Hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

Hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (30/12/2021 11:10:42)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính về: (1) Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; (2) Quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; (3) Áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính; (4) Quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Nghị định này có nhiều điểm mới, quan trọng, đáng chú ý đó là:

– Thứ nhất: Về tổ chức vi phạm

Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây: (1) Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; (2) Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại Nghị dịnh về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

– Thứ hai: Về hành vi vi phạm hành chính

Hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yều cầu sau đây: (1) Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quán lý nhà nước; (2) Đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhả nước; (3) Hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.

– Thứ ba: Về tước quyền sử dụng giấy phép, chửng chỉ hành nghề

Việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở có đầy đủ các căn cứ sau đây: (1) Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (2) Vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước.

Không quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn trong các trường hợp có quy định pháp luật về việc thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

– Thứ tư: Về áp dụng văn bản pháp luật

          Việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thục hiện theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều nghị định quy định về xử phạt vỉ phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được nghị định để áp dụng theo khoản 1 Điều này, thì việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

+ Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt;

+ Nếu hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.

– Thứ năm: Nguyên tắc xác định hành vi vi phạm

          Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

+ Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính;

+ Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.

– Thứ sáu: Về xác định mức phạt tiền

Việc xác định mức phạt tiền với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau:

+ Khi xác định mức tiền phạt với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ: Được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;

+ Mức phạt tiền cụ thể với một hành vi hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định với hành vi đó. Trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung hình phạt.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Các quy định tại điểm a khoản 1, các khoản 2 và 4 Điều 15 Nghị định này có hiệu lực thi hành đối với các quyết định trong xừ phạt vi phạm hành chính được ban hành kể từ ngày 01/01/2021.

Nghị định này thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một sổ điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/ND-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

(Xem chi tiết tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP)./.

 

Hoàng Lộc