Khảo luận về qui luật cung cầu

TÓM TẮT:

Qui luật cung cầu (tiếng Anh: Law of Supply and Demand) là qui luật của nền kinh tế thị trường, qua sự điều chỉnh của thị trường, một mức giá cân bằng và một lượng giao dịch hàng cân bằng sẽ được xác định. Qui luật cung cầu chính là lí do các nhà quản trị cần nghiên cứu nhu cầu thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng, dự đoán sự thay đổi của cầu, phát hiện nhu cầu mới để cải tiến chất lượng, hình thức, mẫu mã cho phù hợp, đồng thời phải quảng cáo để kích cầu. Bài viết vận dụng qui luật vào một số hàng hóa đặt biệt như: phần mềm, điện và dầu mỏ để đưa ra nhận định của tác giả về qui luật cung cầu. 

Từ khóa: Qui luật cung cầu, giá của phần mềm, giá điện, giá dầu.

1. Đặt vấn đề

Qui luật cung cầu được nhiều nhà kinh tế học trên thế giới quan tâm nghiên cứu qua thời gian. Với việc khảo sát sự vận hành của các thị trường hàng hóa riêng biệt, tác giả sẽ xem xét qui luật cung cầu thông qua cơ chế thị trường. Đây là một khuôn mẫu phân tích tổng quát có thể áp dụng cho các thị trường khác nhau, dù đó là thị trường lúa, gạo hay thị trường xe máy; thị trường đầu ra như thị trường quần, áo hay thị trường đầu vào như thị trường máy dệt; thị trường hàng hóa hữu hình như thị trường máy tính hay thị trường dịch vụ như thị trường cắt tóc.

Khi đề cập tới một thị trường chung, có ý nghĩa tổng quát, chúng ta sẽ xuất phát từ một loại thị trường đơn giản nhất: Thị trường có tính chất cạnh tranh, gồm nhiều người mua, người bán, không ai có khả năng chi phối giá cả hàng hóa. Chúng ta sẽ xem xét các yếu tố cơ bản của thị trường như cầu, cung thể hiện như thế nào, tương tác với nhau ra sao để xác định mức giá cân bằng, và những yếu tố gì sẽ làm cho mức giá này thay đổi. Đây là nền tảng quan trọng để nắm bắt những vấn đề phức tạp khác của nền kinh tế thị trường.

2. Cơ sở lý luận

Qui luật cung cầu hay nguyên lí cung cầu trong tiếng Anh là Law of Supply and Demand. Qui luật cung cầu là qui luật của nền kinh tế thị trường cho thấy qua sự điều chỉnh của thị trường, một mức giá cân bằng (còn gọi là mức giá thị trường) và một lượng giao dịch hàng cân bằng (lượng cung cấp bằng lượng cầu) sẽ được xác định.

Qui luật cung cầu được xây dựng trên những tiền đề sau:

– Cầu là nhu cầu có khả năng thanh toán của xã hội về một loại sản phẩm hay dịch vụ nào đó trên thị trường ở các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Cầu cá nhân là cầu của một cá thể hay gia đình. Khi cầu của toàn thể các cá thể hay gia đình về một mặt hàng trong một nền kinh tế gộp lại sẽ có cầu thị trường. Số lượng cầu về hàng hóa là số lượng hàng hóa mà người mua có khả năng mua và sẵn sàng mua ở một mức giá trong một thời kì nào đó. Cầu có liên quan đến nhu cầu nhưng không đồng nhất với nhu cầu. Qui mô của cầu phụ thuộc vào các yếu tố: giá của hàng hóa, thu nhập, thị hiếu, giá của các hàng hóa có liên quan, số lượng người tiêu dùng, các kì vọng; trong đó, giá cả hàng hóa là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

– Cung về một loại sản phẩm hay dịch vụ là tổng số sản phẩm hay dịch vụ mà các chủ đề kinh tế đưa ra bán trên thị trường ở các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Cung bao gồm cả hàng hóa bán được và hàng hóa chưa bán được. Lượng cung của một mặt hàng được chào bán với một mức giá thị trường hiện hành, ở mức giá nhất định của các yếu tố sản xuất và trình độ kĩ thuật nhất định, với những qui chế nhất định của Chính phủ, kì vọng về giá, thời tiết gọi là số cung hay lượng cung. Tổng tất cả các lượng cung về một mặt hàng bởi tất cả những người bán trong một nền kinh tế gọi là cung thị trường. Qui mô của cung phụ thuộc vào các yếu tố như giá, công nghệ, giá cả của các yếu tố đầu vào, chính sách thuế, số lượng các nhà sản xuất, các kì vọng của nhà sản xuất về thị trường. 

Qui định và vận dụng qui luật cung cầu:

Qui luật cung cầu qui định khi hàng hóa được bán trên một thị trường mà lượng cầu về hàng hóa lớn hơn lượng cung sẽ có xu hướng làm tăng giá hàng hóa. Nhóm người tiêu dùng có khả năng chi trả cao hơn sẽ đẩy giá của thị trường lên. Ngược lại, giá sẽ có xu hướng giảm nếu lượng cung vượt quá lượng cầu. Cơ chế điều chỉnh về giá và lượng này giúp thị trường chuyển dịch dần đến điểm cân bằng, tại đó sẽ không còn áp lực gây ra thay đổi về giá và lượng nữa. Tại điểm cân bằng này, người sản xuất sẽ sản xuất ra gần bằng lượng mà người tiêu dùng muốn mua.

Vận dụng qui luật cung cầu giúp nhà quản trị đưa ra quyết định của việc có hay không tiếp tục đầu tư hay tiến hành một hoạt động sản xuất kinh doanh nào đó căn cứ vào tình trạng cân bằng cung cầu trên thị trường. Khi lượng cung nhỏ hơn lượng cầu trên thị trường, có nhiều khách hàng sẵn sàng trả giá để có được hàng hóa và cơ hội bán hàng vẫn còn thì nhà quản trị có thể có xu hướng mở rộng hoặc duy trì sản xuất. Ngược lại, khi cung lớn hơn cầu, có nhiều hàng hóa được sản xuất nhưng chưa có người mua, nhà quản trị có thể có xu hướng thu hẹp sản xuất. 

3. Qui luật cung cầu đối với một số hàng hóa đặc biệt

3.1. Quy luật cung cầu không áp dụng lên phần mềm

Không giống như hàng hóa được nền kinh tế sản xuất trong quá khứ, phần mềm là tài sản không thể cầm nắm được. Phần mềm cũng không phải ví dụ duy nhất: dữ liệu, bảo hiểm, ebook và thậm chí cả phim ảnh cũng hoạt động theo cách tương tự như vậy. Tỷ lệ mô hình kinh tế thế giới không phù hợp với các quy luật cũ đang ngày càng lớn hơn. Nó có ý nghĩa quan trọng đối với mọi thứ, từ luật thuế tới chính sách kinh tế, cho tới cả việc thành phố nào phát triển hay bị bỏ lại phía sau. Nói chung, các chính phủ chưa thể bắt kịp các quy luật mới này . Đây là một trong những xu hướng lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn không thu hút đủ sự chú ý cần thiết.

Jonathan Haskel và Stian Westlake (2018) đã định nghĩa các tài sản vô hình có tính chất chung là không thể chạm vào. Đó là điều rất rõ ràng, nhưng nó lại tạo nên sự khác biệt quan trọng, bởi  ngành công nghiệp vô hình này hoạt động hoàn toàn khác với các ngành công nghiệp hữu hình. Haskel và Westlake đưa ra 4 nguyên nhân làm cho việc đầu tư vào các sản phẩm vô hình này trở nên khác biệt như vậy:

(1). Là một khoản chi phí chìm. Nếu khoản đầu tư của bạn không thành công, bạn sẽ không có tài sản hữu hình nào như máy móc để bán tháo đi nhằm bù lại số tiền mình đã bỏ ra.

(2). Có xu hướng tạo hiệu ứng lan tỏa, có thể bị các công ty đối thủ tận dụng. Thế mạnh lớn nhất của Uber là mạng lưới các tài xế, nhưng việc gặp một lái xe Uber cũng chọn lái cho Lyft không phải là hiếm.

(3). Có khả năng mở rộng hơn so với các tài sản hữu hình. Sau chi phí ban đầu của đơn vị sản phẩm đầu tiên, các sản phẩm có thể sao chép và nhân bản mà không phải tốn thêm chi phí nào.

(4). Có khả năng phối hợp giá trị với nhiều tài sản vô hình khác. Haskel và Westlake lấy chiếc iPod là ví dụ: Nó kết hợp giao thức MP3 của Apple, thiết kế ổ đĩa cứng thu nhỏ, và các thỏa thuận cấp phép với các hãng ghi âm.

Theo lập luận của Haskel và Westlake (2018), các công cụ nhiều quốc gia đang sử dụng để đo lường tài sản vô hình đã lỗi thời, vì vậy họ không có được bức tranh hoàn chỉnh về nền kinh tế. Chính phủ Mỹ không tính đến giá trị phần mềm khi tính toán GDP cho đến tận năm 1999. Ngay cả ngày nay, GDP cũng không tính đến các khoản đầu tư vào những thứ như nghiên cứu thị trường, thương hiệu và đào tạo – các tài sản vô hình mà nhiều công ty đang chi ra các khoản tiền khổng lồ. Hiện nay, việc bất kỳ ai cũng nắm được tại sao phần mềm lại là một khoản đầu tư hợp lý dường như không thể tưởng tượng nổi, nhưng đã thay đổi rất nhiều so với những năm 1980.

Có hai giả định về qui luật cung cầu có thể đưa ra. Đầu tiên là khi nhu cầu cho một sản phẩm tăng lên, nguồn cung tăng lên và giá sẽ đi xuống. Nếu giá trở nên quá cao, nhu cầu sẽ giảm xuống. Điểm giao nhau giữa hai đường này được gọi là điểm cân bằng (Equilibrium). Điểm cân bằng là một điều đặc biệt vì nó tối đa hóa giá trị cho xã hội. Hàng hóa sẽ có giá cả phải chăng, phong phú và có lợi nhuận. Giả định thứ hai của biểu đồ này là tổng chi phí sản xuất sẽ tăng lên khi nguồn cung tăng. Ví dụ như khi hãng Ford ra mắt một chiếc ô tô đời mới. Chiếc ô tô đầu tiên sẽ có chi phí sản xuất cao hơn một chút, bởi vì người tiêu dùng phải tiêu tiền cho việc thiết kế và thử nghiệm nó. Tương tự như vậy, Microsoft có thể tiêu rất nhiều tiền cho việc phát triển đơn vị đầu tiên của phần mềm mới, nhưng mọi phiên bản sau đó đều hoàn toàn không có chi phí thực nào.

3.2. Giá của điện

Giá điện tăng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân (điện sinh hoạt chiếm 55% tổng cầu), đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến thu hút đầu tư và, hơn hết, đến lạm phát – chỉ số vô cùng nhạy cảm trong điều hành. Giá điện thấp sẽ không đủ chi phí sản xuất, không khuyến khích đầu tư, và rốt cuộc đặt ngành công nghiệp vào hoàn cảnh rất rủi ro.

Theo thống kê của EVN (2019), giá điện ở Việt Nam thấp nhất trong 25 nước được Bộ Công Thương khảo sát. Cụ thể, giá điện của Việt Nam chỉ tương đương 92% so với giá điện của Trung Quốc và Ấn Độ; 82% so với của Lào; 74% so với của Indonesia; 50% so với của Philippines và 39% so với của Campuchia. Tuy nhiên, giá điện bị ghìm lại như lò xo bị nén chặt sẽ dẫn đến hệ lụy không hề nhỏ. Mỗi năm nhu cầu điện tăng bình quân 10%, tương ứng 4.000-5.000 MW. Điều này có nghĩa, mỗi năm phải có 3-4 nhà máy điện công suất lớn, có tổng trị giá 10 tỷ đô phải được khởi công xây dựng. Từ năm 2016 đến nay, không có dự án nào được khởi công, không có dự án nào hoàn thành để đưa vào vận hành. Trong bối cảnh nhà đầu tư không còn nhiều quan tâm thì rủi ro thiếu điện đang ở khoảng cách rất gần.

Thị trường điện là nơi đầy cạnh tranh, vì vậy cần có sự cải cách đồng bộ để thị trường hóa ngành công nghiệp điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

3.3. Giá dầu và qui luật cung cầu

Dầu mỏ cũng chịu chi phối bởi quy luật cung cầu. Thiếu đầu ra, thừa nguồn cung, khả năng cất trữ bão hòa,… là những nguyên nhân khiến thị trường dầu lửa không ngừng biến động.

Viện Dầu khí Pháp ước tính, lượng dầu dư thừa tích lũy trên toàn thế giới từ tháng 4 đến tháng 6/2020 có thể khoảng 1,4 tỉ thùng (gb). Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 9,3 triệu thùng/ngày (mbd) trong năm nay do sự tê liệt kinh tế bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Để đẩy giá dầu tăng, theo quy luật cung cầu, OPEC+ đã chọn cách giảm cung. Từ tháng 5/2020, OPEC và các đối tác bắt đầu thực hiện việc cắt giảm 9,7 mbd trong tháng 5 và tháng 6/2020, trong khi các nước G20 hứa sẽ tăng cường hợp tác. Đó là lý thuyết, trong khi thực tế lại khác, vì việc đóng các giếng dầu cần thời gian. Việc đóng một giếng dầu nhiều khi còn tốn nhiều chi phí hơn cả việc vẫn để giếng hoạt động và múc dầu đổ đi.

Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần bám sát diễn biến cung cầu, giá dầu thô và sản phẩm để có giải pháp kịp thời; đa dạng hóa kênh phân phối, tăng thị phần bán lẻ; xây dựng chính sách bán hàng linh động; mở rộng và tích hợp hệ thống phân phối để chia sẻ, tiết giảm chi phí; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp; đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét có các chỉ đạo định hướng cân đối cung cầu, khuyến khích sản xuất trong nước, xử lý gian lận thương mại.

4. Kết luận

Quy luật cung cầu điều tiết quá trình lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Khi cung lớn hơn cầu, giá cả hàng hóa sẽ giảm xuống; khi cung nhỏ hơn cầu, giá cả hàng hóa sẽ tăng lên. Sự tăng lên hay giảm xuống của giá cả hàng hóa là tín hiệu của thị trường để những người kinh doanh thương mại chuyển hàng hóa từ nơi có giá thấp đến nơi có giá cao, từ nơi thừa đến nơi thiếu; để các nhà sản xuất thu hẹp hay dừng sản xuất các hàng hóa thừa, cung lớn hơn cầu, tăng cường, mở rộng sản xuất các hàng hóa thiếu, cung nhỏ hơn cầu. Đây chính là sự điều tiết sản xuất và lưu thông một cách tự động, linh hoạt, nhanh nhạy của cơ chế thị trường, là mặt tích cực của quy luật cung – cầu.

Nhưng, trong nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, những người sản xuất và lưu thông đều chạy theo lợi nhuận tối đa, lại không xác định được tổng cầu của xã hội, nên thường sản xuất thừa, dẫn đến những cuộc khủng hoảng chu kỳ. Đây là mặt trái của quy luật cung – cầu, của cơ chế tự điều tiết của thị trường. Trong nền kinh tế thị trường có quản lý của nhà nước, Nhà nước có khả năng thấy rõ hơn từng người sản xuất – kinh doanh về tổng cung, tổng cầu của xã hội; sự can thiệp của Nhà nước là để khắc phục khiếm khuyết này, khắc phục những mất cân đối lớn, những cuộc khủng hoảng chu kỳ do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường gây ra.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Besanko, David; Braeutigam, Ronald (2010). Microeconomics(ấn bản 4). Wiley.
  2. Haskel, J., & Westlake, S. (2018). Capitalism without Capital: The Rise of the Intangible Economy. Princeton; Oxford: Princeton University Press. doi:10.2307/j.ctvc77hhj.
  3. Hà Đăng (2008). Kinh tế thị trường qua các bước đổi mới tư duy. Tạp chí Cộng sản, Số 7 (127) năm 2007.
  4. Krugman, Paul, and Wells, Robin (2005). Worth Publishers, New York.
  5. Mankiw, N. Gregory (2012). Principles of microeconomics (ấn bản 6). Mason, OH. tr. 106. ISBN 978-0538453042.
  6. Nguyễn Thành Độ (2012), Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

 

A TREATISE ON THE LAW OF SUPPLY AND DEMAND

Ph.D LE VAN TY

Department of Postgraduate Education, Van Lang University

ABSTRACT:

The Law of Supply and Demand is considered a rule of the market economy. This theory defines what effect the relationship between the availability of a particular product and the desire for that product has on its price. The Law of Supply and Demand is the reason why managers need to study the needs and favors of consumers in order to forecast changes in the demand, detect new needs, improve quality and form to satisfy customers. In addition, managers need to promote their products and services to stimulate the demand. Based on the Law of Supply and Demand, this article analyzes the price of some special goods, such as software, electricity and crude oil and presents the author’s arguments corncerning this law.

Keywords: The law of supply and demand, the price of software, electricity price, oil price.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]