Kế toán thu hoạt động do ngân sách nhà nước cấp tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp

Bài viết trao đổi và hệ thống hóa lại các vấn đề như: Nguyên tắc kế toán, Phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu, đồng thời đưa ra một vài kiến nghị về kế toán thu hoạt động do ngân sách nhà nước cấp tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

Nguyên tắc kế toán thu hoạt động do ngân sách nhà nước cấp

Theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, Tài khoản 511 (TK) – Thu hoạt động do ngân sách nhà nước (NSNN) cấp thuộc tài khoản loại 5 (Bảng 1). Loại Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có, tình hình biến động các khoản thu, doanh thu (sau đây gọi tắt là doanh thu) của đơn vị.

Theo quy định hiện hành, các khoản thu và doanh thu phát sinh tại đơn vị hành chính, sự nghiệp, gồm: Thu hoạt động do NSNN cấp theo dự toán để thực hiện nhiệm vụ được giao; Thu từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vay nợ nước ngoài; Thu từ số phí được khấu trừ và để lại theo Luật phí, lệ phí; Doanh thu của hoạt động tài chính; Doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Về nguyên tắc kế toán, theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, TK 511 được dùng để phản ánh số thu hoạt động do NSNN cấp và số thu hoạt động khác được để lại cho đơn vị hành chính, sự nghiệp (gọi chung là thu hoạt động do NSNN cấp). Thu hoạt động do NSNN cấp gồm:

– Thu thường xuyên: Phản ánh các khoản NSNN cấp cho đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên hoặc hỗ trợ đột xuất khác được tính là nguồn đảm bảo chi thường xuyên và các khoản NSNN cấp khác ngoài các nội dung nêu trên.

– Thu không thường xuyên: Phản ánh các khoản thu do NSNN cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên như kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ (đối với đơn vị không phải là tổ chức khoa học công nghệ); Kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án, đề án khác; Kinh phí đối ứng thực hiện các dự án theo quy định của cấp có thẩm quyền; vốn đầu tư phát triển; Kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cơ quan có thẩm quyền giao và các khoản thu không thường xuyên khác (như tài trợ, biếu tặng nhỏ lẻ…).

Kế toán thu hoạt động do ngân sách nhà nước cấp tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp - Ảnh 1
Kế toán thu hoạt động do ngân sách nhà nước cấp tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp - Ảnh 2

– Thu hoạt động khác: Phản ánh các khoản thu hoạt động khác phát sinh tại đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán (hoặc không giao dự toán) và yêu cầu phải báo cáo quyết toán theo Mục lục NSNN phần được để lại đơn vị.

Đối với các khoản thu hoạt động do NSNN cấp, khi đơn vị rút dự toán sử dụng cho hoạt động đơn vị phản ánh vào thu hoạt động do NSNN cấp, trừ một số trường hợp sau:

Thứ nhất, rút tạm ứng dự toán về quỹ tiền mặt hoặc ngân sách cấp bằng Lệnh chi tiền vào TK tiền gửi dự toán hoặc phát sinh khoản thu kinh phí hoạt động khác bằng tiền (tiền mặt, tiền gửi) thì đơn vị phản ánh vào TK 337 – Tạm thu (3371), khi xuất quỹ hoặc rút tiền gửi ra sử dụng tính vào chi phí thì mới kết chuyển từ TK 337 – Tạm thu (3371) sang TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.

Thứ hai, kinh phí từ nguồn NSNN dùng để đầu tư, mua sắm tài sản cố định (TSCĐ) hoặc mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ nhập kho (xuất dùng dần) là khoản kinh phí được cấp một lần nhưng đơn vị sử dụng trong nhiều năm (hoặc xuất sử dụng dần trong năm). Do đó, không ghi nhận ngay vào các khoản thu hoạt động do NSNN cấp tại thời điểm tiếp nhận mà được ghi nhận là 1 khoản nhận trước chưa ghi thu. Đơn vị ghi thu phù hợp với tình hình thực tế sử dụng tài sản, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ.

Bên cạnh đó, Thông tư số 107/2017/TT-BTC quy định rõ, tài khoản này cũng được dùng để phản ánh giá trị công trình xây dựng cơ bản do nâng cấp TSCĐ, hoặc đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản khi tài sản cố định được bàn giao đưa vào sử dụng cho hoạt động hành chính của đơn vị.

Ngoài ra, trường hợp đơn vị được Nhà nước cấp bù miễn, giảm học phí bằng dự toán (chưa chuyển sang giá dịch vụ giáo dục, đào tạo), thì phần học phí được cấp bù miễn, giảm phải được theo dõi chi tiết và quyết toán cùng với dự toán chi hoạt động tự chủ (nếu được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp) hoặc chi hoạt động không tự chủ (nếu không được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp) của đơn vị.

TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp, có 3 tài khoản cấp 2, gồm: TK 5111- Thường xuyên, TK 5112- Không thường xuyên và TK 5118- Thu hoạt động khác (Bảng 3).

Phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu

Nhằm giúp các đơn vị hành chính, sự nghiệp thực hiện đúng các quy định liên quan đến kế toán thu hoạt động do NSNN cấp, bài viết giới thiệu một số nội dung cơ bản liên quan đến các hoạt động kinh tế chủ yếu:

Thứ nhất, khi được giao dự toán chi hoạt động, ghi:

Nợ TK 008- Dự toán chi hoạt động (00821, 00822).

Thứ hai, trường hợp rút tạm ứng dự toán về quỹ tiền mặt để chi tiêu hoặc được NSNN cấp bằng Lệnh chi tiền về tài khoản tiền gửi dự toán của đơn vị:

– Khi rút tạm ứng dự toán về quỹ tiền mặt, ghi:

Nợ TK 111-Tiền mặt

Có TK 337- Tạm thu (3371).

Đồng thời, ghi:

Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (008211, 008221).

– Trường hợp ngân sách cấp bằng Lệnh chi tiền vào TK tiền gửi dự toán của đơn vị, ghi:

Nợ TK 112- Tiền gửi ngân hàng, kho bạc

Có TK 337- Tạm thu (3371).

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 012- Lệnh chi tiền thực chi (nếu được cấp bằng Lệnh chi tiền thực chi), hoặc

Nợ TK 013- Lệnh chi tiền tạm ứng (nếu được cấp bằng Lệnh chi tiền tạm ứng).

– Các khoản chi từ quỹ tiền mặt hoặc TK tiền gửi của ngân sách mà trước đó đơn vị đã tạm ứng, ghi:

Nợ các TK 141, 331, 332, 611…

Có các TK 111, 112.

Đồng thời, ghi:

Có TK 012- Lệnh chi tiền thực chi (nếu chi từ nguồn NSNN cấp bằng Lệnh chi tiền thực chi).

– Khi đủ điều kiện thanh toán, kết chuyển từ TK tạm thu sang TK thu hoạt động do NSNN cấp tương ứng với số đã thanh toán, ghi:

Nợ TK 337- Tạm thu (3371)

Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.

Đối với các khoản chi từ nguồn NSNN cấp bằng Lệnh chi tiền tạm ứng, khi làm thủ tục thanh toán tạm ứng, ghi:

Có TK 013- Lệnh chi tiền tạm ứng (chi tiết TK tương ứng).

Thứ ba, phản ánh các khoản phải trả, ghi:

Nợ TK 611- Chi phí hoạt động

Có các TK 331, 332, 334…

Rút dự toán thanh toán các khoản phải trả, ghi:

Nợ các TK 331, 332, 334…

Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.

Đồng thời, ghi:

Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (chi tiết TK tương ứng).

Thứ tư, rút dự toán chuyển vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng để trả lương cho người lao động trong đơn vị, ghi:

Nợ TK 112- Tiền gửi ngân hàng, kho bạc

Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.

Đồng thời, ghi:

Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (chi tiết TK tương ứng).

Thứ năm, kế toán kinh phí hoạt động khác phát sinh bằng tiền.

– Khi thu được kinh phí hoạt động khác, ghi:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 337- Tạm thu (3371).

– Xác định số phải nộp NSNN, cấp trên…, ghi:

Nợ TK337- Tạm thu (3371)

Có các TK 333, 336, 338,…

– Số được để lại đơn vị theo quy định hiện hành, ghi:

Nợ TK 018- Thu hoạt động khác được để lại (0181, 0182).

– Khi sử dụng kinh phí hoạt động được để lại, ghi:

Nợ các TK 141, 152, 153, 211, 611,…

Có các TK 111, 112.

Đồng thời, ghi:

Có TK 018- Thu hoạt động khác được để lại (0181, 0182).

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 337- Tạm thu (3371)

Có TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (nếu dùng để mua TSCĐ; nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ nhập kho)

Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp (5118) (nếu dùng cho hoạt động thường xuyên và hoạt động không thường xuyên).

Một số chú ý

Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, công tác kế toán là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, cần chú ý tổ chức thực hiện một cách chính xác, đúng theo quy định của pháp luật. Với kế toán thu hoạt động do NSNN cấp, các đơn vị càng cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát NSNN, từ đó có thể dẫn đến những hệ lụy, rắc rối về mặt pháp lý. Do vậy, thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị cần chủ động kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo công tác kế toán được triển khai, công khai minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật. Đối với cán bộ kế toán khi triển khai công tác kế toán thu hoạt động do NSNN cấp, thì kế toán phải mở sổ chi tiết các khoản thu cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng khoản thu, từng ngành để theo dõi các khoản thu của từng loại theo từng hoạt động. Đồng thời, cần nắm rõ các quy định mới, các nguyên tắc kế toán đối với nội dung này, đặc biệt nắm rõ một số nghiệp vụ kế toán nêu trên để thực hiện đúng theo quy định.          

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán (2015);
  2. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;
  3. Bộ Tài chính (2017), Hệ thống chứng từ kế toán bắt buộc ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017;
  4. Một số website: mof.gov.vn, thuvienphapluat.vn, tapchitaichinh.vn…