Hợp đồng thương mại là gì? Đặc điểm của hợp đồng thương mại?

Hợp đồng thương mại là gì? Đặc điểm của hợp đồng thương mại?

    Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, hợp đồng thương mại chiếm một vai trò rất quan trọng, vì hầu hết các giao dịch trong xã hội, ví dụ như mục đích kinh doanh, nhu cầu sinh hoạt trong đời sống đều liên quan đến hợp đồng. Theo đó, việc đàm phán giữa các bên và soạn thảo các điều khoản quy định của hợp đồng thương mại là công việc rất quan trọng. Đồng thời khi tiến hành soạn thảo hợp đồng cần phải được tiến hành một cách cẩn trọng, tránh xảy ra thiếu xót. Điều này nếu xảy ra thiếu xót dẫn đến rất nhiều rủi ro cho các bên. Thật vậy, khi xảy ra tranh chấp, các điều khoản của hợp đồng thương mại không rõ ràng hoặc thiếu xót các quy định quan trọng dẫn đến khó giải quyết tranh chấp. Luật Dương Gia dựa trên những căn cứ pháp lý để giải quyết vấn đề về vấn đề về hợp đồng thương mại như sau:

    I.Cơ sở pháp lý 

    • Luật thương mại 2005

    II. Giải quyết vấn đề

    Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

    1. Hợp đồng thương mại là gì ?

    Hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các chủ thể kinh doanh với nhau và với các bên có liên quan về việc xác lập, thay đổi, hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thương mại

    Xem thêm: Mẫu hợp đồng thương mại quốc tế, mua bán hàng hoá quốc tế mới nhất năm 2022

    2. Đặc điểm của hợp đồng thương mại:

    Với cách hiểu về hợp đồng thương mại như trên, hợp đồng thương mại mang những đặc điểm đặc thù như sau:

    Hợp đồng thương mại được kí kết giữa các bên là thương nhân, hoặc có một bên là thương  nhân. Đây là một điểm đặc trưng của hợp đồng thương mại so với các loại hợp đồng dân sự.

    Về chủ thể trong hợp đồng thương mại ở đây gồm thương nhân (bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh), cá nhân, tổ chức khác có hoạt động liên quan đến thương mại (Điều 2 Luật thương mại 2005)

    Thứ nhất, về nội dung của Hợp đồng thương mại

    Nội dung của hợp đồng thương mại nói riêng và hợp đồng nói chung là tổng hợp các điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận, các điều khoản này xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản của hợp đồng thương mại là nội dung của hợp đồng thương mại là hoạt động thương mại. Mỗi  loại hợp đồng có những quy định nhất định về các điều khoản cơ bản. Ví dụ : Đối với hợp đồng mua bán thì điều khoản cơ bản bao gồm đối tượng và giá cả.

    Pháp luật đề cao sự thỏa thuận giữa các bên giao kết, tuy nhiên nội dung của hợp đồng phải tuân theo những quy định của pháp luật hợp đồng nói chung, được quy định tại BLDS 2015. Loại trừ những điều khoản của pháp luật có nội dung mang tính bắt buộc, các bên có thể thỏa thuận với nhau những nội dung khác với nội dung quy định trong pháp luật. Điều 398 Luật dân sự 2015 có quy định các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng: Đối tượng của hợp đồng; Số lượng, chất lượng; Giá, phương thức thanh toán; Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.”

    Tùy theo tính chất của từng loại hợp đồng các bên có thể thỏa thuận hay không thỏa thuận tất cả các điều ghi trên. Các bên cũng có thể bổ sung thêm vào hợp đồng những điều khoản không có quy định nhưng các bên cảm thấy không cần thiết.

    Ngoài ra, để làm rõ nội dung của hợp đồng, có sự bổ sung bởi phụ lục hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng, nhưng nội dung của phụ lục không được trái với hợp đồng.

    Trường hợp phụ lục có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng  thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Nếu các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

    Thứ hai: Về hình thức thì hợp đồng thương mại

    Hình thức hợp đồng thương mại được thiết lập theo cách thức mà hai bên thỏa thuận, có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong một số trường hợp nhất định, hợp đồng phải được thiết lập bằng văn bản như hợp đồng đại lý thương mại, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hội chợ, triển lãm thương mại…

    Điều 24 Luật thương mại năm 2005 đã quy định: “Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng háo mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”. Luật thương mại năm 2005 cũng cho phép thay thế hình thức văn bản bằng  hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, bao gồm điện báo, fax, thông điệp dữ liệu điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

    Thứ ba: Về đối tượng của hợp đồng 

    Đối tượng của hợp đồng thương mại là hàng hóa. Theo nghĩa thông thường, hàng hóa được hiểu là những sản phẩm lao động của con người, được tạo ra nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu của con người. Dực vào tính chất pháp lý, hàng hóa được chia thành nhiều loại khác nhau như bất động sản, động sản, tài sản hữu hình, tài sản vô hình, các quyền về tài sản…

    Tại Việt Nam, theo Khoản 3 Điều 5 Luật thương mại năm 1997, đối tượng được coi là hàng hóa bao gồm: máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các động sản khác được lưu thông trên thị trường, nhà ở dùng để kinh doanh dưới hình thức cho thuê, mua, bán. Trên thức tế, các hoạt động mua bán có tính chất thương mại ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở những loại hàng hóa này mà với cách liệt kê như Luật thương mại năm 1997 lại bó hàng hóa trong một phạm vi hẹp. Khắc phục bất cập trên, Khoản 2 Điều 3 Luật thương mại năm 2005 quy định:

    “Hàng hóa bao gồm:

    i) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

    ii) Những vật gắn liền với đất đai”.

    Như vậy, hàng hóa trong hợp đồng thương mại có thể là hàng hóa đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ hình thành trong tương lai, có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông trong thương mại.

    Thứ tư: mục đích của hợp đồng

    Mục đích của hợp đồng thương mại là lợi nhuận. Xuất phát từ mục đích của hoạt động thương mại là nhằm sinh lợi nên khi các thương nhân tham gia ký kết một hợp đồng thương mại suy cho cùng cũng đều vì lợi ích lợi nhuận. Theo Khoản 3 Điều 1 Luật thương mại năm 2005, đối với những hợp đồng giữa thương nhân với chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích sinh lợi, việc có áp dụng Luật thương mại để điều chỉnh quan hệ hợp đồng này hay không là do bên không có mục đích lợi nhuận quyết định.

    Thứ năm : Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

    Hợp đồng thương mại được giao kết phải đảm bảo các nguyên tắc của hợp đồng theo quy định của pháp luật. Việc quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo sự thỏa thuận của các bên phù hợp với ý chí thực của họ, hướng đến những lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Theo quy định của Bộ luật dân sự việc giao kết hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc: tự do giao kết nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội, luật thương mại là luật riêng của luật dân sự cho nên cũng phải chịu sự điều chỉnh của những nguyên tắc trên.

    Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 có quy định thì một giao dịch có hiệu lực khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:

    Thứ nhất, người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, bởi vì hành vi giao kết hợp đồng sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các bên. Do vậy để hợp đồng có hiệu lực pháp lý và có khả năng thực hiện, người giao kết hợp đồng phải có khả năng nhận thức hành vi giao kết hợp đồng cũng như hậu quả của việc giao kết hợp đồng. Đối với cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng phải đúng thẩm quyền. Nếu như người tham gia giao dịch không đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì hợp đồng sẽ không có hiệu lực và theo qui định của pháp luật sẽ bị tuyên bố vô hiệu.

    Thứ hai, mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Mục đích của hợp đồng là những lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi giao kết hợp đồng. Nội dung của hợp đồng bao gồm các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận, thống nhất. Để hợp đồng có hiệu lực và có khả năng thực hiện, pháp luật quy định mục đích, nội dung của hợp đồng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.

    Thứ ba, người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Việc quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo sự thỏa thuận của các bên phù hợp với ý chí thực của họ, hướng đến những lợi ích chính đáng của các bên, đồng thời không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ. Theo quy định của Bộ luật dân sự, việc giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng kinh doanh thương mại nói riêng phải tuân theo các nguyên tắc: tự do giao kết nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội: Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Những hành vi cưỡng ép, đe dọa, lừa dối để giao kết hợp đồng… là lý do dẫn đến hợp đồng bị coi là vô hiệu.

    Thứ tư, nếu pháp luật có quy định về hình thức của hợp đồng thì phải tuân theo quy định này. Thông thường đó là quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc văn bản hợp đồng phải được công chứng, chứng thực.Trong trường hợp này, hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực, khi giao kết các bên phải tuân theo hình thức được pháp luật quy định. Để hợp đồng thương mại có hiệu lực, hợp đồng phải được xác lập theo những hình thức được pháp luật thừa nhận.