ICT là gì? Ứng dụng trong ngành IT và mọi lĩnh vực đời sống
Mục Lục
ICT là một thuật ngữ gắn liền với sự phát triển công nghệ thông tin trong thời đại hiện nay. Nó đóng vai trò quan trọng trong sự cải tiến và phát triển trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Vậy nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn ICT là gì thì hãy xem tiếp bài viết nhé!
I. ICT là gì? Ý nghĩa của ICT
ICT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Information Communication Technology, dịch sang tiếng Việt là “Công nghệ thông tin và truyền thông”. ICT là một thuật ngữ được kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông, chỉ chung cho tất cả các loại công nghệ cho phép người dùng tạo, truy cập và thao tác với thông tin. ICT bao gồm tất cả phương tiện kỹ thuật dùng để xử lý thông tin và hỗ trợ liên lạc như điện thoại, mạng máy tính, viễn thông (đường dây điện thoại và tín hiệu không dây), thiết bị xử lý âm thanh, video và các phương tiện truyền thông khác.
Thuật ngữ ICT rất dễ bị nhầm lẫn về ý nghĩa vì có rất nhiều từ ngữ khác nhau đều được viết tắt là ICT. Vì vậy chúng ta cần phải biết để phân biệt và sử dụng đúng ngữ cảnh. Sau đây là một số từ khác nhau cũng viết tắt là ICT mà bạn nên biết: Idiopathic Copper Toxicosis, Ideal Cycle Time, Image Composition Tool, Isovolumic Contraction Time – Also Ivct, International Critical Tables, In Circuit Test, Institute Of Computer Technology – Also Icot, Influence Coefficient Tests, Insulin Coma Therapy, Integrated Concept Team, Intramolecular Charge Transfer.
Việc làm có thể bạn quan tâm, tuyển dụng công nghệ thông tin :
– Nhân viên IT Phân tích nghiệp vụ (BA)
– Nhân viên Kiểm thử phần mềm Tester QC
– Tuyển dụng React Native
II. ICT Index – chỉ số ICT là gì?
Theo Liên minh Bưu chính quốc tế (ITU), ICT Index là thước đo mức độ phát triển về lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông. Còn đối với đại học Harvard (Mỹ), ICT Index được hiểu như một thước đo cho mức độ sẵn sàng phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong các lĩnh vực của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, trước năm 2005, Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh đã lập ra Vietnam ICT Index. Sau đó, Hội Tin học Việt Nam đã tham gia để đề xướng và chủ trì về chỉ số ICT của quốc gia. Điều này đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, tổ chức và cơ quan. Và từ năm 2005, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Vietnam ICT Index chính thức. Theo đó, chỉ số ICT Việt Nam được chia thành 3 cấp độ sau:
– ICT Index của doanh nghiệp: là chỉ số thể hiện năng lực sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của doanh nghiệp. Bao gồm 2 nhóm chỉ số là kết quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
– ICT Index của Tỉnh – Thành: là chỉ số thể hiện mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh, thành. Bao gồm 2 nhóm chỉ số là hạ tầng và ứng dụng.
– ICT Index của Bộ – Ngành: là chỉ số thể hiện mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của bộ – ngành. Bao gồm 2 nhóm chỉ số là hạ tầng và ứng dụng.
III. Ứng dụng ICT trong các lĩnh vực
1. ICT trong cộng đồng
Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ trong việc truyền thông, liên lạc và giao tiếp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. ICT đã được ứng dụng để tạo ra một cộng đồng kết nối không giới hạn không gian, khoảng cách trên toàn thế giới. Sự phát triển của ICT đã phát huy tối đa chức năng của các phương tiện hữu ích như điện thoại di động, máy tính, thư điện tử, internet, chat room, mạng xã hội. Có thể nói ICT đã thay đổi xã hội chúng ta, giúp cho việc liên lạc và tương tác giữa con người trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
2. ICT trong giáo dục
Hiện nay, ICT vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trong giáo dục vì lý do chi phí rất cao và một số chuyên gia cho rằng việc trao đổi, giảng dạy trực tiếp giữa giáo viên và học sinh là cần thiết và quan trọng hơn. Tuy nhiên, tại các trường đại học lớn, việc ứng dụng ICT khá phổ biến và đem lại hiệu quả tốt cho việc giảng dạy, tăng điều kiện kết nối internet, cung cấp giáo dục từ xa, hỗ trợ học tập trên nhiều loại thiết bị. Điều này giúp cho sinh viên được tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới, mang đến sự hứng thú trong quá trình học tập.
3. ICT trong lĩnh vực quản lý
Ngoài việc ứng dụng ICT để thiết lập camera, hệ thống theo dõi để truyền thông tin hình ảnh cho người giám sát. Hiện nay các nhà quản lý còn đầu tư tiền bạc để có được các phần mềm, hệ thống quản lý công việc, quản lý nhân viên tối ưu. Ngoài ra, nhờ có internet mà có rất nhiều ứng dụng, phần mềm miễn phí giúp cấp trên có thể làm việc, trao đổi, quản lý hoặc tổ chức cuộc họp online với nhân viên của mình như email, Google sheet, Google docs, Google meet, Zoom,…
4. ICT trong Marketing
Có thể nói rằng ICT đóng vai trò cốt yếu trong sự chuyển đổi của hình thức Marketing từ truyền thống sang hiện đại. Hiện nay, hầu hết các hoạt động Marketing của doanh nghiệp đều gắn liền với công nghệ thông tin. Đặc biệt, Digital Marketing gồm SEO, SEM, Email Marketing, quảng cáo trên website, mạng xã hội,… đã phát triển vượt bậc. Điều này giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, trao đổi và truyền tải thông tin đến khách hàng của mình hơn bao giờ hết.
5. ICT giúp thị trường giải trí sôi động, đa dạng hơn
Ngành giải trí cũng không nằm ngoài những lĩnh vực được tác động mạnh mẽ nhất bởi công nghệ thông tin và truyền thông. Sự bùng nổ của internet và công nghệ đã tạo ra hàng trăm, hàng nghìn mạng xã hội trên toàn thế giới, giúp con người có thể kết nối với nhau và là nơi để họ chia sẻ mọi thông tin, trạng thái, cảm xúc cá nhân cho nhiều người. Ngoài ra, game online tương tác trực tiếp, game thực tế ảo đã trở thành cơn sốt đối với cộng đồng những người yêu game trên toàn thế giới, tạo ra sân chơi vô cùng hấp dẫn, thú vị, giúp mọi người xã stress sau giờ học tập, làm việc căng thẳng, mệt mỏi.
6. ICT giúp tăng cơ hội tìm kiếm việc làm
Nhờ có sự phát triển của ICT mà nhiều lĩnh vực đã mở ra nhiều việc làm mới cho xã hội, đặc biệt là ngành IT như vị trí IT Helpdesk, Tester, Data Scientist,… Điều này giúp cho các bạn trẻ có nhiều cơ hội và sự lựa chọn hơn trong việc lựa chọn ngành nghề. Ngoài ra, nhờ có các website, group trên mạng xã hội, ứng viên sẽ dễ dàng tìm kiếm các vị trí đang tuyển từ thông tin đăng tải của các công ty.
IV. Tác động ICT đến nền kinh tế và đời sống
Có thể thấy rằng cách giao dịch, trao đổi giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh hiện nay luôn ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Thay vì phải gặp mặt trực tiếp để trao đổi, đàm phán công việc thì các đối tác kinh doanh có thể trao đổi qua email, gọi điện thoại, họp online. Việc này đã gia tăng sự trao đổi, hợp tác giữa các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau, tăng sự hội nhập kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, đời sống của con người cũng được thay đổi, trở nên hiện đại, tiết kiệm thời gian hơn nhờ các công nghệ robot tự động, điện thoại thông minh, tivi thông minh và còn rất nhiều thiết bị hữu ích khác giúp con người trong nhiều hoạt động khác nhau trong đời sống hàng ngày.
V. Chức năng của ICT trong doanh nghiệp
– Giúp nhà quản trị dễ dàng ra quyết định: hệ thống ICT lưu trữ lượng thông tin khổng lồ, dễ dàng tìm kiếm giúp cho nhà quản lý thu thập đầy đủ, nhanh chóng những thông tin hữu ích. Những thông tin này sẽ giúp họ phân tích kỹ lưỡng, liên kết nhiều vấn đề liên quan, hỗ trợ việc ra quyết định một cách chính xác, dễ dàng hơn trong việc nắm bắt cơ hội và đề phòng rủi ro cho doanh nghiệp.
– Tăng năng suất và hiệu quả làm việc: ICT cung cấp cho doanh nghiệp hệ thống tự động hóa quy trình làm việc, quản lý kinh doanh và thông tin cho nhân viên bằng các phần mềm CRM. Kết hợp với công nghệ thông tin, nhà quản lý cũng có thể lập kế hoạch phân bổ nhân sự, tính toán thời gian hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn. Những điều này sẽ giúp tăng năng suất làm việc cho không chỉ nhân viên mà cả nhà quản lý của doanh nghiệp.
– Cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng: bằng cách ứng dụng ICT mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng lắng nghe ý kiến, phản hồi khách hàng. Từ đó, áp dụng những giải pháp công nghệ, trong đó có việc phản hồi tự động tin nhắn, triển khai cuộc gọi chăm sóc khách hàng tự động,… nhằm tăng trải nghiệm tích cực của khách hàng. Một doanh nghiệp thực hiện tốt dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ có lợi thế lớn so với đối thủ cạnh tranh.
– Làm việc với quy mô lớn hơn trong môi trường thế giới ảo: nhờ có sự kết nối internet, các dự án lớn với quy mô toàn quốc hay trên các nước khác nhau cũng có thể diễn ra dễ dàng. Điều này giúp cho các dự án hợp tác giữa nhiều cá nhân, tổ chức ở các nơi khác nhau tiết kiệm được thời gian di chuyển, tổ chức cuộc họp ở bất cứ đâu, không làm trễ tiến độ công việc. Có thể nói rằng hình thức làm việc trên môi trường online đã trở nên quen thuộc và không gặp nhiều bất trắc đối với các doanh nghiệp, tổ chức ngày nay.
– Cải thiện hiệu suất về tài chính: các hoạt động ứng dụng ICT có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận rất hiệu quả. Tổ chức các cuộc họp online giúp giảm chi phí di chuyển, tổ chức; hệ thống thông tin tự động đưa ra các dữ liệu quan trọng đã qua xử lý giúp tiết kiệm thời gian tối đa, nhân viên có thể dùng thời gian để làm các công việc khác; trung tâm cuộc gọi chăm sóc khách hàng có thể không cần nhiều nhân viên nữa vì đã có hệ thống gọi tự động. Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động khác có thể tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhờ ICT.
VI. Những bất lợi khi sử dụng ICT hiện nay
– Rủi ro bị đánh cắp thông tin: khi sở hữu lượng dữ liệu quý giá nhưng không có đội ngũ IT bảo mật tốt thông tin thì sẽ dễ bị các hacker tấn công, đánh cắp thông tin. Có rất nhiều trường hợp các công ty công nghệ bị hack lượng dữ liệu quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của công ty.
– Tốn kém chi phí ban đầu: tuy đem lại hiệu quả lớn nhưng chi phí để đầu tư cho các thiết bị công nghệ thông tin là không hề nhỏ. Một công ty muốn đầu tư thì phải cung cấp các thiết bị cơ bản như máy tính để bàn, máy chủ, phần mềm, phần cứng, các thiết bị khác. Ngoài ra còn phải tốn chi phí hướng dẫn nhân viên cách sử dụng, tốn thời gian và tiền bạc.
– Khó khăn khi huấn luyện nhân viên: công nghệ thì luôn luôn thay đổi và cải tiến, vì vậy công ty nếu đã ứng dụng công nghệ thông tin thì cũng phải huấn luyện lại cho nhân viên biết cách sử dụng. Và việc này là vô cùng khó khăn vì có những công nghệ mới phức tạp, mất nhiều thời gian để tìm hiểu, thực hành. Sẽ có trường hợp nhân viên không thể nắm kịp kiến thức mới gây gián đoạn trong hoạt động của công ty.
VII. Cơ hội việc làm liên quan đến công nghệ ICT
Ngành công nghệ thông tin, trong đó có ICT đang nằm trong top những ngành nghề có thu nhập cao nhất ở Việt Nam. Theo thống kê của bộ Truyền thông và Thông tin, nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thông tin đang thiếu rất nhiều vì các công ty công nghệ tại Việt Nam đang mọc lên ngày càng nhiều. Nhu cầu nhân lực trong ngành này được ước tính tăng lên khoảng 13% mỗi năm. Bên cạnh đó, các vị trí tuyển dụng trong ngành IT cũng vô cùng đa dạng như lập trình viên, Tester, Backend, FrontEnd, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính, Data analysis, Data Scientist, IT Helpdesk, Web developer, … Ngoài ra, nếu yêu thích giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ thông tin thì bạn cũng có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ để trở thành giảng viên tại các cơ sở đào tạo.
Xem thêm:
– IT là gì? Các yêu cầu và cơ hội việc làm của ngành IT
– Data Analyst là gì? Yếu tố cần để trở thành một Data Analyst giỏi
– BackEnd là gì? Sự khác nhau giữa FrontEnd và BackEnd
Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về ICT và những lợi ích nó mang lại trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Mong rằng bạn sẽ ứng dụng tốt khi cần thiết và đừng quên chia sẻ bài viết này cho nhiều người hơn nhé!