Khám phá cách kiếm tiền của bạn theo Kim Tứ Đồ | TMCUONG
“Dù bạn kiếm tiền bằng bất cứ phương pháp gì, bạn cũng sẽ ở một trong 04 góc của Kim Tứ Đồ và khi bạn đã hiểu rõ Kim Tứ Đồ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra bạn đang làm việc vì tiền hay tiền đang làm việc cho bạn”. Câu nói trên bắt tai quá tuy nhiên bạn không biết Kim Tứ Đồ là gì cả. Hãy đọc bài viết “Khám phá cách kiếm tiền của bạn theo Kim Tứ Đồ” để biết thêm về khái niệm này. Một khi hiểu được nó và biết cách vận dụng có thể giúp bạn đạt đến sự tự do về tài chính trong tương lai.
Khám phá cách kiếm tiền của bạn theo Kim Tứ Đồ.
Tìm hiểu về Kim Tứ Đồ.
Kim Tứ Đồ là gì?
Kim Tứ Đồ hay Cashflow Quadrant là một khái niệm chỉ ra 04 nhóm người làm ra tiền, hay là 04 cách để chúng ta kiếm tiền trong xã hội ngày nay, bao gồm Employee (E), Self-Employed (S), Business Owner (B), Investor (I). Căn cứ theo Kim Tứ Đồ (Cashflow Quadrant) thì bất cứ ai trong chúng ta cũng thuộc về ít nhất 01 trong 04 nhóm đó. Đối với mỗi cách kiếm tiền đều thể hiện rõ nét sự định hướng suy nghĩ và hành động cụ thể để đạt đến sự giàu có và tự do tài chính của người thuộc nhóm đó. Cụ thể:
- Employee (E)
: Nhóm những người đang làm công, làm thuê cho người khác như công nhân, giáo viên, bác sĩ,…
- Self-Employed (S)
: Nhóm những người tự doanh, tự mình làm cho mình hoặc thuê mướn lao động làm cùng với mình như: họa sĩ, nhiếp ảnh, xe ôm,…
- Business Owner (B)
: Nhóm những người làm chủ doanh nghiệp, công ty, hệ thống kinh doanh như giáo viên mở trung tâm gia sư, bác sĩ mở phòng mạch, nhiếp ảnh mở studio, chủ quán ăn, nhà hàng… có thuê mướn nhân sự về làm.
- Investor (I)
: Nhóm những nhà đầu tư như góp tiền, hùn hạp với giáo viên mở trường, hùn hạp với bác sĩ mở phòng khám, hùn hạp với nhiếp ảnh mở studio…
Kim Tứ Đồ bắt nguồn từ đâu?
Kim Tứ Đồ được đề cập lần đầu vào năm 1997, xuất hiện trong quyển sách “Cha Giàu Cha Nghèo” hay Rich Dad Poor Dad của tác giả Robert Toru Kiyosaki (1947), vì thế còn được gọi là Kim Tứ Đồ Robert Kiyosaki hay Kim Tứ Đồ Cashflow. Quyển “Cha Giàu Cha Nghèo” sau đó trở thành best seller, được xếp vào danh sách 10 cuốn sách bán chạy nhất, được nhiều người khuyên đọc trong suốt hơn 20 năm qua, được coi là kim chỉ nam để chúng ta có sự độc lập về tài chính. Bản thân ông Robert Kiyosaki một người Mỹ gốc Nhật cũng là một tỷ phú, nhà đầu tư, doanh nhân nổi tiếng trên thế giới. Năm 2006, ông hợp tác với cựu Tổng Thống Mỹ Donald Trump phát hành quyển sách Why We Want You To Be Rich (Tạm dịch: Tại sao chúng tôi muốn bạn giàu). Trong trường hợp, bạn muốn đọc sách để nâng cao kiến thức nhưng đang gặp trở ngại thì có thể tham khảo thêm bài “Kinh nghiệm đọc sách hiệu quả dành cho người lười”.
Ý nghĩa của Kim Tứ Đồ?
Nếu bạn tin tưởng vào khái niệm Kim Tứ Đồ mà Robert Kiyosaki giới thiệu thì cũng có thể nhanh chóng nhận định được cách kiếm tiền của mình thuộc về nhóm nào: Employee, Self-Employed, Business Owner, Investor? Bạn tự đặt ra câu hỏi bản thân mình có muốn thay đổi, chuyển nhóm hay không? Có thể nói Kim Tứ Đồ mang đến cơ hội mới để bạn tư duy và áp dụng vào việc kiếm tiền. Đối với từng nhóm người, họ sẽ có góc nhìn khác nhau về tiền bạc, cách kiếm tiền, thậm chí còn áp dụng thành thạo giúp tiền đẻ ra tiền. Trong các khóa huấn luyện, Robert Kiyosaki thường nhắc đến Cashflow Quadrant để giúp học viên nhận ra:
-
Tôi là ai trong số 04 nhóm người?
-
Tôi kiếm tiền ở phần nào trong mô hình này?
-
Tôi phải gia nhập vào nhóm nào để tự do tiền bạc?
Nhờ vào sự thay đổi trong tư duy kiếm tiền, sự tích cực trong suy nghĩ và có định hướng đúng đắn sẽ là cột mốc đầu tiên giúp bạn có cuộc sống sung túc.
Phân tích 04 cách kiếm tiền theo Kim Tứ Đồ.
Employee (E) – Người làm công (L).
Nhóm Employee (E) là những người đi làm công ăn lương, cho dù là bảo vệ hay giám đốc được thuê về để điều hành thì vẫn xem là người làm công. Nhóm Employee (E) phải đổi thời gian, trí tuệ và sức khỏe của bản thân để đạt mục tiêu là nhận được tiền lương, tuy nhiên số tiền họ nhận được là có giới hạn, và nếu họ không làm việc nữa thì nguồn thu nhập của họ cũng mất đi. Đặc điểm chung của nhóm Employee (E) – Người làm công (L) như sau:
-
Có một công việc ổn định.
-
Làm việc cho tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó.
-
Thời gian làm việc cố định, theo giờ và không linh hoạt.
-
Được nhận lương ổn định theo định kỳ.
-
Ngoài lương có thể còn có các khoản phụ cấp, phúc lợi, BHYT, BHXH…
-
Nếu nghỉ việc sẽ không có thu nhập.
-
Làm việc theo chỉ đạo, mong muốn của người khác: chủ doanh nghiệp, sếp quản lý,…
-
Luôn tìm kiếm sự an toàn về công việc, thu nhập và các điều kiện phúc lợi.
-
Khó trở nên giàu có nếu chỉ làm việc duy nhất trong nhóm này.
Self-Employed (S) – Người tự doanh (T).
Nhóm Self-Employed (S) là những người tự làm việc, kinh doanh dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm như chủ nhà hàng, quán ăn, chủ kinh doanh nhỏ lẻ… mà họ phải đích thân giao dịch. Nhóm Self-Employed (S) có thể đã chuyển từ việc đi làm công cho người khác sang tự làm công cho bản thân mình. Số tiền nhóm Self-Employed (S) kiếm được phụ thuộc vào thời gian bỏ ra và tay nghề của họ nhưng điều mà họ có được là sự tự do, không phụ thuộc bất cứ ai, nếu không thích thì từ chối không nhận, họ có được thu nhập xứng đáng với giá trị công sức đã bỏ ra. Tuy nhiên thu nhập của nhóm Self-Employed (S) sẽ mất đi nếu họ tạm dừng công việc kinh doanh của chính mình. Đặc điểm chung của nhóm Self-Employed (S) – Người tự doanh (T) như sau:
-
Có một công việc ổn định nếu chăm chỉ, tập trung.
-
Tự sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi theo ý muốn.
-
Được nhận thu nhập dựa trên thỏa thuận, tay nghề, chuyên môn.
-
Thường có mức thu nhập cao hơn nhóm E.
-
Chịu áp lực công việc và rủi ro cao hơn nhóm E.
-
Nếu ngừng kinh doanh, làm việc sẽ không có thu nhập.
-
Làm việc theo mong muốn, nguyện vọng của bản thân.
-
Luôn tìm kiếm sự độc lập trong công việc, tự do suy nghĩ, tự do làm việc.
-
Có thể trở nên giàu có trong một số lĩnh vực.
Business Owner (B) – Chủ doanh nghiệp (C).
Nhóm Business Owner (B) là những người sở hữu công ty và điều hành hệ thống kinh doanh của riêng mình, chúng ta có thể gọi là chủ doanh nghiệp hoặc doanh nhân. Nhóm Business Owner (B) không nhất định phải có chuyên môn để trực tiếp thao tác sản xuất mà có thể chỉ là người quản lý, điều hành và tuyển dụng những nhân sự có chuyên môn cao về làm việc cho mình. Chẳng hạn thay vì sử dụng hết 100% năng lực của bản thân, nhóm Business Owner (B) có thể tận dụng 1% năng lực của 100 người khác nhằm giải quyết khối lượng công việc lớn với hiệu quả và năng suất tốt hơn hẳn. Sử dụng rất ít thời gian nhưng vẫn có thể thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là một trong những điểm nổi trội của nhóm Business Owner (B) – Chủ doanh nghiệp (C):
-
Không cần trực tiếp tham gia làm việc, sản xuất như nhóm E, nhóm S.
-
Tập trung xây dựng hệ thống, tuyển dụng và đào tạo nhân viên.
-
Khi hệ thống hoạt động ổn định sẽ có nhân viên làm việc thay.
-
Việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi thời gian, nhu cầu, biến động thị trường và đội ngũ nhân sự.
-
Phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp.
-
Có thời gian làm việc và nghỉ ngơi linh hoạt hơn nhóm E và S.
-
Nếu ngừng kinh doanh sẽ không có thu nhập, nhưng duy trì được một thời gian nhờ vào khoản tích lũy.
-
Chỉ làm việc theo ý chí và niềm tin của mình.
-
Luôn quan tâm xây dựng hệ thống kinh doanh, thích được vây quanh bởi những người tài giỏi.
-
Có thể trở nên giàu có.
Investor (I) – Nhà Đầu Tư (Đ).
Nhóm Investor (I) là các nhà đầu tư, cụ thể hơn là đầu tư chuyên nghiệp, có khả năng giúp tiền đẻ ra tiền, biết cách sử dụng đồng tiền làm việc cho mình. Nhóm Investor (I) luôn tìm kiếm những cơ hội đầu tư, kể khi thị trường đi lên hay đi xuống. Tuy nhiên, lựa chọn lĩnh vực nào để đầu tư đòi hỏi nhóm Investor (I) không ngừng học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và đưa ra những quyết định sáng suốt. Đặc điểm chung của nhóm Investor (I) – Nhà Đầu Tư (Đ) như sau:
-
Không cần trực tiếp tham gia làm việc, sản xuất như nhóm E, nhóm S.
-
Không cần trực tiếp điều hành, quản lý như nhóm B.
-
Thu nhập bị ảnh hưởng bởi thời gian, nhu cầu, biến động thị trường và quyết định đầu tư.
-
Phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát các danh mục đầu tư.
-
Có thời gian làm việc và nghỉ ngơi vô cùng linh hoạt.
-
Phải luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời và hưởng lợi nhuận cao.
-
Chỉ làm việc theo ý chí và niềm tin của mình.
-
Luôn hứng thú với rủi ro, tìm cách quản trị rủi ro vì “rủi ro là nguồn gốc của lợi nhuận”.
-
Có thể trở nên giàu có.
Hiện nay theo thống kê, số người thuộc nửa bên trái tức nhóm Employee (E) và nhóm Self-Employed (S) chiếm 80% dân số xã hội nhưng chỉ chia nhau 20% khối lượng tài sản xã hội. Ngược lại, những người thuộc nửa bên phải tức nhóm Business Owner (B) và nhóm Investor (I) chỉ khoảng 20% dân số xã hội nhưng có thể chiếm đến 80% tài sản xã hội. Người giàu có chỉ chiếm số ít nhưng điểm khác biệt của họ với phần còn lại là về tư duy, khát khao, học hỏi và biết vận dụng kiến thức tài chính.
Từng bước để tự do tài chính theo Kim Tứ Đồ.
Mỗi người có thể lần lượt trải qua 04 góc của Kim Tứ Đồ, từng bước đặt chân lên nấc thang cao hơn, thậm chí góp mặt ở nhiều vị trí trong Kim Tứ Đồ. Sau đây tôi sẽ ví dụ trường hợp của một người làm nghề nhiếp ảnh:
-
Giai đoạn
Employee (E)
: Người có tay nghề nhiếp ảnh đi làm công, gia nhập vào một studio, một công ty nhiếp ảnh hoặc Agency quảng cáo. Bằng cách này, người nhiếp ảnh sẽ có cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm làm việc và nhận được lương hàng tháng từ studio hoặc công ty đó.
-
Giai đoạn
Self-Employed (S)
: Người nhiếp ảnh đó sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề có thể lựa chọn kiếm tiền bằng cách trở thành nhiếp ảnh tự do hoặc mở studio riêng, tuyển thêm một vài người trợ tá và có khách hàng cho riêng mình.
-
Giai đoạn
Business Owner (B)
: Người nhiếp ảnh có thể trở thành một doanh nhân, làm chủ một studio hoặc công ty, thuê đội ngũ nhiếp ảnh về làm việc. Lúc này vai trò của người nhiếp ảnh có thể là quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc thuê người quản lý. Như thế người nhiếp ảnh có thể làm chủ mà không phải trực tiếp làm việc trong đó, thậm chí có thể mở thêm nhiều chi nhánh với mô hình tương tự.
-
Giai đoạn
Investor (I)
: Người nhiếp ảnh có thể trở thành một cổ đông góp vốn kinh doanh với người khác, có thể góp vốn trong bất cứ ngành nghề nào khác mà không cần liên quan đến nhiếp ảnh, chẳng hạn như: bất động sản, chứng khoán, trái phiếu,…
Để phát triển bản thân một cách hiệu quả theo Kim Tứ Đồ, bạn cần thay đổi suy nghĩ, niềm tin về tiền bạc. Xác định bản thân đang đứng ở nhóm nào rồi từng bước chuyển dịch đến nhóm cuối cùng trong Kim Tứ Đồ, bằng cách tích lũy kinh nghiệm, học hỏi thêm những kỹ năng, kiến thức của nhóm mục tiêu. Chúng ta không nên nóng vội mà có quyết định sai lầm rồi loay hoay trở về xuất phát điểm là giai đoạn Employee (E).
Nhũng sai lầm thường gặp khi chuyển dịch Kim Tứ Đồ.
Khi hiểu về Kim Tứ Đồ, hầu như những ai đang có thu nhập thấp cũng đều mong muốn thay đổi cách kiếm tiền, tìm cách dịch chuyển từ nhóm này sang nhóm kia mà chúng ta thường gọi là “nhảy nhóm” nhằm nâng cao thu nhập. Tuy nhiên không thành công bởi vì những nguyên nhân sau đây:
-
Tâm lý sợ hãi: Sợ phải thay đổi, sợ mất đi sự an toàn đang có, sợ đối mặt với thử thách phía trước, sợ thất bại,… nên không dám dịch chuyển. Hoặc đã dịch chuyển rồi nhưng vẫn mang tâm lý sợ hãi bên mình. Đây gọi là thua từ ngay trong suy nghĩ của bản thân.
-
Thiếu sự chuẩn bị: Tâm lý nôn nóng nhảy nhóm mà bỏ qua sự chuẩn bị cần thiết về kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ… dẫn đến thất bại khi chuyển nhóm.
-
Tư tưởng so sánh: Cho rằng ở nhóm này sẽ tốt hơn nhóm kia, nhóm này quan trọng hơn nhóm kia… trong khi thực tế là, mỗi nhóm đóng góp vai trò và ý nghĩa nhất định cho xã hội và nền kinh tế luôn cần đủ 04 nhóm người trên Kim Tứ Đồ
-
Mong chờ sự giàu có: Nghĩ rằng nhóm
Business Owner (B)
và
Investor (I)
luôn thành công về mặt tài chính, trong khi đó chỉ là cơ hội để thành công, thực sự nhiều trường hợp (B) và (I) đã thất bại, trở về số 0 hay thậm chí là âm.
Qua bài “Khám phá cách kiếm tiền của bạn theo Kim Tứ Đồ”, tôi nghĩ rằng mỗi người nên tự định vị bản thân để biết mình đang thuộc phần nào của Kim Tứ Đồ. Nếu chúng ta muốn đạt đến sự tự do về tài chính, hãy tìm cách “chuyển mình” sang nhóm khác bằng cách thay đổi tư duy, xác định mục tiêu phấn đấu, nâng cao năng lực, kỹ năng chuyên môn… Và tốt nhất là đặt mình vào ít nhất 02 nhóm trên Kim Tứ Đồ.
Cảm ơn bức ảnh bìa rất đẹp của Sora Shimazaki từ Pexels.
Tôi tên Trần Mạnh Cường, công việc chuyên môn chính hiện nay là làm về Marketing, Quảng Cáo và nghiên cứu các hoạt động liên quan đến Online. Ngoài lĩnh vực Marketing, tôi cũng có công ty riêng kinh doanh trong lĩnh vực Tổ Chức Sự Kiện, Cưới Hỏi, Quay Phim, Chụp Ảnh. Tôi là người sống tối giản theo chủ nghĩa khắc kỷ, đam mê thể thao, theo đuổi xu hướng sống xanh, đồng người là một người tình nguyện hiến tạng. Nếu bạn đã đọc đến dòng này, có nghĩa là chúng ta có duyên được biết nhau trong cuộc đời này, hãy vui lòng nhắn giúp tôi một lời, cho tôi có cơ hội được làm quen với bạn, dù trước tiên chỉ là bạn trên mạng xã hội.