Khám lâm sàng là gì?
Khám lâm sàng là hoạt động khám đầu tiên của tất cả quy trình khám chữa bệnh. Khám lâm sàng giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh ban đầu, định hướng để chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để từ đó chẩn đoán xác định bệnh.
1. Khám lâm sàng là gì?
Khám lâm sàng là hoạt động khám đầu tiên của tất cả quy trình khám chữa bệnh. Bác sĩ sẽ trực tiếp khám người bệnh thông qua các kỹ năng lâm sàng cơ bản là nhìn, sờ, gõ, nghe,…để phát hiện các dấu hiệu bất thường của các cơ quan trong cơ thể. Khám lâm sàng giúp bác sĩ tìm ra các yếu tố tác động tới tình trạng sức khỏe người bệnh như tuổi, tiền sử bệnh, môi trường sống, nghề nghiệp, nghiện rượu, thuốc lá,…Bước khám này giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh ban đầu, định hướng để chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để từ đó chẩn đoán xác định bệnh.
Khám lâm sàng cũng là phần khám chủ yếu của các đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ. Khám lâm sàng là thời điểm tốt để bạn trao đổi những vấn đề sức khỏe bản thân với bác sĩ như báo cho bác sĩ những triệu chứng bất thường xuất hiện trong thời đây khiến bạn cảm thấy khó chịu, lo lắng; những dị ứng với thực phẩm, với thuốc bạn gặp trong thời gian gần đây,… Bạn cũng có thể thảo luận với bác sĩ về những vắc-xin nên tiêm, những thay đổi về lối sống, chế độ ăn nên thực hiện để ngăn ngừa các nguy cơ bệnh tật.
2. Khám lâm sàng diễn ra như thế nào?
Khám lâm sàng trong khám sức khỏe tổng quát thường sẽ diễn ra như sau:
- Bác sĩ sẽ hỏi bạn các câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh, bao gồm các dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, các phẫu thuật đã từng thực hiện, các triệu chứng đang gặp phải. Bác sĩ cũng có thể hỏi về lối sống như có tập luyện thể dục, có hút thuốc hay uống rượu,…Bạn cũng sẽ được kiểm tra các chỉ số thể lực như chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI, nhịp tim, nhịp thở, thân nhiệt,…
- Bác sĩ sẽ bắt đầu khám tổng quát các bộ phận cơ thể để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngồi hoặc đứng để việc khám diễn ra thuận lợi.
- Tiếp theo, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nằm xuống, để quan sát, sờ để kiểm tra kích thước, vị trí, độ cứng, mềm của các cơ quan gan, lách, thận,… Bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe tiếng phổi khi bạn hít thở sâu, nghe nhu động ruột, nghe các động mạch lớn ở bụng như động mạch chủ, động mạch thận, động mạch chậu,… Bác sĩ cũng dùng tai nghe để nghe tim, qua nghe tim bác sĩ có thể đánh giá chức năng tim, van tim,…
- Bác sĩ có thể dùng ngón tay hoặc dùng một thiết bị được gọi là bộ gõ, dùng để gõ vào các cơ quan. Kỹ thuật này giúp bác sĩ khám phá sự xuất hiện bất thường của hơi, chất lỏng trong các cơ quan, xác định kích thước gan, lách,…
Sau khi khám lâm sàng, nếu phát hiện các bất thường ở một cơ quan nào trong cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng đặc hiệu cho bệnh lý nghi ngờ hoặc chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính,…nhằm khẳng định chẩn đoán.
3. Khám lâm sàng và cận lâm sàng
Như vậy trong khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ luôn phối hợp giữa khám lâm sàng và cận lâm sàng. Khám lâm sàng gồm nhìn, nghe, gõ, sờ kết hợp hỏi kỹ tiền sử bệnh, triệu chứng bệnh. Khám cận lâm sàng qua thực hiện các xét nghiệm và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sẽ cho biết các chỉ số, hình ảnh các cơ quan trong cơ thể. Kết hợp giữa khám lâm sàng và cận lâm sàng trong khám sức khỏe tổng quát định kỳ, bác sĩ sẽ xác định chính xác tình trạng sức khỏe người đến khám, giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh hoặc các nguy cơ có thể gây bệnh trong tương lai để điều trị, can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.