Hướng dẫn cách làm tranh đính đá cực kì đơn giản – Thêu Việt
Hướng dẫn cách làm tranh đính đá cực kì đơn giản
Tranh đính đá là một dòng tranh tuy mới xuất hiện nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện nay tranh đính đã đã rất phổ biến trên thị trường tranh. Với đặc điểm mẫu mã đa dạng, kỹ thuật làm tranh đơn giản, thời gian thực hiện nhanh nên tranh đính đá nhanh chóng chiếm được sự quan tâm và yêu thích của chị em làm tranh. Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn bạn cách làm tranh đính đá tại nhà đơn giản và dễ thực hiện.
1. Tranh đính đá là gì ?
Trước khi tìm hiểu cách làm tranh đính đá, hãy cùng Thêu Việt tìm hiểu tranh đính đá là gì nhé.
Tranh đính đá là một dòng tranh có nguồn gốc từ Trung Quốc, mới được du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây nhưng lại có tốc độ phát triển và phổ biến nhanh chóng. Tranh đính đá được hoàn thiện bằng cách gắn các hạt đá nhỏ đủ màu sắc được làm bằng chất liệu nhựa giả đá lên nền vải cho đến khi các họa tiết trong tranh được phủ kín bởi các hạt đá. Việc thực hiện gắn tranh đính đá khá đơn giản vì trên nền vải của tranh đã có sẵn những ký hiệu và người thực hiện chỉ cần làm đúng theo hướng dẫn.
Chính bởi việc thực hiện vô cùng đơn giản, không đòi nhiều hỏi kỹ năng phức tạp nên tranh đính đá rất nhanh chóng gây được sự chú ý và thiện cảm cho những chị em phụ nữ. Tranh đính đá có thể phù hợp với mọi đối tượng kể cả trẻ nhỏ, chỉ cần chúng yêu thích và có niềm đam mê với tranh cũng như có sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Nhờ sợ giúp đỡ của những thiên thần nhỏ mà công việc gắn đá để hoàn thiện tranh cũng được thực hiện một cách nhanh chóng hơn, rút ngắn được rất nhiều thời gian. Đây là một ưu điểm lớn của tranh đính đá so với những dòng tranh khác trên thị trường hiện nay.
2. Những ưu và nhược điểm của tranh đính đá.
Cũng như những dòng tranh khác trên thị trường, tranh đính đã cũng sở hữu những ưu, nhược điểm riêng. Cùng phân tích những ưu, nhược điểm của tranh đính đá để có cái nhìn khách quan hơn về dòng tranh này khi so sánh nó với những dòng tranh khác trên thị trường hiện nay nhé.
Ưu điểm:
-
Không đòi hỏi những kỹ thuật phức tạp, dễ dàng thực hiện với thao tác đơn giản, phù hợp với mọi đối tượng kể cả nam giới và trẻ nhỏ.
-
Thời gian thực hiện nhanh, thống kê cho thấy thời gian hoàn thiện một bức tranh đính đá so với một bức tranh thêu chữ thập cùng kích cỡ chỉ bằng khoảng 1/3, chính vì vậy mà nó không tạo cảm giác nhàn chán hay mất kiên nhẫn như các thể loại tranh khác.
-
Bởi là một dòng tranh mới được du nhập nên tranh gắn đá còn khá lạ lẫm với người chơi tranh, nhưng chính điều này tạo cho nó có cảm giác lạ mắt, mới lạ và độc đáo.
-
Giá thành rẻ hơn so với nhiều dòng tranh khác trên thị trường hiện nay. Mức giá của các mẫu tranh gắn đá được cho là có thể phù hợp với túi tiền của mọi đối tượng người mua ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt với những người mua tầm trung.
Nhược điểm:
-
Do được tạo thành từ những hạt đá được sản xuất bằng nhựa (giả đá) nên độ bóng và màu sắc không được bền như đá thật. Điều này cũng khiến cho độ đẹp của tranh bị giảm sút, so với những dòng tranh như tranh thêu tay truyền thống hay tranh thêu chữ thập thì đường nét và màu sắc trong tranh đính đá không thể uyển chuyển, mềm mại, sống động và chân thực bằng. Thậm chí khi quan sát kỹ bạn có thể thấy những kẽ hở giữa các hạt đá và điều này còn tệ hơn nếu tranh được thực hiện bởi những người mới hoặc những người cẩu thả khiến tính thẩm mỹ của tranh giảm đi đáng kể.
-
Không được đính bằng keo đặc chủng như tranh đá quý Việt Nam mà chỉ bằng những tấm dính nên khi thời tiết nóng, keo có thể bị khô làm rụng hạt nhựa, thời tiết ẩm hoặc bụi bẩn cũng dễ làm hạt nhựa bị bung. Vì vậy, để so sánh với độ bền thì tranh đính hạt nhựa không thể bền như tranh thêu chữ thập hoặc tranh đá quý Việt nam được. Việc keo dễ bị khô cũng gây ra những trở ngại không nhỏ cho việc thực hiện gắn tranh, nếu người nghệ nhân thực hiện gắn tranh trong khoảng thời gian quá lâu có thể dẫn đến tình trạng gắn được chỗ mới thì những khu vực đã gắn lại bị khô keo và bung hạt đá. Điều này khiến chúng ta lại mất công gắn lại mà chất lượng tranh thậm chí cũng không được như ban đầu nữa.
-
Không giống như các dòng tranh thêu, có thể di chuyển tranh, cuộn, gấp một cách dễ dàng trong quá trình thực hiện mà không cần phải lo ngại điều gì, tranh đính đá lại cần một không gian rộng và phẳng để thực hiện đính tranh, trong quá trình thực hiện cũng phải hết sức cẩn thận, tránh việc cuộn, gấp tranh khiến hạt đá bị bung ảnh hưởng đến chất lượng của tranh.
-
Mẫu mã của tranh đính đá hiện chưa được đa dạng và phong phú, có quá nhiều mẫu trùng lặp với tranh thêu chữ thập nên không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Để tạo được dấu ấn riêng và thu hút người tiêu dùng thì trong tương lai gần, tranh đính đá rất cần nghiên cứu, sáng tạo và phát triển nhiều mẫu tranh mới, riêng biệt và độc đáo.
Qua phân tích bạn có thể thấy đấy, mặc dù về độ đẹp và độ bền thì tranh đính đá có thể chưa sánh bằng các đàn anh đàn chị khác trong ngành, tuy nhiên về thời gian hoàn thành cũng như giá thành thì dòng tranh này lại chiếm ưu thế hơn cả. Vì vậy nếu như bạn là một người chơi tranh tầm trung, đang muốn tìm một dòng tranh ổn và phù hợp với túi tiền thì tranh đính đá chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn đấy. Hơn thế, với tốc độ phát triển như hiện nay, có thể chắc chắn trong một tương lai gần, tranh đính đã sẽ được nâng cao và hoàn thiện hơn về chất lượng cũng như mẫu mã để bắt kịp những dòng tranh khác trên thị trường hiện nay.
3. Công cụ sử dụng làm tranh đính đá.
Khi thực hiện làm tranh đính đá, bạn cần sử dụng đến một số công cụ sau:
1. Bút gắn đá.
Bút gắn đá là loại bút chuyên dụng được sử dụng để thực hiện làm tranh gắn đá. Công dụng của bút gắn đá dùng để chọn đá, giữ đá và gắn vào nền tranh. Về cấu tạo, thông thường bút gắn đá có 2 đầu được thiết kế riêng biệt, 1 đầu cho phép bạn chỉ có thể gắn được 1 hạt đá/lần, những người mới thực hiện thường sử dụng đầu bút này để gắn đá dễ dàng và chính xác hơn, cũng để rèn luyện kỹ năng gắn đá. Đầu bút còn lại cho phép bạn gắn khoảng 3-4 hạt đá/lần, nếu bạn là người đã thành thạo thì nên sử dụng đầu bút này để tăng tốc độ gắn tranh, rút ngắn thời gian hoàn thiện bức tranh đính đá của mình.
So với tranh thêu tay truyền thống, bút gắn đá có vai trò như chiếc kim thêu, luôn đồng hành và gắn bó cùng người nghệ nhân trong từng đường nét và chi tiết của bức tranh.
2. Nhíp gắn đá.
Bên cạnh bút gắn đá, nhíp gắn đá cũng là một công cụ giúp cố định đá vào đúng vị trí so với các ô kỹ hiệu trên bản vẽ. Khi bạn gắn nhầm đá và muốn sửa lỗi cũng có thể dùng nhíp gắn đá gắp viên đá lên và đặt về đúng vị trí. Về cấu tạo, nhíp gắn đá có cấu tạo như những loại nhíp mà bạn thường thấy trên thị trường, không có sự khác biệt nào đáng nói.
3. Khay đựng đá.
Khay dựng đá là dạng khay nhựa nhỏ với đường rãnh, có tác dụng giúp bạn lật mặt các viên đá đúng mặt chuẩn một cách dễ dàng hơn khi thực hiện thao tác làm tranh đính đá. Khi thực hiện gắn đá, bạn cần làm thao tác lắc nhẹ khay đựng đá cho đến khi hầu hết các viên đá lật đúng mặt chuẩn sau đó dùng bút thực hiện các công đoạn gắn tiếp theo.
4. Keo nến.
Trong môi bộ dụng cụ làm tranh đính đá, bạn sẽ được cung cấp những miếng keo nến. Trên nền vải của tranh đã có sẵn lớp keo dính giúp giữ và cố định những hạt đá vào tranh rồi, vậy những miếng keo nến kia được sử dụng để làm gì ? Bạn có bao giờ có thắc mắc như vậy không ?
Không phải được sử dụng để dính những hạt đá vào tranh mà miếng keo nến được cung cấp trong mỗi bộ tranh đính đá có tác dụng giữ đá dính vào bút gắn. Thông thường bao quanh miếng keo sẽ là lớp nhựa phủ mỏng để tránh keo tiếp xúc với điều kiện bên ngoài khiến độ dính của keo bị ảnh hưởng. Trước khi dùng, bạn phải bóc lớp phủ ngoài này ra mới sử dụng được.
4. Cách làm tranh đính đá.
Như đã nói đến, tranh đính đá là một loại tranh có kỹ thuật thực hiện rất đơn giản, không yêu cầu về chuyên môn hay kinh nghiệm, bất cứ đối tượng nào dù là trẻ em cũng có thể làm được. Cùng Thêu Việt tìm hiểu quy trình và cách thực hiện gắn tranh đính đá ngay bây giờ nhé.
Khi mua một bức tranh đính đá để tự thực hiện, bạn sẽ nhận được bộ dụng cụ gắn đá với đầy đủ các dụng cụ cần thiết được mô tả ở phía trên và hướng dẫn chi tiết cách thực hiện gắn đá, nếu bạn chưa rõ cách thực hiện có thể yêu cầu nhà cung cấp hướng dẫn. Việc được hướng dẫn và thực hành trực tiếp chắc chắn sẽ giúp bạn nắm được cách thực hiện một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn so với việc ngồi lần mò và đọc hướng dẫn đấy.
Bộ tranh đính đã sẽ bao gồm bảng vẽ tranh và những túi đá đủ sắc màu tương ứng với mẫu tranh bạn đã lựa chọn.
Trên bảng vẽ tranh đã được in sẵn mẫu tranh cùng với những ký hiệu màu sắc tương ứng, khi gắn tranh, người thực hiện nhìn vào ký hiệu màu sắc trên bảng vẽ và lựa chọn màu đá phù hợp sau đó gắn lên là được.
Ngoài ra, bảng vẽ này còn được phủ một lớp keo để giữ cố định hạt đá, lớp keo sẽ được bảo vệ bằng một lớp nilong mỏng trong suốt để tránh bị bong tróc hoặc bị khô làm ảnh hưởng đến chất lượng của tranh sau này.
Một lưu ý cho bạn đó là, để tranh được bền hơn và tránh đá bị bung khỏi tranh, bạn phải giữ cho lớp keo thật sạch sẽ và tránh làm khô keo, muốn được như vậy thì khi gắn đá, bạn nên gắn từng phần một, gắn đến đâu thì bóc lớp nilong đến đó. Tuyệt đối không bóc hết ra 1 lần, như vậy sẽ làm keo nhanh khô, làm giảm độ bám dính và ảnh hưởng đến tuổi thọ của tranh. Việc bóc hết tấm nilong bảo vệ ra ngay khi bắt đầu gắn cũng khiến cho việc di chuyển và bảo quản tranh trong quá trình thực hiện gắn đá cũng trở nên khó khăn hơn.
Khi làm tranh đính đá tại nhà, bạn thực hiện theo những thao tác sau:
Bước 1: Đổ hạt đá theo từng màu ra khay đựng đá. Khéo léo lắc khay đựng đá theo các đường rãnh để hạt đá lật đúng mặt trên (mặt chính). Đương nhiên khi lắc hạt đá bạn không thể đòi hỏi 100% các hạt đá phải lật đúng mặt được, chỉ cần một số lượng lớn các hạt được lật đúng mặt thôi là bạn có thể thực hiện được rồi nhé. Khi bạn đã gắn gần hết các hạt đá lật đúng mặt rồi thì lại tiếp tục thực hiện thao tác trên để lật mặt hạt đá.
Bước 2: Dùng bút gắn đá chấm vào keo nến, xoay bút vào keo đảm bảo keo bám xung quanh đầu bút. Cách làm này là tương tự cho cả hai đầu bút bạn nhé.
Bước 3: Dùng bút đã được chấm keo, chấm vào mặt hạt đá trên khay đựng đá.
Bước 4: Nhấp bút nhấn vào vị trí ô của màu đá tương ứng trên nền bức tranh. Bạn cần đặt viên đá thật chính xác vào đúng vị trí của nó trên tranh, những sự xê dịch nhỏ cũng có thể kéo theo những hạt đá khác sau này bị xê dịch theo và khiến cho đường nét trong tranh không còn chính xác, chất lượng và tính thẩm mỹ của tranh cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Thực hiện lặp lại những thao tác trên để gắn kín một bức tranh đính đá. Sau khi đã gắn xong đá, tranh sẽ được chuyển đến bộ phận chuyên dụng để lăn lại đá. Việc lăn lại đá giúp những hạt đá bị xe dịch về đúng vị trí của nó, cũng để giúp những hạt đá gắn chặt hơn vào lớp keo dính.
Sau khi đã được sửa lỗi kỹ càng, tranh sẽ được phủ nhũ và đóng khung theo yêu cầu của khách hàng. Lớp nhũ sẽ giúp những hạt đá càng lấp lánh hơn, đặc biệt là dưới ánh sáng của đèn vào ban đêm thu hút ánh nhìn của mọi người. Công đoạn đóng khung cũng rất quan trọng, không thể xem nhẹ, bởi việc lựa chọn một khung tranh có màu sắc và hoa văn phù hợp sẽ giúp tôn lên vẻ đẹp vốn có của bức tranh gấp nhiều lần.
4. Một số mẹo khi làm tranh đính đá
1. Hiện nay để phục vụ việc làm tranh đính đá dễ dàng và nhanh hơn, người ta đã sáng chế ra những dụng cụ mới chuyên dụng và hiệu quả hơn rất nhiều. Tiêu biểu trong số đó là bút gắn đá dạng bánh lăn, với dạng bút này, bạn có thể gắn những mảng tranh lớn có cùng màu đá với tốc độ nhanh hơn đáng kể. Các bước thực hiện cũng như trên.
2. Trong trường hợp keo nến bám nhiều xung quanh bút nhưng vẫn không giữ được hạt đá thì có thể dùng băng dính hai mặt quấn đầu bút để chấm đá, hiệu quả giữ đá rất tốt.
3. Sau khi hoàn thành bức tranh đính đá phải cuộn để mặt gắn đá hướng ra ngoài, không cuộn vào trong để tránh lớp đá bị rụng ra. Nguyên nhân là do khi cuộn vào trong bề mặt keo sẽ bị co lại dễ bị gập đá, còn khi cuộn ra ngoài bề mặt keo sẽ căng ra.
5. Giá tranh đính đá.
Như đã phân tích ở bên trên, giá thành là một điểm chiếm ưu thế lớn của tranh đính đá so với những dòng tranh khác. So với mặt bằng chung trên thị trường tranh hiện nay, tranh đính đá có mức giá khá rẻ, chỉ từ 300.000đ trở lên.
Giá thành của một bức tranh đính đá cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thuốc tranh, mật độ họa tiết trong tranh cũng như độ khó, phức tạp của họa tiết. Những bức tranh phù hợp để treo trong những không gian nhỏ như phòng bếp, phòng ăn, phòng ngủ, phòng đọc sách hay lối đi dọc cầu thang thường là những bức có kích thước nhỏ có chủ đề các loài hoa hoặc tranh tĩnh vật với những hình ảnh, họa tiết đơn giản, không cầu kỳ. Những tác phẩm tranh đính đá như vậy thường có giá rất rẻ khoảng 300.000đ – 500.000đ, có thể phù hợp với túi tiền của mọi đối tượng người chơi tranh.
Tuy nhiên, đối với phòng khách hoặc cơ quan, nơi làm việc, những không gian này thường chuộng những mẫu tranh đính đá cỡ lớn với chủ đề tranh phong thủy mang nhiều đường nét và họa tiết cầu kỳ, phức tạp. Những tác phẩm tranh đính đá như vậy có thể có mức giá lên đến 3 – 5 triệu đồng. Treo những bức tranh như vậy trong phòng khách hoặc cơ quan, không chỉ giúp không gian của bạn được trang trí một cách sang trọng, cao cấp, nổi bật và thu hút ánh nhìn của quan khách mà còn là những đồ vật phong thủy tốt giúp mang đến những tác dụng cực thịnh cho người sở hữu.
Trên đây là những hướng dẫn làm tranh đính đá đơn giản và dễ hiểu. Mong rằng với những chia sẻ này, bạn đọc có thể tự thực hiện làm tranh đính đá tại gia một cách hiệu quả.
Chúc các bạn thành công !