Khổ đau không có thật?
Nếu bạn sống ở Hà Nội vào những ngày 19, 20 tháng 6 vừa qua thì chắc chắn cảm giác của bạn là: Nóng. Nóng gay gắt, nóng nhức nhối, nóng phát điên phát dại. Nhưng, có bao giờ bạn nghĩ, chính cái nóng khủng khiếp ấy lại là một cơ may để có thể nhìn ra những góc bí mật nào đó trong con người mình?
Báo chí đưa tin, ngày 19-6, tại điểm đo Láng (Đống Đa, Hà Nội), nhiệt độ đo được lúc cao nhất là 39,6 độ. Ngày 20-6, vẫn tại điểm đo Láng, nhiệt độ cao nhất là 39,3. Và, chúng ta sẽ gặp những tít báo thế này: “Hà Nội nắng nóng kỷ lục: Gần 40 độ”, “Hà Nội nóng hơn cả miền Trung”. Nhưng, chỉ số về nhiệt độ cùng “độ nóng” của những tít báo chưa phản ánh hết sức khốc liệt của hiện thực. Những chỉ số nhiệt độ nói trên được đo ở những lều khí tượng, còn nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể cao hơn thế rất nhiều. Bởi, bên cạnh chuyện thiên nhiên, trời đất, còn là sức nóng được phả ra từ không biết bao nhiêu tòa chung cư cao tầng, từ không biết bao nhiêu những chiếc máy điều hòa được hoạt động hết công suất, từ không biết bao nhiêu những phương tiện đi lại đang cố chạy nhanh nhất có thể để “về nhà trốn nóng”.
Đi trên trục đường Lê Văn Lương dày đặc các tòa chung cư và xa xỉ cây xanh, bạn tôi nhắn tin: “Như đi trong lò thiêu vậy”. Bạn còn chụp ảnh những con người đang hun hút lao đi trong biển nắng và tất cả đều có đặc điểm chung: Những dụng cụ chống nắng như áo, mũ, găng tay, khẩu trang… được đắp vào người kín mít. Trông ai cũng như ninja, vì thế không ai có thể nhận ra ai.
Cùng với cái nắng là những nguy cơ được cảnh báo ra rả trên báo đài: Nguy cơ thiếu nước, nguy cơ sốc nhiệt, nguy cơ đột quỵ. Ai cũng hiểu dù có che chắn kín kẽ tới đâu thì rốt cuộc vẫn không tránh khỏi quy luật “chạy trời không khỏi nắng”, nên ai cũng muốn thời gian di chuyển trên đường là ít nhất, cơ hội được vào một văn phòng/ một quán ăn/ một quán cà phê/ một tòa nhà có điều hòa là sớm nhất. Chỉ vừa bước vào phòng thôi, việc đầu tiên mọi người sẽ làm là bật điều hòa – nếu cái cứu cánh ấy vẫn chưa được bật. Rồi ai cũng sẽ than mấy câu đại loại: Nóng quá, nóng chết đi được, nắng cháy người, dù ai cũng hiểu than thế, than nữa cũng chẳng bớt nóng hơn.
“Anh sẽ đi vào công viên, tìm một cái ghế đá mát nhất xem sao…”, tôi nói “kế hoạch hành động” cho người đang ở cùng mình. Và, đây là tín hiệu tôi nhận lại: “Thôi đi ông ơi, nóng chảy mỡ thế này, ông vào công viên, chết ngất ở đó, tôi không đưa đi cấp cứu kịp đâu!”. Thật ra, bình thường người ấy không phũ thế. Không hài lòng gì cũng luôn biết cách lựa lời trao đổi, chứ không bao giờ phũ thế. Nhưng, nóng mà, nóng không chịu được nên người ta cũng dễ phũ, dễ nổi cáu, dễ cằn nhằn khó chịu với nhau hơn. Dù vậy, mấy lời cằn nhằn đó không át được “chí anh hùng”. Tôi vẫn quyết tâm đi vào công viên, tất nhiên là đã nai nịt các dụng cụ chống nắng cẩn thận. Tôi tiến về phía cái hồ Bảy Mẫu ở giữa công viên, nơi mà tôi tin sẽ có những chỗ ngồi tốt nhất. Phải thừa nhận là đi trong bốn bề nóng phủ, người tôi nhễ nhại. Nhưng, đã vào đến đây thì kiên quyết không bỏ cuộc. Và, may quá, tôi đã nhìn thấy một cái ghế được đặt dưới tán cây rộng sát mép hồ. Đấy thực sự là một nơi lý tưởng. Cởi mũ, cởi áo chống nắng, bỏ khẩu trang, ngồi lên ghế, tôi nhận ra tán cây vừa dày vừa rộng thực sự đã che nắng cho mình. Bốn bề xung quanh là nắng nhưng đúng chỗ tôi là bóng râm. Thi thoảng gió hồ thổi lên. Và, thật lạ, nó không phải là những luồng gió nóng như những gì tôi hình dung. Thành thử, ngồi ở đây, tận hướng gió hồ, tôi lại thấy lòng mình khoan khoái.
Một câu hỏi rất tự nhiên nảy ra trong đầu tôi: Gió hồ và gió điều hòa khác gì nhau? Lâu lắm rồi, tôi không có năng lực hỏi những câu như thế, cũng chẳng bao giờ nghĩ là sẽ tự hỏi một câu vớ vẩn như thế. Nhưng, bây giờ thì tôi tự hỏi và thích thú với điều mình hỏi. Câu hỏi ấy đưa tôi vào một thí nghiệm thực tế, khiến tôi căng đầy các giác quan vốn có để cảm nhận trọn vẹn gió hồ. Tôi nhận ra, gió điều hòa khiến người mình khô, mát; gió hồ vẫn không làm người mình tránh khỏi cảm giác nhơm nhớp. Nhưng, gió điều hòa là nhân tạo, gió hồ là thiên tạo, nên gió hồ thật hơn. Mình ngồi điều hòa nhiều quá, tận hưởng cái mát lạnh nhân tạo nhiều quá, bây giờ bình tĩnh tận hưởng “thiên tạo” trong những khoảnh khắc mà ai cũng tránh “thiên”, tự nhiên lại thấy một cái gì rất thật và rất lạ. Và, tôi nhận ra một điều bao quát hơn: Đúng là trời nóng như đổ lửa, đúng là ngọn lửa thiên tạo đang bao vây, truy kích tứ phía, nhưng nếu có một chọn lựa hợp lý thì mình vẫn có thể sống được ngay trong cái nắng. Vấn đề chính không phải là nắng, mà là cách chọn lựa và cách cảm nhận của mình.
Những dòng suy nghĩ miên man này dẫn tôi trở về những luận điểm mang tính thiền học của thiền sư Minh Niệm. Nếu chúng ta coi cảm giác nắng nóng khó chịu kia là một nỗi khổ thì giải pháp của chúng ta phải chăng là chạy trốn khỏi nỗi khổ? Không! Làm sao mà chạy trốn được. Về cơ bản, chúng ta không chạy trốn được các vận động tự nhiên và vận động xã hội xảy ra quanh mình. Mà, cũng phải xác định rất rõ, không có chuyện tất cả những vận động ấy phục vụ theo nhu cầu lợi ích của ta. Làm sao có thể bắt ông trời nóng/lạnh theo ý muốn của ta, trong khi ngược lại, loài người chúng ta, bằng nhiều cách khác nhau luôn không ngừng khai thác, tận diệt, phá hủy bầu trời. Làm sao có thể bắt người khác nhất nhất tuân theo những mong mỏi vốn có của ta, trong khi ngược lại, ta sống không vì người khác. Đến đứa con chúng ta sinh ra cũng sẽ có lúc hành động ngoài những điều mong muốn của ta. Đến người chồng/người vợ mà chúng ta tình nguyện gắn kết cả đời cũng sẽ có những thời điểm đưa ra những suy nghĩ, những quyết định nằm ngoài điều ta hy vọng. Không thể bắt những đối tượng ngoài ta phải vận động vì ta, không thể ép những nỗi khổ, niềm đau không rơi xuống cuộc đời ta, vậy nên tâm thế đối diện với nỗi khỗ, cách thức ứng xử với nỗi khổ luôn là những yếu tố quyết định đến chất lượng cuộc sống của ta.
Thầy Minh Niệm rất tinh tế khi phát hiện ra người ta thường gắn 2 tiền tố là “cực” và “đau” trước từ “khổ”, từ đó mới xuất hiện khái niệm “cực khổ” và “đau khổ”. Nhưng, theo thầy, ngẫm một cách bình tĩnh và sâu sắc thì có chắc “cực” và “đau” tất yếu dẫn đến “khổ” hay không? Có những lúc chúng ta cực nhọc kiếm sống nhưng kiếm sống một cách chân chính và sự kiếm sống ấy giúp chúng ta nuôi sống được những thành viên trong gia đình mình thì “cực” ấy chắc gì đã “khổ”? Có những lúc chúng ta “đau” vì phải chịu một cái tát, nhưng sau cái tát ấy, chúng ta thấy mình sáng ra, hiểu ra, thậm chí là ngộ ra, vậy thì cái “đau” ấy chắc gì đã “khổ”? “Cực” và “đau”, bản thân nó không phải là nguyên nhân tất yếu của nỗi khổ. Cách chúng ta đối diện với “cực” và “đau” mới quyết định xem chúng ta khổ hay không. Thầy Minh Niệm viết: “Khổ đau vốn không phải là bản chất định sẵn của cuộc đời này. Bởi xét cho cùng thì không có gì là khổ đau cả. Do guồng máy tâm thức trong ta vận hành sai lệch nên nó đã tạo ra những phản ứng chống đối lại những hoàn cảnh mà nó cho là trái nghịch. Rất may, guồng máy tâm thức ấy là một tập thể linh động, nên có thể điều chỉnh được” (Sách “Hiểu về trái tim”, trang 25).
Ảnh: L.G
Gió hồ thi thoảng lại thổi qua người tôi và đến lúc này tôi mới chợt nhận ra, mình thích nó hơn gió điều hòa. Chẳng qua là nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày, tôi trung thành với gió điều hòa và tin rằng nó là cứu cánh duy nhất của mình trong những cơn nắng nóng, nên đầu óc tôi mới nghèo nàn đến vậy. Tất nhiên, tôi không cực đoan tới độ từ nay trở đi hoàn toàn khước từ cảm giác mát lạnh được tạo ra bởi cái điều hòa. Không! Nhất định tôi không cực đoan như vậy. Đơn giản là tôi hiểu rằng, phải điều chỉnh các yếu tố khác nhau của đời sống một cách nhịp nhàng. Và, trong những ngày tháng 6 nắng nóng khủng khiếp này, nếu chẳng may cái điều hòa bị hỏng thì tôi vẫn có thể tận hưởng cuộc sống (chứ không phải là chịu đựng cuộc sống) theo cách khác.
Trong những ngày nắng nóng này, việc mạnh dạn (bạn coi là điên rồ cũng được) thực hiện một “thí nghiệm” với chính cảm nhận của mình, dưới một tán cây, bên một bờ hồ, lại giúp tôi nhận ra những góc khác bên trong con người mình.
Bạn hãy thử nghiệm đi, biết đâu bạn cũng tìm ra một góc khác so với những góc vốn có của chính bạn nhờ những “thí nghiệm” tương tự trong những ngày mà ai cũng chỉ muốn ngồi điều hòa, uống nước mát!