HỢP ĐỒNG KINH TẾ HAY HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI?

Công ty Luật Thái An chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, soạn thảo các loại hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại và các loại hợp đồng khác trong kinh doanh. Để được bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong các giao dịch, hãy sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp của chúng tôi để phòng tránh rủi ro.

“Hợp đồng dân sự” là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Luật  thương mại năm 2005 thay thế Luật thương mại năm 1997. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Bộ luật Dân sự 2015 thay thế Bộ luật dân sự 2005. Trước đó Bộ luật này thay thế Bộ luật dân sự năm 1995. Đáng lưu ý là kể từ ngày Bộ luật dân sự 1995 có hiệu lực thì Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 29 tháng 9 năm 1989 hết hiệu lực.  

Như vậy, đã từ lâu, kể từ ngày Luật Thương mại, Bộ Luật dân sự có hiệu lực và ngày Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 hết hiệu lực, nhưng đến nay trong quá trình tư vấn pháp lý Công ty luật Thái An vẫn được các rất nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp “Bây giờ, chúng tôi muốn ký kết hợp đồng kinh tế thì căn cứ vào văn bản pháp luật nào?”. Ngoài ra, khi tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, chúng tôi vẫn thấy tồn tại các mẫu hợp đồng căn cứ vào Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989.

Trước thực trạng đó, bài viết “Hợp đồng kinh tế hay Hợp đồng thương mại” này giúp các chủ doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát để làm sao ký kết hợp đồng đúng luật, tránh rủi ro pháp lý do hợp đồng vô hiệu. 

1. Căn cứ pháp lý để ký kết hợp đồng là gì?

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, do Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 đã hết hiệu lực, tùy thuộc vào chủ thể ký kết hợp đồng, đối tượng của hợp đồng và các yếu tố khác cấu thành hợp đồng mà các doanh nghiệp ký kết hợp đồng căn cứ vào Luật Thương Mại 2005 hay Bộ Luật Dân sự 2015 hay luật chuyên ngành.

2. Tên gọi hợp đồng thế nào?

Trước đây, khi ký hợp đồng trong kinh doanh thì hầu như các doanh nghiệp đều đặt tên “Hợp đồng kinh tế”. Giờ đây, khi không còn Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì về mặt pháp lý không thể tồn tại khái niệm hay tên gọi “Hợp đồng kinh tế”. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn “sính” tên gọi “Hợp đồng kinh tế”. Họ cho rằng với tên gọi như vậy hợp đồng có vẻ quan trọng hơn…

Nếu đó chỉ là thói quen trong việc gọi tên thì không vấn đề gì. Dẫu sao, trên hợp đồng chính thức và đặc biệt là căn cứ để áp dụng pháp luật thì cần phải chính xác và đúng quy định pháp luật. Do đó, cùng với việc bỏ căn cứ vào “Pháp lệnh hợp đồng kinh tế”, thì khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp cũng rất nên thôi dùng tên “Hợp đồng kinh tế”.

3. Dùng tên gọi Hợp đồng nào đây? 

Có một số ý kiến cho rằng chỉ cần dùng tên “Hợp đồng” là được. Nhưng với cái tên như vậy cũng không ổn, bởi không nói rõ được nội dung của hợp đồng, mà quy định pháp luật lại điều chỉnh ngay ở tiêu đề đầu tiên.

Như vậy, tốt hơn cả là sử dụng chính phân loại hợp đồng được điều chỉnh trong Luật Thương mại, Bộ Luật dân sự hay các luật khác.

4. Luật Thương mại quy định các loại hợp đồng như sau:

– Hợp đồng mua bán hàng hoá (Điều 24, Luật Thương mại),
– Hợp đồng dịch vụ (Điều 74).

Để cho chi tiết, cụ thể  hơn nữa, đối với từng loại hàng hóa và dịch vụ lại gắn với tên của hàng hóa và dịch vụ đó. Ví dụ:

– Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại (Điều 110, Luật Thương mại),
– Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ (Điều 124),
– Hợp đồng dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại (Điều 140), 
– Hợp đồng đại diện cho thương nhân (Điều 142), 
– Hợp đồng uỷ thác ((Điều 159), 
– Hợp đồng đại lý (Điều 168),
– Hợp đồng gia công (Điều 179), 
– Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá (Điều 193), 
– Hợp đồng dịch vụ quá cảnh (Điều 251), 
– Hợp đồng cho thuê hàng hoá  (Điều 274), 
– Hợp đồng nhượng quyền thương mại (Điều 285).

5. Bộ luật Dân sự quy định các loại hợp đồng như sau:

– Hợp đồng mua bán tài sản (Điều 428), 
– Hợp đồng mua bán nhà ((Điều 450), 
– Hợp đồng trao đổi tài sản (Điều 463) 
– Hợp đồng tặng cho tài sản (Điều 465), 
– Hợp đồng vay tài sản (Điều 468), Hợp đồng thuê tài sản (Điều 480); 
– Hợp đồng thuê nhà (Điều 492), 
– Hợp đồng thuê khoán tài sản (Điều 501), 
– Hợp đồng mượn tài sản (Điều 512), 
– Hợp đồng dịch vụ (Điều 518), 
– Hợp đồng vận chuyển hành khách (Điều 527), 
– Hợp đồng vận chuyển tài sản (Điều 535); 
– Hợp đồng gia công  (Điều 547), Hợp đồng gửi giữ tài sản (Điều 559), 
– Hợp đồng bảo hiểm (Điều 567)
– Các loại hợp đồng bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Điều 568), 
– Hợp đồng uỷ quyền (Điều 581).

Ngoài ra, còn có các loại hợp đồng khác theo các luật khác đối với hoạt động đặc thù như Hợp đồng tư vấn pháp luật theo Luật Luật sư, Hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao đồng, Hợp đồng đại lý thuế, Hợp đồng thi công thiết kế công trình…

6. Cần thể hiện căn cứ trên hợp đồng

Việc nêu đúng căn cứ pháp lý giúp các bên áp dụng đúng các quy định có liên quan trong quá trình các bên thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng.

Vấn đề đặt ra: Trong trường hợp các bên đưa các căn cứ pháp lý không đúng trong hợp đồng thì như thế nào? Trong hợp đồng các bên căn cứ vào Bộ luật dân sự, trong khi theo phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chủ thể và các yếu tố khác của hợp đồng thì phải căn cứ vào Luật Thương mại thì khi xảy ra tranh chấp giữa các bên, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ không áp dụng căn cứ sai đó. Các cơ quan tài phán (trọng tài hoặc tòa án) sẽ áp dụng đúng các quy định của pháp luật mà giải quyết, tuyệt nhiên không theo phần căn cứ trong hợp đồng mà các bên đưa ra. Điều này cho thấy: Bên nào nhận định và áp dụng các căn cứ pháp lý không đúng đó sẽ bị chịu thiệt thòi. Do đó, việc nhận thức đúng đắn và vận dụng đúng các quy định pháp luật về hợp đồng là rất quan trọng đối với doanh nghiệp.

Những điều chúng tôi trình bày ở trên về căn cứ pháp lý và tiêu đề, tên gọi hợp đồng tưởng chừng như nhỏ nhặt, giản đơn, nhưng trên thực tế lại không hề nhỏ chút nào. Bởi vì quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng có thể bị ảnh hưởng, nhất là trong hoạt động thương mại.

LƯU Ý: Việc xác định đúng, áp dụng đúng, ký kết đúng hợp đồng thương mại ngay từ đầu sẽ định hướng tốt cho mỗi doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, việc sử dụng dịch vụ tư vấn hợp đồng trong quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết, thực hiện hoặc giải quyết tranh chấp hợp đồng của các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Hiện nay các quy định pháp luật trên mọi lĩnh vực được ban hành với số lượng lớn và có có xu hướng thay đổi nhanh. Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với những quy phạm pháp luật quốc tế thì các doanh nghiệp cần phải biết và áp dụng cho đúng, tránh trường hợp “thua trên sân nhà”. Chỉ có sự chuyên nghiệp trong tư vấn pháp lý mới có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.

* Nếu bạn còn bất gì điều gì vướng mắc, hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!