Khái niệm và các hình thức của thực hiện pháp luật – Kiến thức

Dưới góc độ khoa học pháp lí, chỉ những xử sự phù hợp với những quy định của pháp luật, được tiến hành bởi những chủ thế có đủ khả năng nhận thức được yêu cầu của pháp luật, có khả năng tự mình xác lập, thực hiện hành vi do pháp luật quy định… thì mới được coi là biểu hiện thực tế của việc thực hiện pháp luật.

I- KHÁI NIỆM THỰC HIỆN PHÁP LUẬT

Cùng với việc ban hành hệ thống quy tắc xử sự kịp thời phản ánh đúng thực tế khách quan, nhà nước đã tiến hành nhiều hoạt động để pháp luật có thể được thực hiện triệt để trong thực tế. Trên cơ sở các quy phạm pháp luật, các cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ pháp luật tự mình thực hiện những hành vi nhất định nhằm đạt một mục đích nào đó. Hành vi của chủ thể có thể là làm những việc pháp luật buộc phải làm, không làm những việc mà pháp luật cấm, làm những việc mà pháp luật cho phép… Hành vi thực tế của các chủ thể trong những trường hợp này đã làm cho các quy định của pháp luật được thực hiện trong thực tế, nói cách khác, các chủ thể đã thực hiện pháp luật.

Thực hiện pháp luật là hành vi thực tể, họp pháp, có mục đích của các chủ thể được hình thành trong quá trình hiện thực hóa các quy định của pháp luật. 
 
Việc thực hiện pháp luật có ý nghĩa to lớn trong đời sống. Bằng việc thực hiện pháp luật, các quy định của pháp luật từ trong các nguồn luật khác nhau đã đi vào đời sống, trở thành hành vi thực tế của các chủ thể. Nhờ đó, pháp luật phát huy vai trò của nó trên thực tế, làm cho đời sống xã hội ổn định, trật tự và có điều kiện phát triển mạnh mẽ, các quyền, lợi ích họp pháp của các cá nhân, tổ chức được bảo đảm, bảo vệ, đời sống xã hội được an toàn. Thông qua việc thực hiện pháp luật, những hạn chế khiếm khuyết (nếu có) của pháp luật sẽ được bộc lộ, nhờ đó, pháp luật có thể được hoàn thiện một cách kịp thời.

II- CÁC HÌNH THỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT

Hệ thống pháp luật rất đa dạng, bao gồm các loại quy phạm pháp luật cho phép, bắt buộc, ngăn cấm, bởi vậy, cách thức thực hiện chúng cũng khác nhau. Chủ thể thực hiện pháp luật cũng rất đa dạng, bao gồm các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền cũng như mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội. Từ đó, khoa học pháp lí xác định có bốn hình thức thực hiện pháp luật đó là:

Tuân theo pháp luật (tuân thủ pháp luật) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thế pháp luật kiềm chế không tiến hành các hoạt động mà pháp luật cẩm.

Sự kiềm chế của các chủ thể pháp luật được hiểu là khi pháp luật quy định cấm làm một điều gì đó thì họ không tiến hành hoạt động này mặc dù họ có cơ hội để thực hiện một hành vi bị cấm. Ở hình thức này, hành vi của chủ thể pháp luật được thể hiện dưới dạng không hành động. Chẳng hạn, sinh viên không trao đổi bài trong khi làm bài kiểm tra.

Thi hành pháp luật (chấp hành pháp luật) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật tiến hành các hoạt động mà pháp luật buộc phải làm.

Chủ thể pháp luật phải tiến hành các hoạt động bắt buộc là khi họ ở trong điều kiện mà pháp luật quy định thì phải làm những việc mà nhà nước yêu cầu, họ không thể viện lí do để từ chối. Sự đòi hỏi của nhà nước đối với các chủ thể là phải tích cực tiến hành những hoạt động nhất định. Ở hình thức này, hành vi của chủ thể thi hành pháp luật được thể hiện dưới dạng hành động. Chẳng hạn, một người bơi lội giỏi đã thực hiện hành vi cứu giúp người gặp nạn, sắp bị chết đuối.

Sử dụng pháp luật (vận dụng pháp luật) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thế pháp luật tiến hành những hoạt động mà pháp luật cho phép.

Đây là hình thức chủ thể pháp luật thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật. Nhà nước tạo khả năng cho chủ thể pháp luật có thể được hưởng những quyền nào đó và họ đã căn cứ vào mong muốn, điều kiện của mình để thực hiện các quyền này. Chẳng hạn, một người làm di chúc để lại tài sản của mình cho những người thừa kế.

Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền hoặc tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền.

Đây là hình thức các chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định giải quyết các vụ việc cụ thể xảy ra trong đời sống, nhằm xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lí… cho các chủ thể cụ thể, trong những trường hợp cụ thể. Đây là hình thức thực hiện pháp luật rất quan trọng, phức tạp, vì vậy nó cần được nghiên cứu kĩ hơn ở phần sau.

Cần lưu ý là, trong thực tiễn, các thuật ngữ tuân theo pháp luật, thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật… có thể được hiểu theo những nghĩa rộng hơn, nhiều khi chúng được sử dụng đồng nghĩa với thuật ngữ thực hiện pháp luật. Chẳng hạn, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật”, trong trường hợp này cụm từ “tuân theo Hiến pháp và pháp luật” được hiểu tương đồng với “thực hiện Hiến pháp và pháp luật”. Tương tự, Quốc hội có Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015…, trong những trường hợp này, thuật ngữ “thi hành” được hiểu tương đồng với thuật ngữ “thực hiện”, nó được sử dụng thay thế cho thuật ngữ “thực hiện”. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có điều khoản quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên cần phải hiểu, điều luật này chính là sự quy định về việc thực hiện các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

Xem thêm: Các giai đoạn của quá trình áp dụng pháp luật.


Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng – Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật – Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).