Khái Niệm Về Bảo Vệ Tổ Quốc / Top 9 # Xem Nhiều Nhất & Mới Nhất 4/2023 # Top View | 2atlantic.edu.vn

(BGĐT)-Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả này tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đó là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…”.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới được Hiến pháp năm 2013 cụ thể hóa tập trung và xuyên suốt những quan điểm cơ bản của Đảng trong Cương lĩnh và các văn kiện Đại hội lần thứ XI. Tại nhiều điều, khoản của Hiến pháp mới khẳng định: “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” và “mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.

Điều đó đã khẳng định vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của nhân dân. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là chủ thể, là động lực quyết định vận mệnh của đất nước, trong đó Nhà nước có nhiệm vụ củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân; phát huy sức mạnh của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới. Cùng với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

LLVT nhân dân là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Để hoàn thành sứ mệnh của mình, đòi hỏi LLVT nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Lực lượng VTND bao gồm Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng. Trong đó, Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, Công an nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định những chính sách cơ bản trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh. Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân thành lực lượng cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Cùng với chính sách chăm lo xây dựng LLVT, Nhà nước tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho LLVT; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của quân đội và công an.

Hiến pháp mới tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, đồng thời bổ sung mục tiêu “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Nội dung mới này nhằm nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường thế giới, đồng thời tạo cơ sở hiến định để nước ta thực hiện các cam kết và trách nhiệm quốc tế trong trường hợp cần thiết.

Những chính sách cơ bản về quốc phòng, an ninh được quy định trong Hiến pháp mới đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ, hữu cơ giữa phát triển KT-XH với bảo đảm quốc phòng, an ninh và ngược lại; xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh trở thành bộ phận của công nghiệp quốc gia trong sự nghiệp CNH, HĐH; xây dựng LLVT nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài những quy định tập trung trong chương IV về bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp năm 2013 xác định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Mọi công dân phải thực hiện bình đẳng nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó thực hiện nghĩa vụ quân sự là trung tâm. Mọi công dân có nghĩa vụ tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Hiến pháp mới cũng quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng LLVT nhân dân phù hợp với tình hình mới.