Hợp đồng thương mại là gì? Mức lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng thương mại được quy định như thế nào?


Hợp đồng thương mại là gì? Mức lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng thương mại được quy định như thế nào? Mong được giải đáp thắc mắc sớm nhất, xin cảm ơn! – Câu hỏi của bạn Thanh Mai ở Bình Tân.

Hợp đồng thương mại là gì?

Hợp đồng thương mại là thoả thuận giữa thương nhân với thương nhân, thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại.

Hợp đồng thương mại được điều chỉnh bởi Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự.

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định về hoạt động thương mại như sau:

1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Theo đó, hợp đồng thương mại là là thoả thuận giữa thương nhân với thương nhân, thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Hợp đồng thương mại

Mức phạt do vi phạm trong hợp đồng thương mại được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 300 Luật Thương mại 2005 quy định về phạt vi phạm như sau:

Phạt vi phạm

Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.

Căn cứ Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm như sau:

Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Theo đó, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 nêu trên.

Căn cứ Điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm như sau:

Mức phạt vi phạm

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.

Theo đó, Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 Luật Thương mại 2005.

Mức lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng thương mại được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như sau:

Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Căn cứ Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP quy định về xác định lãi suất trung bình do chậm thanh toán như sau:

Xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005

Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo đó, trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền trong hợp đồng thương mại thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Mức lãi suất trung bình được quy định tại Điều 11 nêu trên trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, mức phạt do vi phạm hợp đồng thương mại tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền trong hợp đồng thương mại thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Mức lãi suất trung bình được quy định tại Điều 11 nêu trên trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.