Khái niệm, đặc điểm, vai trò của Câu lạc bộ pháp luật
1. Khái niệm Câu lạc bộ pháp luật
Câu lạc bộ pháp luật là tổ chức được thành lập và hoạt động trên tinh thần tự nguyện tham gia của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tích cực đấu tranh bảo vệ pháp luật, nhiệt tình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Thông qua các hoạt động sinh hoạt của Câu lạc bộ nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, gây dựng lòng tin đối với pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật của các hội viên nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung tại địa bàn.
Tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ pháp luật được thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy chế, điều lệ tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chính sách pháp luật của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Câu lạc bộ pháp luật hoạt động định kỳ, thường xuyên dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của ngành Tư pháp.
2. Những đặc điểm của Câu lạc bộ pháp luật
Việc xác định những đặc điểm của Câu lạc bộ pháp luật nhằm phân biệt mô hình này với các loại hình Câu lạc bộ khác. Điều này đồng thời giúp cho việc xác định tiêu chí, mục đích, nội dung cũng như phương thức tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ pháp luật được rõ ràng, dễ áp dụng.
Dựa trên mục đích thành lập, tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ pháp luật có những đặc điểm cơ bản như sau:
– Là tổ chức được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự giác, tự nguyện của các cá nhân thành viên với mục đích chủ yếu để có cơ hội được giao lưu, học hỏi, tìm hiểu pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật;
– Câu lạc bộ có cơ cấu tổ chức bao gồm Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ và các hội viên; hoạt động tuân thủ điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Hoạt động của Câu lạc bộ được tổ chức định kỳ, thường xuyên dựa trên kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, năm do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đề ra và được toàn thể thành viên Câu lạc bộ nhất trí thông qua.
– Câu lạc bộ hoạt động thông qua các buổi sinh hoạt tập thể theo các hình thức sinh hoạt phong phú, linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ và đối tượng;
– Số lượng thành viên Câu lạc bộ không hạn chế, luôn được phát triển mở rộng thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia;
3. Vai trò của Câu lạc bộ pháp luật
Câu lạc bộ pháp luật được xác định là một hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật có hiệu quả, phù hợp với mọi đối tượng và địa bàn dân cư khác nhau. Thực tiễn những năm qua cho thấy, mặc dù số lượng Câu lạc bộ pháp luật được thành lập chưa nhiều, nhưng tác dụng, hiệu quả, sức lan toả tích cực của mô hình này là không nhỏ trong đời sống cộng đồng dân cư. Điều này được khẳng định trước hết vì Câu lạc bộ là nơi quy tụ, tập hợp đông đảo thành viên tham gia nhằm giao lưu, học hỏi, tạo một diễn đàn, sân chơi bổ ích và lành mạnh để cùng trao đổi, nắm bắt kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật.
Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ pháp luật, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và kịp thời. Từ đó, giúp hội viên và nhân dân trên địa bàn nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật, đưa pháp luật dần trở thành thói quen trong ứng xử hàng ngày của nhân dân. Câu lạc bộ còn tạo điều kiện để mỗi hội viên trở thành một tuyên truyền viên pháp luật tích cực vận động người thân trong gia đình, địa bàn mình cư trú chấp hành pháp luật.
Câu lạc bộ pháp luật huy động sự quan tâm, phát huy tính tích cực, phối kết hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể hữu quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao dân trí pháp lý, đưa công tác này trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì lẽ đó, hoạt động của Câu lạc bộ góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt là phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.