KHÁI NIỆM TRUYỀN THUYẾT: – Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam Phần 1 – Trần Tùng Chinh –
Trong một tác phẩm gọi là truyền thuyết dân gian, yếu tố cơ bản để xác định và
phân biệt với các thể loại tự sự dân gian khác, đặc biệt là thần thoại và cổ tích –
đó là dấu ấn lịch sử trong tác phẩm. Vì vậy, khi khảo sát hầu hết những khái
niệm khác nhau của các nhà nghiên cứu về truyền thuyết, ta có thể dễ dàng
nhận ra sự thống nhất cơ bản giữa các ý kiến. Hầu hết đều dựa trên tiêu chí lịch
sửđể giới thuyết và xác định nội hàm khái niệm của thể loại này.
Trong SGK lớp 10 – Tập 1, ông Chu Xuân Diên cho rằng Truyền thuyết là những
truyện kể dân gian về các sự kiện và nhân vật lịch sử hoặc tôn giáo đã được trí
tưởng tượng dân gian tô vẽ thêm bằng các yếu tố không có thực. Có những
truyền thuyết lịch sử (Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi…) và những truyền thuyết tôn
giáo (Phật giáo, Đạo giáo…). Tương tự, ông Đỗ Bình Trị ( SGK lớp 10- Tập 1-
Ban KHXH) quan niệm Truyền thuyết lịch sử là những truyện kể về lịch sử
những thời quá khứđược trí tưởng tượng dân gian thêu dệt thêm, thể hiện mối
quan tâm riêng, thái độ và cách đánh giá riêng của nhân dân đối với một số sự
kiện và nhân vật lịch sử. Theo ông Trần Hoàng (ĐHSP Huế),Truyền thuyết vừa
phản ánh, vừa nhận thức và đồng thời lý giải lịch sử.
Về khái niệm lịch sử, ông Nguyễn Tấn Phát (ĐHSP TPHCM) còn xác định cụ
thểđó là những sự kiện và những nhân vật lịch sử có thật, liên quan đến những
biến cố trọng đại mà toàn dân đều chú ý.
Đưa ra một loạt các ý kiến có tính hệ thống đó là tác giả Lê Chí Quế (ĐHQG Hà
Nội). Ông đã sưu tầm nhiều ý kiến khác nhau:
Nguyễn Đổng Chi: Truyền thuyết thường dùng để chỉ những câu chuyện cũ,
những sự kiện lịch sử còn được quần chúng nhân dân truyền lại nhưng không
bảo đảm chính xác. Phần lớn chúng chưa thành truyện (mà chỉ là những mẩu
chuyện), nếu phát triển hoàn chỉnh thì tuỳ theo nội dung sẽ trở thành thần thoại
hay cổ tích.
Tầm Vu: Truyền thuyết trở nên thịnh hành so với thần thoại khi công xã
nguyên thủy tan rã, nó nặng vềđề tài lịch sử.
Phan Trần: Truyền thuyết là những truyện truyền tụng trong dân gian về
những sự việc nhân vật có liên quan đến lịch sửđược phản ánh qua trí tưởng
tượng và hư cấu.
Kiều Thu Hoạch: Truyền thuyết là một thể tài truyện kể truyền miệng nằm
trong loại hình tự sự dân gian. Nội dung cốt truyện kể lại truyện tích các nhân vật
lịch sử hoặc giải thích các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân.
Phạm Văn Đồng: Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự
thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệđã lý tưởng hóa và gởi gắm vào đó
tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng
tượng và nghệ thuật dân gian làm nên tác phẩm văn hóa mà đời đời con cháu
ưa thích.
Từđó, ông Lê Chí Quếđúc kết lại rằng Truyền thuyết là một thể loại trong loại
hình tự sự dân gian phản ánh những sự kiện nhân vật lịch sử hay di tích cảnh
vật địa phương thông qua sự hư cấu nghệ thuật thần kỳ.
Như vậy ta có thể thấy rằng, nói đến truyền thuyết là nói đến những tác phẩm tự
sự dân gian mà yếu tố lịch sử là yếu tố cơ bản quyết định sự sáng tạo, lưu
truyền và tồn tại tác phẩm. Lịch sử sẽ là nguồn cảm hứng cho các tác giả dân
gian sáng tạo tác phẩm truyền thuyết. Và chính vì thế tách khỏi cái khung lịch
sử, truyền thuyết chỉ còn là một sản phẩm tưởng tượng hoang đường, đáp ứng
cho những yêu cầu khác nhau để phục vụ cho việc tạo ra những tác phẩm
thuộc thể loại khác mà không phải là truyền thuyết nữa. Và vì ra đời sau thần
thoại lại làm tiền đề cho sự ra đời của cổ tích, truyền thuyết vẫn có những yếu tố
song trùng với thần thoại và có những nét gần gũi với một thể loại tự sự ra đời
sau, đó là truyện cổ tích. Và bên trong cái vỏ thần kỳ truyền thuyết lại hàm chứa
những yếu tố gắn với lịch sử dân tộc thời kỳ dựng nước và giữ nước.