Khái niệm thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích – 123docz.net

7. Đóng góp của đề tài

2.1.2. Khái niệm thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích

2.1.2.1. Thần thoại

Thần thoại là hình thức sáng tác của con người thời đại xa xưa, nó thể

hiện ý thức muốn tìm hiểu vũ trụ, lí giải vũ trụ và chinh phục thế giới tự nhiên
của con người. Bất cứ quốc gia, tộc người nào trên thế giới đều có thần thoại, đó
là vẻ đẹp “một đi không trở lại” của loài người khi xã hội nguyên thủy kết thúc.

Theo E.M. Mêlêtinxki trong cuốn Từ điển thần thoại: “Từ thần thoại có
nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, nghĩa đen là truyền thuyết, truyện thoại. Thường
người ta hiểu nó là truyện về các vị thần, các nhân vật được sùng bái hoặc có
quan hệ nguồn gốc với các vị thần, về các thế hệ xuất hiện trong thời gian ban

đầu, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc tạo lập nên những nhân tố của
nó – thiên nhiên và văn hóa. Hệ thần thoại (mifalogia) là tổng thể những câu
chuyện như thế về các vị thần và các nhân vật đồng thời là hệ thống những
quan niệm hoang đường về thế giới” [Dẫn theo Nguyễn Thị Huế, 30, tr15]

Ở nước ta, nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian từ lâu cũng đã tìm
cách định nghĩa thần thoại theo sự đánh giá riêng của mình. Nguyễn Đổng
Chi trong cuốn Lược khảo về thần thoại Việt Nam có định nghĩa như sau:
Thần thoại là một truyện cổ tích. Trong các truyện cổ tích có thể chia làm
hai thứ: một thứ nội dung hoàn toàn nói về người hoặc về vật mà ta có thể gọi
là nhân thoại, vật thoại, trong đó không có sức thần phép tiên len vào; một
thứ trái lại, bao hàm ít nhiều chất hoang đường quái đản. Thần thoại thuộc về
thứ sau” [9, tr.9]

Chu Xuân Diên đã đưa ra cách hiểu về thần thoại như sau: “Thần thoại
là tập hợp những truyện kể dân gian về các vị thần, những nhân vật anh
hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh quan niệm của người thời cổ
về nguồn gốc của thế giới và của đời sống con người” [11, tr.356]. Giáo
trình Văn học dân gian Việt Nam do Đinh Gia Khánh làm chủ biên, đã nêu
định nghĩa: “Thần thoại là hiện tượng văn hóa tinh thần ra đời từ khá sớm.
Theo qui luật phổ biến, thần thoại chủ yếu ra đời trong xã hội cộng đồng
nguyên thủy, vào những thời kì xa xưa của các xã hội trước khi có giai cấp.
Thần thoại phản ánh một cách kì diệu nhận thức về vũ trụ, về công cuộc đấu
tranh thiên nhiên, sinh hoạt xã hội và tư duy xã hội ở các tộc người anh em từ
thời cổ sơ” [32, tr.585]

Từ những cách hiểu trên đây ta có thể rút ra một cách hiểu chung nhất
về thần thoại: Thần thoại là một thể loại của văn học dân gian kể về các vị
thần, các anh hùng, những người sáng tạo văn hóa, phản ánh lịch sử và xã
hội của người xưa theo một phương thức riêng phương thức thần thoại.

Ở nước ta, thần thoại cũng ra đời từ khá sớm, theo Đinh Gia Khánh,

“Thần thoại đã nảy sinh từ cuộc sống của người nguyên thủy và phát triển
theo yêu cầu của xã hội Lạc Việt”. Sự cần thiết tìm câu trả lời cho một những
gì xảy ra xung quanh như: Tại sao có mặt trời? Tại sao có ngày đêm? Con
người sinh ra từ đâu?… đã khiến họ đã làm ra thần thoại.

2.1.2.2. Truyền thuyết

Truyền thuyết ở Việt Nam xuất hiện khá sớm, được ghi lại trong Việt
điện u linh, Lĩnh Nam chích quái (thế kỉ XIV-XV). Nhưng thuật ngữ truyền
thuyết và việc giới thiệu nó lại ra đời khá muộn và là thể loại cho đến nay vẫn
có nhiều ý kiến khác nhau.

Theo lịch sử nghiên cứu thể loại truyền thuyết ở nước ta, Đào Duy Anh
chính là người sớm sử dụng thuật ngữ này nhất khi ông viết về “Những
truyền thuyết đời thượng cổ nước ta” trên Tạp chí Duy Tân. Sau đó, đến
những năm 50 của thế kỉ XX, thuật ngữ truyền thuyết được sử dụng phổ biến.
Trong cuốn Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, các tác giả nhóm Lê Quý
Đôn khẳng định: “Truyền thuyết là tất cả những chuyện lưu hành trong dân
gian có thật hay không thì không có gì đảm bảo” [15, tr.60].

Đến những năm 60, danh từ truyền thuyết đã trở nên quen thuộc phổ
biến với nhiều nhà nghiên cứu. Trong giáo trình Văn học dân gian của
Trường ĐHSP Hà Nội, Nxb Giáo dục, 1970, Đỗ Bình Trị đã đưa ra định
nghĩa: “Truyền thuyết là những truyện cổ dính líu đến lịch sử mà lại có sự kỳ
diệu – là lịch sử hoang đường – hoặc là những truyện tưởng tượng ít nhiều
gắn với lịch sử” (1).

Năm 1971, với bài tiểu luận Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ

phong kiến, trong sách Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự

sự dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1971, tác giả Kiều Thu
Hoạch đã đưa ra quan niệm mà cho đến nay vẫn được nhiều nhà nghiên
cứu chấp nhận: “Truyền thuyết là một thể loại truyện kể truyền miệng, nằm

trong loại hình tự sự dân gian, nội dung cốt truyện của nó kể lại truyện tích
của nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật địa phương
theo quan điểm của nhân dân, biện pháp nghệ thuật phổ biến của nó là
khoa trương, phóng đại, đồng thời cũng sử dụng các yếu tố kỳ ảo, thần kỳ
như cổ tích và thần thoại”(2).

Trong giáo trình Văn học dân gian của Trường Đại học KHXH&NV,
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, Lê Chí Quế đã đưa ra định nghĩa: “Truyền
thuyết là một thể loại trong loại hình tự sự dân gian phản ánh những sự kiện,
nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa hay nhân vật tôn giáo thông qua sự hư cấu
nghệ thuật thần kỳ”(3). [(1),(2), (3) [Dẫn theo Vũ Anh Tuấn, 59, tr.71-72].

Như vậy, thông qua các khái niệm về truyền thuyết được các nhà
nghiên cứu đưa ra, chúng tôi nhận thấy một số điểm thống nhất trong khái
niệm về thể loại này, đó là: “Truyền thuyết là những sáng tác tự sự dân
gian, có sự hiện diện của yếu tố hoang đường kì ảo, kể về các nhân vật và
sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá khứ gắn với nhiều chứng tích văn hóa
còn lưu cho đến nay”.

Có nhiều cách phân loại truyền thuyết. Lê Chí Quế tạm chia truyền
thuyết thành 3 loại:

– Truyền thuyết lịch sử
– Truyền thuyết anh hùng

– Truyền thuyết về các danh nhân văn hóa

Hoàng Tiến Tựu trong sách Văn học dân gian, tập 2 thì căn cứ vào nội
dung của thời kì lịch sử được truyền thuyết phản ánh để chia thành 4 nhóm:

– Truyền thuyết về họ Hồng Bàng và thời kì Văn Lang
– Truyền thuyết về thời kì Âu Lạc và Bắc thuộc

Kiều Thu Hoạch đưa ra cách phân loại sau:
– Truyền thuyết nhân vật

– Truyền thuyết địa danh
– Truyền thuyết phong vật

2.1.2.3. Truyện cổ tích

Theo duy danh định nghĩa, cổ có nghĩa là cũ, tích có nghĩa là dấu vết
còn đẻ lại. Cổ tích là những truyện từ xưa còn truyền lại.

Truyện cổ tích, theo Nguyễn Đổng Chi là “truyện được xây dựng nên
bằng trí tưởng tượng nghệ thuật, đặc biệt là những điều tưởng tượng về thế giới
thần kì, những câu chuyện không có quan hệ với những điều kiện của đời sống
thực làm thỏa mãn người nghe thuộc mọi tầng lớp xã hội ngay cả dù họ tin hay
không tin vào những điều được nghe kể” [Dẫn theo Nguyễn Thị Huế, 29, tr.32].

Theo Lê Chí Quế, trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, “Truyện
cổ tích là sáng tác dân gian trong loại hình tự sự mà thuộc tính của nó là xây
dựng trên những cốt truyện, truyện cổ tích là tác phẩm nghệ thuật được xây
dựng thông qua sự hư cấu nghệ thuật thần kì, truyện cổ tích là một thể loại hoàn
chỉnh của văn học dân gian, hình thành một cách lịch sử”. [42, tr.107].

Cũng trong giáo trình này, Lê Chí Quế đã đưa ra những tiêu chí để xác
định bản chất thể loại của truyện cổ tích như sau:

– Truyện cổ tích là sáng tác dân gian trong loại hình tự sự mà thuộc tính
của nó là xây dựng trên cốt truyện.

– Truyện cổ tích là tác phẩm nghệ thuật được xây dựng thông qua sự hư
cấu nghệ thuật thần kì.

– Truyện cổ tích là thể loại hoàn chỉnh của văn học dân gian được hình
thành một cách lịch sử.

– Sự hư cấu thần kì trong truyện cổ tích do hiện thực đời sống quyết
định và nó cũng chịu sự biến đổi theo tiến trình lịch sử.

Qua các cách xác định những đặc trưng của truyện cổ tích, qua các định
nghĩa về truyện cổ tích như vừa nêu trên, chúng tôi nhận thấy rằng, truyện cổ
tích về cơ bản được xây dựng trên những trục cốt truyện, có vai trò quan trọng
của sự hư cấu nghệ thuật, có tính lịch sử của yếu tố thần kì trong quá trình
phát triển của thể loại…

Theo sự phân loại hiện nay mà đa số các nhà nghiên cứu folkore tán
thành thì truyện cổ tích được chia làm ba tiểu loại:

– Truyện cổ tích về loài vật
– Truyện cổ tích thần kì
– Truyện cổ tích sinh hoạt.