Khái niệm, đặc điểm của đàotạo nghề – Phát triển nguồn lực tài chính tại các cơ sở đào tạo nghề –

6. Kết cấu của luận án

2.1.1. Khái niệm, đặc điểm của đàotạo nghề

Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng nhằm
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khi nền kinh tế phát triển, kỹ thuật công
nghệ ngày càng tiến bộ, nguồn nhân lực phải được đào tạo ngày càng nhiều với
chất lượng ngày càng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đây là quá
trình đạt và lĩnh hội những kiến thức và kỹ năng cần thiết để người được đào tạo
có thể thực hiện được các công việc, chuyên môn hoặc một nghề nào đó trong
tương lai [51].William McGehee (1967) đưa ra định nghĩa: Đào tạo nghề là
những quy trình mà các công ty sử dụng để tạo thuận lợi cho việc học tập có kết
quả các hành vi đóng góp vào mục đích và mục tiêu của công ty [56]. Đào tạo
nghề là giáo dục và đào tạo ngoài giáo dục bắt buộc, nhưng không bao gồm các
chương trình cấp bằng, cung cấp cho các cá nhân kiến thức và kĩ năng nghề
nghiệp hoặc liên quan đến công việc (Tổ chức lao động quốc tế, 2006).

Để đào tạo nghề là giáo dục và đào tạo nhằm mục đích trang bị cho mọi
người kiến thức, bí quyết, kỹ năng và năng lực cần thiết trong các ngành nghề cụ
thế đáp ứng thị trường lạo động, theo định nghĩa của tổ chức CEDEFOP Châu Âu
(2008). Đào tạo nghề là việc đào tạo các kỹ năng và kiến thức liên quan đến một
ngành nghề, nghề nghiệp cụ thể mà người học hoặc người lao động muốn tham
gia. GDNN có thể thực hiện tại một cơ sở giáo dục, như một phần của giáo dục
trung học hoặc đại học, hoặc là sự kết hợp của giáo dục chính thức và học tập tại
nơi làm việc, theo Ủy ban EU (2016). Theo đó mục tiêu chung của đào tạo nghề
là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất,kinh doanh và dịch vụ, có năng
lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe, có trách
nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc
trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao
động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm
việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

Từ nhiều quan điểm nêu trên, trong luận án, NCS cho rằng: Đào tạo nghề
là một trong những loại hình đào tạo thuộc hệ thống giáo dục của bất cứ quốc
gia nào. Đây là quá trình dạy và học nhằm cung cấp cho người học kiến thức, kỹ
năng và thái độ cần thiết để họ có năng lực hành nghề tương xứng với trình độ
đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch
vụ, được thực hiện theo hai hình thức đào tạo chính quy và đào tạo thường
xuyên.

Đối tượng đào tạo là các cá nhân có nhu cầu, nguyện vọng theo học,
thường là học sinh tốt nghiệp trung học hoặc người lao động. Nội dung và
phương pháp đào tạo chủ yếu tập trung đào tạo năng lực thực hành nghề nghiệp,
coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng theo yêu cầu của từng
nghề nghiệp cụ thể. CSĐT nghề là các cơ sở có đủ các điều kiện theo quy định
của từng quốc gia trong từng thời kỳ.

Đào tạo nghề có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, đào tạo nghề là loại hình dịch vụ công không thuần túy đem lại
những ngoại ứng tích cực.

Căn cứ vào đặc tính cạnh tranh và đặc tính loại trừ để phân biệt dịch vụ
công và dịch vụ tư. Nói chung dịch vụ công là dịch vụ không có tính cạnh tranh
và không có tính loại trừ còn dịch vụ tư là dịch vụ có tính cạnh tranh và có tính
loại trừ. Tuy nhiên dịch vụ giáo dục là một loại dịch vụ công khôngthuần túy vì
có thể loại trừ, nghĩa là người trực tiếp thụ hưởng dịch vụ này phải có những điều
kiện nhất định như: phải tham gia xét tuyển, đóng học phí… mới có thể thụ
thưởng trực tiếp dịch vụ đào tạo nghề. Dịch vụ đào tạo nghề cũng giống như
những dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo khác, có tác động ngoại ứng tích
cực [50]. Nghĩa là khi người học được hưởng trực tiếp dịch vụ đào tạo nghề thì
dịch vụ này không những mang lại lợi ích thiết thực cho người học đó mà còn
ảnh hưởng làm tăng lợi ích xã hội như năng suất lao động xã hội tăng lên do số
người lao động qua đào tạo tăng lên, những tiêu cực của xã hội có thể giảm đi.
Tuy nhiên, tác động ngoại ứng này không phản ánh qua giao dịch trên thị trường
đào tạo nghề. Nghiên cứu đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định
trách nhiệm giữa khu vực nhà nước, khu vực tư nhân trong việc đào tạo nghề cho

người lao động và nâng cao trách nhiệm của xã hội đối với hoạt động đào tạo
nghề [48]. Đối với loại hình dịch vụ công không thuần túy với tính chất có thể
loại trừ, Nhà nước không cần bao cấp hoàn toàn, người học phải chia sẻ một phần
chi phí cho việc cung cấp dịch vụ này dưới dạng học phí. Đối với yếu tố ngoại
ứng tích cực, nhà nước tài trợ kinh phí dưới dạng trợ cấp cho nhà cung cấp dịch
vụ để họ tăng khối lượng dịch vụ cung cấp cho nền kinh tế nhằm giúp tăng lợi ích
xã hội.

Thứ hai, đào tạo nghề gắn với yêu cầu của thị trường lao động và chiến
lược phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia.

Yêu cầu của thị trường lao động kể cả phía cung và cả phía cầu sức lao
động rất đa dạng, không cố định luôn biến động theo sự biến động tình hình kinh
tế – xã hội [47]. Do đó, đào tạo nghề cũng có những thay đổi theo bối cảnh kinh
tế xã hội kể cả nội dung, phương thức, quy trình đào tạo nghề. Mặtkhác, trong mô
hình kinh tế hỗn hợp, có sự kết hợp hài hòa giữa bàn tay vô hình (các quy luật
vận động của thị trường) với bàn tay hữu hình của Nhà nước (sự quản lý điều
chỉnh của Nhà nước). Do đó, đào tạo nghề tuân theo chu kỳ kinh tế và những
chiến lược phát triển KT-XH do Nhà nước đặt ra. Nghiên cứu đặc điểm này có ý
nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chương trình, nội dung, quy trình, phương
thức đào tạo nghề của các CSĐT nghề công lập cũng như ngoài công lập.

Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu trong đào tạo
nghề

Với xu hướng hội nhập nền kinh tế, việc di chuyển lao động không chỉ bó
khung trong biên giới của một quốc gia mà còn vượt ra ngoài biên giới. Do đó,
đào tạo nghề cũng chịu tác động bởi yếu tố này. Trong điều kiện hội nhập, mở
cửa nền kinh tế trong hoạt động đào tạo nghề, vừa phải chú trọng đến những
thông lệ quốc tế để đáp ứng yêu cầu của người lao động khi di chuyển ra ngoài
biên giới, vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ các CSĐT nghề trong
nước mà còn đối với CSĐT nghề của nước ngoài khi họ triển khai các hoạt động
đào tạo nghề tại đất nước nhận đầu tư. Đây là đặc điểm của đào tạo nghề trong
bối cảnh hội nhập, mở của ngày càng sâu rộng [48]. Nhận rõ đặc điểm này có ý
nghĩa quan trọng nhằm không ngừng đổi mới hoạt động đào tạo nghề của các

CSĐT nghề nội địa.

Thứ tư, đào tạo nghề có đối tượng là các cá nhân có nhu cầu, nguyện vọng
theo học, thường là học sinh tốt nghiệp trung học hoặc người lao động

Do đối tượng học nghề là các học sinh tốt nghiệp trung học hoặc người lao
động có nhu cầu nên nội dung, phương thức, quy trình đào tạo khác với các hình
thức đào tạo khác. Về cơ bản nội dung đào tạo nghề hướng vào yêu cầu thực
hành là chính không mang nặng tính lý thuyết hàn lâm. Phương thứcđào tạo nghề
rất cụ thể theo hướng cầm tay chỉ việc là chính, gắn với yêu cầu cụ thể và đặc
điểm của từng cơ sở sản xuất, kinh doanh [56]. Đặc điểm này giúp phân biệt đào
tạo nghề với các cấp đào tạo khác, từ đó xây dựng quy hoạch hoạt động đào tạo
nghề này một cách thích hợp.