Huyện Krông Pa: Trồng dưa lấy hạt… hốt bạc!
Chưa bao giờ những người trồng dưa lấy hạt ở huyện Krông Pa, Gia Lai lại vui như năm nay khi dưa vừa được mùa lại vừa được giá. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn tiền giống, sau 3 tháng, mỗi ha dưa đã mang về cho những người nông dân trên dưới 20 triệu đồng tiền lãi.
Đầu tư ít, thu lợi nhiều
“Trồng dưa nhàn lắm, mà lại lãi nhiều”- chị Rơ Ô H’Tí (buôn Choanh, xã Uar) hồ hởi khoe với chúng tôi. Chị kể: Vụ mùa năm nay, mình mua 30 kg giống, hết 900 ngàn đồng, trồng được 1 ha. Thả giống xuống là coi như xong, không cần làm cỏ, cũng chẳng phải bỏ phân, thế mà vừa rồi thu cũng được hơn 1,3 tấn, bán được trên 30 triệu đồng. So với trồng mì, trồng bắp thì trồng dưa ít phải đầu tư vốn và công sức, thời gian cũng ngắn hơn mà lãi lại nhiều hơn. Sang năm, mình sẽ trồng thêm 1 ha nữa.
Thu hoạch dưa.
Ảnh: T.D
Cũng như chị Rơ Ô H’Tí , năm nay, Nay Yam-Trưởng thôn buôn Choanh cũng trồng 1 ha dưa lấy hạt. Chỗ đất này, trước đây, anh toàn trồng mì nên bị bạc màu, năng suất càng ngày càng thấp. Ban đầu định bỏ hoang cho cỏ mọc nhưng rồi tiếc đất, anh thuê người cày để trồng dưa. Tuy năng suất không cao như nhiều nhà khác nhưng vừa rồi anh cũng thu được 5 tạ hạt dưa. Theo giá thị trường hiện nay khoảng 24 ngàn đồng/kg, thì gia đình anh cũng thu được trên chục triệu đồng. Theo Nay Yam, vụ này, hầu như hộ nào trong buôn cũng trồng dưa. Hộ ít cũng thu lời được chục triệu đồng, hộ nhiều thì 30-40 triệu đồng.
Trong khi nhiều hộ trồng độc canh cây dưa thì những người như già làng Rơ Ô Gáo (buôn Choanh, xã Uar) hay ông Nguyễn Văn Nguyên (thôn Mê Linh, xã Chư Drăng) lại chọn cách trồng dưa xen với cây mì. Với 10 kg giống dưa, trồng xen với 1 ha mì, vụ mùa năm nay, già làng Rơ Ô Gáo đã thu được 1,2 tấn, tính ra khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó, dù gặp thời tiết không thuận lợi lúc đầu mùa nhưng 2 ha dưa trồng xen mì của ông Nguyễn Văn Nguyên cũng thu được trên 1,5 tấn. Theo 2 hộ này, việc trồng xen canh dưa và mì rất dễ dàng và không phải đầu tư thêm phân bón, công lao động so với khi độc canh cây mì.
Đưa cây dưa thành cây trồng chủ lực
Dễ trồng, dễ chăm sóc, ít phải đầu tư nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao khiến cây dưa lấy hạt ngày càng được nông dân huyện Krông Pa lựa chọn gieo trồng. Theo ông Hà Xuân Mạnh- Chủ tịch UBND xã Uar, cây dưa lấy hạt bắt đầu được một số nông dân trong xã trồng từ năm 2002. Đến nay, cây dưa đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của xã, bên cạnh mì, bắp, lúa nước… Số hộ trồng dưa và diện tích dưa trong xã đang ngày một tăng. Nếu như năm 2009 toàn xã chỉ có 400 ha dưa thì năm nay đã lên đến 550 ha. Còn sang năm 2011, kế hoạch của xã là sẽ gieo trồng khoảng 600 ha dưa. Cũng theo ông Mạnh, giá dưa những năm qua luôn rất ổn định và có chiều hướng tăng lên. Như năm 2009, giá dao động từ 16 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng/kg. Năm nay, có những thời điểm giá dưa lên đến 27 ngàn đồng/kg còn thấp nhất cũng trên 20 ngàn đồng/kg.
Già làng Rơ O Gao đang phơi hạt dưa.
Ảnh: T.D
Không chỉ ở xã Uar, từ nhiều năm qua, cây dưa lấy hạt đã được nông dân khắp huyện Krông Pa lựa chọn để gieo trồng trong vụ mùa. Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, nhận thấy hiệu quả rõ rệt mà cây dưa đem lại, từ hơn chục năm qua, huyện đã đưa việc phát triển cây dưa vào cơ cấu cây trồng hàng năm của huyện. Đến năm 2010, toàn huyện đã gieo trồng được 2.185 ha dưa lấy hạt, phân bố rộng khắp cả 14 xã, thị trấn và chiếm khoảng 7-8% tổng diện tích cây trồng. Đó chỉ là số diện tích trồng độc canh cây dưa. Trong thực tế, cộng cả số xen canh với cây mì thì diện tích dưa vụ mùa năm nay của huyện phải lên đến 3 ngàn ha.
Ông Duyên cho biết thêm, cây dưa là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi trình độ thâm canh cao, ít phải đầu tư chăm sóc, giá cả lại ổn định, đồng thời có chức năng cải tạo đất, có khả năng chịu hạn tốt nên rất thích hợp với điều kiện của huyện. Khi trồng dưa lấy hạt, người nông dân có thể xen canh với cây mì nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, với thời gian sinh trưởng ngắn ngày, việc trồng dưa sẽ tận dụng được khoảng thời gian nghỉ của đất. Về chất lượng, hạt dưa trồng ở Krông Pa rất to, mẩy, tỷ trọng nhân cao nên được khách hàng rất ưa chuộng. Do đó, trong thời gian tới, huyện Krông Pa sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển diện tích cây dưa lấy hạt lên khoảng 10% tổng diện tích cây trồng, đưa cây dưa trở thành một cây trồng chủ lực của huyện.
Tiến Dũng