Khái niệm người già, người cao tuổi tại Việt Nam – Cao tuổi | Chuyên trang Người cao tuổi
Trong thực tiễn áp dụng, khái niệm người già, người cao tuổi đôi khi vẫn chưa được nhận thức một cách đúng chuẩn tại Việt Nam hay những quy định và ưu tiên cho người già và người cao tuổi là những điều mà mọi người, nhất là những người trung niên cần quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin nhằm phân biệt hai khái niệm trên một cách rõ ràng nhất
Hội thảo khoa học về người cao tuổi. Hình ảnh: Vusta
Người cao tuổi
Có rất nhiều khái niệm khác nhau về người cao tuổi. Trước đây người ta thường dùng thuật ngữ người già để chỉ những người có tuổi, hiện nay khái niệm người cao tuổi ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Hai thuật ngữ này tuy không khác nhau về mặt khoa học song về tâm lý, người cao tuổi là thuật ngữ mang tính tích cực và thể hiện thái độ tôn trọng.
Hội thảo y tế toàn dân và già hóa dân số. Hình ảnh: Vienyhocungdung
Theo quan điểm y học: Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể.
Về mặt pháp luật: Hiện nay ở Việt Nam, theo quy định chung người cao tuổi là những người từ 60 tuổi trở lên. Pháp lệnh về người cao tuổi của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/04/2000 quy định: Người cao tuổi theo quy định của Pháp lệnh này là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 60 tuổi trở lên.
Người già
Nụ cười hạnh phúc của người già. Hình ảnh: Ybox
Riêng về người già, chỉ có Bộ luật hình sự đề cập tới nhưng lại không hề giải thích khái niệm. Theo đó, Bộ luật hình sự quy định tình tiết “người phạm tội là người già” là một tình tiết giảm nhẹ (điểm m khoản 1 Điều 46), tình tiết “phạm tội đối với người già” là một tình tiết tăng nặng (điểm h khoản 1 Điều 48). Tuy nhiên, như thế nào là người già thì Bộ luật hình sự lại không giải thích. Chính vì vậy, để vận dụng pháp luật hình sự thống nhất, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành hướng dẫn giải thích khái niệm này. Theo Nghị quyết số 01/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, người già là người từ 70 tuổi trở lên.
17% người cao tuổi thuộc diện nghèo. Hình ảnh: Soha
Theo lý giải của Hội đồng thẩm phán cũng như các luật sư thì Luật Người cao tuổi lấy mốc 60 tuổi nhằm giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi cho những người đã qua tuổi lao động mà thôi. Xét ở khía cạnh sinh học thì người già là những người đang ở giai đoạn lão hóa mạnh, khi cơ bắp, trí tuệ đã ở vào thời kỳ thấp nhất.
Ông già khởi nghiệp tuổi 65. Hình ảnh: Cafef
Những quy định ưu tiên cho người cao tuổi và người già
Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta chỉ đề cập tới khái niệm người cao tuổi cũng như những quy định liên quan tới quyền và nghĩa vụ cũng như các chính sách của Nhà nước đối với nhóm người cao tuổi. Điều này thể hiện rất rõ và cụ thể trong Bộ luật Người cao tuổi được Quốc hội ban hành căn cứ theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10.
Hội thảo chống ngược đãi người cao tuổi. Hình ảnh: Hoinguoicaotuoi
Trong những năm qua, đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội, nhà nước ta đã có những chính sách ưu đãi đối với những người cao tuổi, đặc biệt là những chính sách về vật chất, tinh thần như: chính sách bảo trợ xã hội, giảm giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ và chính sách chúc thọ mừng thọ.
Đại hội V của Hội người cao tuổi Việt nam. Hình ảnh: Dangcongsan
Về chính sách bảo trợ xã hội, đối với người cao tuổi từ đủ 60 đến 80 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người phụng dưỡng, hoặc có người phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, thì được hưởng mức trợ cấp 180 nghìn đồng/người/tháng. Đối với người cao tuổi từ 80 trở lên thuộc hộ gia đình nghèo không có người phụng dưỡng, hoặc có phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, thì được hưởng mức trợ cấp 270 nghìn đồng/người/tháng. Đối với người cao tuổi được nhận nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại khoản 2 điều 18 Luật Người cao tuổi, thì được hưởng mức trợ cấp 360 nghìn đồng/người/tháng.
Đối với người cao tuổi đủ điều kiện tiếp nhận vào sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng theo quy định tại mục 4 điều 19 Luật Người cao tuổi, thì được hưởng mức trợ cấp 360 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài mức trợ cấp trên, khi người cao tuổi qua đời, còn được Nhà Nước hỗ trợ chi phí mai táng 3 triệu đồng theo quy định tại mục 4 điều 18, 19 của Luật Người cao tuổi.
Người cao tuổi tập thể dục. Hình ảnh: Hamyen
Đối với chính sách giảm giá vé, giá dịch vụ, theo Nghị định 06/2011 ban hành ngày 14/1/2011 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, thì người cao tuổi còn được giảm giá vé dịch vụ, tham quan di tích văn hóa lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, tập luyện thể dục thể thao tại các cơ sở có bán vé, được giảm ít nhất từ 15 đến 20%.
Đối với chính sách chúc thọ, mừng thọ, người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà, người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND )tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà. UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi từ 70 đến 100 tuổi trở lên vào các ngày như: Ngày người cao tuổi Việt Nam 6/6; Ngày quốc tế người cao tuổi 1/10; tết Nguyên đán hoặc ngày sinh nhật người cao tuổi.
Nụ cười hạnh phúc của tuổi già. Hình ảnh: Soha
Cùng với chính sách bảo trợ xã hội, thực hiện NĐ 06/2011, Bộ tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 21 ngày 18/2/2011 quy định rất cụ thể về quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ, biểu dương, khen thưởng đối với người cao tuổi.
Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp mọi người có một cái nhìn cụ thể hơn nhằm phân biệt hai khái niệm người già và người cao tuổi cũng như nắm bắt rõ được những chính sách ưu đãi đối với người cao tuổi của Nhà nước.
>> Trợ cấp cho người cao tuổi