Khái niệm chung về trí nhớ – Kipkis

1. Khái niệm chung về trí nhớ

1.1. Định nghĩa trí nhớ

Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh vốn kinh nghiệm của cá nhân dưới hình thức biểu tượng bằng cách ghi nhớ, gìn giữ, nhận lại và nhớ lại những điều mà con người đã trải qua.

Cũng như cảm giác và tri giác, trí nhớ cũng là một quá trình tâm lý, song cảm giác và tri giác phản ánh những sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào các giác quan của ta, còn trí nhớ là sự phản ánh những sự vật, hiện tượng đã tác động vào ta trước đây mà không cần có sự tác động của bản thân chúng trong hiện tại. Nói cách khác, trí nhớ phản ánh kinh nghiệm của con người. Kinh nghiệm này có thể là những hình ảnh cụ thể, có thể là những trải nghiệm hay rung động, những cảm xúc, ý nghĩ, tư tưởng.

Sản phẩm được tạo ra trong quá trình trí nhớ là các biểu tượng.

Biểu tượng của trí nhớ là hình ảnh của sự vật hiện tượng nảy sinh trong óc ta khi không có sự vật hiện tượng tác động trực tiếp vào giác quan ta.

Biểu tượng chính là kết quả của sự chế biến và khái quát hoá các hình ảnh của tri giác trước đây Không có tri giác thì không thể có biểu tượng được.

Biểu tượng khác với hình tượng của tri giác ở chỗ: biểu tượng phản ánh sự vật một cách khái quát hơn. Nó phản ánh những dấu hiệu đặc trưng trực quan của sự vật hiện tượng. Như vậy biểu tượng vừa mang tính chất trực quan, vừa mang tính chất khái quát. Nó giống hình ảnh của cảm giác và tri giác ở tính trực quan, nhưng nó cao hơn ở tính khái quát.

Mức độ đúng đắn, sâu sắc và bền vững của trí nhớ một phần phụ thuộc vào nội dung, tính chất của sự vật hiện tượng, tài liệu cần nhớ. Mặt khác còn phụ thuộc vào chủ thể của hoạt động nhớ. Những sự vật hiện tượng, tài liệu có liên quan nhiều tới nhu cầu, hứng thú, tình cảm… của con người, được ghi lại, gìn giữ và nhớ lại sâu sắc, đầy đủ hơn.

Từ định nghĩa về trí nhớ cũng cho thấy trí nhớ là một hoạt động tâm lý phức tạp bao gồm nhiều hành động: ghi nhớ, gìn giữ, nhận lại và nhớ lại. Các hành động nói trên có quan hệ mật thiết với nhau trong một chỉnh thể, tạo nên kho tàng trí nhớ của con người.

1.2. Vai trò của trí nhớ

Trong cuộc sống của con người trí nhớ có vai trò rất quan trọng. Trí nhớ là điều kiện không thể thiếu được để con người có đời sống tâm lý bình thường và ổn định. Nhờ có trí nhớ mà con người tích luỹ vốn kinh nghiệm và đem những kinh nghiệm đó vận dụng vào cuộc sống. Như vậy không có trí nhớ thì không có kinh nghiệm, không có kinh nghiệm thì không thể có bất cứ một hành động nào, không thể phát triển tâm lý, nhân cách con người. I.M.Xêtrenốp cho rằng trí nhớ là “điều kiện cơ bản của cuộc sống tâm lý” là “cơ sở của sự phát triển tâm lý”, “nếu không có trí nhớ thì con người mãi mãi ở tình trạng của một đứa trẻ sơ sinh”.

Đối với hoạt động nhận thức của con người trí nhớ có vai trò đặc biệt to lớn. Nó là công cụ để lưu giữ lại kết quả của các quá trình cảm giác và tri giác, nhờ đó nhận thức phân biệt được cái mới tác động lần đầu tiên và cái cũ đã tác động trước đây để có thể ứng xử thích hợp tức thì với hoàn cảnh sống. Trí nhớ là một điều kiện quan trọng để diễn ra quá trình nhận thức lí tính (tư duy và tưởng tượng) và làm cho quá trình này đạt được kết quả hợp lí. ở đây trí nhớ đã cung cấp các tài liệu do nhận thức cảm tính thu nhận cho nhận thức lí tính một cách trung thành và đầy đủ.

Như vậy trí nhớ phản ánh kinh nghiệm của con người trong mọi lĩnh vực: nhận thức, tình cảm và hành vi, do đó trí nhớ có tính chất quyết định đời sống tâm lý con người, quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Ơ những người bị bệnh hỏng trí nhớ, ta thấy cuộc sống hàng ngày của họ bị rối loạn, không bình thường, họ không có khả năng suy nghĩ, sáng tạo hay dự kiến tương lai trên cơ sở những hiểu biết và kinh nghiệm đã có.

Cơ sở sinh lí của trí nhớ là sự hình thành, giữ lại và gợi lại những đường liên hệ thần kinh tạm thời và sự diễn biến của các quá trình lí hoá trong vỏ não và phần dưới vỏ. Những đường liên hệ thần kinh tạm thời đó được củng cố tương đối vững chắc nhờ có sự lặp đi lặp lại nhiều lần và có thời gian nhất định để củng cố. Khi ta nhớ lại, nhận lại một sự vật, hiện tượng nào đó cũng có nghĩa là ta đã phục hồi những đường liên hệ thần kinh tạm thời đã được thành lập trước đây Sự hình thành và giữ gìn các đường liên hệ tạm thời, sự dập tắt và làm sống lại chúng chính là cơ sở sinh lí của các liên tưởng, của trí nhớ. I.P. Paplốp đã viết: “Đường liên hệ thần kinh tạm thời là một hiện tượng sinh lí phổ cập trong thế giới động vật và cả trong bản thân chúng ta. Đồng thời nó cũng là hiện tượng tâm lý cái mà các nhà tâm lý gọi là liên tưởng” (I.P. Paplôp toàn tập-trang 325).

Trí nhớ là một quá trình phức tạp, cho đến nay chưa có một lí thuyết thống nhất về cơ chế của trí nhớ, trong đó thuyết tế bào thần kinh được nhiều nhà khoa học quan tâm. Thuyết này cho rằng các tế bào thần kinh tạo thành những chuỗi và theo những chuỗi đó các luồng điện sinh học chạy tuần hoàn. Do ảnh hưởng của các luồng điện sinh học này mà xảy ra những biến đổi trong các xnáp (nơi tiếp nối giữa các tế bào thần kinh), điều này làm dễ dàng cho sự đi qua tiếp theo của những luồng điện sinh học theo các con đường đó. Tính chất khác biệt của các chuỗi tế bào thần kinh (nơron) tương ứng với các thông tin được củng cố.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Giáo trình Tâm lý học đại cương
  • Tác giả: Nguyễn Xuân Thức (Chủ biên) – Nguyễn Quang Uẩn – Nguyễn Văn Thạc – Trần Quốc Thành – Hoàng Anh – Lê Thị Bừng – Vũ Kim Thanh – Nguyễn Kim Quý – Nguyễn Thị Huệ – Nguyễn Đức Sơn
  • Nguồn: Nhà Xuất bản Đại học Sư Phạm, 2007