Ðiều chỉnh chuẩn nghèo
Quan niệm về nghèo đói hay nhận dạng về nghèo đói của từng quốc gia, từng vùng nhìn chung không có sự khác biệt đáng kể. Tiêu chí chung nhất để xác định chuẩn nghèo là mức thu nhập hay chi tiêu để thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người về ăn, ở, mặc, y tế, giáo dục, văn hóa, đi lại và giao tiếp xã hội.
Sự khác nhau duy nhất là thỏa mãn ở mức cao hay thấp, mà điều này lại phụ thuộc trình độ phát triển kinh tế – xã hội cũng như phong tục tập quán của từng vùng, từng quốc gia. Ðó cũng chính là cơ sở để xác định chuẩn nghèo cho phù hợp.
Những căn cứ khoa học và thực tiễn
Tại hội nghị về chống nghèo đói do Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức tại Băng-cốc (Thái-lan) tháng 9-1993, các quốc gia trong khu vực đã thống nhất cao và cho rằng: “Nghèo khổ là tình trạng một bộ phận dân cư không có khả năng thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người mà những nhu cầu ấy phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế – xã hội, phong tục tập quán của từng vùng và những phong tục ấy được xã hội thừa nhận”.
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, hầu hết các quốc gia đều có chính sách trợ giúp người nghèo hoặc người có thu nhập thấp. Ðể phân biệt ai là hộ nghèo, người nghèo và ai không phải là hộ nghèo, người nghèo, hơn 70 quốc gia đã đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định và tiêu chí đó được gọi là chuẩn nghèo.
Tính đến nay trên thế giới có hai phương pháp cơ bản để xác định chuẩn nghèo, đó là phương pháp dựa vào nhu cầu chi tiêu của con người để bảo đảm mức sống tối thiểu của một con người và phương pháp dựa vào thu nhập để bảo đảm mức sống tối thiểu. Tuy nhiên chuẩn nghèo không phải là một đại lượng cố định, mà nó luôn biến động theo thời gian và không gian, tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế – xã hội và phong tục tập quán của từng quốc gia.
Ðối với nước ta, chuẩn nghèo đã được điều chỉnh năm lần vào các năm 1993, 1997, 1998, 2001 và 2005. Chuẩn nghèo của nước ta ban hành năm 2005 (theo Quyết định số 170/2005/QÐ-TTg ngày 8-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ), và dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2006-2010.
Chuẩn nghèo này được tính toán dựa vào nhu cầu chi tiêu cho lương thực thực phẩm (nhu cầu ăn) bình quân đầu người trong một ngày bảo đảm có được 2.100 kcalo (phải dựa vào kết quả khảo sát nhu cầu chi tiêu 48 mặt hàng lương thực, thực phẩm của nhóm hộ nghèo để tính toán và quy đổi thành tiền); nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu chi tiêu và nhu cầu chi tiêu cho phi lương thực, thực phẩm (mặc, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, đi lại và giao tiếp xã hội) chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu chi tiêu; tổng nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm được gọi là chuẩn nghèo.
Ðể thuận lợi cho việc rà soát và tiết kiệm chi phí, nhận diện hộ nghèo ở các địa phương cơ sở, chuẩn nghèo được chuyển đổi tính theo thu nhập bình quân đầu người của các hộ gia đình với mức 200 nghìn đồng đối với khu vực nông thôn và 300 nghìn đồng đối với khu vực thành thị. Nhưng do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta tăng nhanh; năm 2007, chỉ số CPI là 12,6%, nhưng sự tăng giá này có một số đặc điểm nổi bật đó là chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng chung (khoảng 18,9%) và phi lương thực, thực phẩm khoảng 6% (Theo Viện khoa học lao động và xã hội).
Tám tháng đầu năm 2008 chỉ số CPI là 22,15% (nếu mức chênh lệch chỉ số giá lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm của tám tháng đầu năm 2008 tương tự như năm 2007 thì chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng khoảng 33% và chỉ số giá phi lương thực, thực phẩm tăng khoảng 11%). Chỉ số giá tiêu dùng ở các thành phố lớn tăng nhanh hơn các địa phương khác. “Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm của quốc tế, song lại ở mức cao hơn do các yếu tố nội tại của nền kinh tế”(1).
Theo ước tính của Tổng Cục thống kê năm 2008, chỉ số CPI tháng 12-2008 so với tháng 12-2007 theo phương án thấp khoảng 25% và phương án cao 30%; khi chỉ số CPI tăng nhanh sẽ làm cho giá trị thực của chuẩn nghèo giảm xuống, do vậy phải điều chỉnh chuẩn nghèo theo chỉ số giá tiêu dùng để bảo đảm giá trị thực của chuẩn nghèo ban hành năm 2005.
Nếu không có sự điều chỉnh này, vào dịp cuối năm 2008 các địa phương tiến hành rà soát hộ nghèo hằng năm, một bộ phận người nghèo sẽ phải ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương do họ đã vượt chuẩn nghèo ban hành năm 2005 (thoát nghèo danh nghĩa), như vậy cũng có nghĩa họ sẽ không được hưởng chính sách trợ giúp người nghèo của nhà nước từ năm 2009, mặc dù trên thực tế họ vẫn là người nghèo.
Bởi vậy cần thiết phải điều chỉnh chuẩn nghèo theo chỉ số CPI năm 2007 và năm 2008 cho chuẩn nghèo ban hành năm 2005 áp dụng trong hai năm tiếp theo là 2009 và 2010 (vì khi tính toán chuẩn nghèo năm 2005 đã tính chỉ số giá tiêu dùng năm 2006 là 6%).
Trước bối cảnh đó, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII vào tháng 4-2008, cũng có nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chuẩn nghèo cho phù hợp với tình hình thực tế, trước sự biến động mạnh về giá cả. Mặt khác, trên thực tế một số địa phương đã áp dụng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung của cả nước, như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Ðồng Nai, Khánh Hòa, Cần Thơ, Ðà Nẵng. Khi chỉ số CPI tăng cao, các địa phương cũng đã chủ động điều chỉnh chuẩn nghèo cao hơn, đơn cử như TP Hồ Chí Minh.
Tiếp sức cho người nghèo
Xoay quanh việc điều chỉnh chuẩn nghèo có rất nhiều ý kiến khác nhau, song phương án được đa số các chuyên gia cao cấp là các nhà quản lý, các nhà khoa học đồng tình là phương án điều chỉnh chuẩn nghèo theo chỉ số giá tiêu dùng của nước ta tính cho năm 2007 và năm 2008, đồng thời có tính đến chỉ số giá tiêu dùng về lương thực, thực phẩm của hai năm nêu trên, vì 60% chi tiêu của người nghèo là chi tiêu cho lương thực, thực phẩm; chỉ có 40% chi tiêu cho phi lương thực, thực phẩm.
Việc điều chỉnh chuẩn nghèo theo chỉ số CPI năm 2007 và năm 2008 của nước ta về bản chất là chưa có sự thay đổi về lượng hàng hóa trong nhu cầu chi tiêu của hộ nghèo mà chỉ là sự thay đổi về giá cả. Ðiều này cũng có nghĩa là chỉ giữ nguyên giá trị thật của chuẩn nghèo đã ban hành năm 2005 mà thôi chứ chưa phải là điều chỉnh nâng cao; chỉ khi nào chuẩn nghèo được tính dựa vào nhu cầu chi tiêu cho lương thực, thực phẩm bình quân cho một người trong một ngày bảo đảm nhu cầu 2.300 hoặc 2.500 kcalo, thì khi đó chuẩn nghèo mới được coi là nâng cao thật sự.
Theo phương án nêu trên thì chuẩn nghèo cần được điều chỉnh như sau: Khu vực nông thôn, những hộ có mức thu nhập bình quân từ 300 nghìn đồng/ người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Khu vực thành thị: Những hộ có mức thu nhập bình quân từ 390 nghìn đồng/ người/tháng trở xuống là hộ nghèo. Theo phương án này, dự báo tỷ lệ hộ nghèo cả nước đến cuối năm 2008 khoảng 16 đến 17%, tương ứng với 3,1-3,3 triệu hộ. Ưu điểm của phương án này là phản ánh được tình trạng nghèo của năm 2009 một cách khách quan, trung thực, khi chỉ số CPI tiếp tục tăng dưới 10% vào năm 2009 thì vẫn có thể giữ nguyên chuẩn nghèo này cho hết năm 2010 không cần điều chỉnh; nhưng chỉ số tiêu dùng năm 2009 vượt qua cao mốc 10% thì cũng cần phải cân nhắc nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Với việc điều chỉnh chuẩn nghèo nêu trên, số hộ nghèo có thể tăng thêm 360 nghìn hộ với 1,8 triệu người nghèo và với 12 nhóm chính sách trợ giúp hộ nghèo, người nghèo hiện có về tín dụng, y tế, giáo dục, nước sạch, đất ở, nhà ở, đất sản xuất, dạy nghề, khuyến nông lâm ngư, trợ cấp xã hội, vệ sinh môi trường, dầu hỏa thắp sáng ở vùng chưa có điện lưới, thì năm 2009 nhà nước cũng phải chi tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2008. Tuy kinh phí có tăng thêm, nhưng người nghèo và hộ nghèo được tiếp sức để vượt qua nghèo đói và vươn lên khá giả và làm giàu trong tương lai.
—————————–
(1): Nhận xét của Mac-tin (Martin), Ngân hàng thế giới năm 2008.