Kết quả 10 năm phổ cập giáo dục trung học cơ sở

(DongKhoi Online)-Qua 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 61-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản quan trọng về phổ cập trung học cơ sở.

Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã xây dựng chương trình, nghị quyết, kế hoạch, xác định rõ mục tiêu cụ thể và bước đi của địa phương để triển khai thực hiện; đã triển khai các văn bản trong hội nghị cấp ủy Đảng mở rộng để thống nhất việc thực hiện mục tiêu phổ cập trung học cơ sở; thành lập ban chỉ đạo để theo dõi, chỉ đạo thực hiện phổ cập trung học cơ sở ở từng địa phương, đơn vị; đồng thời, chỉ đạo việc triển khai quán triệt các văn bản trên trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện trên địa bàn.
Ngành giáo dục đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên tiểu học và trung học cơ sở về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng phát huy khả năng tư duy tích cực của học sinh; thực hiện đúng chương trình, dạy đủ các bộ môn, nhất là đối với các lớp phổ cập trung học cơ sở và bổ túc văn hóa; thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá kết quả giảng dạy và học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chú trọng nêu gương các điển hình vượt khó học giỏi ở các lớp phổ cập. Mỗi huyện, thành phố đều có một trung tâm giáo dục thường xuyên; một số trường phổ thông và trung tâm học tập cộng đồng thực hiện tốt các chương trình giáo dục không chính quy, chủ yếu là chương trình chống mù chữ và sau chống mù chữ, bổ túc văn hóa,…góp phần củng cố kết quả chống mù chữ, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và tạo tiền đề tốt cho công tác phổ cập trung học cơ sở trên địa bàn. Nhiều huyện, xã thực hiện tốt các giải pháp phòng chống lưu ban, bỏ học và đưa tiêu chí phổ cập giáo dục vào tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu phố, khóm, ấp văn hóa; tỉ lệ học sinh trung học cơ sở bỏ học hàng năm đều giảm (từ 4,91% năm 2002, xuống còn 2,05% năm 2010); một số học sinh bỏ học đã được huy động trở lại học ở các lớp phổ cập của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 190 trường tiểu học và 135 trường trung học cơ sở, trong đó có 50 trường đạt chuẩn quốc gia, 9 trung tâm giáo dục thường xuyên ở huyện, thành phố; 164 trung tâm học tập cộng đồng ở164 xã, phường. Các phòng thiết bị, thí nghiệm, thực hành trong các trường học từng bước được xây mới đúng quy định. Việc cung ứng thiết bị dạy học đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Sách giáo khoa, sách giáo viên được cung cấp đầy đủ cho giáo viên và học sinh, bảo đảm phục vụ tốt cho việc giảng dạy và học tập. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở các bậc học, cấp học ngày càng tăng. Đa số giáo viên kiêm nhiệm công tác phổ cập giáo dục đều có kinh nghiệm và luôn thể hiện tốt tư tưởng tiến công, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Toàn tỉnh đã có 164/164 xã, phường thành lập được tổ chức khuyến học, hoạt động khá mạnh, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các trường học.
Những yếu tố trên mang ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả giáo dục và tác động tích cực đến thành quả đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở đúng kế hoạch. Tuy nhiên, một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo có lúc chưa sâu, sát; chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, uốn nắn kịp thời; một số xã không xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn nên kết quả phổ cập trung học cơ sở ở một số địa bàn chưa thật sự vững chắc; một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác phổ cập, vẫn còn tình trạng một số học sinh nghỉ học để phụ giúp gia đình. Tình hình học sinh trung học cơ sở bỏ học tuy giảm hàng năm, song ở một số nơi tỉ lệ bỏ học vẫn còn cao, nhất là ở những nơi kinh tế còn khó khăn. Chất lượng, hiệu quả công tác phổ cập trung học cơ sở một số nơi chưa đồng đều; cơ sở vật chất, trang thiết bị trong nhiều trường học chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của ngành giáo dục và công tác phổ cập. Một số xã, huyện đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở, song chậm; việc xây dựng kế hoạch phổ cập giáo dục trung học còn bị dao động… Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện phổ cập trung học cơ sở ở một số nơi chưa thường xuyên, liên tục và sâu rộng; công tác xã hội hóa giáo dục chưa được phát huy đúng mức nên chưa tạo được quyết tâm cao của toàn xã hội đối với công tác phổ cập này.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 61-CT/TW của Bộ Chính trị; các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, mục tiêu, tác dụng, đối tượng và tiêu chuẩn phổ cập để củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục cơ sở, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục trung học trong thời gian tới. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học để nâng cao chất lượng giáo dục. Phát triển và hoàn thiện mạng lưới trường tiểu học, trung học cơ sở và các mạng lưới dạy nghề. Thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; xây mới các phòng thiết bị, thí nghiệm, thực hành đúng quy cách; cung cấp trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu dạy và học. Bổ sung đầy đủ số lượng giáo viên ở các bộ môn cho các trường trung học; tăng thêm biên chế cho các trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện tốt công tác phổ cập trung học. Đội ngũ giáo viên phải được đào tạo đạt chuẩn hoặc trên chuẩn về chuyên môn. Tổ chức khảo sát, phân loại học sinh; lập kế hoạch bồi dưỡng học sinh khá giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, huy động tối đa học sinh trong độ tuổi phổ cập vào học các lớp chính quy, Tăng cường xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia gắn liền với việc thực hiện phổ cập giáo dục trung học, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện tốt hơn nữa các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong ngành. Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý phổ cập giáo dục; tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phổ cập giáo dục. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục để huy động cao nhất các nguồn lực chăm lo sự nghiệp giáo dục, trong đó có công tác phổ cập giáo dục. Chú trọng gắn kết chặt chẽ công tác phổ cập giáo dục với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, nhất là việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.

TN