Hướng đi nào cho cây tràm, cây đước
Theo ghi nhận, từ thời điểm dịch bệnh căng thẳng, việc vận chuyển – tiêu thụ gặp khó khăn trong năm 2021 cho đến thời điểm hiện tại, giá cây tràm, cây đước trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều biến động theo hướng sụt giảm mạnh khiến người trồng lo lắng…
Một năm trước – tháng 7/2021, giá cây tràm trên địa bàn huyện U Minh, Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau liên tục giảm, nhiều hộ trồng tràm đứng ngồi không yên. Người dân ở thế “tiến thoái lưỡng nan” vì nếu bán tràm vào thời điểm đó sẽ không có lời, thậm chí là lỗ, còn nếu để cây quá lứa sẽ càng khó bán.
Một hecta tràm từ mức giá khoảng 100 triệu đồng rớt xuống còn ở mức khoảng 60 – 70 triệu đồng/ha.
Bà Lê Cẩm Tha, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh cho biết: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên lượng tiêu thụ cừ tràm giảm. Người dân bán thông qua thương lái, không có đầu ra nên giá tràm giảm thấp.
Trên địa bàn xã có rất nhiều thương lái thu mua, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, trong thời gian tới sẽ mời những thương lái làm việc, tìm đầu ra để người dân bớt khó khăn.
Rừng tràm sản xuất của tỉnh Cà Mau chủ yếu được trồng trên địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Cây tràm được trồng chủ yếu để làm cừ. Nguyên nhân giá tràm giảm được đánh giá là do cung vượt cầu, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, tiến độ xây dựng bị trì trệ nên cây tràm cũng bị vướng theo về đầu ra.
Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng đã làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực xây dựng nói riêng, dẫn đến giá tràm giảm mạnh. Sau một năm đầy khó khăn, đến nay giá tràm vẫn không hề khả quan.
Giá cây tràm, đước giảm mạnh khiến người nông dân lo lắng (vov.vn)
Ông Phan Văn Quang, người dân trồng rừng ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh cho biết: Cuộc sống người dân ở đây nhờ vào cây chuối và cây tràm là chính. Khoảng 2 năm nay cả hai loại đều rớt giá. Cuộc sống bà con rất vất vả. Từ thời điểm dịch tới giờ giá cây tràm từ 170 triệu/ha là loại tốt, còn bình quân cũng 120 triệu/ha, giờ giảm xuống chỉ còn khoảng 70 triệu/ha là loại rừng tốt. Giá rừng đã rớt khoảng 50%.
Không chỉ giá giảm thấp mà đầu ra cây tràm cũng đang gặp khó, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa như xã Khánh Lâm, Khánh Hòa, Khánh Thuận của huyện U Minh. Nhiều hộ dân có rừng tràm đã đến tuổi thu hoạch nhưng khi gọi cho thương lái thì thương lái cũng không mấy mặn mà. Hoặc tìm được thương lái thì phần thỏa thuận giá cả cũng là một vấn đề khó khăn bởi mức giá hiện nay với bà con trồng tràm là khó chấp nhận được.
Ông Võ Minh Giàu, người dân ở xã Khánh Lâm nêu rõ: Mảnh rừng của gia đình tôi nếu giá trước đây phải bán được hơn 1,5 tỷ đồng, còn hiện nay bán chỉ được khoảng 700 triệu thôi. Hết sức khó khăn, ngay cả thương lái cũng ít thu mua. Điện cho thương lái nhiều lần mới vô mà vô coi rồi đưa cái giá rất thậm tệ.
Mỗi chu kỳ trồng tràm của người dân ở vùng đất rừng U Minh hạ kéo dài khoảng 5 năm. Trong thời gian này, bà con sống nhờ 30% diện tích đất được phép sản xuất nông nghiệp cùng những hoa lợi dưới tán rừng như mật ong, cá đồng. Bà con lấy ngắn nuôi dài để trông chờ nguồn thu từ cây tràm, nhưng nay giá tràm duy trì thấp đã đành, lại còn không có dấu hiệu tăng nên khiến bà con rất lo lắng.
Ông Lâm Quốc Tiến, người trồng tràm ở xã Khánh Thuận cho biết, người dân còn ở thế kẹt khi cây tràm đã tới tuổi thì buộc phải thu hoạch: Chi phí đầu tư mỗi ha khoảng 25 triệu. Khi mình trồng rồi phải chăm sóc, tỉa cành, nhánh cho cây nên thêm chi phí. Để cây tràm quá lứa thêm 1-2 năm thì khó bán được. Giá giảm sâu thì nói chung ảnh hưởng nhiều. Cây tràm đã rớt giá thời gian dài làm ảnh hưởng kinh tế, bởi đó là thu nhập bền vững của người dân sống với rừng.
Cây tràm rớt giá khiến thu nhập của các hộ gia đình giảm mạnh (vov.vn)
Vùng rừng sản xuất U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau có diện tích khoảng 43.000 ha. Theo ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Cà Mau, nguyên nhân giá cây tràm giảm một phần do diện tích trồng mấy năm qua có chiều hướng tăng.
Bên cạnh đó, cây tràm được dùng chủ yếu làm cừ trong xây dựng, nhưng gần đây giá vật liệu tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực này. Ngoài ra, những công trình xây dựng ngày càng có quy mô lớn hơn nên nhu cầu dùng cừ tràm có xu hướng giảm. Trong tương lai, giá trị cây keo lai sẽ bền vững hơn cây tràm.
Trong khi đó, nghề trồng cây đước được xem là một trong ba ngành hàng chủ lực của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu ra cây đước gặp khó khăn nên giá liên tục giảm. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng đến đời sống người dân gắn bó với nghề trồng rừng trên địa bàn.
Tại huyện Ngọc Hiển đang có hàng ngàn hộ dân gắn bó với nghề nuôi tôm kết hợp trồng rừng sản xuất. Mỗi chu kỳ trồng rừng đước kéo dài đến 15 năm.
Nếu năm 2018, cây đước có giá 1 triệu đồng/ster củi (1 ster bằng 0,7 m3 gỗ) thì trong năm qua chỉ còn khoảng 400.000 – 500.000 đồng/ster củi. Một ha rừng đước có thể đạt năng suất khoảng 400 ster củi. Trước đây, mỗi chu kỳ khai thác đến, cây đước lại giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển xây nhà cửa khang trang thì thời gian qua, bà con đứng ngồi không yên trước đầu ra của cây đước.
Ông Tô Văn Dưng, người dân xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) cho biết: Giá cây đang xuống rất thấp so với mấy năm trước. Bà con đã đăng ký khai thác thì buộc lòng phải khai thác nên ảnh hưởng rất lớn. Giá cây hiện nay thì xuống thấp, vấn đề khó nhất là lãi vay vốn ngân hàng. Bà con trồng mười mấy năm để tích lũy lại, chỉ mong cây nhiều, giá cao mà giá đang thấp hơn phân nửa.
Theo ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, gỗ đước là một trong 3 ngành hàng chủ lực của địa phương. Để giải quyết bài toán đầu ra của cây đước về lâu dài, địa phương đã kêu gọi một doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến than hoạt chất trên địa bàn. Đồng thời, địa phương cũng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu, cùng chung tay để có thể hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn.
Cũng giống như nhiều loại cây trồng khác đã và đang bám rễ trên mảnh đất miền Tây, việc trồng tràm, đước tại Cà Mau không chỉ cần quan tâm đến quy trình canh tác mà còn cần chú trọng vào liên kết đầu ra. Thế nên, chắc chắn sẽ rất cần sự định hướng của ngành nông – lâm nghiệp trong việc quy hoạch vùng trồng, tránh cung vượt cầu, cũng như hỗ trợ tạo sự kết nối giữa các nông hộ và các doanh nghiệp, nhà máy để những loại cây chủ lực của địa phương có được hướng đi bền vững hơn.