Khái niệm sản phẩm và thương hiệu – Rubee

Trong bài viết Thương hiệu là gì? của tác giả Võ Văn Quang mà KMF Branding đã giới thiệu với các bạn từ trước. Chắc các bạn cũng đã có những khái niệm tương đối rõ ràng về Sản phẩm và Thương hiệu. Bài viết này KMF Branding chia sẻ với các bạn một vài khái niệm khác nữa về sản phẩm và thương hiệu được trích trong một cuốn sách về thương hiệu của TS. Vũ Anh Trung – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – ĐHQG Hà Nội. Thông qua bài viết này các bạn sẽ có một cái nhìn rõ ràng và sâu sắc hơn nữa về sản phẩm và thương hiệu.

XEM THÊM: QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU

1. Khái niệm về sản phẩm

khái niệm về sản phẩm

Theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000:2000 thì “sản phẩm” là kết quả của một quá trình tập hợp các hoạt động có liên quan lẫn nhau hoặc tương tác (với nhau) để biến đổi đầu vào (input) và đầu ra (output). Về việc phân loại sản phẩm, hiện nay có bốn chủng loại sản phẩm phổ biến nhất, đó là:- Dịch vụ – service (ví dụ: vận chuyển)
– Phần mềm – software (ví dụ: chương trình máy tính, từ điển)
– Phần cứng – hardware (ví dụ: động cơ, các chi tiết cơ khí)
– Vật liệu chế biến – processed material (ví dụ dầu mỡ bôi trơn)

Nhiều sản phẩm được cấu thành bởi các chủng loại sản phẩm khác nhau. Ví dụ: một sản phẩm ô tô được chào bán bao gồm cả sản phẩm phần cứng (săm, lốp), vật liệu chế biến (nhiên liệu, chất lỏng làm mát máy), phần mềm (phần mềm kiểm soát động cơ, sổ tay hướng dẫn lái xe) và dịch vụ (các giải thích hướng dẫn vận hành do người bán hàng thực hiện). Trong những trường hợp như vậy, tên gọi sản phẩm phải căn cứ vào thành phần chủng loại sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Dịch vụ và phần mềm thường không hữu hình. Trong khi đó, sản phẩm phần cứng (hardware) và vật liệu chế biến (processed material) thường là hữu hình và thường được gọi là hàng hóa (goods)

Như vậy khái niệm sản phẩm của Tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000:2000 thay thế ISO 8402:11984 và 1999, là khái niệm rộng bao trùm cả “hàng hóa”. Khái niệm này không dựa trên chu trình sống của sản phẩm qua từng giai đoạn và bản chất của chủng loại sản phẩm.

KMF – Mô hình sản phẩm mở rộng của AMA
Mô hình sản phẩm mở rộng của AMA (1960)

Xét dưới góc độ của Marketing, sản phẩm được hình thành bởi các yếu tố khác nhau do con người tạo ra: logo, quảng cáo, nhãn mác…(AMA – American Marketing Association,1960; Kotler,2001; Aaker & Joachimsthaler,2001)

Theo TCVN 5814 (1994): sản phẩm là “kết quả của các hoạt động hoặc quá trình”. Theo đó, có nhiều cách phân loại sản phẩm theo những quan điểm khác nhau.

Một trong các cách phân loại phổ biến là người ta chia sản phẩm thành hai nhóm lớn:
– Nhóm sản phẩm thuần vật chất: là vật phẩm mang đặc tính lý hóa nhất định
– Nhóm sản phẩm phi vật chất: đó là các dịch vụ. Dịch vụ là “kết quả tạo ra do các hoạt động tiếp xúc giữa người cung ứng và khách hàng và các hoạt động nội bộ của người cung ứng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng” (TCVN 5814,1994). Hoạt động dịch vụ phát triển theo trình độ phát triển kinh tễ – xã hội. Ở các nước phát triển thu nhập từ dịch vụ có thể đạt tới 60-70% tổng thu nhập xã hội.

XEM THÊM: VAI TRÒ CỦA THƯƠNG HIỆU ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

2. Khái niệm thương hiệu

khái niệm về thương hiệu

Trong bố cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cạnh tranh giữa các công ty ngày càng trở nên khốc liệt. Cạnh tranh không chỉ dừng lại ở chất lượng và giá cả sản phẩm mà còn là cuộc chạy đua về hình ảnh. Nếu công ty nào tạo được một hình ảnh đẹp về sản phẩm của mình trong ý nghĩ khách hàng thì đó là một lợi thế chiến lược. Và thuật ngữ thương hiệu được chú ý hơn bao giờ hết. Thương hiệu được đề cập qua nhiều khía cạnh như xây dựng, đăng ký, quảng bá, phát triển, tranh chấp, sáp nhập…Tuy nhiên khái niệm thương hiệu cần hiểu như thế nào?

Xét về nguồn gốc xuất xứ, thuật ngữ “thương hiệu” bắt đầu được sử dụng trước tiên tại Mỹ, bắt nguồn từ dấu sắt nung in trên mình gia súc thả rông để đánh dấu quyền sở hữu của người chủ đối với đàn gia súc (Xem thêm video cuối bài viết để biết rõ hơn). Đây vốn là một tập tục của người Ai Cập cổ đã có từ 2700 năm trước công nguyên. Nhưng thương hiệu không chỉ đơn thuần là một dấu hiệu nhận biết.

Theo Moore (2005), từ đầu thế kỷ XX thuật ngữ thương hiệu đã được sử dụng trong hoạt động kinh doanh vào thời điểm bắt đầu quá trình sơ khai của việc quản lý các hoạt động sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả cách tạo cảm nhận riêng cho các sản phẩm và dịch vụ. Theo đó “Thương hiệu được cảm nhận về một tổ chức hoặc sản phẩm và dịch vụ của một tổ chức, được hình thành bởi mọi trải nghiệm có liên quan đến tổ chức đó, khi chúng được tạo ấn tượng rõ ràng nhằm thiết lập một chỗ đứng riêng trong tâm trí khách hàng.”

Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO: Thương hiệu là một dấu hiệu đặc biệt (hữu hình hoặc vô hình) để nhận biết một sản phẩm, một hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất, cung cấp bởi một tổ chức hay một cá nhân. Theo Hiệp hội nhãn hiệu thương mại quốc tế ITA, thương hiệu bao gồm những từ ngữ, tên gọi, biểu tượng hay bất kỳ sự kết hợp nào giữa các yếu tố trên được dùng trong thương mại để xác định và phân biệt hàng hóa của các nhà sản xuất hoặc người bán với nhau và để xác định nguồn gốc của hàng hóa đó.

Một nghiên cứu tổng quát các bài phỏng vấn với các chuyên gia thương hiệu hàng đầu đã cho thấy có vô vàn cách hiểu về thương hiệu. Bảng dưới đây sẽ liệt kê một số cách hiểu về thương hiệu.

3. Các cách hiểu khác nhau về thương hiệu

Để dễ dàng hơn cho việc đánh giá sự đa dạng về cách hiểu các khái niệm về thương hiệu được chia thành ba nhóm dựa trên những góc độ khác nhau: dựa trên Khía cạnh đầu vào (nghĩa là nhận mạnh việc tạo thương hiệu bằng cách riêng biệt mà các nhà quản lý dùng để định hướng khách hàng) gồm có các khía cạnh “logo” “công cụ hợp pháp” “doanh nghiệp” “phép tốc ký” “giảm thiểu rủi ro” “định vị” “nhân vật cá nhân” “nhóm giá trị” “tầm nhìn” “giá trị gia tăng” “nhận diện, hoặc dựa trênKhía cạnh đầu ra (là cách nhìn nhận của người tiêu dùng về cách mà thương hiệu đem lại các giá trị mong muốn cho họ), hoặc dựa trên Yếu tố thời gian (nhận biết bản chất tiến triển/tiến hóa của thương hiệu).

Thương hiệu là một phạm trù rất phức tạp được định hình ngay từ trong kế hoạch xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế thương hiệu chỉ là những điều khách hàng nhớ. Thương hiệu tồn tại chủ yếu dựa trên một quá trình liên tục khi các hoạt động phối hợp xuyên suốt tổ chức liên quan đến việc đem đến các giá trị được người tiêu dùng hiểu và tiếp nhận. Qua việc phản hồi của doanh nghiệp tới các phản ánh của khách hàng sẽ làm tăng khả năng thành công của thương hiệu.

Việc một thương hiệu chỉ được đánh giá riêng lẻ dưới dạng một yếu tố đầu vào hoặc một yếu tố đầu ra có thể dẫn đến một chiến lược không cân xứng và làm giảm “tuổi thọ” của thương hiệu. Chỉ khi các nhà làm công tác thị trường là những người tham dự tích cực vào quá trình xây dựng thương hiệu, cũng như người tiêu dùng (không phải là những người tiếp nhận thụ động).

Trong bài nghiên cứu vào năm 1983 của mình Meadow tranh luật một cách chắc chắn rằng việc xây dựng thương hiệu không phải là điều gì đó làm cho người tiêu dùng mà chính là điều gì đó mà thương hiệu thực hiện các các việc liên quan đến. Thương hiệu được người tiêu dùng hiểu theo nhiều cách khác nhau, đôi khi đó là những suy nghĩ khác hoàn toàn so với những gì mà các nhà làm công tác thị trường hướng tới. Thương hiệu vẫn tiếp tục có ý nghĩa và chính cách mà nó tạo điều kiện cho người tiêu dùng thể hiện những vai trò khác nhau.

Thành công của thương hiệu Apple không đơn thuần chỉ dựa vào các yếu tố đầu vào mà hãng này sử dụng thông qua tuyên bố giật gân “Nghĩ khác – Think different” trong chương trình quảng cáo của mình. Thành công của Apple chính là những điều mà công ty này mang lại cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng thoải mái tự do nâng cao cuộc sống của mình bằng việc tạo cho họ sử dụng máy tính, Ipod, Iphone và gần đây là Ipad theo cách mà họ muốn.

Mô hình về bản chất của thương hiệu thể hiện rõ ở bảng trên cung cấp nền tảng cho việc quản lý thương hiệu thông qua việc giảm thiểu các hạn chế trong cách hiểu về thương hiệu. Cùng với việc cảm nhận rõ về tầm nhìn của thương hiệu, những giá trị về mặt sử dụng và giá trị cảm xúc sẽ được phát hiện cũng như đem đến khách hàng qua quá trình phối hợp xuyên suốt công ty. Điều này dẫn đến sự phát triển tuyên bố định vị để giao tiếp các giá trị chức năng (lý tính) của thương hiệu, và một tính cách để hành động là phép ẩn dụ cho các giá trị cảm xúc của thương hiệu . Một cách lý tưởng, những giá trị này cần phải được lĩnh hội bởi những khách hàng có cá tính hợp với các giá trị đó, từ đó tạo dựng mối quan hệ tin tưởng với khách hàng và theo thời gian tăng sự tin cậy của khách hàng đối với thương hiệu.

Thông qua việc đánh giá nhận thức của khách hàng về thương hiệu, doanh nghiệp có thể điều chỉnh các yếu tố đầu vào của sản phẩm, làm giảm những khoảng cách trong nhận thức của người tiêu dùng, hoặc nâng cao nhận thức đó bằng việc nhấn mạnh những tính năng nhất định của sản phẩm đến những khách hàng mục tiệu

Dựa trên những điểm nêu ra ở trên, một trong những đặc tính của thương hiệu mạnh là nhóm làm thương hiệu phải có một nhận thức đúng đắn về thương hiệu gồm những yếu tố khớp với một số yếu tố đã được liệt kê ở bảng trên. Một vài yếu tố này bao hàm lẫn nhau

http://www.kmf-branding.com.vn/