Hướng dẫn trẻ mầm non 3 quy tắc phòng tránh xâm hại trẻ em

Dưới đây là những kiến thức TS. Vũ Thu Hương – Chuyên gia Tâm lý Kỹ năng sống đưa ra đối với các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con các biện pháp phòng tránh bị xâm hại tình dục.

1. Thế nào là bị xâm hại tình dục?

Các cách giúp trẻ mầm non phòng tránh bị xâm hại tình dục - Ảnh 1.

TS. Vũ Thu Hương – Chuyên gia Tâm lý Kỹ năng sống

Xâm hại là ai đó cố tình chạm vào cơ thể trẻ hoặc bình phẩm về trẻ, làm trẻ cảm thấy khó chịu, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ.

Các hoạt động được coi là xâm hại trẻ ở nhiều hình thức, có thể kể ra một số hoạt động:

  • Động chạm vào một phần cơ thể của trẻ ở khu vực đồ lót
  • Ôm chặt trẻ làm trẻ khó chịu
  • Dụ dỗ trẻ xem các bộ phim nhạy cảm của người lớn
  • Yêu cầu trẻ cởi bỏ quần áo
  • Yêu cầu trẻ sờ vào cơ thể của người khác
  • Chế nhạo những bộ phận nhạy cảm của trẻ

Hành vi xâm hại tình dục ở trẻ em là việc người nào đó sờ mó bộ phận sinh dục của trẻ, thủ dâm, tiếp xúc miệng – bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay và cao hơn là giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn.

Bên cạnh đó, hành vi khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh không được phép của trẻ em cũng được cho là lạm dụng tình dục trẻ em.

Bạn hãy nói với bé rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ.

Tuy nhiên, bác sĩ, y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.

Các cách giúp trẻ mầm non phòng tránh bị xâm hại tình dục - Ảnh 2.

Bạn hãy nói với bé rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé.

2. Giáo dục “Quy tắc đồ lót” giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục

Các bậc cha mẹ nên cho con mặc đồ lót từ sớm, tốt nhất từ khoảng 3 tuổi, rồi dặn con bất kể ai động vào khu vực đó mà chưa có sự đồng ý của con thì đều là người xấu. Trẻ biết được quy tắc đồ lót có thể giữ gìn bản thân tránh khỏi phần lớn các nguy cơ bị xâm hại.

Hãy nói cho bé biết rằng cơ thể bé là thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.

Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.

Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật “tốt” và “xấu”. Những câu như “đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình” thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe.

Những bí mật “tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật “xấu” là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Vì thế, con cần nói ra.

Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo…

3. Giáo dục “Quy tắc 5 ngón tay” trong giao tiếp giúp giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục

Để giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục, một trong những quy tắc bố mẹ có thể dạy con là “quy tắc 5 ngón tay”. Quy tắc này rất đơn giản, giúp trẻ có thể tránh xa những đối tượng nguy hiểm và bảo vệ chính bản thân mình.

Bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp. Cha mẹ có thể dạy con xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, giúp trẻ tránh bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại tình dục.

Các cách giúp trẻ mầm non phòng tránh bị xâm hại tình dục - Ảnh 4.

Vòng 1: Ôm hôn, dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.

Vòng 2: Nắm tay, khoác tay – Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.

Vòng 3: Bắt tay – Khi gặp người quen.

Vòng 4: Vẫy tay – Nếu đó là người lạ.

Vòng 5: Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật. Những bài học về “quy tắc 5 ngón tay” hay “quy tắc đồ lót” nói trên rất quan trọng nhưng chưa đủ.

Việc giáo dục con trước nguy cơ bị xâm hại tình dục cần phải giáo dục trẻ một cách toàn diện. Không chỉ dạy con trở thành những đứa trẻ tự tin, độc lập mà còn phải dạy con những kỹ năng khác như kỹ năng kiên định, kỹ năng nói không, kỹ năng nói ra ý kiến của mình và một số kỹ năng xử lý tình huống như gọi cho bố, mẹ, cảnh sát…

Khi con trẻ tự tin và có đủ các kỹ năng bảo vệ bản thân thì không chỉ có tác dụng phòng chống xâm hại tình dục mà còn giúp trẻ vững vàng trước những nguy cơ khác như khi bị bắt nạt hay đứng trước một sự đe dọa nào đó.

Các cách giúp trẻ mầm non phòng tránh bị xâm hại tình dục - Ảnh 5.

4. Giáo dục “Quy tắc 4 vòng tròn” giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục

Quy tắc này nêu rõ các mức hành vi và mức quan hệ nào được làm với trẻ và hành vi nào không nên làm. Cha mẹ cần dạy con biết ứng xử lịch sự và có khoảng cách.

– Bên trong vòng màu xanh ở chính giữa có bố mẹ đẻ. Đó là những người sinh ra, chăm sóc dạy dỗ con, nên được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể của con, trừ khu vực đồ lót.

– Phần giữa vòng màu xanh và vàng (khu vực màu vàng) là khu vực của người nhà, đó là ông bà, anh chị em… Những người đó chỉ được cầm tay con, hạn chế tối đa động vào khu vực khác.

– Giữa vòng vàng và đỏ (khu vực màu cam) là khu vực của những người quen (hàng xóm, bạn bố mẹ…). Con chỉ nên bắt tay nếu họ yêu cầu. Còn tuyệt đối không cho họ động vào các phần khác của cơ thể.

– Bên ngoài vòng màu đỏ (khu vực đỏ) là người lạ. Tuyệt đối xua tay nếu họ đến quá gần, nếu cần thì chạy trốn.

Bệnh ấu dâm: làm sao nhận biết?Bệnh ấu dâm: làm sao nhận biết?

SKĐS – Ấu dâm là một chứng rối loạn tình dục bao gồm những ham muốn tình dục mạnh mẽ liên tục mà đối tượng muốn quan hệ là trẻ em chưa hoặc mới dậy thì.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tiêm vaccine COVID-19- Vì sao trẻ em không nên vận động mạnh sau khi tiêm