Hợp đồng dịch vụ – Quyền & nghĩa vụ các bên tham gia hợp đồng
Hợp đồng dịch vụ là một trong những loại hợp đồng dân sự thông dụng được được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, dịch vụ được coi là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Để tìm hiểu các vấn đề xoay quanh hợp đồng dịch vụ, mời Quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây!
1. Khái niệm hợp đồng dịch vụ
Khái niệm về hợp đồng dịch vụ.
Theo Điều 513, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hợp đồng dịch vụ: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.”.
2. Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ
Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ.
Hợp đồng dịch vụ là một loại hợp đồng dân sự nên bị chi phối và mang một số đặc điểm sau:
-
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ xuất phát từ sự thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ. Trong đó:
-
Bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ
-
Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ
-
Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ
Có thể thấy, hợp đồng dịch vụ có sự đối ứng hai bên về nghĩa vụ. Bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lý theo yêu cầu của bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ tiếp nhận kết quả và trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ.
-
Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng có đền bù
Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ, khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện xong công việc và mang lại kết quả như thỏa thuận. Trong đó, tính đền bù trong hợp đồng dịch vụ khác với bồi thường. Đền bù có nghĩa là sự trao đổi lợi ích ngang giá giữa các chủ thể với nhau.
-
Công việc được thực hiện trong thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định
Khác với hợp đồng lao động phải được thực hiện liên tục trong một khoảng thời gian nhất định đã thỏa thuận trước, không được tự ý ngắt quãng hợp đồng, trừ khi pháp luật lao động có quy định. Đối với hợp đồng dịch vụ thời gian thực hiện hợp đồng không cần liên tục, chỉ cần hoàn thành xong công việc, việc ngắt quãng phụ thuộc vào người thực hiện công việc.
3. Đối tượng và chủ thể của hợp động dịch vụ
Các quy định cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam về đối tượng và chủ thể của hợp đồng dịch vụ bao gồm:
-
Đối tượng của hợp đồng dịch vụ
Căn cứ theo quy định tại Điều 514, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Đối tượng của hợp đồng dịch vụ phải đáp ứng ba yêu cầu sau:
-
Phải là công việc có thể thực hiện được
-
Không vi phạm điều cấm của luật
-
Không trái đạo đức xã hội
-
Chủ thể của hợp đồng dịch vụ
Pháp luật dân sự Việt Nam chưa có quy định riêng biệt đối với chủ thể của hợp đồng dịch vụ. Vì vậy, chủ thể của hợp đồng dịch vụ phải tuân theo các điều kiện đặt ra đối với chủ thể giao dịch dân sự nói chung:
+ Bên cung ứng dịch vụ – Chủ thể cung cấp hoặc thực hiện dịch vụ:
-
Phải có năng lực chủ thể dân sự phù hợp với quan hệ hợp đồng dịch vụ;
-
Phải mang quốc tịch Việt Nam và được phép hành nghề ở Việt Nam
-
Nếu pháp luật quy định thì phải đảm bảo các điều kiện thực hiện công việc dịch vụ: được cấp chứng chỉ, giấy phép hành nghề hoặc kinh doanh…
+ Bên sử dụng dịch vụ – chủ thể thuê bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc
-
Phải có năng lực chủ thể phù hợp với quan hệ hợp đồng dịch vụ;
-
Nếu pháp luật quy định về các điều kiện thuê dịch vụ thì phải đảm bảo các điều kiện đó;
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên
Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng dịch vụ.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ được pháp luật quy định như sau:
4.1. Quyền và nghĩa vụ bên sử dụng dịch vụ
Theo quy định của Điều 515, 516, Bộ luật Dân sự 2015 thì bên sử dụng dịch vụ có các quyền và nghĩa vụ cơ bản sau:
-
Nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ (Điều 515, Bộ luật Dân sự 2015):
(1) Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.
(2) Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.
-
Quyền của bên sử dụng dịch vụ (Điều 516, Bộ luật Dân sự 2015):
(1). Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
(2). Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4.2. Quyền và nghĩa vụ bên cung ứng dịch vụ
Căn cứ vào Điều 517, 518, Bộ luật Dân sự 2015 thì bên cung ứng dịch vụ có các quyền và nghĩa vụ cơ bán sau:
-
Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ (Điều 517, Bộ luật Dân sự 2015)
(1). Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
(2). Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
(3). Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
(4). Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.
(5). Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
(6). Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
– Quyền của bên cung ứng dịch vụ (Điều 518, Bộ luật Dân sự 2015)
(1). Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
(2). Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
(3). Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
5. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ
Đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ là một bên đơn phương hủy bỏ hợp đồng mà không cần có sự đồng ý của bên kia. Tuy nhiên, hợp đồng trên nguyên tắc là sự thỏa thuận vì vậy khi chấm dứt hợp đồng hai bên nên thỏa thuận giải quyết các vấn đề. Căn cứ Điều 520, Bộ luật Dân sự 2015 về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ như sau:
“(1). Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
(2). Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”.
6. Tiếp tục hợp đồng dịch vụ
Dựa theo Điều 521, Bộ luật Dân sự 2015 về Tiếp tục hợp đồng dịch vụ có thể thấy. Khi đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng, bên cung ứng chưa hoàn thành công việc là đối tượng của hợp đồng dịch vụ. Thì bên cung ứng vẫn phải tiếp tục thực hiện công việc.
Trong đó: Việc chưa hoàn thành có thể là chưa đạt được kết quả như thỏa thuận, dữ liệu trong hợp đồng dịch vụ hoặc chưa hoàn thành toàn bộ các bước, quy trình của công việc.
Nếu bên sử dụng dịch vụ biết về việc tiếp tục thực hiện đó mà không phản đối. Đồng nghĩa với việc bên sử dụng đồng ý để bên cung ứng tiếp tục thực hiện công việc là đối tượng của hợp đồng dịch vụ theo nội dung đã thỏa thuận cho đến khi công việc được hoàn thành.
Qua bài viết Hợp đồng dịch vụ và những vấn đề cơ bản hy vọng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc. Để được tư vấn thêm về phần mềm ký kết hợp đồng điện tử iContract, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
-
Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
-
Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
-
Tel : 024.37545222
-
Fax: 024.37545223