☑️ Hợp Đồng Mua Bán Hàng Hóa Quốc Tế (Hợp Đống Ngoại Thương) Là Gì?
11/01/2022 10:28:12
Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Do đó, nhu cầu tạo lập hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng ngoại thương) cũng đang ngày càng gia tăng. Vậy hợp đồng mua bán hàng quốc tế là gì? Có đặc điểm thế nào? Hãy cùng EFY-eCONTRACT tìm hiểu qua bài viết sau.
Tìm hiểu về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế gồm có 2 yếu tố, đó là yếu tố quốc tế và yếu tố về mua bán hàng hóa. Vì thế, trước khi tìm hiểu hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì, chúng ta cần hiểu về hợp đồng quốc tế.
Hợp đồng quốc tế là gì?
Hợp đồng quốc tế được hiểu là hợp đồng được ký bởi những người có quốc tịch khác nhau, ở các quốc gia khác nhau. Chủ thể của hợp đồng quốc tế có thể ở hai quốc gia khác nhau. Vì thế, luật áp dụng của hợp đồng quốc tế sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc của tư pháp quốc tế. Các bên có thể lựa chọn luật áp dụng và nơi giải quyết tranh chấp.
Hợp đồng quốc tế hiện đang được ký kết trong rất nhiều lĩnh vực. Trong đó, phổ biến nhất là hợp đồng hợp tác kinh doanh và đặc biệt là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là gì?
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hay còn gọi là hợp đồng ngoại thương là hợp đồng được ký kết bởi các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau. Đồng thời, hàng hóa – đối tượng của hợp đồng sẽ được chuyển từ quốc gia này qua quốc gia khác, tức là có sự dịch chuyển giữa các biên giới các quốc gia/các vùng lãnh thổ. Trong đó, biên giới có thể được hiểu là biên giới địa lý hoặc biên giới theo pháp lý (dù không có sự dịch chuyển về lãnh thổ).
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng được ký kết bởi các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau
Theo quy định của luật thương mại, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập bằng văn bản hoặc các hình thức khác, có giá trị pháp lý tương đương. Việc mua bán hàng hóa quốc tế có thể được diễn ra dưới các hình thức như:
– Xuất khẩu/nhập khẩu
– Tạm nhập/tái xuất/tạm xuất/tái nhập
– Chuyển khẩu
Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
So với các hợp đồng thông thường, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có điểm đặc biệt hơn, khi chủ thể của hợp đồng có quốc tịch khác nhau hoặc nằm ở các quốc gia khác nhau. Vậy đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có điểm gì khác biệt hay không?
Về chủ thể
Thông thường, trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, chủ thể của hợp đồng sẽ có trụ sở ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, các bên giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế vẫn có thể có trụ sở nằm trên cùng một quốc gia/vùng lãnh thổ.
Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thường là các thương nhân. Các thương nhân này sẽ trực tiếp hoạt động kinh doanh. Thương nhân có thể bao gồm cá nhân, pháp nhân. Các cá nhân, pháp nhận này phải có đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để có thể tham gia vào các hoạt động thương mại. Tùy vào từng quốc gia mà quy định đối với thương nhân sẽ có sự khác biệt. Vì thế, trước khi ký kết hợp đồng, các bên cần xem xét kỹ về điều kiện cụ thể ở quốc gia nơi thương nhân đó đăng ký hoạt động.
Chủ thể của hợp đồng sẽ có trụ sở ở các quốc gia khác nhau
Về đối tượng của hợp đồng
Đúng như tên gọi, đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc té là hàng hóa. Tuy nhiên, hàng hóa này phải là động sản để có thể dịch chuyển qua biên giới của các quốc gia/vùng lãnh thổ.
Về đồng tiền thanh toán
Đồng tiền được sử dụng để thanh toán có thể là nội tệ với 1 trong 2 bên hoặc là ngoại tệ với cả các. Các bên chủ thể có thể thỏa thuận để lựa chọn đồng tiền trong quá trình giao dịch, mua bán. Đây là điểm khác biệt của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế với hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước. Với hợp đồng trong nước, các bên bắt buộc phải sử dụng Đồng Việt Nam, trong khi đó, với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có thể lựa chọn đồng tiền thanh toán.
Về ngôn ngữ của hợp đồng
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không bắt buộc về ngôn ngữ. Tuy nhiên, phần lớn các thương nhận đều sử dụng tiếng anh làm ngôn ngữ trong hợp đồng.
Về cơ quan giải quyết tranh chấp
Trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nếu có phát sinh tranh chấp, các bên có thể giải quyết tranh chấp tại tòa án của 1 trong 2 quốc gia nơi các bên giao kết hợp đồng đặt trụ sở hoặc tại cơ quan trọng tài quốc tế.
Về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Luật điều chỉnh trong hợp đồng sẽ do các bên lựa chọn. Các bên có thể chọn luật của quốc gia mà 1 trong 2 bên chủ thể đăng ký hoạt động/có quốc tích hoặc các bên có thể chọn pháp luật của một quốc gia thứ 3.
Bên cạnh luật của các quốc gia, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cũng có thể áp dụng các tập quán quốc tế. Chẳng hạn như Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).
Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)
Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có yếu tố quốc tế. Vì thế, khi soạn thảo hợp đồng, các bên cần lưu ý thật kỹ về cả các quy định trong nước và luật của các quốc gia nơi chủ thể còn lại có quốc tịch. Để việc giao kết hợp đồng thuận lợi, đảm bảo quyền lợi, các bên cần lưu ý một số yếu tố như:
Về điều khoản thông tin
Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên cần điền đầy đủ và chính xác các thông tin cơ bản. Nội dung này cần đảm bảo chính xác trước khi ký kết.
– Đối với cá nhân: cần ghi đầy đủ tên, số chứng minh thư, địa chỉ thường trú
– Đối với tổ chức/doanh nghiệp, ghi tên đầy đủ, trụ sở doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, số giấy phép thành lập và mã số thuế.
Về đối tượng của hợp đồng
Tùy từng loại hợp đồng mà đối tượng trong hợp đồng sẽ có sự khác biệt:
– Với hợp đồng dịch vụ/hợp đồng gia công hàng hóa: đây là các loại hợp đồng có đối tượng cụ thể. Vì thế, trong hợp đồng, các bên cần xác định công việc rõ ràng, ghi chi tiết về các nội dung như: cách thức thực hiện, người thực hiện, kết quả sau khi hoàn thành…
– Với hợp đồng mua bán hàng hóa: đúng như tên gọi, đây là loại hợp đồng có đối tượng là hàng hóa. Khi giao kết hợp đồng, các bên cần ghi rõ về loại hàng hóa, số lượng, yêu cầu về chất lượng…
Tùy từng loại hợp đồng mà đối tượng trong hợp đồng sẽ có sự khác biệt
Lưu ý về các điều khoản trong hợp đồng
Ngoài ra, để đảm bảo hợp đồng chặt chẽ, có giá trị pháp lý, khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên cũng cần lưu ý tới một số điều khoản quan trọng như:
– Điều khoản đảm bảo chất lượng hàng hóa: Đây là điều khoản quy định về chất lượng hàng hóa. Tùy từng loại hàng hóa mà quy chuẩn sẽ có sự khác biệt. Điều khoản này quy định càng chi tiết thì việc xác định quyền, trách nhiệm của các bên sẽ càng cụ thể, dễ dàng hơn.
– Điều khoản về thanh toán: khi thỏa thuận về thanh toán cần lưu ý 2 yếu tố:
+ Giá của từng loại hàng hóa: Cần ghi chi tiết giá. Đồng thời quy định giá này có bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí khác hay không?
+ Phương thức thanh toán: Ghi rõ đồng tiền thanh toán. Trong mua bán hàng hóa quốc tế, các phương thức thanh toán trực tuyến thường được sử dụng. Vì thế, trong hợp đồng cũng cần ghi rõ về số tài khoản giao dịch, bên chịu phí chuyển khoản và lãi suất trong quá trình trả chậm tiền hàng…
– Điều khoản về hủy bỏ hợp đồng: việc hủy hợp đồng thường do vi phạm khi giao hàng. Trong trường hợp vi phạm hợp đồng, các bên có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan. Đồng thời, yêu cầu bên vi phạm tiến hành bồi thường thiệt hại. Các bên có thể quy định về trường hợp giao hàng thừa/thiếu, giao hàng sai quy định, không đồng bộ hoặc không đúng chủng loại hàng hóa.
– Điều khoản giải quyết tranh chấp: Khác với hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, bên cạnh tòa án, các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại. Các bên cần lưu ý vấn đề này để thỏa thuận lựa chọn 1 trong 2 cơ quan trên khi có tranh chấp.
– Điều khoản về phí vận chuyển và các chi phí liên quan: Các bên nên thỏa thuận rõ chi phí khi giao hàng hoặc chi phí khi phát sinh trong quá trình giao hàng.
Có thể thấy, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (hợp đồng ngoại thương) có rất nhiều yếu tố cần lưu ý. Đây là loại hợp đồng có yếu tố quốc tế, liên quan tới các quy định của pháp luật quốc tế và luật của nước nơi chủ thể còn lại là thành viên. Vì thế, các bên cần lưu ý để việc giao kết thuận lợi, đảm bảo các quyền lợi chính đáng.
Để được tư vấn, giải đáp thắc mắc và báo giá cụ thể, vui lòng đăng ký TẠI ĐÂY.
✅ Hoặc ngay để được hỗ trợ trực tiếp
Tổng đài: 19006142 / 19006139
KV Miền Bắc – (Mr Hưng): 0911670826 – (Ms Hằng): 0911 876 893
KV Miền Nam – (Ms Thùy): 0911 876 899 / (Ms Thơ): 0911 876 900
Hợp đồng điện tử EFY-eCONTRACT – Bỏ ký tay, thay ký số
MinhNH