Khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại đêm khai mạc. Ảnh: TTXVN
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI – năm 2022 diễn ra từ ngày 25 – 28/8/2022 với sự tham gia của trên 1.000 diễn viên, vận động viên, nghệ nhân người DTTS đến từ 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động diễn ra tại Ngày hội như: Trình diễn nghệ thuật dân gian kết hợp với giới thiệu trang phục truyền thống các DTTS; thi thiết kế, trưng bày, thuyết minh về trại; thi các môn thể thao dân gian như đẩy gậy, kéo co, chạy cà kheo; trình diễn trích đoạn lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền, địa phương; trình diễn nghề thủ công truyền thống; giới thiệu văn hóa ẩm thực gắn với phong tục tập quán mỗi dân tộc, địa phương.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm luân phiên tại các địa phương trong những năm qua.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: TTXVN)
Qua 5 lần tổ chức, ngày hội đã thực sự trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để đồng bào dân tộc Chăm ở các địa phương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào Chăm trong sự thống nhất mà đa dạng của nền văn hóa Việt Nam với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần tạo sức hút để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch tại các địa phương; góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam. Ngày hội cần tiếp tục được duy trì tổ chức trong những năm tiếp theo.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Chăm nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương cần đẩy mạnh công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên nguyên tắc vừa đảm bảo lưu giữ bản sắc văn hóa đặc sắc của từng dân tộc anh em, vừa củng cố, nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam; xây dựng những giá trị văn hóa mới, tích cực, phù hợp với sự phát triển của thời đại…
Phó Thủ tướng Chính phủ chúc mừng và biểu dương những thành tích mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các địa phương đã đạt được trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ngoài các di tích đã được vinh danh như thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), các kiến trúc tháp Chăm ở Ninh Thuận… được ghi nhân, việc Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn (di tích kiến trúc-nghệ thuật thuộc nền văn hóa Chămpa có niên đại từ thế kỷ XI) được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là sự ghi nhận đối với những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên trong thời gian qua.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cho Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Phú Yên. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đánh trống khai mạc Ngày hội.
Tại Lễ khai mạc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh dự đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với hai làng nghề truyền thống là Nghề làm nước mắm và Nghề làm bánh tráng Phú Yên.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên trao Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm nước mắm và Nghề làm bánh tráng Phú Yên của Bộ VH-TT-DL cho lãnh đạo Sở VH-TT-DL
Sau Lễ khai mạc và đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là chương trình nghệ thuật “Âm vang cội nguồn” do các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển thực hiện và hai chương trình thi diễn nghệ thuật dân gian của đoàn nghệ nhân huyện Sông Hinh và TP. Tuy Hòa.