Kết hợp ăn ý với giáo sư hướng dẫn
Vấn đề đầu tiên của một sinh viên nếu muốn tiếp cận học bổng nghiên cứu là phải tìm được giáo sư hướng dẫn đề tài nghiên cứu của mình. Sau đó khi bắt tay vào làm nghiên cứu cũng cần lưu ý để xây dựng mối quan hệ với giáo sư thì quá trình làm nghiên cứu cũng thêm phần thuận lợi.
Tìm giáo sư hướng dẫn qua nhiều kênh thông tin
Cách tìm giáo sư hướng dẫn phổ biến nhất là thông qua website của trường đại học. Ở Úc, mỗi trường đại học đều có một website có thông tin cụ thể về các thầy cô giáo, địa chỉ liên hệ, lĩnh vực phụ trách, các công trình nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ứng viên có thể tìm giáo sư hướng dẫn thông qua công việc hoặc các hội thảo quốc tế. Nhiều giáo sư nước ngoài sang Việt Nam theo các dự án quốc tế, trong quá trình làm việc, ứng viên có thể có cơ hội để trao đổi đề tài và đặt vấn đề về những nghiên cứu xa hơn. Đây là một cách tiếp cận đơn giản, hiệu quả và dễ được chấp thuận vì giáo sư đã ít nhiều có hiểu biết về ứng viên/sinh viên mà mình muốn nhận hướng dẫn.
Du học sinh cũng có thể tìm giáo sư hướng dẫn thông qua giới thiệu trong mạng lưới học thuật. Khi có đề tài và hứng thú với việc học nghiên cứu, ứng viên có thể chia sẻ thông tin với những người làm trong lĩnh vực đó và nhờ giới thiệu đến người có liên quan. Hoặc thông qua các tạp chí chuyên ngành, ứng viên cũng có thể dễ dàng tìm thấy thông tin của tác giả và trực tiếp liên hệ nếu thấy phù hợp.
Xây dựng kế hoạch học tập ổn định với người hướng dẫn
Mối quan hệ của giáo sư hướng dẫn và sinh viên tương đối đặc biệt. Không như quan hệ đồng nghiệp, cũng không phải quan hệ cấp trên cấp dưới và hoàn toàn không thể tính đến sự “thân tình”. Do vậy yếu tố công việc (ở đây là việc học tập hay công trình nghiên cứu) luôn được đặt lên hàng đầu để thiết lập mối quan hệ thuận lợi với giáo sư.
Do đặc thù của việc học thuật-nghiên cứu và tùy vào chuyên ngành học tập mà giáo sư hướng dẫn và du học sinh có thể gặp nhau để trao đổi công việc hằng tuần, hằng tháng hoặc thậm chí có khi cả kỳ mới gặp (trong trường hợp thầy/cô hướng dẫn đi công tác). Do vậy yếu tố đầu tiên để xây dựng mối quan hệ tốt với giáo sư là luôn có kế hoạch rõ ràng cho công việc của mình.
Sau đó trình bày với thầy cô để phù hợp với kế hoạch của thầy cô và cố gắng hoàn thành mọi việc đúng hạn. Việc hướng dẫn bạn chỉ là một trong rất nhiều đầu việc của các thầy cô và chắc chắn các thầy cô bận hơn sinh viên nên nếu bạn thay đổi “kế hoạch” thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch làm việc (đã lên lịch trước hằng năm) của thầy cô, dẫn đến họ không tín nhiệm bạn.
Tất nhiên, mọi kế hoạch đều có “độ trễ”, các thầy cô hiểu điều đó. Nếu có việc phát sinh ngoài ý muốn, hãy xử lý quyết liệt và nhanh chóng, không để ảnh hưởng nhiều đến việc chung.
Thái độ thẳng thắn, thành thật và rõ ràng
Bên cạnh đó, nên luôn thẳng thắn, thành thật và rõ ràng với thầy cô hướng dẫn. Nếu bạn gặp khó khăn trong quá trình học tập, nghiên cứu hoặc thậm chí trong cuộc sống riêng mà có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoặc nghiên cứu khi cần thiết, đừng lo sợ và quanh co với các thầy cô. Hãy thẳng thắn cho thầy cô biết.
Các giáo sư sẽ tạo mọi điều kiện để có thể hỗ trợ bạn trong phạm vi có thể. Tuy nhiên, cũng không nên hơi một chút là “kêu khóc ầm ầm”. Các thầy cô chỉ là người định hướng và trợ giúp bạn nghiên cứu, không phải là người giải quyết tất cả khó khăn, muộn phiền có thể xảy đến với bạn và nghiên cứu của bạn.
Hãy tìm cách giải quyết trước, nếu không thể hãy yêu cầu trợ giúp. Các thầy cô luôn tạo điều kiện để bạn được học tập và nghiên cứu trong môi trường thuận lợi nhất. Đôi khi ứng viên may mắn sẽ gặp được thầy cô rất quan tâm và chia sẻ đến đời sống riêng như thường xuyên hỏi thăm và rủ học viên xả stress; tạo điều kiện mở rộng quan hệ cho học viên; thậm chí du học sinh còn được các thầy cô gửi thiệp đến tận nhà với những lời viết tay chúc mừng rất chân thành và nồng hậu vào các dịp lễ đặc biệt, khi có gia đình, sinh con…
Cần lưu ý, mối quan hệ của sinh viên và giáo sư hướng dẫn không phải là… cố định. Nếu trong quá trình nghiên cứu, ứng viên thay đổi mục tiêu và đề tài nghiên cứu mà không còn phù hợp với giáo viên hướng dẫn hiện tại nữa hoặc giáo viên luân chuyển, về hưu… thì ứng viên cũng có thể thay đổi.
Bí kíp “lựa chọn” người hướng dẫn
Chọn giáo sư hướng dẫn… lớn tuổi. Vì các thầy cô sẽ là kho tàng kiến thức và kinh nghiệm đồ sộ để bạn có thể tiếp cận và học hỏi. Có thể đoán tuổi của giáo sư thông qua ảnh trong hồ sơ hoặc là số lượng công trình nghiên cứu và năm xuất bản.
Chọn giáo sư hướng dẫn có kinh nghiệm làm việc với sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên châu Á. Vì lối tư duy, giao tiếp và văn hóa của Âu-Á có nhiều điểm khác biệt, các giáo sư có kinh nghiệm sẽ giúp mối quan hệ thầy trò vượt qua sự khác biệt đó một cách dễ dàng. Bạn có thể nhận ra những giảng viên này theo chức danh, ví dụ có đính kèm international coordinator hoặc qua các công trình nghiên cứu xuất bản có liên quan đến châu Á. Nhưng cụ thể nhất là qua người quen hoặc sinh viên đi trước.
Một số trường có giảng viên người Việt và đây cũng là một lựa chọn tốt đối với một số bạn muốn trải nghiệm giảng viên Việt ở nước ngoài. Với giáo viên người Việt bạn có thể sẽ dễ dàng hơn trong giao tiếp và trao đổi công việc vì không bị rào cản về ngôn ngữ.
Tác giả bài viết: MAI HƯƠNG, Thạc sĩ báo chí tại Úc
Nguồn: Easy Aussie