Hướng dẫn cách viết đơn xin việc chinh phục nhà tuyển dụng
Khác với CV xin việc, đơn xin việc trong hồ sơ của bạn là một công cụ thể hiện năng lực và cá tính riêng của bạn đối với nhà tuyển dụng. Đây sẽ là tài liệu mà nhà tuyển dụng nhìn vào đầu tiên, và bạn có được thiện cảm với họ không là do bạn. Chính vì vậy trước khi viết lá đơn này bạn hãy đọc kỹ bài hướng dẫn cách viết đơn xin việc chinh phục nhà tuyển dụng dưới đây. Tôi chắc chắn nó sẽ giúp bạn có một lá đơn xin việc khiến nhà tuyển dụng khó lòng từ chối. Đừng đọc qua loa, hãy đọc thật kỹ thậm chí đọc đi đọc lại vài lần. Nếu không bạn dễ hiểu lầm những ý quan trọng dẫn tới việc phá hỏng cả bộ CV của bạn.
Mục Lục
Tầm quan trọng của đơn xin việc trong hồ sơ xin việc
Nếu bạn không nhận thấy tầm quan trọng của đơn xin việc làm trong bộ hồ sơ của mình thì hẳn bạn đã không tìm thấy bài viết này rồi. Vậy nó là gì mà khiến bạn phải đau đầu để tìm tòi như vậy?
– Đơn xin việc chẳng khác nào lá thư tay bạn gửi đến nhà tuyển dụng. Hãy bày tỏ mong muốn nguyện vọng được làm việc trong công ty qua lá thư này. Bạn hãy thể hiện rõ khả năng và kinh nghiệm của bản thân. Qua đó thuyết phục nhà tuyển dụng phải lưu ý tới bạn. Nó quyết định 50% sự thành công trong việc thuyết phục nhà tuyển dụng.
– Tạo ấn tượng ban đầu tốt trong mắt nhà tuyển dụng: Lá thư này là 1 trong những tài liệu nhà tuyển dụng cầm đến đầu tiên. Bạn hẳn sẽ không muốn hồ sơ của mình bị loại ngay khi chưa được xem hết, chỉ bởi những từ ngữ nhàm chán và thiếu thiện cảm chứ?
Hướng dẫn cách viết đơn xin việc bằng tay
Đơn xin việc làm viết tay không giống với đơn xin việc theo mẫu, nó sẽ thể hiện tư duy của bạn và nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào để đánh giá năng lực của bạn. Vì vậy, đây chính là tấm “phù hiệu” của bạn, là cách bạn gây ấn tượng để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.
Cũng giống như một bài văn bạn vẫn hay làm ở trường, hãy bố cục lá đơn của bạn rõ ràng, nội dung hợp lý từng phần.Từ đó đảm bảo những gì bạn cần nhà tuyển dụng chú ý sẽ đạp vào mắt họ rõ nét nhất. Tôi sẽ hướng dẫn cách viết đơn xin việc bằng tay sao cho hiệu quả nhất để bạn làm theo.
Nội dung mẫu đơn xin việc viết tay
Nội dung đơn xin việc viết tay của bạn cần đáp ứng những yêu cầu sau:
Nói đúng những gì nhà tuyển dụng cần. Nhà tuyển dụng yêu cầu những gì? Bạn có những gì để phù hợp với các yêu cầu đó? Hãy tập trung vào nó trong lá đơn và làm sao để nhà tuyển dụng thấy được: Tôi sẽ phải chọn người này.
Tìm hiểu thật kỹ công ty bạn đang ứng tuyển và nắm chắc yêu cầu của họ. PR công ty ứng tuyển thật tự nhiên, từ đó làm bật lên thương hiệu cá nhân của bạn.
Bạn tự tin vào điều gì ở bạn nhất mà theo bạn nhà tuyển dụng sẽ cần? Hãy cố gắng làm nó nổi bật trong đơn xin việc bạn gửi họ.
Bố cục của đơn xin việc viết tay
Mở đầu, thân bài, kết luận là ba phần bắt buộc phải có khi bạn viết đơn xin việc bằng tay. Cố gắng viết ngắn gọn, súc tích, câu văn và đoạn văn rõ ràng.
Mở đầu của đơn xin việc viết tay
Là phần tiêu đề bắt buộc và phần giới thiệu thông tin bản thân.
Chú ý: Phần kính gửi bạn nên không ghi chung chung là Công ty… Nếu nắm được rõ thông tin người tuyển dụng, bạn hãy ghi rõ họ tên người đó, hoặc chức vụ. Ví dụ như: Kính gửi Ms Thanh Vân – Trưởng phòng nhân sự Công ty Cổ phần MMS
Phần thông tin cá nhân ở đây không cần quá dài. Nên ghi họ tên và 1 thông tin về địa chỉ là OK.
Phần chính của mẫu đơn xin việc viết tay
Phần thân của lá đơn là nơi thể hiện cái tôi của bạn, hãy cố gắng tận dụng để làm mình thật nổi bật. Tuy nhiên, chỉ trình bày những điều nhà tuyển dụng cần. Tức là những điểm mạnh cá nhân phù hợp với yêu cầu của vị trí ứng tuyển, không viết lan man.
– Học vấn: viết trong 1 câu văn thể hiện mình tốt nghiệp ở đâu với trình độ gì.
– Kinh nghiệm (nếu có): Chỉ cần trình bày bao quát, vì chi tiết cụ thể sẽ có trong CV xin việc của bạn.
– Kỹ năng cá nhân: Đây là phần quan trọng, hãy trình bày 1-3 kỹ năng ít trùng lặp với người khác nhất. Đừng quên tìm hiểu vị trí bạn ứng tuyển cần những kỹ năng mềm nào và trình bày thật ấn tượng trong đơn xin việc viết tay.
– Bạn có thể thêm một câu ngắn khen ngợi sản phẩm của công ty, và thể hiện bạn đã tìm hiểu rất kỹ về nó. Nhà tuyển dụng sẽ rất hài lòng khi đọc đến phần này của là đơn bạn viết. Ví dụ: Tôi tin rằng, mình sẽ là một nhân viên phát triển thị trường tốt khi được làm việc với những sản phẩm rất tốt và an toàn của quý công ty mà tôi đã tìm hiểu rất kỹ và rất yêu thích.
Hướng dẫn viết phần kết của đơn xin việc
Nhấn mạnh một lần nữa mong muốn tha thiết được làm việc tại công ty, hãy nói thật chân thành. Khẳng định bạn sẽ làm tốt khi được nhận.
Đừng quên cảm ơn người đã đọc là đơn của bạn và ghi chú họ tên, ngày tháng viết là đơn này này.
Bí quyết gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng đơn xin việc
Một tờ đơn xin việc ấn tượng không chỉ cần đẹp, không có lỗi mà còn cần một số mẹo khác. Chúng tôi sẽ chỉ bạn cách viết đơn xin việc ấn tượng, có thể đánh gục nhà tuyển dụng, kích thích họ xem hết hồ sơ xin việc của bạn và nôn nóng muốn phỏng vấn bạn.
– Gây ấn tượng bằng cách cụ thể hóa, chính xác hóa từng cái tên: tên người tuyển dụng, người phỏng vấn bạn, tên công ty, tên sản phẩm… là những cái tên riêng cần được bạn ghi trong nội dung đơn xin việc. Điều này cho thấy bạn rất quan tâm và đã bỏ công tìm hiểu kỹ công việc này.
– PR công ty ứng tuyển chính là PR bạn: Không ai thích mình bị chê, vậy nên hãy tìm cách khéo léo khen ngợi công ty tuyển dụng. Một lá đơn xin việc viết tay biết đề cao công ty thì thật ấn tượng trong mắt người phỏng vấn.
– Hãy khéo léo nói rằng: tôi đã tìm hiểu về công ty, nghiên cứu sản phẩm của công ty rất chi tiết, như vậy sẽ khiến nhà tuyển dụng hài lòng với bạn.
– Thể hiện năng lực bản thân một cách nổi trội, dùng những ngôn từ để khiến bạn trở nên đặc biệt hơn người khác và nhấn mạnh vào sự khác biệt của bạn. Đừng khiến bạn giống người khác. Tuy nhiên, hãy thật khéo léo để tránh lỗi quá tự kiêu vào bản thân nhé.
Hãy cùng tham khảo gợi ý của chúng tôi dưới đây:
Những điều cần lưu ý khi viết đơn xin việc
Bạn cần thể hiện rõ trong đơn xin việc của mình rằng bạn đã tìm hiểu rất kỹ về công ty và công việc bạn ứng tuyển. Đồng thời, bạn hiểu rõ năng lực của mình và tự tin làm tốt công việc. Một vài lời khuyên để bạn có cách viết đơn xin việc bằng tay chuẩn và ấn tượng:
– Soát chính tả thật kỹ, không được để bất kỳ lỗi sai chính tả nào nếu không muốn nhà tuyển dụng đánh false ngay cả hồ sơ của bạn. Hãy nhớ, lỗi chính tả là một điều cơ bản, các nhà tuyển dụng rất kị những lỗi nhỏ như này.
– Nên dùng giấy A4, kẻ hằn dòng vào giấy cẩn thận để viết ngay ngắn, đúng lề, đúng hàng.
– Chỉ viết gói gọn trong 1 mặt giấy.
– Đừng quên nói về nơi bạn đọc được thông tin tuyển dụng
– Bạn nên trình bày hết các kinh nghiệm đã từng có. Nhà tuyển dụng nào cũng cần kinh nghiệm. Tuy nhiên, hãy chỉ là nêu qua thôi, nếu nói quá chi tiết, sẽ không còn chỗ cho các mục khác trong đơn xin việc đâu.
– Đừng quên để lại số điện thoại và mail liên lạc.
Lỗi khi viết đơn xin việc bạn nên tránh
Thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần một cú click chuột là bạn có thể tải được hàng loạt mẫu đơn xin việc chuẩn. Tuy nhiên, một lá đơn xin việc viết tay chuẩn sẽ thể hiện được gấp nhiều lần đơn xin việc theo mẫu.
Thế nhưng viết đơn xin việc bằng tay sẽ dễ gặp rất nhiều lỗi nhỏ, hãy đừng để gặp phải những lỗi sau đây:
Lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp
Nếu viết đơn xin việc file doc thì hầu hết những lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp đều được đánh dấu, bạn có thể sửa dễ dàng. Thế nhưng khi viết bằng tay, những lỗi từ vựng, lỗi câu chữ rất dễ xảy ra. Sau khi viết xong đơn, hãy soát lại thật kỹ từng chữ để tránh lỗi này. Nhiều nhà tuyển dụng khó tính sẽ đánh trượt ngay hồ sơ việc làm của bạn chỉ với 1 lỗi chính tả nhỏ. Bởi họ cho rằng bạn không thật sự để tâm vào vị trí ứng tuyển này.
Câu chữ lê thê không liên quan đến yêu cầu ứng tuyển
Một người có năng lực diễn đạt ngôn từ tốt, có logic, mạch lạc, dứt khoát và ngắn gọn sẽ là một người có năng lực làm việc tốt. Vì vậy bạn đừng dại mắc lỗi kể lể lê thê trong đơn xin ứng tuyển, nó sẽ rất phản cảm. Một câu không nên dài quá 30 từ và có quá nhiều dấu phẩy.
Hãy lựa chọn thông tin thật chính xác, gạch ra các gạch đầu dòng từ trước để viết không thừa, không thiếu. Lưu ý, những thông tin bạn cung cấp phải có liên quan đến công việc bạn ứng tuyển. Đừng để nhà tuyển dụng tưởng rằng bạn gửi nhầm đơn xin việc làm của một công ty khác.
Lỗi viết sai tên công ty
Thật buồn cười nếu bạn viết sai tên công ty trên đơn ứng tuyển trong khi bạn nói rằng bạn tha thiết muốn làm việc tại đó. Sẽ không nhà tuyển dụng nào chấp nhận lỗi này cả. Hãy tìm chính xác tên công ty trên website hoặc các tài liệu chính thức mà công ty này công bố.
Lỗi quá khiêm tốn
Quá khiêm tốn sẽ dễ được hiểu thành thiếu tự tin. Nhà tuyển dụng là những người rất có kinh nghiệm, họ sẽ đoán được nội dung các tài liệu trong hồ sơ xin việc của bạn chỉ cần thông qua đơn xin việc bạn viết. Bạn là người có năng lực thì bạn mới tự tin, và điều đó sẽ thể hiện hết vào câu chữ trong lá đơn bạn gửi. Vậy nên, đừng quá khiêm tốn, bạn có quyền “nổ nhẹ” trong giới hạn nếu điều đó gây ấn tượng được với nhà tuyển dụng.
Lỗi quá tự tin
Quá khiêm tốn thì không nên, mà quá tự tin lại càng phải tránh. Hãy tiết chế vừa đủ khả năng, năng lực của bản thân trong đơn xin việc. Một người tự kiêu sẽ dễ bảo thủ, không lắng nghe và không biết học hỏi. Không công ty nào muốn tuyển một người như vậy. Cho nên, bạn hãy cố gắng trình bày mọi thứ chân thực nhất, không nói quá, không ca ngợi bản thân quá nhiều.
Lỗi thiếu trung thực
Tuyệt đối không chém gió. Năng lực mình đến đâu hãy trình bày đến đó, đừng cố ép mình phải có hết tất cả các yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra. Bởi vì không ai hoàn hảo, nên bạn cũng có quyền có khuyết điểm. Đừng né tránh mà hãy nhìn thẳng vào khả năng của mình.