KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN 2020-2021 – Trường Mầm non Lâm Thủy

UBND HUYỆN LỆ THỦY
PHÒNG GIÁO DỤC&ĐÀO TẠO

     
Số: 382 /KH-GD&ĐT CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

     
              Lệ Thủy, ngày 17 tháng 6  năm 2020  
 

KẾ HOẠCH
Bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm học 2020 – 2021

 

Căn cứ Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên; Thông tư số 11/2019/TT-BGDĐT ngày 26/08/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non; Thông tư số 12/2019/TT-BGDĐT ngày 26/08/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non; Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; Thông tư số 18/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; Công văn số 1595/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 08/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đánh giá theo Chuẩn và BDTX giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; Công văn số 1205/SGDĐT-GDCNTX ngày 09/6/2020 của Sở GD&ĐT Quảng Bình,
Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy ban hành Kế hoạch BDTX cho Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (gọi chung là cán bộ quản lý) và giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (gọi chung là giáo viên) năm học 2020-2021 cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu của bồi dưỡng thường xuyên
          1. Cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên học tập BDTX nâng cao mức độ đáp ứng theo yêu cầu vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hằng năm; là căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên, cán bộ quản lý; đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp của CBQL và giáo viên; yêu cầu nhiệm vụ năm học, cấp học, yêu cầu phát triển giáo dục của huyện, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành.
          2. Phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đánh giá công tác BDTX của giáo viên và CBQL; năng lực tổ chức, quản lý hoạt động BDTX giáo viên, CBQL của cơ sở giáo giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên.
          3. Đảm bảo cho tất cả CBQL, giáo viên đều tham gia BDTX với ý thức tự giác, trách nhiệm, đủ nội dung, thời lượng bồi dưỡng và lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp, vị trí việc làm. Nội dung bồi dưỡng phải bám sát các Chương trình BDTX của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành. Bồi dưỡng có trọng tâm, tập trung vào các vấn đề mới, những vấn đề thực tiễn, có tính kế thừa qua từng năm học.
          4. Việc triển khai BDTX phải gắn kết chặt chẽ với việc triển khai đánh giá giáo viên và CBQL theo Chuẩn và theo chỉ đạo đổi mới giáo dục của ngành để từng bước cải thiện và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và CBQL qua từng năm học.
          II. Đối tượng thực hiện bồi dưỡng thường xuyên
Tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác và giảng dạy tại các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú trong phạm vi toàn huyện.
          III. Nội dung, thời lượng, hình thức bồi dưỡng thường xuyên
Mỗi CBQL, giáo viên thực hiện BDTX (03 chương trình bồi dưỡng) theo quy định là 120 tiết/năm học.
          1. Chương trình bồi dưỡng 1:
          – Đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học của cấp học, bao gồm các nội dung bồi dưỡng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển giáo dục; chương trình giáo dục, nội dung các môn học, hoạt động giáo dục; kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ lãnh đạo, quản trị cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định theo từng năm học.
          – Thời lượng: Khoảng 01 tuần/năm học (khoảng 40 tiết/năm học).
          – Nội dung bồi dưỡng:
+ Đối với giáo viên: Do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể từng năm học, bao gồm các nội dung bồi dưỡng về đường lối, chính sách phát triển giáo dục của các cấp học, chương trình giáo dục, nội dung các môn học, hoạt động giáo dục thuộc chương trình giáo dục theo từng cấp học…
+ Đối với CBQL: Do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể từng năm học, bao gồm các nội dung bồi dưỡng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của các cấp học; chương trình giáo dục, nội dung các môn học, các hoạt động giáo dục thuộc chương trình giáo dục; kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ lãnh đạo, quản trị cơ sở giáo dục theo từng cấp học…
          – Hình thức bồi dưỡng: Chủ yếu bằng hình thức tự học.
          2. Chương trình bồi dưỡng 2:
          – Đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục các cấp học của địa phương theo từng thời kỳ (bao gồm cả nội dung do các dự án thực hiện); về phát triển giáo dục địa phương, việc thực hiện chương trình giáo dục, chương trình giáo dục địa phương; phối hợp với các chương trình, dự án (nếu có) do Sở giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể theo từng năm học.
          – Thời lượng: Khoảng 01 tuần/năm học (khoảng 40 tiết/năm học).
          – Nội dung bồi dưỡng:
+ Đối với giáo viên: do Sở Giáo dục và Đào tạo (phòng chuyên môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo) quy định cụ thể từng năm học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên các cấp. Bao gồm các nội dung bồi dưỡng về phát triển giáo dục của địa phương, thực hiện chương trình giáo dục, chương trình giáo dục địa phương của từng cấp học.
+ Đối với CBQL: hằng năm, các phòng chuyên môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn nội dung bồi dưỡng về phát triển giáo dục của địa phương, thực hiện chương trình giáo dục, chương trình giáo dục địa phương (tương ứng với số tiết theo yêu cầu bồi dưỡng của từng cấp học), quy định cụ thể hình thức bồi dưỡng.
          – Hình thức bồi dưỡng: Chủ yếu bằng hình thức tự học.
Lưu ý:
– Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, kế hoạch giáo dục của nhà trường trong từng năm học, các đơn vị có thể thay đổi thời lượng chương trình bồi dưỡng 01 và chương trình bồi dưỡng 02 phù hợp nhưng phải đảm bảo tổng số tiết BDTX nội dung 1 và nội dung 2 là 80 tiết/năm).
– Đối với giáo viên, CBQL cấp tiểu học, trung học sơ cở, nội dung bồi dưỡng giáo viên, CBQL ưu tiên tập trung bồi dưỡng những nội dung đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu dạy sách giáo khoa mới do các nhà xuất bản thực hiện, đặc biệt là đối với giáo viên dự kiến phân công dạy lớp 1 trong năm học 2020-2021.
3. Chương trình bồi dưỡng 3: Thời lượng: 40 tiết/năm học
          3.1. Hình thức bồi dưỡng theo định hướng chung:
          – Đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực nghề nghiệp, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường theo yêu cầu vị trí việc làm.
– Tiếp tục phát huy năng lực tự học của CBQL và giáo viên kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ bộ môn của nhà trường, liên trường hoặc cụm trường.
– Phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán, thành viên hội đồng bộ môn trong việc hướng dẫn, hệ thống kiến thức, giải đáp thắc mắc cho giáo viên.
– Tiếp tục đổi mới phương pháp bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hình thức bồi dưỡng, tập huấn qua mạng.
– Tổ chức bồi dưỡng tập trung (mỗi năm học ít nhất 1 lần) nhằm hướng dẫn tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung bồi dưỡng khó đối với giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu của giáo viên trong học tập BDTX; tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội được trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ và luyện tập kỹ năng.
          3.2. Nội dung, hình thức bồi dưỡng:
* Đối với giáo viên:
– Căn cứ nhu cầu của cá nhân (phải được xây dựng trên cơ sở nhu cầu đề xuất của giáo viên, tránh tình trạng áp đặt một số mô đun bồi dưỡng) nhằm đáp ứng phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm, mỗi giáo viên lựa chọn một số mô đun trong khối kiến thức tự chọn trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên từng cấp học ban hành kèm theo các Thông tư tương ứng đối với từng cấp học để bồi dưỡng (Thông tư số 12/2019/TT-BGDĐT đối với giáo viên mầm non; Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT đối với giáo viên tiểu học và THCS), đảm bảo 40 tiết/ năm học.
– Hiệu trưởng/Giám đốc các trường học phê duyệt kế hoạch BDTX của giáo viên và quyết định hình thức bồi dưỡng của giáo viên trong đơn vị quản lý.
* Đối với CBQL:
– Đây là khối kiến thức tự chọn bao gồm các mô đun bồi dưỡng nhằm phát triển năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường theo yêu cầu vị trí việc làm được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng theo từng cấp học (Thông tư số 11/2019/TT-BGDĐT đối với CBQL cấp mầm non, Thông tư số 18/2019/TT-BGDĐT đối với CBQL cấp  tiểu học và THCS).
          – Giao cho CBQL của các đơn vị tự lựa chọn (hoặc theo định hướng lựa chọn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT nếu có) các mô đun bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng của cá nhân đảm bảo khối kiến thức tự chọn đạt 40 tiết/năm học. Phòng GD&ĐT phê duyệt kế hoạch BDTX của CBQL.
* Căn cứ vào kết quả lựa chọn nội dung bồi dưỡng 3 theo các Modun của giáo viên, CBQL, các đơn vị thống kê số lượng giáo viên, CBQL đăng ký bồi dưỡng nội dung 3, thể hiện trong kế hoạch của đơn vị theo bảng sau:
Đối với giáo viên

Mã modun             Số lượng giáo viên lựa chọn            

 

Đối với CBQL

Mã modun             Số lượng CBQL lựa chọn            

 

* Phòng GD&ĐT tổng hợp nhu cầu lựa chọn nội dung bồi dưỡng của GV, CBQL các trường học và đặt hàng với các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ BDTX (quy định tại Điều 10 của Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019) biên soạn tài liệu và tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên cốt cán cấp huyện và tổ chức bồi dưỡng cho toàn bộ CBQL thuộc phạm vi quản lý.
IV. Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên
1. Kế hoạch BDTX được xây dựng theo năm học, bao gồm: Kế hoạch BDTX của nhà trường, của từng giáo viên và từng cán bộ quản lý.
2. Kế hoạch BDTX phải nêu rõ mục tiêu, nội dung, loại hình tổ chức BDTX và kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục cho giáo viên, cán bộ quản lý.
3. Xây dựng kế hoạch BDTX năm học:
– Kế hoạch BDTX của giáo viên, cán bộ quản lý: Căn cứ vào nhu cầu về mô đun bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng và hướng dẫn của đơn vị trường học nơi đang công tác, giáo viên, CBQL xây dựng kế hoạch BDTX của cá nhân, báo cáo tổ bộ môn, trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt trước ngày 31 tháng 5 hằng năm (Nhà trường phê duyệt kế hoạch BDTX của giáo viên, Phòng GD&ĐT phê duyệt kế hoạch BDTX của CBQL).
– Kế hoạch BDTX của nhà trường: Căn cứ vào hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, theo phân cấp quản lý và kế hoạch BDTX của giáo viên, cán bộ quản lý, các trường học xây dựng kế hoạch BDTX và trình Phòng GD&ĐT phê duyệt trước 05 tháng 6 hằng năm (cùng với kế hoạch BDTX của cán bộ quản lý).
Lưu ý: Riêng năm học 2020-2021, giáo viên xây dựng kế hoạch BDTX cá nhân nộp nhà trường phê duyệt trước 30/6/2020. CBQL và nhà trường xây dựng kế hoạch BDTX nộp Phòng GD&ĐT phê duyệt trước 17 giờ ngày 05/7/2020. Mỗi đơn vị nộp 02 bản có dấu đỏ và bản mềm qua hộp thư nội bộ về theo cấp học để trình lãnh đạo phê duyệt: Cấp THCS nộp về đ/c Nguyễn Minh Thanh, cấp TH nộp về đ/c Phan Anh Xuân, cấp MN nộp về đ/c Lê Thị Thương.
 
V. Đánh giá và xếp loại kết quả BDTX
1. Đánh giá việc vận dụng kiến thức BDTX vào thực tiễn dạy học, giáo dục trẻ em, học sinh; thực tiễn quản lý của nhà trường. Đánh giá thông qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm (đối với các nội dung lý thuyết), bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch (đối với nội dung thực hành) đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung chương trình BDTX và quy định theo Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Bài kiểm tra lý thuyết, thực hành chấm theo thang điểm 10 và đạt yêu cầu khi đạt điểm từ 5 trở lên.
3. Xếp loại kết quả:
– Hoàn thành kế hoạch BDTX: Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch BDTX khi thực hiện đầy đủ các quy định của khóa bồi dưỡng; hoàn thành đủ các bài kiểm tra với kết quả đạt điểm từ 5 trở lên/bài kiểm tra (theo Khoản 2, Điều 11 của Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT).
– Không hoàn thành kế hoạch BDTX: Giáo viên, cán bộ quản lý không đáp ứng được các yêu cầu theo Khoản 1, 2 – Điều 11 của Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT.
4. Giáo viên, cán bộ quản lý được xếp loại hoàn thành kế hoạch BDTX thì được cấp chứng chỉ hoàn thành kế hoạch BDTX. Kết quả đánh giá BDTX được lưu vào hồ sơ và là căn cứ thực hiện chế độ, chính sách bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp và sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý.
5.Cấp chứng chỉ BDTX:
 Việc cấp chứng chỉ BDTX thực hiện theo quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
VI. Hồ sơ và lưu giữ hồ sơ BDTX
1. Hồ sơ lưu tại các trường gồm: Các văn bản chỉ đạo của các cấp; kế hoạch BDTX của giáo viên, CBQL, của nhà trường; danh sách giáo viên tham gia BDTX; bảng kết quả BDTX; danh sách giáo viên hoàn thành kế hoạch BDTX; bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bản thu hoạch, báo cáo chuyên đề…; báo cáo tổng kết công tác BDTX; tài liệu phục vụ công tác BDTX…
          2. Hồ sơ lưu tại Phòng GD&ĐT gồm: Các văn bản chỉ đạo của các cấp; kế hoạch BDTX của các đơn vị; bảng kết quả BDTX; danh sách giáo viên hoàn thành kế hoạch BDTX; báo cáo tổng kết công tác BDTX…
VII. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Phòng GD&ĐT Lệ Thủy:
– Thực hiện theo cơ chế phối hợp được quy định tại Điều 13 Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 về ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.
– Xây dựng kế hoạch BDTX cho giáo viên và cán bộ quản lý; chỉ đạo, kiểm tra công tác BDTX giáo viên, cán bộ quản lý của các đơn vị trường học thuộc thẩm quyền quản lý.
– Tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp huyện về nguồn kinh phí BDTX và các điều kiện liên quan phục vụ công tác BDTX theo quy định. Kinh phí BDTX được dự toán trong kinh phí chi thường xuyên hằng năm, từ kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án hoặc từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
– Báo cáo công tác BDTX giáo viên, cán bộ quản lý về Sở GD&ĐT vào tháng 6 hằng năm (ngay sau khi năm học kết thúc) và theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của các đơn vị trường học trực thuộc:
– Hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý xây dựng kế hoạch BDTX cá nhân; xây dựng kế hoạch BDTX cuả nhà trường và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
– Tổng hợp và báo cáo công tác thực hiện kế hoạch BDTX của giáo viên, cán bộ quản lý cho Phòng GD&ĐT (ngay sau khi năm học kết thúc).
– Thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý tham gia BDTX theo quy định.
3. Trách nhiệm, quyền lợi của giáo viên, cán bộ quản lý:
– Xây dựng và hoàn thành kế hoạch BDTX của cá nhân; nghiêm túc thực hiện các quy định về BDTX theo Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT.
– Được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có) và các chế độ, chính sách khác theo quy định trong thời gian thực hiện kế hoạch BDTX.
 
Trên đây là Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo. Phòng GD&ĐT yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc các đơn vị phản hồi về Phòng GD&ĐT (qua cấp học) để có hướng giải quyết kịp thời./.

 
Nơi nhận:       
– Sở GD&ĐT (b/c);                  
– Lãnh đạo Phòng GD&ĐT (b/c);            
– Lưu: VT, MN, TH, THCS.                                  KT. TRƯỞNG PHÒNG
PHÓ TRƯỞNG PHÒNG
(đã ký)
 
 
 
Võ Thị Tường Vy