Khái niệm về luật sư ở Việt Nam – Kiến thức
Ở Việt Nam hiện nay, khái niệm về luật sư vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau và đôi khi có sự nhầm lẫn giữa thuật ngữ “luật gia” và “luật sư”
Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198
Các quan điểm về khái niệm luật sư
Ở Việt Nam hiện nay, khái niệm về luật sư vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau và đôi khi có sự nhầm lẫn giữa thuật ngữ “luật gia” và “luật sư”. Nguyên nhân của hiện tượng này, một mặt, là do pháp luật nói chung và pháp luật về luật sư nói riêng chưa được hoàn thiện, mặt khác, là do việc dịch các thuật ngữ có liên quan từ ngôn ngữ nước ngoài chưa chuẩn xác, chưa thống nhất. Mặt khác nữa, việc chưa thống nhất khái niệm về luật sư còn có nguyên nhân nội hàm khái niệm về luật sư rất rộng, gây khó khăn cho kỹ thuật lập pháp.
Theo quy định của Luật Luật sư 2006, đã được sửa đổi, bổ sung 2012 (sau đây gọi là Luật Luật sư) khái niệm luật sư có nhiều cách hiểu khác nhau và có thể chia thành hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định của Điều 2 Luật Luật sư, luật sư được hiểu là người có chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư, nhưng phải thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của khách hàng. Theo quan điểm này một người có Chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư nhưng phải gia nhập Đoàn luật sư, đăng ký hoạt động hoặc ký hợp đồng làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trên thực tế.
Quan điểm thứ hai cho rằng, luật sư là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và được cơ quan nhà nước cấp Chứng chỉ hành nghề. Việc gia nhập vào Đoàn luật sư hay không là quyền của luật sư. Đoàn luật sư là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, do đó, việc gia nhập Đoàn luật sư là tự nguyện. Khi luật sư đủ tiêu chuẩn theo luật định, được cơ quan nhà nước cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư thì có quyền đăng ký hoạt động và hành nghề mà không nhất thiết phải có một điều kiện nữa là gia nhập một Đoàn luật sư.
Công nhận một người là luật sư
Luật Luật sư đưa ra quy định về luật sư (Điều 2), tiêu chuẩn luật sư (Điều 10) và điều kiện hành nghề luật sư (Điều 11) nhưng không quy định cụ thể cơ quan hay tổ chức nào có thẩm quyền công nhận một người là luật sư, cũng như thời điểm nào một người được công nhận là luật sư và giấy tờ gì chứng minh một người là luật sư.
Theo quan điểm thứ nhất, chỉ được gọi là luật sư khi một người có Chứng chỉ hành nghề luật sư, được cấp Thẻ luật sư và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Do vậy, theo quy định của Luật Luật sư hiện hành thì luật sự được hiểu là người đã hành nghề trên thực tế.
Theo quan điểm thứ hai, luật sư là người có đủ tiêu chuẩn luật sư và được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Kể từ thời điểm có Chứng chỉ hành nghề luật sư thì người có Chứng chỉ hành nghề luật sư được gọi là luật sư. Tuy nhiên, trong Luật Luật sư 2006 không có một quy định nào xác nhận người có Chứng chỉ hành nghề luật sư là luật sư. Nếu như Pháp lệnh Luật sư 2001 quy định trong hồ sơ đăng ký hoạt động của văn phòng luật sư, công ty luật chỉ yêu cầu bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư hoặc các luật sư (điểm d khoản 1 của Điều 20) thì nay theo quy định của Luật Luật sự 2006, ngoài bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, còn yêu cầu cả bản sao Thẻ luật sư của luật sư thành lập văn phòng luật sư, thành lập hoặc tham gia thành lập công ty luật (điểm c khoản 2 của Điều 35). Như vậy, Chứng chỉ hành nghề luật sư được cấp cho một người có đủ các tiêu chuẩn hiện nay được hiểu là chứng chỉ xác nhận một người có khả năng hành nghề luật sư. Do đó, người đã được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, nhưng không gia nhập Đoàn luật sư, thì chưa được công nhận là luật sư.
Như vậy, theo Luật Luật sư hiện hành Chứng chỉ hành nghề luật sư có ý nghĩa xác nhận một người có khả năng hành nghề luật sư và theo “Luật Luật sư 2006 thì Chứng chỉ hành nghề luật sư chỉ là một trong những điều kiện để được phép hành nghề luật sư; khi đã có Chứng chỉ hành nghề luật sư còn phải gia nhập Đoàn luật sư và được Liên đoàn luật sư cấp Thẻ luật sư thì mới được phép hành nghề luật sư”.
Thẻ Luật sư
Về Thẻ luật sư, “Thẻ luật sư do Liên đoàn luật sư cấp vừa có ý nghĩa công nhận luật sư vừa là giấy phép hành nghề luật sư, bởi vì chỉ khi một người đã được cấp Thẻ luật sư thì người đó mới được mang danh luật sư và được hành nghề luật sư; trong hoạt động hành nghề luật sư chỉ cần xuất trình Thẻ luật sư là đủ, mà không phải xuất trình Chứng chỉ hành nghề luật sư. Điều lệ Liên đoàn luật sư lại quy định Thẻ luật sư là giấy chứng nhận tư cách thành viên của Đoàn luật sư và thành viên của Liên đoàn luật sư. Như vậy, Thẻ luật sư vừa làm chức năng là thẻ hội viên, vừa có ý nghĩa là giấy tờ công nhận luật sư và cho phép hành nghề luật sư”.
Về mối quan hệ giữa “Chứng chỉ hành nghề luật sư” với “Thẻ luật sư”, Chứng chỉ hành nghề luật sư là giấy tờ (văn bản của cơ quan nhà nước) cấp cho người có đủ tiêu chuẩn luật sư, điều kiện để hành nghề luật sư, tuy nhiên, chưa phải là cơ sở để công nhận tư cách luật sư của người được cấp Chứng chỉ. Còn Thẻ luật sư là thẻ hội viên, là giấy tờ xác nhận tư cách thành viên của Đoàn luật sư, thành viên của Liên đoàn luật sư. Thẻ luật sư được cấp sau Chứng chỉ hành nghề luật sư, nhưng không vì thế nó phủ nhận giá trị của Chứng chỉ hành nghề luật sư. Hai loại giấy tờ này có mối quan hệ với nhau của các điều kiện hành nghề luật sư, trong đó “Chứng chỉ hành nghề luật sư” là một điều kiện hành nghề luật sư, còn “Thẻ luật sư” là bằng chứng một người đã gia nhập Đoàn luật sư là thành viên của Đoàn luật sư, thành viên của Liên đoàn luật sư, thỏa mãn một điều kiện khác theo Điều 11 Luật Luật sư để hành nghề luật sư, thể hiện cụ thể nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước và tự quản của luật sư.
Khái niệm về luật sư
Theo quy định pháp luật hiện hành, luật sư Việt Nam được hiểu là: Người có quốc tịch Việt Nam, có bằng cử nhân luật, có chứng nhận đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo, trải qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, đạt kết quả của kỳ Kiểm tra hết tập sự hoặc được giảm hoặc miễn đào tạo và miễn tập sự theo quy định của pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, đã gia nhập một Đoàn Luật sư, được cấp Thẻ Luật sư và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trong t chức hành nghề luật sư hoặc với tư cách cá nhân.
Theo chức năng xã hội của luật sư và vị trí, vai trò của luật sư trong hệ thống tư pháp, Luật sư được hiểu là một chức danh độc lập trong hệ thống các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, có đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề luật chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng trước Tòa án, các cơ quan nhà nước và các chủ thể khác theo quy định của pháp luật và quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, qyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.