Hướng dẫn quy trình trồng và bón phân cho cây chè
Mục Lục
QUY TRÌNH DINH DƯỠNG CHO CÂY CHÈ
QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHÈ
TIẾN NÔNG 2016-2017
Cây chè (Camellia sinensis) là cây công nghiệp dài ngày có nguồn gốc vùng cận nhiệt đới, bộ phận thu hoạch là lá và chồi non (chiếm 8-13% sinh khôi của cây). Cây chè ưa điều kiện ẩm ướt, râm mát và ưa ánh sáng tán xạ, giới hạn nhiệt độ thích hợp trong khoảng 15-28°C. Vùng núi cao sương mù nhiều, ẩm ướt, nhiệt độ thấp, biên độ nhiệt ngày đêm lớn là điều kiện thuận lợi để sản xuất chè.
Đất trồng chè Việt Nam phần lớn là đất đỏ vàng feralit (tích lũy sắt, nhôm) phát triển trên đá granit, gnai, phiến thạch sét và mica. Đất chua, nghèo chất hữu cơ, hàm lượng dinh dưỡng NPK tổng số, dễ tiêu và các chất dinh dưỡng trung và vi lượng đều nghèo.
Là cây lấy lá và búp, cây chè không chỉ cần hút nhiều đạm, lân, kali mà còn cần nhiều yếu tố trung và vi lượng khác để sinh trưởng và phát triển.
Với diện tích trồng chè khoảng 140 ngàn ha, năng suất bình quân 7-8 tấn/ha/năm, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất và chế biến chè, tuy nhiên giá chè của chúng ta chỉ bằng 60% giá chung trên thế giới. Việc sử dụng phân bón hợp lý đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối dinh dưỡng cho cây chè không chỉ làm tăng năng suất mà còn làm tăng chất lượng, tăng giá bán, kéo dài thời kỳ khai thác giúp tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ dân trồng chè.
Góp phần phục vụ mục tiêu phát triển, ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện giá bán và thu nhập cho người dân trồng chè. Tiến Nông khuyến cáo giải pháp đồng bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc chè bằng bộ sản phẩm dinh dưỡng chuyên dùng Tiến Nông cho cây chè: Cải tạo pH và độ phì đất bằng “Chất điều hòa pH đất Tiến Nông”, cải thiện hàm lượng mùn cho đất bằng “Dinh dưỡng hữu cơ khoáng Vinagreen”, cung cấp dinh dưỡng cho cây bằng sản phẩm Tiến Nông “Lân PA-Bón nền; Dinh dưỡng chuyên dùng cây chè-Bón thúc”. Đảm bảo cung cấp cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng theo nhu cầu phát triển của cây.
I. THỜI KỲ KIẾN THIẾT CƠ BẢN
1. Chọn đất
Cây chè không yêu cầu nghiêm ngặt về đất, song cây chè thích hợp trên đất nhiều mùn, tơi xốp có tầng canh tác dày trên 50 cm, độ dốc bình quân không quá 25°. Khác với một số loại cây trồng khác, cây chè ưa đất có phản ứng chua (pH 5,0 – 5,5) để thuận tiện cho quá trình hấp thu tốt nhất dinh dưỡng khoáng của cây.
2. Chuẩn bị đất trồng chè
– Thời vụ làm đất: Tiến hành từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau (tối thiểu trước khi trồng 30-40 ngày).
– Đào rãnh trồng: Rãnh trồng đào sâu 35-40cm và rộng 40-45cm, đào theo đường đồng mức (vành nón) với vùng đất có độ dốc trên 5°, vùng đất bằng hoặc có độ dốc thấp nên tiến hành cày toàn bộ bề mặt sâu 20-25cm, bừa san và tiến hành đào rãnh. Khoảng cách giữa các rãnh tùy theo kiểu trồng và mật độ (1,2-1,4m nếu trồng hàng đơn và 1,4-1,5m nếu trồng hàng đôi).
– Bón lót trước khi trồng
Kết quả điều tra một số vùng trọng điểm chè nước ta cho thấy đất khá chua (vùng Lâm Đồng pH đất < 4,0 thậm chí có nới pH chỉ đạt 3,0 và vùng Thái Nguyên, Phú Thọ trung bình pH đất chỉ đạt 3,5-4,5). Đất quá chua ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hấp thu dinh dưỡng khoáng của cây.
Do vậy, trước khi trồng chè cần tiến hành cải tạo độ chua của đất bằng chất điều hòa pH đất Tiến Nông, bón phân hữu cơ hoai mục và lân PA để tăng hàm lượng hữu cơ và cải thiện hàm lượng lân cho đất.
– Phân hữu cơ hoai mục: Từ 20-30 tấn/ha
– Phân lân PA: Từ 1000-1500kg/ha
– Chất điều hòa pH đất Tiến Nông: Từ 750-1250 kg/ha tùy thuộc độ chua của đất (pH < 4,0 bón 1250kg/ha và pH > 4,0 bón 750 kg/ha)
Cách bón: Trước khi trồng rải và đảo đều lượng phân hữu cơ, chất điều hòa pH đất, lân PA cùng một phần đất trong rãnh trồng, tiến hành lấp rãnh trồng cách mặt đất 7-10cm (Chất điều hòa pH đất Tiến Nông có thể ủ trước cùng phân hữu cơ).
3. Chọn cây giống và kỹ thuật trồng
3.1. Tiêu chuẩn cây giống
Cây giống cần đạt 8–10 tháng tuổi, có 6 – 8 lá thật trở lên, cao 25cm có 1/3 thân đã hóa gỗ, đường kính thân 2,5mm, cây không bị sâu bệnh dị hình, chiều cao tối thiểu 22cm (trên 30cm phải bấm ngọn); Bầu không bị vỡ và không nhiễm sâu bệnh.
3.2. Kỹ thuật trồng
Cuốc hốc rộng 20cm sâu 20-25cm, hốc cách hốc 40-45cm, dùng dao rạch nhẹ túi bầu (giữ nguyên bầu đất), đặt cây vào hốc theo cùng hướng để tiện chăm sóc, lấp đất và lèn chặt quanh bầu chè sau đó lấp một lớp đất tơi xốp lên mặt luống chè. Tiến hành tủ gốc giữ ẩm cho đất bằng phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, thân cây đậu, lạc, các loại cây phân xanh hoặc cỏ khô) nếu có. Dự phòng lượng giống cùng loại (khoảng 7-10%) để trồng dặm khi cần thiết (năm thứ nhất và thứ hai chè vẫn chết).
Trồng dặm: chọn những cây tốt nhất, trồng dặm phải cuốc hố rộng và bón phân lót đầy đủ. Cây trồng dặm cần được chăm sóc kỹ hơn, tạo diều kiện tốt nhất cho chúng phát triển để đuổi kịp các cây trồng trước đó.
Đối với chè phân hữu cơ có vai trò rất quan trọng, nó không những cung cấp chất dinh dưỡng trực tiếp cho cây mà còn cải thiện lý tính đất như: làm cho đất tơi xốp, tăng kết cấu đất, tăng khả năng thấm và giữ nước của đất, tăng sự hoạt động của các hệ vi sinh vật trong đất và tăng thành phần dinh dưỡng khoáng cho đất, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển. Thực tế việc sử dụng phân bón hữu cơ cho cây chè thường khó khăn do đồi chè xa nhà, vận chuyển, đi lại khó khăn ở thời kỳ kinh doanh và cũng một phần vì nguồn phân hạn chế. Vì vậy, khi trồng chè nhất thiết phải bón đủ lượng phân hữu cơ và nên trồng xen cây phân xanh hoặc các cây họ đậu thời kỳ kiến thiết cơ bản để tăng lượng hữu cơ cho đất.
4. Trồng cây phân xanh và trồng xen cây họ đậu
Nên lựa chọn loại cây có sinh khối lớn, sinh trưởng và phát triển khỏe, bộ rễ ăn sâu và là cây có khả năng cố định đạm tự do (cốt khí, lạc dại) hoặc các cây họ đậu khác để trồng vừa tăng hệ số sử dụng đất lại vừa có vật liệu tủ gốc chè.
4.1. Cây cốt khí
Là cây trồng lâu năm có khả năng cộng sinh vi khuẩn cố định đạm, bộ rễ ăn sâu, cây phát triển khỏe, số lượng và chất lượng chất xanh khá.
Sau khi làm đất, đào rãnh trồng chè, giữa các rãnh nên tiến hành gieo 1-2 hàng cây cốt khí (thời vụ tốt nhất từ tháng 1 đến tháng 3). Cách gieo: 40-50cm bổ một hố, mỗi hố gieo 3-5 hạt, lấp đất 2-3cm. Thời kỳ kiến thiết cơ bản của cây chè, cây cốt khí vừa làm nhiệm vụ che bóng, vừa hạn chế xói mòn và rửa trôi dinh dưỡng bề mặt, đồng thời lại có thể hấp thu dinh dưỡng tầng sâu để trả lại cho cây chè thông qua việc hoàn trả hữu cơ từ lá cây rụng. Khi cây chè sinh trưởng mạnh cần tỉa và đốn thưa cốt khí khoảng 1,0-1,5m để lại một cây.
4.2. Cây lạc dại
Là cây trồng họ đậu hàng năm, có khả năng cộng sinh vi sinh vật cố định đạm, có sinh khối lớn và phát triển khỏe. Trồng xen lạc dại giúp tăng độ che phủ cho đất, giữ ẩm và chống xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng trong đất. Thu hoạch thân cây tủ gốc giữ ẩm cho chè và cung cấp hữu cơ cho đất, thời vụ gieo trồng tháng 1 đến tháng 3.
Trồng xen cốt khí Trồng xen lạc dại
5. Trồng cây che bóng, chắn gió
Cây chè là loại cây ưa ánh sáng tán xạ nên việc trồng cây che bóng cho cây chè là điều cần thiết. Loại cây che bóng được trồng phổ biến là cây muồng lá nhọn, trồng vào mùa mưa, mật độ 150-250 cây/ha, trồng cây con và trồng cùng hàng chè. Hoặc có thể trồng xen cây ăn trái vừa che bóng vừa tăng hiệu quả kinh tế, mật độ trồng xen là: 12m x 14m (60 cây/ha).
Xung quanh lô nên trồng các loại cây muồng đen, keo lá tràm, keo tai tượng, trồng hàng kép nanh sấu, cây cách cây 3m, nên bố trí hàng chắn ngang hướng gió chính.
6. Làm cỏ, phá váng
Làm cỏ ngay khi cỏ còn non, chưa ra hoa, rụng hạt (3-4 lần/năm). Trồng chè nếu không được tủ gốc khi mưa to đất bị chặt, dí cần thiết phải xới phá váng (nên tiến hành vào ngày trời nắng ráo).
7. Đốn chè thời kỳ kiên thiết cơ bản
Cần thiết phải đốn chè, tạo tán để tăng cường quá trình hình thành cành thứ cấp giúp làm nền tảng cho phát triển năng suất thời kỳ kinh doanh (thời gian đốn từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau).
– Đốn lần 1: Khi đồi chè có 70% số cây cao trên 65cm và đường kính gốc trên 1 cm. Đốn thân chính cao 15-20 cm, cành 30-35 cm tùy theo giống (giống phân cành thấp, đốn thấp và ngược lại)
– Đốn lần 2: đốn cành chính cao 35-40cm, canh bên cao 45 cm và tạo tán bằng
8. Hái chè thời kỳ kiên thiết cơ bản
– Hái tạo hình trước đốn:
+ Chè tuổi 1: Thời điểm hái từ tháng 10 trở đi, bấm ngọn những cây cao trên 60 cm
+ Chè tuổi 2: Những cây to, khỏe hái cách mặt đất 50 cm trở lên
– Hái tạo hình sau đốn:
+ Lần hái thứ nhất (tuổi 2): Đợt hái đầu, hái cách mặt đất 40-45 cm; Đợt hai sau, hái đọt, để lại 2 lá và lá cá.
+ Lần hái thứ hai (tuổi 3): Đợt hái đầu, hái cách vết đốn lần 1 từ 25-30 cm; Đợt hai sau, hái đọt, để lại 2 lá và lá cá.
9. Bón phân cho chè kiến thiết cơ bản
– Năm thứ nhất: Sử dụng phân bón chuyên dùng cho chè Tiến Nông bón 250kg /ha/lần, bón 2 lần/năm (tháng 2-3; tháng 6-7)
– Năm thứ hai: Sử dụng phân bón chuyên dùng cho chè Tiến Nông bón 400kg /ha/lần, bón 2 lần/năm (tháng 2-3; tháng 6-7); Phân hữu cơ Vinagreen bón 1000kg/ha (bón tháng 11-12).
– Năm thứ ba: Sử dụng phân bón chuyên dùng cho chè Tiến Nông bón 500kg /ha/lần, bón 2 lần/năm (tháng 2-3; tháng 6-7)
II. THỜI KỲ KINH DOANH
1. Bón phân cho chè
Bón nền: Phân hữu cơ và chất cải tạo đất
– Phân hữu cơ hoai mục: Lượng 20-30 tấn/ha (2-3 năm bón một lần); Hoặc phân Hữu cơ khoáng Vinagreen 2.000kg/ha/năm (chia 2 lần tháng 2-3 và tháng 6-7)
– Chất điều hòa pH đất: 750-1250kg/ha, mỗi năm bón một lần (pH đất < 4 bón 1250kg/ha; pH đất > 4 bón 750 kg/ha)
Cách bón: Bón riêng rẽ hoặc bón kết hợp phân hữu cơ (rạch rãnh giữa 2 hàng chè, bón và lấp đất)
Bón thúc: Phân bón chuyên dùng cây chè
Căn cứ vào năng suất thu hái: mức bón tính cho 1 tấn chè búp tươi 200-250 kg
– Khu vực phía Bắc bón 4 lần/năm: Lần 1 (tháng 2) bón 30% tổng lượng phân bón; Lần 2 (tháng 5) bón 30% tổng lượng phân bón; Lần 3 (tháng 7) bón 25% tổng lượng phân bón; Lần 4 (tháng 9) bón 15% tổng lượng phân bón.
– Khu vự phía Nam bón theo mỗi lứa hái (bón 1- 2 lần/lứa hái): Lần 1 bón sau thu hái 5-7 ngày lượng bón 60%; Lần 2 bón sau lần 1 từ 20-25 ngày lượng còn lại. Nếu bón 1 lần, bón sau thu hái 5-7 ngày.
Bón sau khi mưa, đất đủ ẩm, hoặc bón khi trời mát kết hợp tưới nước. Đất độ dốc cao bón theo hốc, đất bằng bón theo rạch (rạch theo mép tán chè), bón vùi lấp phân.
2. Đốn chè
Đốn phớt
– Thời gian đốn từ tháng 12 đến tháng 01 năm sau
– Vị trí đốn, đốn cao trên vết đốn cũ 5 cm (2 năm đầu), 3 cm ở những năm sau và 1 cm khi vết đốn trước cao hơn 70 cm.
Đốn lửng: Tiến hành đốn khi vết đốn năm trước cao trên 90 cm
– Với đồi chè năng suất thấp: Vết đốn cao 60-65 cm
– Với đồi chè năng suất còn tốt: Vết đốn cao 70-75cm
Đốn đau: Đồi chè đốn lửng nhiều lần năng suất giảm nên tiến hành đốn đau (đốn cách mặt đất 40-45 cm).
Đốn trẻ hóa: Đồi chè đốn đau nhiều lần năng suất giảm nên tiến hành đốn trẻ hóa (đốn cách mặt đất 10-15 cm).
3. Hái chè
Hái tay: Hái một tôm và 2-3 lá non, khi trên tán có 30% số búp đủ tiêu chuẩn hái và tận thu búp mù, xòe:
– Vụ xuân (tháng 3-4) hái để lại một lá cá và hai lá thật
– Vụ hè thu (tháng 5-10) hái để lại một lá cá và một lá thật
– Vụ Thu đông (tháng 11), hái để lại lá cá; Tháng 12 hai cả lá cá
Hái máy (hái chừa theo vết đốn):
– Đốn cao 60-65cm: Hái chừa vết đốn 15 cm
– Đốn cao 70-75cm: Hái chừa vết đốn 10 cm
– Đốn cao trên 75 cm: Hái chừa vết đống 7-10 cm
– Đốn đau và đốn trẻ hóa: Hái như hái tạo tán thời kỳ kiến thiết cơ bản
Búp chè hái Phần chừa lại
4. Tưới nước
Nhu cầu nước của cây chè: Chè là loại cây ưa ẩm, thu hoạch búp, lá non, nên càng cần nhiều nước. Muốn thâm canh chè tốt việc tưới nước cho cây thời kỳ khô hạn là rất cần thiết và việc tưới nước nên tiến hành khi độ ẩm đất xuống dưới 50%.
Cách tưới: Tưới phun trực tiếp, tưới nhỏ giọt, hoặc tưới phun mưa (sử dụng nguồn nước sạch, không dùng nguồn nước ô nhiễm, nước thải khu công nghiệp và nước phân tươi để tưới)
III. SÂU BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
1. Sâu hại
Nhóm chích hút (rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ …): chích hút nhựa của búp lá non làm giảm năng suất và chất lượng chè. Chích hút trên lá già, lá bánh tẻ làm giảm quá trình quang hợp của lá ảnh hưởng khả năng sinh trưởng và phát triển của cây, làm gia tăng khoảng cách giữa các lần thu hái.
Biện pháp phòng trừ
– Không nên đốn chè quá sớm hoặc quá muộn
– Thời kỳ phát triển của dịch hại nên hái kỹ búp chè để hạn chế khả năng phát triển về sau.
– Sử dụng phân bón chuyên dùng (đủ và cân đối dinh dưỡng)
– Cày lật hàng năm, che tủ gốc để diệt trứng và nhộng bọ cánh tơ
– Làm sạch cỏ, phát quang bụi rậm, cây ký chủ của dịch hại
– Trồng cây che bóng ở mật độ thích hợp
– Dùng thuốc hóa học (Actara 25WP, Midan 10WG, Comite 73EC, Cofido…) khi dịch hại mới xuất hiện. Sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
– Nhóm miệng nhai (sâu chùm, sâu róm): Sâu ăn hại toàn bộ lá và búp chè, chỉ để lại cành, có thể làm cây không thể ra búp và thậm chí gây chết cây. Sâu thường sống tập trung thành từng đám.
Biện pháp phòng trừ
– Bắt diệt sâu non, bẫy đèn bắt ngài, làm cỏ xới xáo diệt nhộng vụ đông
– Dùng thuốc hóa học thuộc nhóm tiếp xúc vị độc theo hướng dẫn trên bao bì nhà sản xuất.
Sâu chùm Sâu róm
2. Bệnh hại
Bệnh phồng lá:
Bệnh hại lá non, cành non vết bệnh phần lớn ở mép lá, cành bị bệnh sẽ chết. Bệnh làm giảm năng suất và chất lượng, bệnh thường xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau (vùng núi cao, nhiệt độ thấp bệnh xuất hiện sớm)
Biện pháp phòng trừ
– Sử dụng phân bón chuyên dùng (đủ và cân đối dinh dưỡng)
– Dùng các thuốc có gốc đồng phun ngay sau khi hái (phun kép hai lần cách nhau 7-10 ngày).
Bệnh thối búp:
Bệnh thường xuất hiện ở bộ phận non, cuống lá, cành non và búp. Lúc đầu vết bệnh là một chấm đen nhỏ sau đó lan dần ra hết cả búp và cành chè, khi thời tiết nắng, ẩm dễ bị rụng. Bệnh gây hại khi thời tiết nắng nóng và mưa kéo dài (tháng 7-9)
Biện pháp phòng trừ
– Sử dụng phân bón chuyên dùng (đủ và cân đối dinh dưỡng), vườn bị nặng có thể bón bổ sung thêm kali
– Dùng các thuốc có gốc đồng phun ngay khi bệnh mới xuất hiện.
Bệnh phồng lá Bệnh thối búp
Th.S Nguyễn Quốc Hải
Mọi nhu cầu tư vấn xin liên hệ:
Trung tâm Nghiên cứu phát triển KH&CN Tiến Nông
Địa chỉ: Km 312 Quốc lộ 1A – Hoằng Quý – Hoằng Hoá – Thanh Hoá
Điện thoại: 0373.936.666