Khái niệm lao động nước ngoài – Công ty luật TGS
Khái niệm lao động nước ngoài
Để hiểu rõ hơn được khái niệm về lao động nước ngoài như thế nào thì trước tiên chúng ta cần hiểu được khái niệm người nước ngoài là gì ? Mời bạn đọc cùng TGS Law tìm hiểu và nắm bắt vấn đề nhé:
Thứ nhất: Khái niệm người nước ngoài
Tùy theo từng góc độ và cách nhìn nhận, đánh giá trong từng lĩnh vực mà khái niệm người nước ngoài được hiểu theo những cách riêng.
Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại thì khái niệm người nước ngoài được hiểu như sau:
− Khoản 1 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Cá nhân nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam.
− Luật Đầu tư năm 2014 quy định chung về nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
− Khoản 37 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: Nhà thầu nước ngoài là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc cá nhân mang quốc tịch nước ngoài tham dự thầu tại Việt Nam.
Dưới góc độ pháp lý thì khái niệm người nước ngoài được hiểu cụ thể như sau:
− Tại Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định như sau: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là Quốc tịch Việt Nam. Cũng theo luật này tại khoản 5 Điều 3 thì: Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam.
− Khoản 1 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 lại xác định người nước ngoài dựa theo một loại giấy tờ pháp lý được gọi là giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài: Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
⇒ Từ các quy định trên, có thể thấy đặc điểm chung để xác định người nước ngoài là dựa vào quốc tịch của họ. Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam. Họ có thể mang một hay nhiều quốc tịch nước ngoài hoặc không có quốc tịch. Tóm lại, quốc tịch là cơ sở pháp lý để xác minh một người có phải là công dân của nước sở tại. Quyền và nghĩa vụ của công dân nước sở tại với người nước ngoài không giống nhau. Quốc tịch là căn cứ để người nước ngoài hưởng những quy chế pháp lý riêng, mặc dù về nguyên tắc, họ được hưởng quy chế “đãi ngộ như công dân” nhưng trong một số lĩnh vực, do không phải công dân Việt Nam nên người nước ngoài không có quyền thực hiện (ví dụ: quyền bầu cử và ứng cử,…).
Thứ 2: Khái niệm lao động nước ngoài
Việc mỗi quốc gia có thể đưa lao động nước mình ra nước ngoài làm việc đồng thời tiếp nhận lao động nước khác vào làm việc tại nước mình từ lâu đã tồn tại như một thực tại khách quan. Theo quan niệm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), lao động di trú là khái niệm chỉ một người di trú từ một nước này sang một nước khác để làm việc vì lợi ích của chính mình và bao gồm bất kỳ người nào đã được thường xuyên thừa nhận là lao động di trú (Theo Điều 11 Công ước số 97 và Điều 11 Công ước số 143). Dấu hiệu nhận biết lao động di trú ở đây dựa trên những khác biệt về lãnh thổ, biên giới quốc gia, là việc di chuyển của người lao động từ quốc gia mà họ mang quốc tịch này sang quốc gia họ không mang quốc tịch. Tuy nhiên, khái niệm lao động di trú của ILO chỉ sử dụng cho người lao động “đã được thường xuyên thừa nhận là lao động di trú” tức là những người lao động di cư hợp pháp, được chấp nhận của nước đến.
Công ước quốc tế về bảo vệ các quyền của tất cả người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ (ICRMW) được coi là công ước quốc tế trực tiếp nhất và toàn diện nhất về quyền của người lao động di trú. ICRMW đã xác định khái niệm lao động di trú rộng hơn và bảo vệ cả quyền của người lao động di trú và thành viên trong gia đình họ. ICRMW giải thích: “Thuật ngữ lao động di trú để chỉ một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân”. Theo ICRMW, lao động di trú bao gồm cả lao động di trú có giấy tờ và lao động di trú không có giấy tờ và cả gia đình họ. Lao động di trú có giấy tờ hợp pháp khi họ được phép vào, ở lại và tham gia làm một công việc được trả lương tại một quốc gia nơi có việc làm theo pháp luật quốc gia đó và theo những hiệp định quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Lao động di trú không có giấy tờ còn được gọi là lao động di trú không hợp pháp hoặc lao động di trú bí mật là những người lao động làm việc ở nước khác mà không có các điều kiện trên (giấy phép lao động hay giấy phép cư trú).
Đối với khái niệm lao động nước ngoài, pháp luật Lao động Việt Nam không định nghĩa về khái niệm lao động di trú hay người lao động nước ngoài mà xác định theo cách liệt kê các hình thức làm việc của người lao động nước ngoài. Theo Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động nước ngoài muốn vào Việt Nam làm việc (trong đó có hình thức hợp đồng lao động) thì phải là công dân nước ngoài và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý. Việc xác định công dân nước ngoài thì cần phải có sự xác nhận về quốc tịch và không bao gồm người không quốc tịch. Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP4 xác định các hình thức làm việc của người nước ngoài tại Việt Nam: Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (sau đây viết tắt là người lao động nước ngoài) theo các hình thức sau đây:
− Thực hiện hợp đồng lao động;
− Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
− Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
− Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
− Chào bán dịch vụ;
− Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
− Tình nguyện viên;
− Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
− Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
− Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
⇒ Như vậy, Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định số 11/2016/NĐ-CP không có khái niệm về “người lao động nước ngoài” trong quan hệ hợp đồng lao động, mà khái niệm người lao động nước ngoài được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam với mọi hình thức trong đó có hợp đồng lao động.