Housekeeping Là Gì? Mức Lương, Lộ Trình Thăng Tiến Nghề Buồng Phòng

Lộ trình nghề nghiệp trong nghề buồng phòng gồm những vị trí nào? Mức lương bộ phận Housekeeping trong khách sạn là bao nhiêu cho từng chức danh? Nghề Housekeeping có cần biết tiếng Anh không? Nếu bạn yêu thích công việc Housekeeping và đang tìm đáp án cho những câu hỏi trên thì hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé.

Housekeeping là gì?

Khối Buồng phòng trong khách sạn có tên tiếng Anh là Housekeeping Department. Bộ phận Buồng phòng khách sạn chịu trách nhiệm về sự sạch sẽ, tiện nghi và thoải mái cho khách ở khu vực phòng và khu vực công cộng, với sứ mệnh khiến khách cảm thấy khách sạn là ngôi nhà thứ hai của họ.

Housekeeping là bộ phận Buồng phòng khách sạn

Housekeeping là bộ phận Buồng phòng khách sạn (Nguồn ảnh: Internet)

Vai trò và nhiệm vụ của bộ phận Housekeeping

Vai trò của bộ phận Housekeeping

  • Sau khi biết housekeeping là gì, ta sẽ bước tiếp sang vai trò của bộ phận Housekeeping:
  • Đón tiếp, cung cấp nơi nghỉ ngơi sạch sẽ, yên tĩnh, tiện nghi cho khách, phù hợp với thị hiếu và phong tục tập quán của khách
  • Nghiên cứu, phân tích tâm lý khách hàng để tham mưu cho ban lãnh đạo
  • Quản lý việc thuê phòng và quá trình khách ở, đảm bảo cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn
  • Theo dõi, ngăn chặn tệ nạn xã hội vào khu vực khách lưu trú

Nhiệm vụ của bộ phận Housekeeping

  • Giặt là và giặt khô đồ vải của khách sạn và đồ của khách
  • Dọn vệ sinh và phục vụ các phòng trong khách sạn
  • Dọn vệ sinh khu vực công cộng trong khách sạn
  • Duy trì tiêu chuẩn vận hành của khách sạn
  • Bảo trì, đảm bảo chất lượng trang thiết bị trong phòng
  • Đào tạo và khuyến khích nhân viên của bộ phận

Mức lương nghề buồng phòng

Theo khảo sát, xét về mặt bằng chung của ngành thì thu nhập nhân viên Housekeeping ở mức khá chứ không thấp như nhiều người vẫn nghĩ. Mức thu nhập trung bình cho cấp nhân viên khối Buồng phòng hiện tại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lương cơ bản vùng miền, khối lượng công việc, hạng sao khách sạn… và dao động từ 5 – 7 triệu đồng (bao gồm thêm các khoản khác như phụ cấp, tiền tip từ khách…)

Cụ thể, mức thu nhập tham khảo cho các vị trí thuộc cấp nhân viên khối Buồng phòng là 4 – 7 triệu/tháng cho nhân viên giặt là, 4 – 8 triệu/tháng cho nhân viên dọn phòng, 5 – 7 triệu/tháng cho nhân viên chăm sóc cây xanh, 5 – 7 triệu/tháng cho nhân viên vệ sinh công cộng…

Đối với cấp giám sát bộ phận Buồng phòng, mức lương sẽ dao động từ 7 – 12 triệu/tháng, tùy vào quy mô khách sạn, resort và tính chất công việc cụ thể. Còn đối với cấp quản lý, trưởng bộ phận Buồng phòng thì mức lương trung bình nằm trong khoảng 10 – 15 triệu/tháng.

Lộ trình thăng tiến trong nghề buồng phòng

Con đường để trở thành Giám đốc khách sạn có thể khởi điểm từ vị trí nhân viên khối Buồng phòng.

lộ trình thăng tiến buồng phòng

Lộ trình thăng tiến nghề Housekeeping (Nguồn ảnh: Internet)

Nhân viên dọn phòng

Nhân viên dọn phòng là vị trí cơ bản thuộc bộ phận Housekeeping. Đây là giai đoạn để bạn làm nghề, tích lũy kinh nghiệm và thử sức ở những vị trí khác để hiểu được công việc chung của toàn khối. Ngoài nhân viên dọn phòng, bạn có thể bắt đầu hoặc trải nghiệm thêm các vị trí như nhân viên giặt là, nhân viên vệ sinh công cộng…

Giám sát

Giám sát tầng thường phổ biến ở khách sạn 4 – 5 sao, còn khách sạn quy mô nhỏ thì có giám sát buồng phòng. Đây là vị trí quản lý cấp trung, chịu sự quản lý của trưởng bộ phận Buồng phòng.

Mức lương giám sát tầng khoảng 5 – 10 triệu/tháng, còn mức lương giám sát buồng phòng là 7 – 12 triệu/tháng.

Trưởng bộ phận

Đây là vị trí cao nhất của bộ phận Housekeeping với mức lương từ 10 – 15 triệu/tháng và có thể tiếp tục phát triển cao hơn thành tổng giám đốc khách sạn.

Mô tả công việc nhân viên dọn phòng khách sạn

Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu công việc của nhân viên dọn phòng khách sạn – những người làm công việc vệ sinh và chuẩn bị phòng ở cho khách. Quy trình làm việc của nhân viên làm phòng khách sạn bao gồm các phần sau đây:

Chuẩn bị xe đẩy

Xe đẩy làm việc của nhân viên buồng phòng khách sạn phải đầy đủ dụng cụ để dọn vệ sinh và bổ sung đồ cho phòng khách như máy hút bụi, chổi, đồ vải và khăn tắm, giỏ đựng hóa chất, cây lau nhà…

Vệ sinh phòng khách ở

Thu dọn tổng quát

  • Thu dọn ly, tách, bát, đĩa, khay thức ăn, giỏ hoa quả, bàn là, bình hoa, đồ ăn thừa, chai lọ…
  • Đổ và rửa sạch thùng rác, gạt tàn thuốc…

Kiểm tra tài sản thất lạc

Kiểm tra đồ có thể khách bỏ quên trong ngăn kéo, dưới gầm giường, gầm ghế… Nếu khách có sơ ý để quên đồ thì phải xử lý theo quy định của khách sạn.

Quy trình dọn phòng phải tuân thủ theo các bước cụ thể

Quy trình dọn phòng phải tuân thủ theo các bước cụ thể (Nguồn ảnh: Internet)

Kiểm tra trang thiết bị trong phòng

Kiểm tra theo chu trình khép kín các thiết bị như tivi, đồng hồ báo thức, đầu DVD, máy lạnh, máy sấy tóc, két sắt…

Chuẩn bị lại giường ngủ

  • Tháo tất cả đồ vải bẩn của giường ngủ như vỏ gối, vỏ chăn, ga trải giường…
  • Kiểm tra chăn, gối, tấm bảo vệ nệm và thay mới nếu cần thiết
  • Trải lại ga trải giường, lồng vỏ chăn, lồng gối…
  • Để thực hiện quy trình này, nhân viên buồng phòng của khách sạn phải nắm các kỹ thuật tháo ga giường, trải ga giường, gấp góc ga giường, thay vỏ gối…

Lau chùi đồ nội thất

Lau chùi đồ đạc trong phòng bằng khăn lau và hóa chất: tranh ảnh, gương, tủ lạnh, đồ nội thất…

Bổ sung vật dụng trong phòng cho khách

  • Kiểm tra, bổ sung giấy, bút, danh mục giặt là, trà, cà phê, gạt tàn, cốc… theo quy định khách sạn.
  • Kiểm tra và điều chỉnh vị trí vật dụng trong phòng

Vệ sinh phòng tắm

  • Thu gom các loại đồ vải bẩn
  • Rửa bát, đĩa, ly, tách
  • Vệ sinh bồn rửa mặt, bồn tắm, bồn vệ sinh, sàn phòng tắm

Hút bụi phòng khách, kiểm tra toàn diện lần cuối

Điền vào phiếu làm phòng thời gian hoàn tất

Nghề buồng phòng có cần biết tiếng Anh?

Theo những nhiệm vụ được liệt kê ở trên, có thể thấy nhân viên khối Housekeeping nói chung và nhân viên dọn phòng nói riêng đều cần biết tiếng Anh (đặc biệt là thuật ngữ buồng phòng tiếng Anh) để giao tiếp khi làm việc, đặc biệt trong khách sạn quốc tế. Bởi nếu không có ngoại ngữ thì rất khó để trò chuyện với các bộ phận khác và xử lý vấn đề phát sinh với khách.
Với vị trí nhân viên dọn phòng, giặt ủi… thì không yêu cầu quá cao về kỹ năng tiếng Anh, nhưng với những vị trí như giám sát, trưởng bộ phận… thì đòi hỏi trình độ tiếng Anh ở mức cao hơn.

Bài viết trên vừa lý giải housekeeping là gì, mức lương, lộ trình thăng tiến nghề Housekeeping và liệt kê công việc của nhân viên làm phòng khách sạn. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp ích cho bạn nếu đang định hướng trở thành nhân viên buồng phòng trong khách sạn và resort.