Khái niệm cạnh tranh

Thuật ngữ cạnh tranh là một thuật ngữ xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế xã hội. Vậy cạnh tranh là gì? Dưới góc độ là một thuật ngữ pháp lý, là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, khái niệm cạnh tranh được định nghĩa như thế nào?

1. Về mặt ngôn ngữ, theo từ điển ngôn ngữ tiếng Anh, “competition” (cạnh tranh) là “một sự kiện hoặc một cuộc đua, theo đó các đối thủ ganh đua để giành phần hơn hay ưu thế tuyệt đối về phía mình”. Theo từ điển tiếng Việt, “cạnh tranh” là “cố gắng giành phần hơn, phần thắng về mình giữa những người, những tổ chức hoạt động nhằm những lợi ích như nhau.”. Tuy có sự khác nhau về cách diễn giải nhưng nhìn chung, cạnh tranh đều được khái quát là sự ganh đua để giành ưu thế, giành phần hơn giữa các đối thủ với nhau.

2. Dưới góc độ kinh tế, cạnh tranh là một hiện tượng kinh tế xuất hiện và tồn tại trong nền kinh tế thị trường, ở mọi lĩnh vực, mọi giai đoạn của quá trình kinh doanh và gắn với mọi chủ thể kinh doanh đang hoạt động trên thị trường. Theo từ điển kinh doanh, xuất bản ở Anh năm 1992 thì “cạnh tranh” được hiểu là “sự ganh đua, sự kình địch giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm tranh giành cùng một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình”. Từ điển tiếng Việt bách khoa tri thức phổ thông cũng giải thích cạnh tranh theo nghĩa kinh tế là: “Hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hóa, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất.” Có thể thấy, không có cách định nghĩa chung thống nhất nào về thuật ngữ “cạnh tranh”.

3. Tuy nhiên, từ những cách định nghĩa trên, có thể rút ra bản chất của cạnh tranh, như sau:

Thứ nhất, cạnh tranh là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường để giành giật khách hàng. Để ganh đua với nhau, các chủ thể kinh doanh phải sử dụng các phương thức, thủ đoạn kinh doanh được gọi là các hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp. Quá trình cạnh tranh, ganh đua buộc các chủ thể kinh doanh phải xem xét lại mình để làm sao sử dụng tất cả những nguồn lực của mình một cách tối ưu và hiệu quả nhất.

Thứ hai, quá trình cạnh tranh giữa các đối thủ diễn ra trên thị trường. Các chủ thể kinh doanh khi tham gia vào thị trường luôn ganh đua nhau, giành cơ hội tốt nhất để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, cạnh tranh thường chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp có chung lợi ích như cùng tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào hay cùng tìm kiếm thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Thứ ba, cạnh tranh chỉ diễn ra trong điều kiện của cơ chế thị trường. Cạnh tranh là hoạt động nhằm tranh giành thị trường, lôi kéo khách hàng về phía mình của các chủ thể kinh doanh nên cạnh tranh chỉ diễn ra trong cơ chế thị trường khi mà công dân có quyền tự do kinh doanh, tự do thành lập doanh nghiệp, tự do tìm kiếm cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh. Do vậy, nền kinh tế thị trường càng phát triển, hoạt động cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh càng đa dạng, phong phú.

4. Trong khoa học pháp lý, cũng như góc độ kinh tế, rất khó để có thể đưa ra khái niệm thống nhất cho hiện tượng cạnh tranh với tư cách là mục tiêu điều chỉnh của pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể kinh doanh tự do cạnh tranh, tự do sáng tạo ra các phương thức để ganh đua giành phần thắng về phía mình, do đó, khái niệm cạnh tranh được pháp luật của rất ít nước định nghĩa.

5. Luật cạnh tranh số 23/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/06/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 cũng không đưa ra khái niệm cạnh tranh; nhưng tại Điều 1, Điều 2 Luật cạnh tranh 2018 đưa ra quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của Luật cạnh tranh, như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

2. Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.”

Có thể thấy, Luật cạnh tranh chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực cạnh tranh, nhằm tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo sự ganh đua một cách công bằng giữa các chủ thể kinh doanh.

Tóm lại, cạnh tranh là một khái niệm xuất hiện trên nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội và được phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ pháp lý, tuy không có một định nghĩa thống nhất nào về thuật ngữ cạnh tranh nhưng thông qua các quy định của pháp luật cạnh tranh, ta có thể rút ra cách hiểu về cạnh tranh như sau: Là các hành vi nhằm mục đích chiếm ưu thế về phía mình giữa các đối thủ có cùng lợi ích với nhau. Cạnh tranh là một lĩnh vực thuộc sự điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh, từ đó góp phần xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, diễn ra trong khuôn khổ, trật tự được Pháp luật quy định.

Luật Hoàng Anh