Hợp đồng mua bán hàng hóa và những lưu ý khi soạn thảo

Hợp đồng mua bán hàng hóa là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản. Theo quy định tại Điều 430 Bộ Luật Dân sự 2015, thì Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?

Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Định nghĩa này được chúng tôi xây dựng lại trên cơ sở định nghĩa chung về hợp đồng mua bán tài sản nêu ở trên đây, bởi hàng hóa là một dạng cụ thể của tài sản.

Cũng có những quan điểm cho rằng, tài sản chính là hàng hóa và ngược lại. Quan điểm này đang có những tranh luận, nên chúng tôi vẫn tách các khái niệm này để thuận tiện hơn trong cách hiểu.

Theo quy định tại Điều 24 Luật Thương mại 2005 về hình thức hợp đồng mua bán hàng hoá, thì “Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng MBHH mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”.

Đặc trưng trong hợp đồng mua bán hàng hóa mà bạn cần lưu ý khi so sánh với các loại hợp đồng khác, là việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa.

Yếu tố chuyển quyền sở hữu hàng hóa sẽ kéo theo một loạt các các vấn đề khác, như: (i) thời điểm chuyển giao quyền sở hữu (không nên nhầm lẫn với thời điểm giao hàng), (ii) thời điểm chuyển giao rủi ro đối với hàng hóa, (iii) trách nhiệm của bên bán sau khi giao hàng và sau thời điểm chuyển giao quyền sở hữu (hai thời điểm này có thể khác nhau), (iv) bảo lưu quyền sở hữu sau khi chuyển giao hàng hóa ……

Cũng như các loại hợp đồng khác, trong hợp đồng MBHH, yếu tố thỏa thuận và tự nguyện sẽ có tính tiên quyết. Nếu bất kỳ bên nào chứng minh được rằng, hợp đồng MBHH được ký kết và thực hiện không trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện, tự do ý chí thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó là vô hiệu.

Hợp đồng MBHH thường được ký kết bởi hai bên, nhưng cũng có thể được ký kết giữa nhiều bên khác nhau, tùy thuộc vào loại hàng hóa, tính chất giao dịch ….

Cần lưu ý gì khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa?

Khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa, cần lưu ý một số nội dung chính như sau:

Thứ nhất: Về chủ thể hợp đồng.

Cần đưa vào hợp đồng các thông tin về chủ thể một cách đầy đủ, có tính xác thực. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký ở một nơi, nhưng lại hoạt động và giới thiệu địa chỉ ở một địa điểm khác. Do đó, kinh nghiệm cho thấy là nên ghi theo địa chỉ thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc có thể ghi cả thông tin đăng ký và thông tin hoạt động thực tế.

Chủ thể hợp đồng có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Với chủ thể là cá nhân, thì phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật để tham gia vào quan hệ mua bán.

Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một bên chủ thể có thể là thể nhân hoặc pháp nhân nước ngoài, nên việc xác định tư cách chủ thể của hợp đồng sẽ phụ thuộc vào pháp luật của Quốc gia nơi chủ thể đó đăng ký. Do vậy, khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài, cần có sự tham vấn hoặc hỗ trợ bởi Luật sư kinh tế quốc tế có nhiều kinh nghiệm và uy tín để tránh bị lừa đảo.

Người ký kết hợp đồng phải là người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp, mà thông thường là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm soạn thảo hợp đồng, thì trước khi chính thức ký kết, các bên nên có một bộ hồ sơ pháp lý của mỗi bên chủ thể, trong đó lấy Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp làm cơ sở để xác định người có thẩm quyền ký kết hợp đồng. Nếu một bên ký kết ủy quyền cho người khác không phải là người đại diện theo pháp luật thì cần có giấy ủy quyền có hiệu lực kẹp cùng với bản hợp đồng.

Thứ hai: Về đối tượng hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa. Do vậy, cần có sự mô tả một cách chi tiết, rõ ràng và đầy đủ về hàng hóa. Các thông tin cần mô tả gồm tối thiểu các thông tin như: Số lượng, chủng loại, quy cách, yêu cầu bảo quản, tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn ….

Thông thường, trong giao dịch mua bán hàng hóa, các bên sẽ ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán hàng hóa, và trong hợp đồng nguyên tắc đó sẽ không đề cập cụ thể tới thông số chi tiết của hàng hóa mà tách riêng ra trong một phụ lục cho mỗi đơn hàng (PO).

Do vậy, với loại hợp đồng nguyên tắc này, các bên cần chuẩn bị sẵn mẫu PO để đảm bảo rằng, các thông tin cả trong PO và trong hợp đồng nguyên tắc có khả năng thể hiện một cách đầy đủ, chi tiết và rõ ràng về hàng hóa.

Đối với những loại hàng hóa đặc biệt, thì hợp đồng mua bán có thể ghi trực tiếp hoặc tách riêng một phụ lục để mô tả về hàng hóa đó. Nếu hàng hóa thông thường, thì có thể ghi ngắn gọn hơn và dẫn chiếu tới những thông lệ mua bán mà hai bên đã xác lập trước đó.

Việc trình bày thông tin về đối tượng mua bán không chỉ giúp các bên thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng mà còn có thể giúp bên thứ ba (trọng tài, Tòa án) xác định rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên khi có tranh chấp xảy ra.

Thói quen lập hợp đồng một cách sơ sài, chiếu lệ và theo thói quen sẽ trở nên cực kỳ rủi ro khi có tranh chấp phát sinh.

Việc mô tả rõ các thông tin về hàng hóa còn là cơ sở để xác định chất lượng hàng hóa sau khi giao hàng.

Nếu bên bán là nhà sản xuất, thì hợp đồng có thể tham chiếu tới các tiêu chuẩn mà nhà sản xuất đã công bố cho loại hàng hóa đó, hoặc các bên có thể lấy bản công bố đó lập thành phụ lục hợp đồng.

Trong trường hợp bên bán chỉ là trung gian thương mại (nhà nhập khẩu hay nhà phân phối), thì hợp đồng cần có những quy định ràng buộc nghĩa vụ của bên bán về quyền sở hữu, cơ chế chịu trách nhiệm và trách nhiệm về chất lượng sau khi giao hàng …..

Thứ ba: Về giá cả hợp đồng, phương thức và thời gian thanh toán

Giá cả hợp đồng do các bên tự do thỏa thuận và ghi nhận và hợp đồng. Các bên có thể tách điều khoản về giá cả thành một phụ lục riêng.

Hợp đồng mua bán hàng hóa cần làm rõ được các yếu tố cấu thành trong giá bán đã bao gồm các chi phí phát sinh (như chi phí giao hàng, bảo hiểm, thuế …….) hay chưa. Kinh nghiệm mà các Luật sư giải quyết tranh chấp của chúng tôi đã chỉ ra rằng, các tranh chấp về giá thường xuất phát từ việc các bên chỉ ghi nhận một cách chung chung về giá mà không làm rõ các yếu tố cấu thành của giá.

Hợp đồng cũng cần có các quy định cụ thể về phương thức và thời gian thanh toán để đảm bảo rằng, bên mua sẽ có nghĩa vụ thanh toán một cách đầy đủ, đúng hạn. Quy định này còn là cơ sở để xác định nghĩa vụ thanh toán khoản tiền phạt trả chậm trong trường hợp vi phạm.

Thứ tư: Về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu

Chuyển giao quyền sở hữu là nội dung quan trọng nhất trong hợp đồng mua bán hàng hóa, nhưng lại thường bị bỏ quên. Với các Luật sư có kỹ năng soạn thảo hợp đồng, thì điều khoản về chuyển giao quyền sở hữu và chuyển giao rủi ro là những nội cứng nhất thiết phải quy định.

Về vấn đề này, cần lưu ý một số quy định của pháp luật như sau:

Điều 238 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về “Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao”.

Điều 161 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao. Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản”.

Như vậy, ở đây có vài điểm cần lưu ý:

Thứ nhất: Nếu trong hợp đồng mua bán hàng hóa có quy định về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa thực hiện theo thỏa thuận của các bên.

Thứ hai: Nếu trong hợp đồng MBHH không có quy định, thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa sẽ là thời điểm tài sản được chuyển giao, tức là thời điểm mà bên mua hoặc đại diện hợp pháp của bên mua nhận được tài sản từ bên bán.

Giải quyết các nội dung về chuyển quyền sở hữu sẽ hết sức quan trọng trong nhiều tình huống. Ví dụ: A bán cho B một hòn đá trang trí nặng 50kg. Trong lúc chờ giao hàng, chẳng may hòn đã bị tuột khỏi dây và lăn xuống đè chết một người ở phía dưới. Vậy, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Hoặc ví dụ khác: A bán cho B một khối gỗ với giá là 100 triệu đồng. Trong thời gian chờ thanh toán (Gỗ đang gửi ở kho của bên thứ ba), thì giá gỗ đột ngột tăng lên 150tr và A muốn phá hợp đồng để bán cho người khác. Vậy xử lý trách nhiệm của các bên với ý định phá hợp đồng sẽ như thế nào?.

Thứ năm: Về bảo hành hàng hóa

Điều 446 Bộ Luật dân sự 2015 quy định “Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật”.

Các bên có thể thỏa thuận về thời hạn bảo hành đối với hầu hết các loại hàng hóa. Tuy nhiên, một số loại hàng hóa (như nhà ở, công trình xây dựng …) thì thời hạn bảo hành được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Do đó, các bên nên kiểm tra kỹ quy định của pháp luật và thông lệ của thị trường để đưa ra các quy định về bảo hành một cách hợp lý.

Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa

Hợp đồng MBHH có nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào loại tài sản và hình thức giao dịch (Mua bán một lần hoặc mua bán theo nhiều đợt), nên sẽ có các mẫu hợp đồng khác nhau. Quý khách không nên sử dụng các mẫu hợp đồng có sẵn trên mạng Internet nếu chưa hiểu đầy đủ về mẫu hợp đồng đó và giao dịch mà mình đang chuẩn bị thực hiện.