iDesign | Thẩm mỹ vs. Nghệ thuật
Trong khi có nhiều người coi rằng lĩnh vực thẩm mỹ, theo nghĩa rộng, có bao gồm cả triết học nghệ thuật, thì vẫn cần giám định xem hai khái niệm này có thực sự khác nhau hay không, và khác nhau ở điểm nào. Nhận thức được sự phân biệt giữa các phạm vi hợp lý của hai khái niệm này là điều quan trọng, bởi bấy lâu nay tồn tại nhiều lầm lẫn trong định nghĩa giữa chúng, kể từ khi Alexander Baumgarten áp dụng thuật ngữ ‘thẩm mỹ’ vào giữa thế kỷ 18 để chỉ ‘quá trình nghiên cứu phẩm vị của con người dựa vào các giác quan’.
Ranh giới của sự khác biệt giữa hai khái niệm ngày càng bị xóa mờ bởi một “truyền thống” lâu đời của các nhà nghiên cứu với sự hiểu nhầm rằng “Phân tích Cái đẹp” theo Kant có liên quan tới nghệ thuật, thay vì đơn thuần đàm luận về thẩm mỹ nói chung. Nhưng sự phân biệt có thể được hiểu rõ ràng như sau: nghiên cứu thẩm mỹ là nghiên cứu về chất lượng cảm nhận thông qua các giác quan, trong khi nghiên cứu nghệ thuật là nghiên cứu những hoạt động sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật xuyên suốt chiều dài lịch sử. Một vài người tranh luận rằng cả hai có cùng phạm vi nghiên cứu, nhưng trong bài viết hôm nay, ta sẽ thấy được rằng quan điểm ấy không phải là chính xác. Ở bài viết này, ta sẽ thấy rằng các tính chất thẩm mỹ là không quá cần thiết trong nghệ thuật, cũng không đủ để được coi là nghệ thuật, và ta sẽ chỉ ra một vài vấn đề còn tồn đọng.
Tác phẩm minh họa: Porte-Bouteilles (Tạm dịch: Những giá đỡ chai), 1941/1959, Marcel Duchamp
Trích dẫn từ bài viết Aesthetics vs. Art (Tạm dịch: Thẩm mỹ vs. Nghệ thuật)
1. Phân biệt giữa hai phạm trù
Sự phân biệt giữa hai phạm trù có thể dễ thấy bằng cách nhìn nhận sự khác biệt giữa các tính chất thẩm mỹ và các tính chất nghệ thuật.
Đại khái, có thể hiểu rằng các thuộc tính thẩm mỹ là các tính chất phẩm vị mà ta cảm nhận được qua những gì mà ta trải nghiệm: ví dụ các tính chất như ‘đẹp đẽ’, ‘năng động’, ‘duyên dáng’. Frank Sibley có đam mê trong việc liệt kê các thuộc tính thẩm mỹ, và mô tả rằng chúng không đơn thuần chỉ là những thuộc tính có tính tri giác, mà thay vào đó, ‘phụ thuộc vào’ các thuộc tính tri giác. Các thuộc tính thẩm mỹ đòi hỏi chủ thể phải có phẩm vị để cảm nhận được chúng và bài trừ những khám phá phụ thuộc vào thứ được ông gọi là “tính điều kiện” (tức là có thể được rút gọn thành các thuộc tính vật lý cơ bản). (Sibley, 1959)
Trong khi đó, các thuộc tính nghệ thuật là các tính chất có liên quan trực tiếp tới tác phẩm nghệ thuật: như thông tin về bối cảnh sáng tác, danh tính nghệ sĩ tác phẩm, thời gian hình thành tác phẩm, ý định mà nghệ sĩ đặt vào tác phẩm v.v (Levinson, 2011). Có nhiều người đã phản biện, và tiếp tục tranh biện (Iseminger, 2004) rằng nghệ thuật được xác định dựa vào tính thẩm mỹ. Dù sao, có nhiều lý do để ta không đồng tình với kết luận này.
Theo bản năng, chúng ta sử dụng các ngôn từ mang tính thẩm mỹ để miêu tả thiên nhiên, ví như khi ta khen một áng hoàng hôn là “tuyệt đẹp”, nhưng không phải vì thế mà ta quy rằng thiên nhiên thực sự là một tác phẩm nghệ thuật (Mặc dù ở đây vẫn có thể có chỗ cho những lập luận hữu thần thú vị). Ngược lại, nhiều tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm của thế kỷ trước, không ưu tiên chú trọng vào việc đặt một tiêu chuẩn thẩm mỹ cao, ví như chiếc đài phun – The Fountain – của Marcel Duchamp, hay trong trường hợp của Nghệ thuật Khái niệm, thì phải nói rằng mọi tác phẩm đều không mang một tính chất thẩm mỹ nào, thậm chí không có sản phẩm vật chất để ta có thể đưa ra đánh giá thẩm mỹ (vd. Mảnh thần giao cách cảm – Telepathic Piece – của Robert Barry).
Có nhiều nghiên cứu về tính thẩm mỹ của các lĩnh vực khác nhau mà không nhất thiết cần có liên quan tới các tác phẩm nghệ thuật tiêu chuẩn. Một vài trong số những lĩnh vực nghiên cứu thậm chí không được định nghĩa dựa vào những sản phẩm vật chất — theo hầu hết các định nghĩa về các lĩnh vực đó, và thậm chí đối tượng nghiên cứu là phi nghệ thuật. Các nghiên cứu đó bao gồm:
- Tính thẩm mỹ trong thiết kế (Forsey, 2013)
- Tính thẩm mỹ trong thiên nhiên (Allen Carlson, Thẩm mỹ và Môi trường: Sự tán dương trước Thiên nhiên, Nghệ thuật và Kiến trúc – Aesthetics and the Environment: The Appreciation of Nature, Art, and Architecture, 2000)
- Tính thẩm mỹ trong cuộc sống thường nhật (Thomas Leddy, 2012)
- Tính thẩm mỹ ở xúc cảm con người (Carolyn Korsmeyer, Cảm giác và Trải nghiệm trước sự Chân thành – Touch and the Experience of the Genuine, 2012)
- Tính thẩm mỹ ở cảm giác tự chủ của con người (Barbara Montero, Nhận thức tự chủ như một Trải nghiệm Thẩm mỹ – Proprioception as an Aesthetic Sense, 2006)
- Tính thẩm mỹ của trải nghiệm gãi đúng chỗ ngứa (Sherri Irvin, Gãi đúng chỗ ngứa – Scratching an Itch, 2008)
- Tính thẩm mỹ của trải nghiệm thú vị khi ăn một món ăn ghê tởm (Carolyn Korsmeyer, Thanh đạm, Ngon miệng và Kinh tởm – Delightful, Delicious, Disgusting, 2002)
- Tính thẩm mỹ của sự vi mô và sự vĩ mô mang tầm vũ trụ (và cả voi nữa) (Hans Maes, Voi, Kính hiển vi và Cái đẹp Miễn phí: Lời hồi đáp cho Davies – Elephants, Microscopes and Free Beauty: Reply to Davies, 2009).
Tác phẩm minh họa: One and Three Chairs (Tạm dịch: Một và Ba Chiếc ghế), 1965, Joseph Kosuth
Với phạm vi rộng lớn của điều mà ta có thể tiếp cận theo phương diện thẩm mỹ, và với nhiều người hiện vẫn còn tranh biện rằng tất cả những vật thể có tính tri giác đều có tính chất thẩm mỹ (Irvin, 2008), trừ khi ta muốn mở rộng phổ của thuật ngữ ‘nghệ thuật’ để bao hàm tất cả những vật thể có tính tri giác, nếu không, thì hẳn có thể thấy một sự phân biệt rõ ràng giữa nghiên cứu về nghệ thuật và nghiên cứu về thẩm mỹ.
Sự phân biệt thậm chí trở nên rõ ràng hơn khi xem xét các trường hợp ngụy tạo văn kiện hoặc giả mạo tác phẩm nghệ thuật. Nếu nói nghệ thuật chỉ cần quan tâm tới các tính chất thẩm mỹ của tác phẩm, và nếu các tiêu chí đó phụ thuộc hoàn toàn vào tính chất vật lý của tác phẩm (dù không phải ai hoàn toàn cũng đồng tình với điều này), thì một tác phẩm giả mạo cũng phải có giá trị nghệ thuật tương đương với tác phẩm nguyên bản. Nhưng, có thể thấy, sự thật không phải vậy. Đây là trường hợp ví dụ để cho thấy lý do vì sao việc đánh đồng nghệ thuật và thẩm mỹ là không chính đáng.
Dù sao, với lập luận như trên, xuất hiện một mối lo rằng lịch sử nghệ thuật, cùng với mối bận tâm đã tồn tại từ lâu đối với việc kiến tạo những vật phẩm đẹp đẽ, đang bị phớt lờ. Nói cách khác: ta phải hiểu thế nào về thực tế rằng có nhiều nghệ sĩ chỉ tập trung vào việc sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật đẹp mắt?
Thực rằng có rất nhiều sản phẩm trong lịch sử nghệ thuật vô cùng đẹp đẽ, và để ý nhiều tới phạm trù thẩm mỹ. Nhưng, việc tập trung vào chỉ mỗi vẻ đẹp trong tác phẩm đã bị gọi là một loại ‘cận thị’ trong lịch sử nghệ thuật, bởi nhiều cá nhân trong ngành. Nghệ sĩ khái niệm Joseph Kosuth lên tiếng rằng, “Cần phải tách biệt tính thẩm mỹ khỏi tác phẩm nghệ thuật vì mỹ học tập trung giải quyết các quan điểm nhận thức về thế giới nói chung” và rằng, “Hội họa và điêu khắc theo chủ nghĩa chính thống có thể được coi là ‘điều kiện nghệ thuật’ cần thiết, nhưng chỉ bằng cách trở thành biểu trưng phẩm giá cao cả cho ý tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ” (Kosuth, 1973). Quan điểm của Kosuth chắc chắn không phải lời chốt hạ cho cuộc tranh luận, nhưng lời của ông đại biểu cho một quan điểm ngày càng chiếm nhiều ưu thế trong giới nghệ thuật, kể từ thời Marcel Duchamp, và theo một vài ghi chép khác, là thậm chí sớm hơn thế (Michael Fried, 1980). Ý tưởng dẫn lối cho quá trình phân tách rõ ràng giữa nghệ thuật và thẩm mỹ chính là quan điểm rằng làm nghệ thuật là một hoạt động không chỉ tập trung vào phương diện thẩm mỹ, dù rằng theo truyền thống lâu nay, mối quan tâm về thẩm mỹ đã được đưa vào những hoạt động nghệ thuật. Chính vì vậy, dù đã bị quy đồng trong một khoảng dài lịch sử, ta có thể thấy rằng đây vẫn là hai phạm trù riêng rẽ nếu xét về mặt logic.
Trích dẫn từ bài viết Aesthetics vs. Art (Tạm dịch: Thẩm mỹ vs. Nghệ thuật)
2. Các vấn đề tồn đọng
Dù ta công nhận rằng khái niệm ‘nghệ thuật’ và ‘thẩm mỹ’ là để chỉ những thứ khác nhau, thì việc phân biệt rõ điều này vẫn còn là một vấn đề nan giải.
Ví dụ, vẫn còn phải khám phá xem liệu tính chất nào thuộc về nghệ thuật thay vì thẩm mỹ, và liệu có thuộc tính nào đảm bảo thỏa mãn cả hai phạm trù này hay không.
Một khó khăn khác là xác định xem thuộc tính nào là ‘thuần’ thẩm mỹ. Nhiều người vẫn muốn đảm bảo một sự phân định rõ ràng: giữ những tính chất nghệ thuật và những tính chất cảm quan đơn thuần. Ngay cả khi nhận thức được ranh giới mơ hồ giữa hai điều trên, vẫn không có một đường lối nguyên tắc rõ ràng nào để phân biệt, có thể lấy làm ví dụ, một cảm giác thỏa mãn khi đằm mình vào bồn tắm nước nóng, cảm giác choáng ngợp trước một buổi hoàng hôn rực rỡ, và bất cứ một phản ứng thẩm mỹ nào mà ta cảm thấy khi chiêm ngưỡng một tác phẩm của Caravaggio.
Cuối cùng, cũng phải nói rằng, mặc dù dường như có sự phân biệt rõ ràng giữa tính thẩm mỹ và tính nghệ thuật, nhưng tính thẩm mỹ của tác phẩm văn học thì sao? Sách có thể được coi là đối tượng vật chất có thuộc tính thẩm mỹ, nhưng nếu nói về bản chất trừu tượng của nội dung bên trong ấy, thì chúng ta có phương thức cảm nhận nào tương tự với cách mà ta nhận thức các thuộc tính thẩm mỹ của đối tượng vật chất hay không?
Tổng hợp và Biên tập | Ảnh bìa: Artplas
Nguồn: Aesthetics vs. Art, Brock Rough