văn hóa Việt Nam, cần phải lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ. Nhiệm vụ của nền văn hóa mới là phục vụ sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Nền văn hóa mới phải kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống và mang những tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ…

Hội nghị đã bầu ra Ủy ban Văn hóa toàn quốc gồm 15 Ủy viên chính thức và 5 Ủy viên dự khuyết… Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã đặt cơ sở cho việc xây dựng nền văn hóa mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đời sống mới” phát động phong trào Đời sống mới, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân. Bài viết có cách nhìn biện chứng, sâu sắc về mối quan hệ giữa cái “cũ” và cái “mới” trong xây dựng đời sống mới: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”.

2. Chưa đầy 2 năm sau, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra tại Phú Thọ từ ngày 16 đến 20-7-1948. Trong thư chúc mừng Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và kêu gọi trí thức, các nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tích cực tham gia đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, phong trào thi đua ái quốc của toàn dân tộc. Người nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần quan trọng… Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của văn hóa là “chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”…

Tại hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Báo cáo đã chỉ rõ “Mục đích của những người làm công tác văn hóa chúng ta là phải thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui; là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà; là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới. Văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải gồm đủ ba tính chất: Dân tộc, khoa học và đại chúng…”. Đây là một tác phẩm lý luận về đường lối, phương châm văn hóa Mác – Lê nin của Đảng ta, đồng thời xác định nhiệm vụ chân chính của những người làm công tác văn hóa trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức tại làng Dộc Phát (xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) từ ngày 23 đến 25-7-1948. 80 đại biểu thuộc các chuyên ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, kiến trúc, mỹ thuật đã về dự Hội nghị. Ngày 25-7-1948, Hội Văn nghệ Việt Nam chính thức được thành lập. Hội nghị đã bầu 17 người tham gia Ban chấp hành. Nhà văn Nguyễn Tuân được bầu làm Tổng Thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng Thư ký… Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam) là sự nối tiếp sau khi Hội Văn hóa Cứu quốc đã hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử của mình.

Từ ngày 8 đến 16-8-1948, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ V họp đã ban hành Nghị quyết về xây dựng chế độ dân chủ mới, trong đó nêu rõ những nhiệm vụ văn hóa. Nghị quyết khẳng định văn hóa là một mặt trận, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa có tầm quan trọng mang tính chất quyết liệt không kém các lĩnh vực khác…

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các ngành văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Hội nghị Văn hóa của Đảng được tổ chức từ ngày 26-2 đến ngày 2-3-1949. Hơn 70 đại biểu thuộc các lĩnh vực văn nghệ, khoa học, giáo dục, tuyên huấn cấp khu, cùng một số đại biểu quân đội và đoàn thể nhân dân đã dự Hội nghị. Tổng Bí thư Trường Chinh đã phát biểu định hướng và nhiệm vụ công tác văn hóa trong giai đoạn mới. Các vấn đề giáo dục; y tế, khoa học, kỹ thuật; tình hình văn nghệ và tính chất đặc biệt của văn nghệ kháng chiến đã được thảo luận tại Hội nghị.

Ngày 9-4-1949, Hội nghị Văn nghệ quân đội toàn quân lần thứ nhất khai mạc tại Việt Bắc. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tường thuật Hội nghị trong tạp chí Văn nghệ (số 11-12). Theo nhà văn, Hội nghị là nơi hẹn của hai thế hệ sáng tác… Nhà văn Nguyễn Tuân đến dự và phát biểu: “Hội Văn nghệ Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn nghệ nhân dân, trong ấy có tất cả hình ảnh nhân dân chứ không riêng gì bộ đội. Nhưng trong giai đoạn này, Hội chú ý nhất đến bộ đội, đặc biệt chú trọng đến sự huấn luyện cán bộ mới. Ở đây không có phân biệt ra chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, đàn anh hay đàn em, trong hay ngoài…”. Hội nghị Văn nghệ quân đội đã xây dựng nền móng cho phong trào văn nghệ quân đội; lực lượng văn nghệ quân đội phát triển mạnh mẽ…

3. Cũng tại Việt Bắc, từ ngày 25 đến 28-9-1949 đã diễn ra Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc. Hội nghị đã thảo luận một số vấn đề chủ yếu như: “Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”; chủ nghĩa hiện thực, thơ tự do, góp ý kiến về một số vở kịch sáng tác từ 1945; giải pháp nào để có được những tác phẩm văn nghệ phổ cập trong nhân dân; nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân… Sau Hội nghị này xuất hiện phong trào văn nghệ sĩ đầu quân làm công tác văn nghệ trong quân đội và sáng tác, biểu diễn phục vụ chiến trường, tạo ra nền văn nghệ kháng chiến.

Đúng như Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Chúng ta đã có những trận sông Lô, Bông Lau, La Ngà, thì nhất định chúng ta cũng sẽ có những tác phẩm tương đương về giá trị lịch sử” và “đại bác văn nghệ để diệt giặc” của chúng ta chính là hàng loạt tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời”, ánh sáng văn hóa soi đường của Đảng, Bác Hồ đã lan tỏa và cho ra đời hàng loạt tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị. Về âm nhạc có “Người Hà Nội”, “Bên bờ sông Lô” (Nguyễn Đình Thi); “Trường chinh ca”, “Lô giang” (Lương Ngọc Trác); “Trường ca sông Lô” (Văn Cao); “Du kích sông Thao” (Đỗ Nhuận); “Bộ đội về làng” (Lê Yên)… Văn học có: “Xung kích” (Nguyễn Đình Thi); “Đèo Cả” (Hữu Loan); “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm); “Tây tiến” (Quang Dũng); “Đồng chí” (Chính Hữu); “Nhớ” (Hồng Nguyên); “Phiên chợ trung du” (Ngô Tất Tố); “Nhật ký ở rừng”,  “Đôi mắt” (Nam Cao); “Việt Bắc” (Tố Hữu); “Nhớ máu”, “Tình sông núi” (Trần Mai Ninh); “Ký sự Cao Lạng”, kịch “Bắc Sơn”, “Những người ở lại” (Nguyễn Huy Tưởng)… Tác phẩm mỹ thuật có: “Dân quân Phù Lưu” (Nguyễn Tư Nghiêm); “Thiếu nhi đi khai hoang” (Dương Bích Liên); “Bộ đội và dân gặt lúa ở miền núi” (Mai Văn Hiến); “Dưới mái trường Mỹ thuật thời kháng chiến” (Ngô Mạnh Lân); “Đóng thuế nông nghiệp”, “Chống rét trâu bò” (Lưu Công Nhân), 52 ký họa của danh họa Tô Ngọc Vân; “Giặc đốt làng tôi” (Nguyễn Sáng); “Con đọc bầm nghe” (Trần Văn Cẩn); “Cảnh phố Hà Nội đêm giải phóng” (Lê Thanh Đức); “Du kích tập bắn” (Nguyễn Đỗ Cung)…