Kể chuyện thành ngữ “Đồng cam cộng khổ”
Đồng cam cộng khổ là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Truyền thống ấy thể hiện ở việc trước niềm hạnh phúc biết vui chung, cùng nhau chung hưởng; trong nỗi bất hạnh, hoạn nạn biết chia sẻ, cùng nhau gánh chịu.
Đồng cam cộng khổ là một thành ngữ Hán – Việt mà ý nghĩa của nó được hình thành trên cơ sở nghĩa biểu trưng của các thành tố đồng (cùng), cam (ngọt), cộng (chung), khổ (đắng). Ở thành ngữ này vị ngọt (cam) biểu trưng cho sự sung sướng, hạnh phúc, vị đắng (khổ) biểu trưng cho sự bất hạnh, hoạn nạn. Từ ý nghĩa cụ thể: Cùng hưởng vị ngọt, cùng chung vị đắng, thành ngữ Đồng cam cộng khổ hình thành nên ý nghĩa khái quát của nó: Trong hạnh phúc hay bất hạnh con người cần san sẻ cho nhau, cùng hòa vào cuộc sống chung, coi niềm hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của mọi người như của mỗi người và như của riêng mình vậy.
Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất hay vận dụng ca dao, thành ngữ, tục ngữ – ngôn ngữ dân tộc giản dị, dễ hiểu. Trong dịp đến thăm một đơn vị bộ đội, Người đã dạy: “Từ Đại đoàn trưởng cho đến Tiểu đội trưởng phải đồng cam cộng khổ với anh em chiến sĩ, chăm nom, săn sóc, giúp đỡ nhau, coi nhau như tay chân, ruột thịt” (HCM – “Tuyển tập”).
“Hàng ngàn năm nay, trên đất nước thân yêu của chúng ta, người Kinh, người Tày, người Nùng, người Mèo, người Dao… đã đồng cam cộng khổ, chung lưng, đấu cật cùng nhau giữ nước và dựng nước” (Văn hóa nghệ thuật – số 10/1971).