Khái niệm và chức năng của tài chính – Thẩm Định Giá
Tài chính luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người trong bất kỳ giai đoạn nào. Khi có 1 nền tảng kiến thức về tài chính vững vàng bạn có thể kiếm tiền – giữ tiền thuận lợi hơn rất nhiều. Vậy tài chính là gì? Tài chính có chức năng gì? Để có cài nhìn bao quát về tài chính, các bạn hãy tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Tài chính là gì?
Tài chính là một phạm trù kinh tế phản ánh các mối quan hệ của xã hội dưới hình thức giá trị, khái niệm tài chính được hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau.
Tài chính là quan hệ phân phối tài sản của xã hội dưới hình thức giá trị. Tài chính được phát sinh trong quá trình hình thành, tạo lập, phân phối các quỹ tiền tệ của các chủ thể trong nền kinh tế để đạt được mục tiêu của các chủ để ở mỗi điều kiện nhất định.
Tài chính thể hiện ra là sự vận động của vốn tiền tệ, diễn ra ở mọi chủ thể trong xã hội. Nó phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế nảy sinh trong phân phối các nguồn tài chính thông qua việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể trong xã hội.
Tài chính bao gồm các quỹ tiền tệ được hình thành bởi nhà nước nhằm thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Tài chính không phải là tiền tệ, nhưng các quỹ tiền tệ được hình thành bởi Nhà nước chính là những biểu hiện bên ngoài của tài chính.
Xem thêm >> Nguyên tắc quản lý tài chính doanh nghiệp hiệu quả
2. Chức năng tài chính
Bản chất của tài chính thể hiện thông qua chức năng của nó. Tài chính có 3 chức năng đó là: huy động, phân phối và giám sát vốn.
2.1 Chức năng huy động của tài chính
Huy động vốn là chức năng tạo lập các nguồn tài chính, thể hiện ở khả năng tổ chức, khai thác các nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Việc huy động vốn phải tuân thủ cơ chế thị trường, quan hệ cung cầu, và giá cả của vốn.
2.2 Chức năng phân phối của tài chính
Chức năng phân phối của tài chính là một khả năng khách quan của phạm trù tài chính. Con người nhận thức và vận dụng khả năng khách quan đó để tổ chức việc phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị.
Chức năng phân phối của tài chính là chức năng mà nhờ đó, các nguồn tài lực đại diện cho những bộ phận của cải xã hội được đưa vào các quỹ tiền tệ khác nhau, để sử dụng cho những mục đích khác nhau, đảm bảo những nhu cầu, những lợi ích khác nhau của đời sống xã hội.
Phân phối qua tài chính là sự phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị. Thông qua chức năng này, các quỹ tiền tệ tập trung và không tập trung được hình thành và sử dụng theo những mục đích nhất định.
Phân phối thông qua tài chính gồm: phân phối lần đầu (là việc phân phối tại các khâu cơ sở, đó là các khâu tham gia trực tiếp vào các hoạt hoạt động sản xuất) và phân phối lại (là phân phối cho các khâu không tham gia trực tiếp trong quá trình sản xuất mà chỉ nhằm đảm bảo hoạt động bình thường của xã hội).
Tuy nhiên, thực tế phân phối được chia thành 3 nhóm:
- Phân phối có hoàn lại có thời hạn.
- Phân phối không hoàn lại.
- Phân phối hoàn lại có điều kiện.
Đối tượng phân phối
Đối tượng phân phối là của cải xã hội dưới hình thức giá trị, là tổng thể các nguồn tài chính có trong xã hội.
Xét về mặt nội dung, nguồn tài chính bao gồm các bộ phận:
- Bộ phận của cải xã hội mới được tạo ra trong kỳ – Tổng sản phẩm trong nước GDP;
- Bộ phận của cải xã hội còn lại từ kỳ trước – Phần tích lũy quá khứ của xã hội và dân cư;
- Bộ phận của cải được chuyển từ nước ngoài vào và bộ phận của cải từ trong nước chuyển ra nước ngoài;
- Bộ phận tài sản, tài nguyên quốc gia có thể cho thuê, nhượng bán có thời hạn.
Xét về mặt hình thức tồn tại, nguồn tài chính tồn tại dưới dạng:
- Nguồn tài chính hữu hình;
- Nguồn tài chính vô hình.
- Chủ thể phân phối
- Chủ thể phân phối: nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, hộ gia đình, cá nhân.
Kết quả phân phối: Kết quả phân phối của tài chính là sự hình thành hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định cho các mục đích khác nhau của các chủ thể trong xã hội.
Đặc điểm của phân phối
- Là sự phân phối chỉ diễn ra dưới hình thức giá trị, nó không kèm theo sự thay đổi hình thái giá trị;
- Là sự phân phối luôn luôn gắn liền với sự hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ nhất định;
- Là quá trình phân phối diễn ra một cách thường xuyên, liên tục bao gồm cả phân phối lần đầu và phân phối lại.
Quá trình phân phối
Phân phối lần đầu sản phẩm xã hội là quá trình phân phối chỉ diễn ra ở lĩnh vực sản xuất cho những chủ thể tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật chất hay thực hiện các dịch vụ.
- Chủ thể phân phối: doanh nghiệp, người lao động, nhà nước, ngân hàng,…
- Kết quả phân phối: Hình thành nên các phần thu nhập của các chủ thể phân phối.
Phân phối lại là quá trình tiếp tục phân phối những phần thu nhập cơ bản đã hình thành qua phân phối lần đầu ra phạm vi toàn xã hội để đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau, thỏa mãn nhiều lợi ích khác nhau trong xã hội.
2.3 Chức năng giám sát của tài chính
Giám sát là chức năng kiểm tra sự vận động của các nguồn tài chính trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ. Thông qua chức năng này để kiểm tra và điều chỉnh các quá trình phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của mỗi thời kỳ, kiểm tra các chế độ tài chính của Nhà nước…
Hệ thống tài chính
Hệ thống tài chính là tổng thể các hoạt động tài chính trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân, nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau về việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ ở các chủ thể kinh tế – xã hội hoạt động trong lĩnh vực đó.
Hệ thống tài chính bao gồm:
– Tài chính công (gồm ngân sách nhà nước và các quỹ ngoài ngân sách).
– Tài chính doanh nghiệp.
– Thị trường tài chính (gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn).
– Tài chính quốc tế.
– Tài chính hộ gia đình, cá nhân.
– Tài chính các tổ chức xã hội.
– Tài chính trung gian (bao gồm tín dụng, bảo hiểm).
Bạn đang đọc bài viết: “Khái niệm và chức năng của tài chính” tại chuyên mục tin Tài chính. Mọi chi tiết đóng góp vui lòng gửi qua thông tin sau:
097 113 8889
www.thamdinhgiataisan.net