Keo lá tràm được giá, người trồng có lãi
Những tháng qua, dọc theo quốc lộ 55 đoạn địa bàn huyện Hàm Tân, chúng tôi thường gặp nhiều đống gỗ keo lá tràm (lưỡi liềm) đã lóc vỏ sạch sẽ, được bốc lên xe chở vào các cơ sở, nhà máy chế biến trong, ngoài tỉnh tiêu thụ. Năm nay, keo được giá, nhiều nông dân địa phương trồng, khai thác bán đều có lãi.
Hiệu quả rừng trồng
Mùa này, ở các tuyến đường giao thông nông thôn 3 xã Thắng Hải, Tân Thắng, Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân), không thiếu những xe cải tiến, xe tải các loại xuất hành từ sớm đến các vườn keo vừa được khai thác, lóc vỏ xong để vận chuyển đi tiêu thụ. Sản phẩm keo lá tràm đang được giá, khiến người trồng vui vẻ, người mua thuê xe vận chuyển khá nhộn nhịp ở nhiều làng quê nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Thành, thôn Suối Bang, xã Thắng Hải cho hay: “Gia đình tôi vừa bán 1 ha keo 4 năm tuổi với giá gần 160 triệu đồng cho tiểu thương vận chuyển sang Bà Rịa – Vũng Tàu; trừ công cán, phân thuốc đầu tư, có lãi hơn 90 triệu đồng. Trong khi 1 ha keo đến kỳ khai thác vào năm ngoái chỉ có giá khoảng 90 – 100 triệu đồng”. Loại cây trồng lâu năm này đang có giá, nhiều người trồng ở 2 thôn Suối Bang, Suối Tứ ở xã này tranh thủ thu hoạch khi keo đến kỳ khai thác, để trồng cây mới trong mùa mưa này. Mùa đầu, người nông dân có thể trồng xen canh hoa màu như cây mỳ bên cạnh những hàng keo non. Năm thứ 2 khi keo khép lá, người trồng tập trung chăm sóc để thu hoạch.
Vườn keo xanh tươi ở thôn Cô Kiều, xã Tân Thắng (Hàm Tân)
Anh Trương Văn Quang, thôn 2, xã Sơn Mỹ cũng chia sẻ: “Thời hậu Covid-19, keo được giá, nhiều người trồng đến mùa thu hoạch đều phấn khởi. 2 năm trước, 1 ha keo nằm ở vị trí thuận tiện giao thông, chăm sóc tốt, sau 4 năm bán được 70 – 80 triệu đồng, nhưng hiện giờ giá gần gấp đôi. Trong khi trồng 1 ha keo, tôi đầu tư gần 40 triệu đồng mua giống, phân bón, thuê công chăm sóc, dọn lá phòng cháy mùa khô 2 năm đầu. Sau đó mình đi làm việc khác”. Một cán bộ UBND xã Sơn Mỹ cho biết: “Hiện toàn xã có khoảng 3.000 ha rừng keo lá tràm được nông dân trồng trên diện tích đất rẫy, đất đồi núi trọc, ven biển và cả trong đất vườn điều già cỗi đã chặt hạ. Trong mùa này, vài trăm ha đã và đang được các chủ vườn bán cho tiểu thương khai thác. Nhiều hộ trong xã đã có thu nhập ổn định từ nghề trồng rừng nguyên liệu này”.
Chủ vườn bên rừng keo đến kỳ khai thác ở Sơn Mỹ, Hàm Tân
Kết hợp chế biến
Được biết, những năm qua, phong trào trồng rừng kinh tế trong nhân dân ở Hàm Tân phát triển mạnh, không chỉ các xã đất màu nằm hai bên quốc lộ (1A, 55) ngang qua địa bàn, mà các xã đất bạc màu, đất pha cát ven biển, nông dân cũng chú trọng trồng rừng. Diện tích keo ngày càng rộng lớn, phủ xanh nhiều đất đai cằn cỗi. Riêng năm 2022, chỉ tiêu trồng mới keo của huyện hơn 700 ha. Trong khi sản lượng keo trên địa bàn được thu mua chủ yếu từ các tiểu thương làm đầu mối cho một số ít doanh nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) chế biến giấy, bào bì chứa gỗ, dăm gỗ xuất khẩu. Huyện Hàm Tân đang khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư xây dựng thêm cơ sở thu mua, nhà máy chế biến keo nguyên liệu tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế trồng rừng. Có thể khẳng định, cây keo ở Hàm Tân đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân, đồng thời góp phần đảm bảo độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn. Không những thế với những đặc điểm sinh học riêng, cây keo còn có khả năng làm tăng độ phì nhiêu cho đất.