Khái niệm truyện cười – (LUẬN văn THẠC sĩ) văn hóa ứng xử trong truyện cười dân gian người việt –

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG TRUYỆN CƯỜI DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT

6. Kết cấu của luận văn

1.2.1. Khái niệm truyện cười

Truyện cười là một lĩnh vực truyện kể dân gian rộng lớn, đa dạng,
phức tạp bao gồm những hình thức được gọi bằng những danh từ khác nhau
như: truyện tiếu lâm, truyện khôi hài, truyện trào phúng, truyện trạng, giai
thoại hài hước…mặc dù được dùng với nhiều tên gọi khác nhau nhưng thống
nhất về bản chất.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu tình cảm, tinh thần lạc quan và
khiếu hài hước, ngay cả trong sinh hoạt đời thường với những buổi chiều chăn
trâu cắt cỏ, thăm đồng, gặt hái người ta cũng có thể kể cho nhau nghe những
câu chuyện cười. Nó gắn bó trong các làng quê và trở thành phương tiện mua
vui giải trí hữu hiệu của con người Việt Nam. Bởi vậy khái niệm truyện cười
lâu nay không còn xa lạ với chúng ta.

Trong truyện dân gian của người Việt thì khu vực được gọi là truyện
cười khá rộng và đa dạng, nó tiếp giáp với nhiều loại truyện truyền miệng khác
như: truyện ngụ ngôn, giai thoại, truyện cổ tích sinh hoạt và chỉ khoảng bốn
thập kỉ nay danh từ truyện cười mới được giới nghiên cứu nước ta quan tâm.

Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” của Lê Bá Hán, Trần Đình
Sử và Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) các tác giả khẳng định: Truyện cười là
“một thể loại truyện dân gian chứa đựng cái hài, dùng tiếng cười làm phương

tiện chủ yếu để thực hiện chức năng phê phán, châm biếm, đả kích cái xấu xa
và mua vui giải trí” [17, tr. 369]. Định nghĩa này khẳng định truyện cười là một

thể loại tự sự và nhấn mạnh tới chức năng của truyện cười thông qua phương
tiện chính là tiếng cười.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tiến Tựu trong cuốn “Văn học dân gian

Việt Nam” (1999) thì cho rằng “Truyện cười chỉ tất cả các hình thức truyện kể

dân gian có tác dụng gây cười và lấy tiếng cười làm phương tiện chủ yếu để
khen chê và mua vui, giải trí như: truyện khôi hài, truyện trào phúng, truyện

tiếu lâm, truyện Trạng…” [61, tr. 97]. Cách định nghĩa này của Hoàng Tiến

Tựu cũng có nét tương đồng với cách định nghĩa của nhóm tác giả Lê Bá Hán
và Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong việc khẳng định chức năng của
truyện cười và vai trò của tiếng cười.

Tác giả Đinh Gia Khánh trong cuốn “Văn học dân gian Việt Nam” (tái
bản lần thứ 6) cho rằng: “Truyện cười miêu tả hiện thực bằng cách phóng đại

sự thật. Trong cuộc đời muôn ngàn sự việc hàng ngày xảy ra, khác nào muôn
vàn nét vẽ phức tạp trên một bức phông lớn, nếu tô đậm một số nét làm cho nổi
bật chúng lên thì đó là một cách phóng đại, cường điệu hóa” [25, tr. 388]. Ở

đây tác giả đã dựa trên bút pháp nghệ thuật phóng đại, cường điệu hóa sự thật
của truyện cười để định nghĩa truyện cười.

Bên cạnh đó, tác giả Vũ Anh Tuấn trong cuốn “Giáo trình Văn học dân

gian” (2012) định nghĩa như sau: “Truyện cười là hình thức tự sự dựa trên cơ

sở cái đáng cười để tạo ra cái cười có mục đích nhất định, gắn với nội dung xã
hội và nhận thức của con người. Tiếng cười trong truyện cười bật ra khi chúng
ta phát hiện ra “cái đáng cười », hay là nhận thức được bản chất của tình
huống gây cười” [59, tr 152]. Tác giả Vũ Anh Tuấn đã chỉ ra được cơ chế tạo

ra tiếng cười đó là khi chúng ta phát hiện ra mâu thuẫn giữa cái bản chất với cái
bên ngoài của mỗi tình huống gây cười để từ đó tác giả đã đưa ra định nghĩa
của mình về truyện cười.

Như vậy, dù hiểu theo cách hiểu nào thì tựu chung lại có thể thấy truyện

cười là một thể loại tự sự dân gian ra đời khi xã hội phong kiến đang suy tàn
và có đặc điểm là dùng tiếng cười để mua vui giải trí, giáo dục con người
thông qua việc phát hiện mâu thuẫn giữa cái bản bản chất với cái hình thức.
Từ mỗi một câu chuyện cho chúng ta một tình huống, mỗi một tình huống lại
được đậm tô bằng những nét phóng đại, cường điệu hóa. Chính điều đó khiến
cho truyện cười lâu nay có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống nhân dân.