Khái niệm và đặc điểm hiệu quả Pareto – Đề cương ôn tập môn Kinh tế công cộng – VnDoc.com
Khái niệm và đặc điểm hiệu quả Pareto
Đề cương ôn tập môn Kinh tế công cộng
Khái niệm và đặc điểm hiệu quả Pareto được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Khái niệm và đặc điểm hiệu quả Pareto
Khái niệm: Hiệu quả Pareto là tình trạng phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế khi mà không thể làm cho một cá nhân nào đó có lợi hơn nếu không làm cho bất cứ cá nhân nào khác bị thiệt. Khái niệm hiệu quả Pareto được sử dụng như một tiêu chuẩn đánh giá tình trạng sử dụng tối ưu các nguồn lực trong xã hội. Vì lý do này mà hiệu quả Pareto còn được gọi là Tối ưu Pareto. Cần chú ý rằng việc đề cập đến hiệu quả Pareto luôn ngầm định điều kiện phân bổ nguồn lực diễn ra trong môi trường cạnh tranh tự do và thị trường đầy đủ. Trong môi trường ấy, cơ chế hoạt động của “bàn tay vô hình” điều chỉnh việc phân bổ nguồn lực sao cho không có bất cứ sản phẩm nào dư thừa và không có bất cứ nhân tố sản xuất nào được sử dụng lãng phí.
Minh họa này là một ví dụ về một tập hợp các điểm Hiệu quả Pareto tạo nên đường giới hạn hiệu quả Pareto (Pareto Efficient Frontier), đó chính là chuỗi các điểm màu đỏ trong hình 2.1
Hình 2.1 Hiệu quả Pareto và Cải thiện Pareto
Nếu tình trạng phân bổ trong nền kinh tế chưa đạt hiệu quả Pareto (bất cứ điểm nào bên trong giới hạn hiệu quả, việc cải thiện hiệu quả Pareto có thể thực hiện được bằng cách tái phân bổ sao cho lợi ích của các bên được phân bổ được tăng lên, hoặc cải thiện được lợi ích của ít nhất một đối tượng mà không làm tổn hại đến lợi ích của bất cứ đối tượng nào khác.
Điều này không xảy ra đối với các điểm trên đường giới hạn hiệu quả. Bất cứ việc tăng lợi ích của một đối tượng nào đều phải giảm bớt lợi ích của một đối tượng khác. Như vậy mọi điểm phân bổ đạt trạng thái nêu trên không còn cách nào cải thiện thêm mức độ hiệu quả, và tập hợp các điểm ấy gọi là đường giới hạn hiệu quả Pareto. Tuy nhiên, nội dung phân tích trên mới chỉ dừng lại ở giả định việc phân phối lại không làm thay đổi giá trị phúc lợi. Cần tiếp cận khái niệm Hiệu quả Pareto này dưới hai giác độ, một là phải bảo đảm không có nguồn lực hoặc sản phẩm nào dư thừa, hai là việc sử dụng chúng đạt mức tối ưu trong thị trường cạnh tranh. Trong điều kiện cạnh tranh tự do, bất cứ sự thay đổi về giá của một hàng hóa tiêu dùng hoặc một nhân tố đầu vào sản xuất nào đó đều có tác động lên các nhân tố khác trong nền kinh tế gây hiệu ứng cơ cấu lại về giá và lượng tiêu thụ. Kinh tế vi mô đã chỉ rõ, trong thị trường cạnh tranh tự do, các nhân tố đầu vào sản xuất hoặc hàng tiêu dùng đều chịu sự chi phối thống nhất về giá, do đó lựa chọn của người tiêu dùng (đường bàng quan) và lựa chọn đầu vào các nhân tố sản xuất (đường đẳng lượng) được giả định là chịu sự tác động thống nhất về giá nêu trên. Nội dung sau tiếp tục giải thích bản chất của sự hiệu quả nêu trên.
Khái niệm hiệu quả Pareto có một số hạn chế mà chúng ta cần xem xét khi áp dụng vào các phân tích. Thứ nhất, nó chỉ quan tâm tới phúc lợi của từng cá nhân, chứ không quan tâm tới phúc lợi xã hội trong mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân. Nó hoàn toàn không quan tâm tới vấn đề bất công. Vì thế, một sự thay đổi tuy dẫn tới việc người giàu giàu thêm nhưng lại bỏ mặc người nghèo, vẫn được coi là một sự cải thiện Pareto. Thực tế cho thấy rằng việc tăng mức độ cách biệt giữa người giàu và người nghèo là điều nguy hiểm cho xã hội với nguy cơ dẫn đến bất ổn xã hội và tổn thất hiệu quả phát triển trong dài hạn. Nhiều nước kém phát triển có khoảng cách giàu nghèo rất lớn. Đây chính là nguyên nhân của bạo loạn và nội chiến không ngừng diễn ra tại các nước này. Một số nước đang phát triển trải qua những thời kỳ tăng trưởng nhanh, trong đó tất cả các bộ phận chính của xã hội đều khá lên; nhưng thu nhập của người giàu tăng nhanh hơn thu nhập của người nghèo. Tuy nhiên cái giá cũng là căng thẳng, xung đột xã hội dâng cao mà lý do trực tiếp là ô nhiễm môi trường, bệnh dịch và đảo lộn giá trị đạo đức với những tổn hại lớn đổ vào đầu tầng lớp nghèo khổ.
Thứ hai, điều kiện giả định để có được tình trạng Hiệu quả Pareto xảy ra là lý tưởng và không thường xuyên tồn tại ổn định trong thực tế. Có rất nhiều vấn đề nội tại và ngoại cảnh làm cho thị trường không thực sự vận hành hoàn hảo và cạnh tranh không thực sự tự do. Những lý do sau làm cho cung cầu trong thị trường không đạt điểm cân bằng, đồng nghĩa với điều kiện của Hiệu quả Pareto không được đáp ứng, đó là: Giữa các doanh nghiệp với nhau, lợi thế tương đối trong một giai đoạn nhất định tạo cho doanh nghiệp đó một vị thế độc quyền tương đối; Giữa người sản xuất và người tiêu dùng, luôn tồn tại bất bình đẳng về thông tin đối với một hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể vì thông thường thì người tiêu dùng luôn có ít thông tin về chất lượng hàng hóa so với phía sản xuất ra nó; Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng, ngoại ứng thường xuyên xuất hiện. Khi đó, tổng các nguồn lực luôn bị sử dụng dưới mức tối ưu làm cho quy mô sản lượng giảm thiểu so với mức hiệu quả; Hàng hóa công không có cơ chế bộc lộ sở thích cá nhân như hàng hóa tự do tình trạng lựa chọn ngược và tình trạng ăn theo; do đó, việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cận biên của mọi cá nhân trong xã hội đối với hàng hóa công là khó khả thi. Những vấn đề nêu trên có thể được coi là một số biểu hiện của thất bại thị trường mà chúng ta sẽ đi sâu phân tích trong các chương sau.
—————————————
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm và đặc điểm hiệu quả Pareto về tình trạng phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế khi mà không thể làm cho một cá nhân nào đó có lợi hơn nếu không làm cho bất cứ cá nhân nào khác bị thiệt….
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Khái niệm và đặc điểm hiệu quả Pareto. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng – Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.